Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 25 tháng 10 năm 2016 | 10:2

Làm giàu không dễ

Được bắt tay Chủ tịch nước, nâng bằng chứng nhận Nông dân Việt Nam xuất sắc trên tay, ai mà không sung sướng, tự hào nhưng sâu thẳm trong họ là những ưu tư, trăn trở.

Tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn… đã tới dự, trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, lần thứ 4, năm 2016 cho 63 nông dân tiêu biểu.

Những bông hoa đẹp

Bà Mai Thị Nhung ở huyện Xuân Trường, Nam Định quản lý mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp với hơn 200 lao động thường xuyên, gồm xưởng cơ khí, chuyên sản xuất máy cưa, bào, đục, máy chế biến gỗ... đã dành được tín nhiệm của người tiêu dùng tại địa phương và trên cả nước.

Từ năm 2014, bà tích tụ được gần 43ha đất nông nghiệp để lập trang trại. Bên cạnh đó, bà đầu tư hơn 10 tỷ đồng làm hệ thống kênh, mương, đường giao thông, nhà điều hành sản xuất, đào 3 ao thả cá, nuôi 1.000 con vịt đẻ, 1.200 con vịt trời… Trên bờ ao, bà trồng cây ăn trái, cây dược liệu và sắp tới sẽ chuyển đổi cơ bản đất lúa sang trồng rau sạch công nghệ cao, cung cấp rau an toàn cho thị trường…

Đoàn nông dân xuất sắc 2016 chụp hình lưu niệm với Chủ tịch nước

Điều đáng khâm phục là người phụ nữ này chỉ có... một tay. Vì cả cánh tay trái của bà đã bị máy xay xát gạo cắt cụt cách đây 30 năm, lúc bà mới tròn 18 tuổi.

Còn ông Phù Văn Khên ở Phú Quốc, Kiên Giang dù đã bước sang tuổi 73 nhưng vẫn quản lý 7 tàu lớn chuyên đánh bắt hải sản xa bờ. Trên bờ, ông có trang trại với nhiều ao thả cá, nuôi hàng trăm heo rừng, 18 con hươu, trồng 500 gốc sao, 2.000 gốc chay… Ông thuê gần trăm lao động làm trong trang trại và trả lương cho họ 6 triệu đồng/người/tháng.

Ông Vũ Huy Quang ở Yên Bái, chủ doanh nghiệp chuyên nuôi thỏ theo dự án hợp tác Việt - Nhật. Doanh thu của ông lên đến vài tỷ đồng/năm. Số tiền đó không lớn, nhưng cái lớn nhất là ông đã góp phần giúp cho hàng trăm gia đình, nhất là bà con dân tộc ở biên giới phía Bắc có thu nhập ổn định, thoát nghèo, nhiều hộ khá giả từ nuôi thỏ.

Ông Đặng Quang Hữu ở Đắkrông, Quảng Trị, quản lý 14ha đất trồng sắn, ngô, lạc, lợi nhuận gần 2 tỷ đồng/năm. Năm 2015, ông dành ra 1,5 tỷ đồng cho 600 hộ bà con nghèo tại địa phương vay làm vốn trồng rừng mà không tính lãi...

Làm giàu không dễ

Được bắt tay Chủ tịch nước, nâng bằng chứng nhận Nông dân Việt Nam xuất sắc trên tay, ai mà không thật sung sướng, tự hào nhưng sâu thẳm trong họ là những ưu tư, trăn trở.

Để có gần 43ha đất nông nghiệp, bà Nhung ở Nam Định phải ký hợp đồng với 1.700 hộ gia đình. Ông Động ở Bình Thuận có trên 200ha đất trồng mía nhưng chỗ rộng liền nhất chỉ 20ha, còn lại là những mảnh 5, 2, 1ha...

Ông Trịnh Duy Tân ở Kim Sơn, Ninh Bình nuôi 200 lợn nái, 1.000 lợn thịt, xuất bán 2.400 con lợn giống/năm, nói: “Chăn nuôi bây giờ như đánh bạc, năm ăn năm thua. Bệnh dịch nhiều loại mới xuất hiện, không đáng ngại, lo nhất là đầu ra. Công tác quản lý nhà nước chưa giúp được gì nhiều cho người chăn nuôi có được thị trường tiêu thụ ổn định”.

Ông Phạm Đình Chiểu ở Vũ Thư, Thái Bình có 75 lồng bè nuôi cá, chỉ sau một đêm, cơn bão số 1 (tháng 7-2016) tràn vào đã cuốn phăng đi hết, thiệt hại gần 25 tỷ đồng.

63 nông dân xuất sắc chụp hình lưu niệm tại lễ tuyên dương 2016

Ông Phạm Văn Hát ở Tứ Kỳ, Hải Dương chế tạo ra máy đặt hạt có năng suất gieo hạt gấp 24 người lao động. Giá thành sản xuất máy đang khá cao, đến 27 triệu đồng/cái. Nếu có người đầu tư sản xuất hàng loạt, giá máy sẽ giảm, sẽ có nhiều nông dân sở hữu được máy, nhưng ngặt nỗi ông không có bản quyền sáng chế. Ông làm đơn xin cấp bản quyền đã 2 năm nay, chưa được…

Các ông Thạch Chane trồng 12ha lúa ở Trà Cú, Trà Vinh; Phan Văn Chung trồng 14ha cam sành ở Trà Ôn, Vĩnh Long… đều có chung một tâm tư là làm sao để sản phẩm có đầu ra ổn định, để không còn phải chặt - trồng, được mùa mất giá. Nhiều nông dân đã nỗ lực “tự bơi” nhưng biển thì lớn mà sức người có hạn, họ đang cần lắm sự tiếp sức bằng cơ chế, chính sách, bằng sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, ví như chính sách về tích tụ đất đai, KH-CN, mở ra thị trường…

Cần sự lan tỏa hơn nữa

Tới dự lễ, chung vui với nông dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp duy trì, đổi mới cách thức tổ chức để Chương trình tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc ngày càng thành công hơn nữa, tạo ra sức lan tỏa rộng rãi, kích thích tư duy, thôi thúc hành động sáng tạo của giai cấp nông dân...

Đáp lại mong muốn của Chủ tịch nước, ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, đơn vị đề xuất ý tưởng và đồng hành cùng chương trình 4 năm nay, nhận thấy những năm gần đây người nông dân nước ta vẫn luôn phát triển, năng động, sáng tạo, tìm tòi để sản xuất có hiệu quả. Tin rằng tương lai sẽ có ngày càng nhiều thêm những nông dân sản xuất giỏi, có ý thức đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Công ty Bình Điền sẽ tiếp tục đồng hành, góp phần tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc trong những năm tới.

Quang Minh -  Đình Thế

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top