Được thành lập từ năm 2002, nhưng trong quan niệm của nhiều người, Cha Lo mới chỉ là cửa khẩu phụ bởi cơ sở hạ tầng, giao thương hàng hóa còn khiêm tốn. Đến năm 2008, tỉnh Quảng Bình tập trung vực dậy một cửa khẩu mang tầm vóc chiến lược dựa trên cơ sở tuyến Quốc lộ 12 xuyên Á được mở, đi qua các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan, Myanmar, Lào về cảng Hòn La, cảng Vũng Áng... Đây thực sự là định hướng đột phá, đúng đắn, chẳng thế mà năm 2016, du khách trong và ngoài nước đến với Cha Lo tăng đột biến, bình quân mỗi ngày có trên 500 lượt đầu xe tải nặng chở hàng hóa qua lại, kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt xấp xỉ 2 tỷ USD.
Mỗi năm có khoảng 180.000 lượt xe cùng 2 triệu tấn hàng hóa qua cửa khẩu Cha Lo.
Thức dậy tiềm năng
Làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài, chúng tôi được nghe, được đi, được chứng kiến những đổi thay kỳ diệu trên quê hương Mẹ Suốt anh hùng, quê hương của Vị đại tướng lừng danh năm châu Võ Nguyên Giáp, càng thấu hiểu hơn trước sự nỗ lực phấn đấu vượt lên trên mọi khó khăn của Đảng bộ, nhân dân, của cả tập thể lãnh đạo tỉnh đến mỗi người dân Xứ Quảng.
Mặc dù là tỉnh nghèo so với các tỉnh trong khu vực miền Trung thân thương nhưng người Quảng Bình lại có đức tính chịu thương, chịu khó. Vì thế, mọi chỉ tiêu kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng đều được định hướng rất rõ ràng từ Đại hội tỉnh Đảng bộ khóa XVI. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân hằng năm đạt 8,5 - 9%. Giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm 28%; dịch vụ 52%. Phấn đấu cuối nhiệm kỳ thu ngân sách đạt trên 8.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội (2016 - 2020) đạt 60.000 tỷ đồng; giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân đầu người (GRDP) đạt 65 - 70 triệu đồng.
Ngoài sản xuất nông nghiệp, thế mạnh của Quảng Bình là tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các loại hình, sản phẩm du lịch. Hình thành 4 trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, Nhật Lệ - Bảo Ninh, Vũng Chùa - Đảo Yến, nghỉ dưỡng Bang và du lịch văn hóa, tâm linh phía Nam của tỉnh. Xây dựng Quảng Bình trở thành điểm đến du lịch của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2020, phấn đấu thu hút lượng khách du lịch đến với Quảng Bình đạt trên 5,5 triệu lượt người, doanh thu dịch vụ du lịch tăng bình quân từ 9 - 10%/3.000 tỷ đồng/năm. Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cha Lo theo hướng mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế; thích ứng với môi trường hợp tác, cạnh tranh phù hợp, gắn kết chặt chẽ với sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt hành lang kinh tế Quốc lộ 12A, hành lang kinh tế dọc đường Hồ Chí Minh, Khu kinh tế tổng hợp Hòn La; phù hợp với sự phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và hành lang kinh tế Đông Tây; đảm bảo liên kết, hợp tác với các khu kinh tế cửa khẩu trong khu vực như Lao Bảo, Cầu Treo và Khu kinh tế tổng hợp Vũng Áng.
Lên với Cha Lo
Sau buổi làm việc, chúng tôi có chuyến “tây du” lên Cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Quãng đường đèo dốc, uốn lượn quanh co, nhiều đoạn cua gấp khiến xe chúng tôi buộc phải dừng lại một bên để nhường đường cho những chiếc xe tải chở hàng “hàm hố” từ cửa khẩu về xuôi. Cô bạn đồng nghiệp cùng đi phải thốt lên, xe cộ qua lại Cửa khẩu Cha Lo quá nhộn nhịp, hơn hẳn so với hai cửa khẩu Lao Bảo của Quảng Trị và Cầu Treo của Hà Tĩnh. Có lẽ do Cửa khẩu Cha Lo đường sá thuận tiện, cơ chế thông thoáng hơn nên du khách và hàng hóa tập trung đổ về đây. Sau lời cảm nhận của cô bạn đồng nghiệp, nhìn lên những đỉnh núi bao la hùng vĩ, tôi nghe như đâu đó vẫn còn vang vọng lời ca từ bài hát “Đêm trên Cha Lo” của Nhạc sỹ Phạm Tuyên: “Biên giới sáng trong niềm vui mới-Vang vọng tiếng đoàn xe qua-Hỡi gió núi hãy hát cùng ta-Niềm hân hoan gửi vào tiếng ca-Suối ngàn hãy ngsân theo điệu khèn-Nắng quê hương bừng lên”.
Những dòng xe nối đuôi nhau chờ thông quan.
