Do tác động của dịch Covid-19, các làng nghề trên các địa phương đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ nhân lực, nguyên liệu cho đến đầu ra… Tuy nhiên, các làng nghề truyền thống đều cố gắng duy trì sản xuất nhằm tìm cơ hội bứt phá khi dịch đi qua.
Sản xuất tại làng nghề mỹ nghệ xã Dương Quang (thị xã Mỹ Hào).
Hưng Yên: Các làng nghề nỗ lực tìm kiếm cơ hội bứt phá sau dịch Covid-19
Do tác động của dịch Covid-19, các làng nghề trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ nhân lực, nguyên liệu cho đến đầu ra sản phẩm… Tuy nhiên, các làng nghề truyền thống đều cố gắng duy trì sản xuất nhằm tìm kiếm cơ hội bứt phá khi dịch đi qua.
Làng nghề mộc mỹ nghệ Thụy Lân, xã Thanh Long (Yên Mỹ) nổi tiếng với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, trang trí nội thất. Hiện nay, làng nghề có hơn 200 cơ sở sản xuất, tạo công ăn việc làm cho trên 500 lao động. Doanh thu năm 2019 của làng nghề đạt 320 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động của làng nghề gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Đăng Chính, chủ một cơ sở sản xuất tại làng nghề chia sẻ: “Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều đơn hàng đã ký trước đó đều thông báo tạm hoãn, khách hàng mua lẻ cũng ít đi rất nhiều. Thu nhập của người dân làng nghề chủ yếu phụ thuộc vào sản phẩm, nhưng nay không có việc làm nên mọi khoản thu đều bị cắt. Do đó, chúng tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ một phần cho người lao động; tiếp tục hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi cho hộ sản xuất”.
Tương tự, tại làng nghề đúc đồng Lộng Thượng, xã Đại Đồng (Văn Lâm), nơi tạo công ăn việc làm cho gần 1 nghìn lao động và có doanh thu năm 2019 hơn 250 tỷ đồng cũng đang phải sản xuất cầm chừng do thiếu nguyên liệu và hàng không xuất được. Nếu trước kia, làng nghề hoạt động sôi động ngày đêm với nhiều đơn hàng trong và ngoài nước, thì khi dịch Covid-19 bùng phát, làng nghề rơi vào tình trạng sản xuất đình trệ. Các đối tác ngừng nhập hàng, hoặc do “tắc biên” không xuất được hàng dẫn đến tình trạng lưu kho, nhiều cơ sở sản xuất phải tạm đóng cửa.
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các làng nghề đều cố gắng chuyển đổi hình thức kinh doanh để duy trì sản xuất. Anh Phạm Thành Lợi, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Thuận Lợi, xã Hòa Phong (thị xã Mỹ Hào) cho biết: “Thời gian này, chúng tôi chủ yếu tập trung sáng tác mẫu mã mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi nhu cầu của thị trường thay đổi từng ngày, nếu mình cứ đứng yên một chỗ, khi dịch đi qua sẽ không kịp bắt nhịp với yêu cầu mới từ thị trường”.
Anh Phạm Văn Tăng, chủ một cơ sở sản xuất tại làng nghề chạm bạc Huệ Lai, xã Phù Ủng (Ân Thi) cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cơ sở sản xuất tại làng nghề đã chủ động chuyển sang bán hàng online. Ngoài ra, các cơ sở cũng tập trung đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ thợ và đầu tư sáng tác các mẫu mã mới. Chúng tôi chủ động các giải pháp duy trì sản xuất để vượt qua “bão” dịch, chủ động linh hoạt chuyển đổi phương thức kinh doanh để đón cơ hội sau khi dịch đi qua”.
Ông Nguyễn Như Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề hương Cao Thôn, xã Bảo Khê (thành phố Hưng Yên) cho biết: Khó khăn nhất của làng nghề hiện nay là giải quyết việc làm cho các lao động, bởi nếu cho lao động nghỉ việc thì sau khi dịch đi qua, sẽ thiếu hụt một lượng thợ có tay nghề. Do đó, các cơ sở vẫn cố duy trì sản xuất bằng cách giảm giờ làm, cho lao động nghỉ việc luân phiên; yêu cầu lao động khi đến làm việc phải bảo đảm các yêu cầu bảo đảm an toàn phòng dịch như: Đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát trùng và giữ khoảng cách 2m với người khác khi tiếp xúc.
