Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 29 tháng 1 năm 2022 | 4:1

Làng nghề ăn nên làm ra “hái tiền” dịp Tết

Những ngày cận Tết, các làng nghề ở nhiều địa phương đều tất bật hối hả, người dân làm việc hết công suất để kịp cung ứng ra thị trường. Đây cũng là dịp tạo các làng nghề ăn nên làm ra nhất trong năm.

bt4-ok.jpg
Các hộ gia đình trong làng Bạc (Phú Thượng, Tây Hồ) tất bật gói bánh cho kịp những đơn đặt hàng của khách ngày cận Tết.

 

Hà Nội: Làng “bánh chưng vàng, chưng bạc” đỏ lửa ngày đêm

Bên cạnh sắc thắm của đào hay sắc vàng của mai trong ngày Tết cổ truyền, không thể không kể đến hương vị bánh chưng trong từng mâm cơm gia đình Việt dịp này. Ngay giữa Thủ đô, làng Bạc (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) cũng đang ngày đêm đỏ lửa để cho ra những mẻ bánh chưng phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Làng Bạc là một trong những làng gói bánh chưng nổi tiếng Hà Nội. Không có quy mô sản xuất bánh chưng lớn như làng Tranh Khúc hay Lỗ Khê, làng Bạc lại có những dòng họ lâu đời làm bánh chưng truyền thống, chất lượng bánh thơm ngon nhất nhì Hà Nội. Cứ vào những ngày giáp Tết, làng Bạc lại trở nên nhộn nhịp hơn cả. Trong nhà những hộ làm bánh ngập tràn sắc xanh của lá dong, mùi thơm của đậu xanh, thịt lợn, những bếp bánh chưng đỏ lửa suốt đêm ngày... Mỗi người một việc, ai nấy đều bận rộn để kịp đưa ra thị trường hàng nghìn chiếc bánh chưng mỗi ngày.

Bánh chưng làng Bạc được nhiều người Hà Nội ví là “bánh chưng vàng, chưng bạc” bởi giá đắt và chất lượng cũng thuộc loại ngon nhất nhì trong số các làng làm bánh quanh Thủ đô. Dù không có nhiều hộ trong làng làm nghề bánh, nhưng lượng bánh của làng cung cấp ra thị trường chiếm 20 - 30% thị phần.

Theo cô Phượng, chủ một gia đình làm bánh trong làng tiết lộ, mỗi làng nghề gói bánh chưng đều có cách gói và cách pha chế khác nhau. Bản thân trong các hộ gói bánh tại làng cũng có những bí quyết gia truyền khác nhau, chỉ truyền lại cho người trong gia đình. Nhưng nhìn chung, bánh chưng muốn ngon, đầu tiên phải cầu kỳ từ chọn nguyên liệu: Thịt lợn, gạo nếp, đậu xanh đến lá dong, hạt tiêu...

Gạo làm bánh có rất nhiều loại, nhưng ngon nhất vẫn là gạo nếp cái hoa vàng của vùng Hải Hậu (Nam Định) hạt tròn, thơm, dẻo, trắng đều. Trước khi gói bánh, chỉ cần vo sạch gạo trước 1 giờ, để ráo, chứ không nên ngâm gạo qua đêm. Đậu xanh cũng phải chọn loại ngon, bở. Muốn bánh có vị ngậy và thơm, thợ làm bánh thường chọn loại đậu hạt nhỏ, để nguyên vỏ, ngâm kỹ trước khi đồ để nhân bánh có độ bở, tơi xốp.

Một nguyên liệu không thể thiếu trong nhân bánh nữa là thịt lợn. Thịt được chọn làm nhân không được nạc quá, không được mỡ quá, thích hợp nhất là phần thịt ba chỉ. Thịt được thái thành những miếng to bản, để nguyên bì, sau đó ướp thêm nước mắm và hạt tiêu. Bên cạnh những nguyên liệu ngon, để làm ra chiếc bánh chưng hoàn hảo còn phụ thuộc vào hai công đoạn quan trọng nữa, là gói bánh và luộc bánh.

“Thật ra bánh chưng thì ở đâu cũng gói, nhưng để bánh chưng không bị thiu, bị hỏng sớm thì phải bảo đảm làm theo công thức thịt nằm kín trong đỗ, đỗ nằm kín trong gạo và gói thật chặt tay... Khi cắt bánh ra đĩa, miếng nhân thịt luôn cân đối ở tất cả các phần”, cô Phượng cho biết.

Nghe nói qua có vẻ đơn giản, nhưng để đạt được trình độ gói bánh sao cho thật chặt, thật chắc tay, bánh “vào khuôn” đẹp, thì đòi hỏi người gói bánh đạt đến trình độ cao, phải là những người thợ lâu năm mới làm được. Thông thường, vào dịp làm bánh chưng Tết, mỗi hộ gói bánh tại làng Bạc phải thuê thêm khoảng 10 - 15 nhân công để cọ lá, đãi đỗ và vo gạo. Còn những thợ chính trong làng đảm nhận khâu gói bánh. Với những thợ lâu năm, lão luyện, tốc độ gói bánh có thể lên tới 100 bánh/giờ.