Quả đúng là “nắng quê hương đang bừng lên”, Phó ban quản lý khu kinh tế của tỉnh Quảng Bình, người được mệnh danh “Tư lệnh trưởng” Cửa khẩu Cha Lo Phạm Hữu Lợi tự hào kể với chúng tôi: “Phát triển của khu kinh tế Cửa khẩu Cha Lo như một cú đột phá sau nhiều năm ì ạch. Với phương châm thân thiện, nhanh gọn và cơ chế thoáng trong khâu xử lý thủ tục đã đem lại một diện mạo mới, kim ngạch thu lại vượt xa so với hai cửa khẩu quốc tế truyền thống như Lao Bảo và Cầu Treo. Vì thế, Cửa khẩu Cha Lo được đánh giá là một trong 10 cửa khẩu Việt-Lào qua lại thuận tiện nhất”.
Cũng theo “Tư lệnh” Lợi, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo bao gồm 6 xã thuộc huyện Minh Hoá, với tổng diện tích tự nhiên 537,7km2. Năm 2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1000/QĐ-UBND về việc phê duyệt Định hướng phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo theo hướng mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế; thích ứng với môi trường hợp tác, cạnh tranh phù hợp và gắn kết chặt chẽ với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo một cách toàn diện trở thành trung tâm kinh tế đô thị phía Tây của tỉnh; là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất - nhập hàng hoá và dịch vụ; gắn việc phát triển kinh tế với việc phân bố lao động, dân cư trong các ngành kinh tế nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Cơ chế, chính sách và môi trường đầu tư phải thực sự thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và nước ngoài yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh đa ngành, đa chức năng, trở thành khu vực động lực, trung tâm liên kết trên hành lang kinh tế Đông Tây thành trung tâm thương mại - dịch vụ với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi, vùng cao với vùng đồng bằng và đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới hai nước Việt-Lào luôn bền vững.
Sau hơn nửa ngày đường vượt rừng, chúng tôi cũng đã đặt chân tới Cha Lo, khác với những cửa khẩu mà chúng tôi đến, Cha Lo nằm giữa một thung lũng bằng phẳng rộng lớn, duy nhất chỉ có một tuyến đường độc đạo qua lại giữa hai nước Việt- Lào, bốn phía rừng núi bao bọc, các công trình cơ sở hạ tầng đầu tư xây dựng khiêm tốn nhưng bề thế, không phô trương nhưng hoạt động lại rất hiệu quả.
Sau câu chào hỏi là tay bắt mặt mừng với các đồng chí trong lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan, những người cắm chốt ở nơi rừng núi miền Tây Tổ quốc này. Phía bên kia là Khu kinh tế Cửa khẩu Lằng Khằng, huyện Bua La Pha (Lào), chúng tôi tranh thủ sang thăm bạn. Đồn trưởng đồn công an cửa khẩu của bạn vui vẻ chuyện trò: “Lực lượng bên ni Lào với bên kia Việt Nam là một, hai cửa khẩu luôn giúp đỡ nhau, khi có khó khăn chúng tôi cùng nhau giải quyết nhanh gọn để người, hàng hóa, phương tiện xe cộ tiếp tục thông thương, bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh biên giới hai nước”.
Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cha Lo Nguyễn Văn Ngành cho biết, khi chủ trương của Chính phủ, của tỉnh tập trung đầu tư nâng cấp Cửa khẩu Cha Lo lên tầm cửa khẩu quốc tế, thì lượng hàng hóa, xe cộ, du khách trong và ngoài nước luôn tấp nập, số lượng phương tiện qua lại trên 180 nghìn với khoảng 2 triệu tấn hàng hóa/năm; kim ngạch xuất - nhập khẩu lên tới 2 tỷ USD/năm, dự kiến năm 2017 đạt trên 2 tỷ USD.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài khẳng định, Quảng Bình đang xây dựng Cửa khẩu Cha Lo trở thành cửa khẩu trách nhiệm, thân thiện, thực hiện mọi thủ tục phải thực sự khoa học theo quy chuẩn quốc tế, tuyệt đối không gây phiền hà, sách nhiễu đối với mọi đối tượng tham gia qua lại làm ăn nơi cửa khẩu, nhất là đối với các đoàn khách quốc tế. Bởi lợi thế của Cửa khẩu Cha Lo là cửa khẩu qua lại gần nhất, thuận tiện nhất cho việc giao bang với các nước Thái Lan, Myanmar, Lào, vừa khai thác tối đa về lợi thế thu hút đầu tư, vừa phải bảo đảm an ninh biên giới giữa hai nước.
Tạm biệt Cha Lo, lời bài hát năm xưa lại được cất lên trong đêm giao lưu văn nghệ giữa Bộ đội biên phòng Cửa khẩu Cha Lo với Đồn công an cửa khẩu bạn: “Đêm Cha Lo, đêm biên giới-Nghe rì rầm đoàn xe, hay nhịp tim ta đó ơ-Dạt dào tình yêu quê hương”.
Anh Bình