Với 55 làng nghề, trong đó nhiều làng nghề tham gia xuất khẩu hàng hóa thì đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, doanh thu, mà còn ảnh hưởng đến việc làm của hàng nghìn lao động nông thôn của Hưng Yên trong thời gian qua.
Ông Lê Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, cho biết: Một trong những khó khăn đối với các làng nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay đó là vấn đề thiếu nguồn nguyên liệu. Do đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần chủ động đẩy mạnh tìm kiếm những vùng nguyên liệu mới, tăng cường áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, tìm thêm thị trường đầu ra cho sản phẩm...
Thanh Hóa: Phát triển cửa hàng thực phẩm an toàn khu vực nông thôn
Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực phát triển cửa hàng thực phẩm an toàn (TPAT) tại khu vực nông thôn. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tiến tới loại bỏ chợ tạm, chợ cóc. Đồng thời, hình thành thói quen tiêu dùng hàng hóa rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ của người dân.
Việc khai trương các cửa hàng TPAT trên địa bàn huyện Tĩnh Gia được manh nha thực hiện từ năm 2017. Trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển các cửa hàng TPAT tại các xã, thị trấn của huyện gặp khá nhiều khó khăn. Do huyện có địa hình rộng, dân cư phân bố không tập trung, khiến nhiều doanh nghiệp, cá nhân chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng, phát triển cửa hàng TPAT. Hơn nữa, mức thu nhập hạn chế, nên người dân ham tiêu dùng các mặt hàng nông sản, thực phẩm rẻ tiền, không có nguồn gốc xuất xứ, nên sức tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm tại các cửa hàng TPAT còn thấp là rào cản lớn đối với sự phát triển của các cửa hàng này.
Vì vậy, thời gian qua, huyện Tĩnh Gia đã khuyến khích, vận động doanh nghiệp, hộ cá thể tập trung thực hiện cửa hàng TPAT ở các địa phương có lợi thế về giao thông, nơi thu hút đông lao động, như: Khu Kinh tế Nghi Sơn, thị trấn Tĩnh Gia, các xã vùng biển Hải Bình, Hải Thanh...
Đến nay, trên địa bàn huyện Tĩnh Gia đã phát triển được 10 cửa hàng TPAT. Ngoài ra, huyện còn xây dựng được 4 chuỗi cung ứng lúa, gạo an toàn, 5 chuỗi cung ứng TPAT và 63 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đáp ứng quy định về vệ sinh thú y.
Để phát triển cửa hàng TPAT tại các xã, thị trấn trên địa bàn, huyện Nga Sơn đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân phát triển các cửa hàng kinh doanh TPAT tại các xã, thị trấn, các khu dân cư. Tập trung phát triển vùng trồng rau, quả an toàn, diện tích nông nghiệp công nghệ cao để cung ứng cho các cửa hàng và thị trường những sản phẩm nông nghiệp bảo đảm chất lượng. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, xác nhận kiến thức cho các chủ cửa hàng kinh doanh TPAT. Tổ chức cho các chủ cửa hàng chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm ký cam kết bảo đảm ATTP trong quá trình hoạt động.
Thông qua việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp, đến nay, huyện Nga Sơn đã xây dựng được 30 cửa hàng TPAT tại các xã, thị trấn, khu dân cư, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 100 cơ sở; xây dựng được 75 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm ATTP. Các nông sản, thực phẩm được bán tại các cửa hàng TPAT đều được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, được kiểm soát chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ, một số sản phẩm được dán tem xác nhận “Sản phẩm chuỗi cung ứng TPAT”. Bên cạnh đó, huyện còn xây dựng được 36 chuỗi cung ứng TPAT; trong đó, có 8 chuỗi cung ứng gạo an toàn, 10 chuỗi cung ứng rau quả an toàn, 10 chuỗi cung ứng thịt gia súc, gia cầm an toàn và 8 chuỗi cung ứng thủy sản an toàn.
