Làng Hòa An xưa, nay là phường Hòa An (quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng), có nghề trồng mai từ lâu đời. Trải qua bao thăng trầm, nơi đây hiện vẫn còn hơn 30 hộ gắn bó với nghề.
Ông Chu Đức Chân ở tổ 23, từ bé đã ham thích trồng và chăm sóc mai; niềm say mê mai cảnh thấm sâu trong ông như cơm ăn nước uống hàng ngày. Dù đã già yếu nhưng sớm chiều ông vẫn say mê chăm vườn mai, trong đó có những cây mai mà tuổi của nó còn nhiều hơn tuổi chủ nhân.
Người dân Hòa An đang tích cực chăm sóc mai.
Theo ông Chân, trước kia dân làng Hòa An chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng mai vườn, Tết đến cắt cành mai đem bán khắp nơi, nhiều nhất là dọc đường Hùng Vương (Đà Nẵng). Theo tiến trình phát triển đô thị, làng Hòa An nay đã trở thành phường. Những vườn mai ngày ấy lần lượt “nhường chỗ” cho các khu phố mới. Chỉ còn hơn 30 hộ có vườn chưa trúng vào quy hoạch vẫn tiếp tục mưu sinh bằng nghề trồng mai và đã chuyển sang trồng mai chậu để bán nguyên cây chứ không trồng mai bán cành như trước.
Tết Nguyên đán năm nay, anh Huỳnh Phước Châu (tổ 46) cung cấp ra thị trường hơn 400 chậu mai, với hai loại thanh mai và hồng diệp. Anh đã đầu tư làm nhà lưới để “hãm” cho mai nở đúng Tết và từ giữa tháng 11 âm lịch đã lo lặt lá để cây mai dồn dưỡng chất nuôi nụ. Hễ thấy chậu mai nào mà nụ phát triển nhanh, có khả năng nở trước Tết, anh chuyển vào trong nhà lưới. Nhiệt độ trong nhà lưới thấp hơn ngoài vườn khiến cho nụ phát triển chậm lại. Còn những chậu mai trong nhà lưới mà nụ chậm phát triển, anh lại đưa ra vườn để sử dụng nhiệt độ ngoài trời “thúc” hoa nở nhanh cho kịp Tết. “Dù có làm nhà lưới, nhà kính, hay lặt búp sớm, nhưng nếu trời rét lạnh kéo dài hoặc có sương muối thì cây mai cũng cứ “đứng miết”, còn gặp thời tiết nắng nóng liên tục thì mai sẽ nở bung trước Tết”, anh Châu chia sẻ.
Trồng mai không chỉ là công việc mưu sinh mà trước hết phải có sự say mê, tâm huyết. Nhiều người trồng mai khẳng định, khi có việc đi xa một vài ngày là lòng dạ cồn cào “nỗi nhớ mai”. Như ông Lê Hai, Phó chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa An, ngoài giờ làm việc là “ở miết” ngoài vườn, miệt mài chăm mai như một thú vui tao nhã giữa đời thường. Vườn mai của ông có hơn 200 chậu, với nhiều dáng thế đẹp. Có những chậu mai dáng “long chầu” ông Hai đã dày công chăm sóc hàng chục năm với giá bán trong dịp Tết này là 40 triệu đồng/cặp. “Trồng mai phải đầu tư lớn, công sức nhiều, phải có cái nhìn thẩm mỹ trong việc uốn cành tạo dáng nhưng sản phẩm không sợ ế, Tết này bán chưa được thì để đến Tết sau”, ông Hai trải lòng.
Hằng năm, từ mồng 10 tháng Giêng, người trồng mai bắt đầu công việc cho vụ Tết. Từng cây mai được bứng ra khỏi chậu một cách khéo léo, nhẹ nhàng để cho có bầu đất ôm quanh bộ rễ. Sau đó, chủ vườn lấy đất mới trộn với xơ dừa, cát, phân chuồng hoai mục cho vào chậu, rồi đưa cây mai trồng vào chậu. Kể từ đó, sớm chiều người trồng mai tất bật ngoài vườn, miệt mài tưới, bón, uốn cây, ghép cành, tạo dáng, ngắm nghía, tỉa tót từng chiếc lá. Chủ vườn Trần Ngọc Anh (tổ 50) cho biết: “Vất vả nhất là khâu phòng trừ sâu bệnh. Trước kia thưa dân, người trồng mai phun thuốc hóa học, sâu bệnh sau thời gian lâu mới có lại, còn bây giờ phố xá kế cận các vườn mai, nên phải dùng thuốc sinh học để trừ sâu, mà thuốc sinh học đắt tiền hơn, nồng độ nhẹ, sâu bệnh nhanh có lại, nên phải phun thuốc hằng tuần”.
Mới đầu tháng Chạp mà làng mai Hòa An đã nhộn nhịp, nhiều vườn đã có thương lái đến hỏi mua. Bà con rạng rỡ niềm vui bởi những ngày gần đây trời nắng ấm, không rét lạnh mà cũng không quá nóng, giúp nụ mai phát triển tốt. Những người trồng mai nơi đây hy vọng năm nay mai nở đẹp và sẽ có một vụ Tết bội thu.
Lê Văn Thơm
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.