Từ khi Dự án khu thương mại làng nghề Bát Tràng bị dừng, nhiều hộ kinh doanh gốm sứ và người dân xã Bát Tràng đang phải chịu nhiều thiệt thòi, sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu chờ đợi ngày dự án được tái triển khai...
Từ khi Dự án khu thương mại làng nghề Bát Tràng bị dừng, nhiều hộ kinh doanh gốm sứ và người dân xã Bát Tràng đang phải chịu nhiều thiệt thòi, sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu chờ đợi ngày dự án được tái triển khai xây dựng, nhiều hạng mục không được đầu tư, công trình dang dở phơi mưa nắng… cộng với thông tin Dự án bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng chưa biết ngày nào được Thành phố Hà Nội thông qua, càng khiến các hộ dân và tiểu thương nóng lòng muốn có được mặt bằng kinh doanh ổn định để mưu sinh, thay đổi cuộc sống.
Trong khi các tiểu thương không có chỗ kinh doanh, buôn bán, nhưng hàng nghìn m2 đất đai vẫn để hoang hóa, lãng phí trong nhiều năm đã và đang gây bức xúc và bất bình trong dư luận.
Trước đây, Công ty Cổ phần Sứ Bát Tràng (đơn vị chủ quản Hapro) lập dự án khu thương mại làng nghề nhưng không triển khai được, dẫn đến việc đất bị bỏ hoang nhiều năm, tình trạng môi trường trên khu vực đất ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.
Năm 2012, Công ty Sứ Bát Tràng có ký Hợp đồng liên doanh liên kết với Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch Quang Minh (Xóm 3, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, hà Nội), theo đó, chuyển cho Công ty Quang Minh tiếp tục thực hiện dự án và khai thác trên diện tích hơn l,3ha vốn là Phân xưởng khuôn bao - mỹ nghệ thuộc Công ty Sứ Bát Tràng.
Từ khi được chuyển giao, nhiều khó khăn liên quan đến các hộ dân chiếm đất trái phép quá hạn không chịu di dời, công tác giải phóng mặt bằng gặp trở ngại khiến việc triển khai dự án liên tục bị chậm, dừng tiến độ.
Năm 2012, trong khi thi công phần móng khu nhà trung tâm, chủ đầu tư khai quật được 53 bộ hài cốt, quá trình khai quật ở độ sâu 3-4m dưới lòng đất diễn ra nhiều tháng ròng rã.
Sau đó, khó khăn chưa chịu buông tha, toàn bộ diện tích 1.700m2 hố móng bị úng ngập do rơi vào mùa mưa sau khi khắc phục hết các sự cố trên thì giấy phép của chủ đầu tư bị hết hạn. Cộng với việc, năm 2016, Thành phố Hà Nội quyết định đưa Làng Bát Tràng và Vạn Phúc vào dự án quy hoạch bảo tồn phát triển du lịch làng nghề, khiến mọi hoạt động liên quan đến đầu tư xây dựng Dự án khu thương mại làng nghề Bát Tràng bị đình trệ hoàn toàn.
Nói về 3 năm dự án “đắp chiếu”, bà Vũ Thị Nhung - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quang Minh (đơn vị chủ đầu tư) không khỏi xót xa cho biết, 3 năm dừng dự án, với một doanh nghiệp đầu tư và xây dựng có nghĩa là 3 năm đọng chết vốn, không một đồng thu nhập, không một đồng tiền lưu thông.
“Từng đó thời gian khiến cho doanh nghiệp chúng tôi điêu đứng, kiệt quệ về tài chính. Bên cạnh đó, dự án quy hoạch của Thành phố Hà Nội bước sang năm thứ 3 chưa công bố khiến cho doanh nghiệp chúng tôi lao đao theo, sự tin tưởng, uy tín bị giảm sút. Trong khi, khoảng 6.000m2 đất trống để hoang phí, nhưng vẫn phải đóng thuế, từ chi phí vận hành cho đến chi phí lãi vay, chi phí lãi ngân hàng, phí phạt tồn kho vật tư… ước tính số tiền thiệt hại do dừng, chờ quy hoạch mà doanh nghiệp chúng tôi phải gánh chịu là gần 20 tỷ đồng” - bà Vũ Thị Nhung nói.
Hàng trăm tấn thép để xây dựng Dự án khu thương mại làng nghề Bát Tràng bị để hoang phế từ nhiều năm nay.