Là huyện miền núi, song hiện trên địa bàn huyện Bá Thước đã phát triển được 12 cửa hàng TPAT. Ông Vũ Đình Hảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Bá Thước, cho biết: Kinh nghiệm để phát triển được các cửa hàng TPAT của huyện nằm ở khâu tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân về tầm quan trọng và lợi ích của việc sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ đối với sức khỏe, từ đó thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản, TPAT, tạo động lực để các doanh nghiệp, đơn vị đầu tư xây dựng và phát triển các cửa hàng TPAT.
Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp, nhiều địa phương đã và đang xây dựng và phát triển được hệ thống cửa hàng TPAT tại khu vực nông thôn. Theo tổng hợp của Ban chỉ đạo Quản lý vệ sinh ATTP tỉnh, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 415 cửa hàng TPAT. Hiện, UBND các huyện trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục xây dựng 98 cửa hàng TPAT tại khu vực nông thôn.
Ninh Bình: Từng bước tái đàn để tăng nguồn cung thịt lợn
Giá thịt lợn vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và thậm chí đang quay trở lại mốc cao nhất từ trước tới nay. Để tăng nguồn cung thịt lợn ra thị trường trong thời gian tới, các cơ sở, trang trại chăn nuôi bảo đảm đủ điều kiện an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã và đang tích cực tái đàn.
Bà Nguyễn Thị Mai ở xã Phú Lộc, huyện Nho Quan có kinh nghiệm hơn chục năm nuôi lợn theo hướng trang trại, gia trại. Theo bà Mai, dịch tả lợn châu Phi làm cho hàng trăm con lợn trong chuồng gần đến kỳ xuất bán của gia đình bà bị tiêu hủy hết. Thiệt hại là thế nhưng gia đình bà vẫn kiên trì, vừa chống dịch vừa thận trọng tái đàn theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học.
Hiện gia đình bà đang có 30 lợn nái sinh sản, 200 lợn thịt được nuôi theo hình thức chăn nuôi khép kín, bảo đảm tốt các yếu tố an toàn, như cách ly với môi trường xung quanh, có hệ thống nước sạch riêng biệt, có hệ thống xử lý chất thải, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học… Đặc biệt vấn đề thức ăn, tiêm vắcxin phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại luôn được gia đình bà quan tâm hàng đầu. Dẫn chúng tôi đi thăm hệ thống chuồng trại, bà Mai cho biết: “Ngoài số lợn nái sinh sản và lợn thịt đang có, trong tuần tới gia đình tôi chuẩn bị vào thêm 120 con giống”.
Theo ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát hoàn toàn, do đó các địa phương đang tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, trang trại chăn nuôi bảo đảm đủ điều kiện an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh tích cực tái đàn.
Việc tái đàn vào thời điểm này sẽ giúp tăng nguồn cung thực phẩm, kéo giảm giá thịt lợn trên thị trường và giúp nông dân có thể tăng thu nhập trong chăn nuôi. Tuy nhiên, một khó khăn lớn trong việc tái đàn là thiếu con giống và giá lợn giống quá cao.
Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch, số lợn nái sinh sản đã giảm mạnh, những trang trại có quy mô hàng nghìn con lợn thịt và hàng trăm con nái sinh sản đều đã cắt giảm 1 nửa số lợn nái, lượng giống chỉ đủ duy trì khôi phục lại sản xuất trong hệ thống, không có nguồn cung ra bên ngoài.
Để khôi phục đàn lợn vấn đề giống được xác định là yếu tố then chốt quyết định đến năng suất và chất lượng đàn lợn, do vậy cùng với công tác tuyên truyền, hướng dẫn tái đàn theo hướng an toàn sinh học, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn cấp huyện, phối hợp các địa phương thực hiện rà soát nhu cầu tái đàn để trình UBND tỉnh có phương án hỗ trợ một phần chi phí giúp các trang trại, các hộ chăn nuôi đầu tư nái hậu bị, tăng cường nhân giống và cung ứng lợn giống có chất lượng, an toàn dịch bệnh ra thị trường trong thời gian sắp tới./.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.