Bánh chưng làng Bạc thường được phân phối quanh khu vực Tây Hồ và những đầu mối đặt bánh chưng ở các chợ lớn như Đồng Xuân, Hàng Da, Chợ Hôm.... Vào dịp Tết, tùy vào giá nguyên liệu mà giá bánh có thể tăng, giảm đôi chút, khoảng 40.000 đồng cho loại bánh thường và 50.000 đồng đối với bánh đặc biệt.

Chị Dung - một tiểu thương bán lẻ bánh chưng, giò chả chợ Hàng Bè - cho biết, người Hà Nội nổi tiếng là sành ăn, nên thực phẩm phải ngon, hợp khẩu vị. Bánh chưng làng Bạc thơm, dền, đầy đặn, vừa ăn, nên rất được khách ưa chuộng. Mỗi dịp Tết, nhà chị phải nhập gần 500 bánh để bán cho khách từ 23 tháng Chạp đến tối 30 Tết.

Trung bình một ngày, một hộ gói bánh chưng làng Bạc có thể gói từ 1.000 - 2.000 bánh, nhưng vẫn không đủ để phục vụ khách. Bánh chưng làng Bạc toàn bộ đều được gói bằng tay, nên chất lượng phụ thuộc nhiều vào bàn tay của người thợ, chỉ cần thuê người thợ từ nơi khác đến gói, thì vẫn nguyên liệu ấy, nhưng lại tạo nên một hương vị khác, khiến khách không hài lòng. Bởi vậy, dù sản xuất với số lượng lớn, nhưng nhiều khi các hộ làm bánh ở làng Bạc vẫn phải từ chối đơn đặt hàng của khách, nhất là vào dịp Tết, vì thợ gói bánh không làm kịp.

Trong không khí vui Tết, vui Xuân, thưởng thức một miếng bánh chưng mới cảm nhận được cái hương vị đậm đà của một loại bánh truyền thống. Cứ như vậy, vào dịp Tết đến Xuân về, những hộ gói bánh chưng ở làng Bạc lại nổi lửa ngày đêm để cho ra những chiếc bánh ngon nhất, đẹp nhất đưa đến tay khách hàng.

Thanh Hóa: Nghề nướng cá ăn nên làm ra dịp Tết

Những ngày cận Tết, làng nướng cá "đặc sản" bên bờ biển Thanh Hóa người dân làm việc hết công suất, mướt mồ hôi nhưng vẫn không đủ hàng cung ứng ra thị trường.

Xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa nổi tiếng với nghề đi biển. Trai tráng thì ra khơi đánh cá, những người phụ nữ ở nhà thì làm các dịch vụ hậu cần nghề cá như buôn bán hải sản, bốc hàng, nước xá… Trong số những nghề cơ cực đó, có nghề nướng cá được thường ăn nên làm ra mỗi dịp Tết đến.

6-16433467559341653130033.jpg
Nghề nướng cá biển tuy vất vả nhưng mang lại thu nhập ổn định.

 

Với các loại cá nướng, cá thu vẫn được xem là cá "đặc sản" có thị trường tiêu thụ lớn, ổn định nhất. Đây là loài cá có giá trị dinh dưỡng cao, thường được nhiều người mua để làm quà mỗi dịp Xuân về, vì thế cứ vào đầu tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), làng nước cá ở cửa biển Ngư Lộc lại bất bật, đỏ lửa suốt đêm ngày nướng cá.

Tại cơ sở nướng cá của bà Trần Thị Hóa (SN 1960, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) luôn nhộn nhịp không khí lao động. Gia đình bà thường ngày có 4 người làm công việc lấy cá, rã đông, chặt cá, nướng cá… nhưng năm nay đơn hàng nhiều, gia đình bà phải thuê thêm 3 lao động mới kịp giao hàng cho khách trước 28 Tết.

Gia đình bà Hóa có thâm niên nướng cá "đặc sản" hàng chục năm, bình thường gia đình bà tiêu thụ khoảng 15 tấn cá các loại, thì tháng giáp Tết, sản lượng tiêu thụ tăng hơn gấp đôi, khoảng 40 tấn cá các loại, riêng cá thu lên đến 20 tấn.

"Cá nướng muốn thơm ngon phải được cắp đông ngay khi khai thác trên biển. Cá thu béo, thơm ngon, béo, nhiều thịt nhất thường được khai thác từ tháng 11 đến tháng 2 Âm lịch. Để nướng những mẻ cá chín đều, thịt bên trong thơm ngọt, mất rất nhiều thời gian. Những ngày sát Tết cơ sở chúng tôi phải nướng cá xuyên đêm"- bà Hóa thông tin.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại xã Ngư Lộc hiện có hàng chục cơ sở nướng cá cung ứng ra thị trường. Nghề này rất vất vả, bởi người nướng cá luôn ám mùi tanh nồng, mặt mũi lấm lem than khói. Tuy nhiên, nó lại là nghề có thu nhập ổn định cho người dân. Đặc biệt, nhiều lao động ở độ tuổi 50-60, không đủ sức khỏe làm việc tại các công ty vẫn có thể làm được.