Ghi nhận thực tế cho thấy, là làng nghề cổ - nơi đón hàng vạn lượt khách du lịch đến mỗi năm, nhưng tình trạng các gian hàng quán bày bán sản phẩm gốm sứ liêu xiêu, tạm bợ đã tồn tại từ nhiều năm nay mà chưa biết bao giờ được ổn định. Đi sâu vào bên trong khu đất, tất cả đều đang có dấu hiệu bị hoen gỉ, xuống cấp nghiêm trọng. Hàng trăm tấn thép để phục vụ xây dựng dự án có tổng giá trị đầu tư ngót nghét gần trăm tỷ đồng nằm phơi nắng, phơi mưa. Cỏ dại, dây leo phủ đầy hố cọc. Nhìn cảnh tượng ấy, ít ai có thể cầm lòng, không khỏi tiếc nuối cho một dự án lớn bị “đắp chiếu” suốt nhiều năm nay.
Dự án khu thương mại làng nghề Bát Tràng ra đời là để thu hút hàng trăm tiểu thương vào làm ăn, buôn bán, có mặt bằng ổn định để trưng bày các sản phẩm của làng nghề cùng với đó là giải quyết công ăn, việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, làm lợi ngân sách cho Nhà nước, tạo sự ổn định cho xã hội.
Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, với nhiều nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan khiến dự án bị tạm dừng dẫn đến không chỉ đầu đầu tư mà nhiều tiểu thương cảm thấy hoang mang, lo lắng tột độ, nguy cơ người lao động không có công ăn việc làm ổn định kéo theo hàng nghìn gia đình bố mẹ, vợ chồng, con cái không có nguồn sống, không có trợ cấp xã hội đã tạo bất bình, bức xúc trong dư luận.
Nhớ lại quãng thời gian những khổ cực chờ đợi ki-ốt trong nhiều năm, chị Phạm Thị Hường – một tiểu thương người Bát Tràng cho biết: “Vì vướng dự án, quy hoạch của thành phố cho nên mấy năm rồi, việc dựng một cái sạp nhỏ để bán hàng thôi cũng không được phép. Bây giờ, tôi mong muốn nhất là được ổn định. Thành phố hay chính quyền huyện, xã có làm gì thì cũng đẩy nhanh hơn để người dân chúng tôi bớt khổ. Chờ đợi lâu quá, chỗ kinh doanh không có, chúng tôi biết làm gì để duy trì cuộc sống hàng ngày”.
Trước thực tế đang diễn ra, không chỉ riêng chủ đầu tư Dự án khu thương mại làng nghề Bát Tràng là Công ty Quang Minh mà hàng loạt tiểu thương của làng nghề gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội đã có đề nghị gửi các cơ quan Trung ương và Hà Nội như sau:
Một là, đề nghị các cấp, các ngành của Thành phố Hà Nội khẩn trương hoàn thiện và phê duyệt quy hoạch Bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng để người dân yên tâm, sớm ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng các doanh nghiệp và người dân trong vùng quy hoạch bị hạn chế, ảnh hưởng đến quyền lợi...
Hai là, trong thời gian chờ đợi các cấp có thẩm quyền lập, phê duyệt quy hoạch Dự án Bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại Bát Tràng, đề nghị các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho chủ đầu tư và người dân Bát Tràng tiếp tục thực hiện Dự án khu thương mại làng nghề Bát Tràng để bà con Bát Tràng có cơ hội được kinh doanh buôn bán, phát triển du lịch, gia tăng kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.
Ba là, đối với việc xử lý sau thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai của Công ty Cổ phần Sứ Bát Tràng tại thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm đã được Thanh tra Thành phố kết luận và có sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, cần được xử lý đúng người, đúng việc, đúng trách nhiệm, đúng thẩm quyền, không để việc xử lý gây ảnh hưởng, thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các doanh nghiệp và người dân chân chính đang đầu tư xây dựng, giữ gìn, phát triển nghề nghiệp truyền thống hàng nghìn năm của gốm sứ Bát Tràng.
Việc giúp tồn tại một doanh nghiệp đã khó, nhưng để doanh nghiệp có chỗ đứng và tiếp tục phát triển lại càng đặt ra yêu cầu khó khăn gấp bội, do đó, để bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp tại Bát Tràng, đã đến lúc, UBND Thành phố Hà Nội cần có sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ, tạo cơ chế thuận lợi, hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp theo đúng chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.