Có lượng tiêu thụ lớn, mỗi tháng gia đình bà Hóa kiểm được khoảng 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, còn tháng cuối cùng của năm, doanh thu lên đến gần 3 tỉ đồng. Trừ chi phí, trả lương cho người lao động, gia đình bà Hóa cũng có thu nhập khá, ổn định.

Theo ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, trên địa bàn xã có hàng chục hộ gia đình làm nghề nướng cá biển. So với nghề đi biển, nghề này cũng cơ cực nhưng mang lại thu nhập ổn định. "Rất nhiều gia đình có thu nhập khá giả từ nghề nướng cá biển, đây là nghề không chỉ giúp người dân vươn lên thoát nghèo mà còn tạo điều kiện cho nhiều lao động địa phương có thêm thu nhập, đặc biệt là dịp Tết"- ông Quang chia sẻ.

 

Hưng Yên: Tất bật đơn hàng gà Đông Tảo phục vụ Tết

Ông Lê Quang Thắng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo cho biết: HTX hiện nuôi hơn 3 nghìn con gà Đông Tảo phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng nhu cầu tiêu dùng gà Đông Tảo vẫn ổn định. Năm nay, gà thương phẩm có giá từ 200 đến 250 nghìn đồng/kg, tương đương so với năm trước. Gà Đông Tảo làm quà biếu có giá từ 2 đến 3 triệu đồng/con, cá biệt, gà Đông Tảo thuần chủng có chân to khủng, dáng đẹp có giá từ 5 triệu đồng/con trở lên. Mặc dù gà Đông Tảo thuần chủng có giá cao và chỉ bán theo con nhưng đã được khách hàng ở các tỉnh đặt mua từ sớm.

ce2d35a3aee547bb1ef4.jpg
Gà Đông Tảo được coi là giống gà quý, được dùng làm đồ cúng tiến cho vua chúa thời xưa. Gà Đông Tảo đặc biệt quý ở đôi chân.

 

Theo kinh nghiệm của các thành viên HTX chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo, để có những con gà Đông Tảo với hình dáng đẹp, thịt ngon là cả một quá trình chăm sóc kỳ công. Gà Đông Tảo được đánh giá là đẹp thường có đặc điểm mào sít, đầu to, mắt dữ, mỏ ngắn và cụp vào trong. Đặc biệt là cặp chân to, thô, và xù xì. Khi trưởng thành, con trống có thể nặng tới 6kg.

Theo tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu, toàn huyện hiện có trên 100 nghìn con gà Đông Tảo và trên 700 nghìn con gà Đông Tảo lai, nuôi tập trung ở các xã: Đông Tảo, Liên Khê, Tân Dân, Đông Kết… Dự kiến dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, toàn huyện sẽ cung cấp hơn 7 nghìn con gà Đông Tảo làm quà biếu và gần 200 tấn gà thịt thương phẩm.

Những năm gần đây, nhận thấy nhu cầu của thị trường và hiệu quả kinh tế của gà Đông Tảo và Đông Tảo lai, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chuyển đổi đối tượng vật nuôi hoặc mở rộng quy mô nuôi thả. Tất bật với những đơn hàng giao gà cho khách, chị Nguyễn Thị Lân, thôn Sầm Khúc, xã Việt Hưng (Văn Lâm) vui vẻ cho biết: Gia đình tôi có hơn 600 con gà Đông Tảo, Đông Tảo lai phục vụ thị trường Tết. Thịt gà Đông Tảo được khách hàng ưu tiên lựa chọn. Đến nay, gia đình tôi đã tiêu thụ được trên 400 con, giá bán trung bình 220 nghìn đồng/kg.

Theo tổng hợp của Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT), đàn gia cầm của Hưng Yên hiện có hơn 9,9 triệu con, trong đó đàn gà Đông Tảo, Đông Tảo lai chiếm trên 35% tổng đàn. Đến nay, hoạt động chăn nuôi gà Đông Tảo không chỉ tập trung tại xã Đông Tảo (Khoái Châu) mà còn được mở rộng, nuôi thành công ở nhiều địa phương trong tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để đa dạng các sản phẩm từ gà Đông Tảo, một số HTX, hộ chăn nuôi đã chế biến thành một số sản phẩm như: Giò lụa gà Đông Tảo, giò xào gà Đông Tảo, chân gà Đông Tảo ngâm sả tắc… Cùng với đó, dịch vụ vận chuyển, sơ chế, đóng gói hút chân không gà Đông Tảo cũng được nhiều khách hàng lựa chọn để bảo đảm an toàn trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19./.

 

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top