Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019 | 11:56

NN ĐBSH: "Khát" nguyên liệu trong sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ

Nguồn cung nguyên liệu ổn định về số lượng, chất lượng và giá thành có vai trò quyết định tới hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề.

1.jpg
Cơ sở sản xuất gốm Gia Long, làng gốm Quyết Thành, thị trấn Quế (Kim Bảng). Ảnh: Thế Tân

 

Hà Nam: Nỗi lo thiếu nguyên liệu trong sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ

Nguồn cung nguyên liệu ổn định về số lượng, chất lượng và giá thành có vai trò quyết định tới hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề. Thế nhưng, nhiều làng nghề ở Hà Nam lại đang rất “khát” nguyên liệu, nhất là với nhóm nghề thủ công mỹ nghệ.

Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ bao gồm một số chủng loại chính như: mây, song, giang, tre, gỗ, cói, đất, sừng… Nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ trong tỉnh đang thiếu những nguyên liệu này do các vùng nguyên liệu ngày càng bị thu hẹp.

Bị động trong tìm kiếm nguyên liệu dẫn đến không chủ động được nguồn hàng, các đơn hàng triển khai không đúng tiến độ là thực trạng chung của các cơ sở sản xuất gốm tại làng nghề gốm Quyết Thành (thị trấn Quế, Kim Bảng). Được biết, bình quân mỗi năm, làng nghề sử dụng từ 400-500 m3 đất sét để phục vụ sản xuất, cho ra lò xấp xỉ 70.000 sản phẩm các loại, gồm: chum, vò, vại, ấm, chén, lọ hoa, bình trang trí…

Do nguồn nguyên liệu tại làng nghề đã cạn kiệt sau nhiều năm khai thác nên thời gian qua, các chủ lò gốm phải tìm về các xã trong huyện để xin đất tại các công trình làm đường giao thông hay các điểm đào hố ruộng để chôn lấp rác thải sinh hoạt.

Ông Lại Văn Liên, chủ cơ sở sản xuất gốm Liên Kiểm cho biết: Kinh doanh ngày càng phát triển, đơn đặt hàng tại cơ sở chúng tôi tăng lên nhanh qua các năm. Hiện, lò gốm của gia đình tôi sử dụng khoảng 150 m3 đất/năm. Việc thiếu nguyên liệu khiến chúng tôi gặp khó khăn trong việc ký hợp đồng với số lượng hàng lớn vì lo ngại không bảo đảm tiến độ giao hàng. Mặc dù huyện đã quy hoạch vùng nguyên liệu tại các xã: Ngọc Sơn, Đồng Hóa, Thụy Lôi nhưng do nguyên liệu sử dụng của làng nghề tăng cao nên việc hạ cốt đất ruộng để khai thác đất gặp khó. Nhiều hộ dân không đồng ý cho hạ cốt đất ruộng vì cho rằng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng đất sản xuất.

Cũng như làng nghề gốm Quyết Thành, các làng nghề sản xuất mây giang đan cũng đang “bí” nguồn nguyên liệu đầu vào. Có một số cơ sở phải hoạt động cầm chừng vì phải mua nguyên liệu từ các tỉnh miền Trung, vùng Tây Bắc với giá thành, chi phí vận chuyển cao khiến lãi suất thu về ngày càng giảm, không đáp ứng ngày công lao động.

Qua trao đổi với lãnh đạo xã Nhật Tân (Kim Bảng) được biết, trên địa bàn xã hiện có trên 200 hộ dân làm nghề mây giang đan. Thời gian gần đây, thị trường xuất khẩu mặt hàng này khá ổn định. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với các hộ làm nghề là nguyên liệu khan hiếm, nhất là mây, giang… Chi phí mua nguyên liệu cao trong khi giá bán sản phẩm rẻ nên khó thu hút lao động tham gia làm nghề. Số lao động bỏ nghề đan lát để đi làm các công việc khác như phụ hồ hay làm công nhân trong các khu, cụm công nghiệp ngày càng tăng.

Trong nhóm ngành nghề thủ công mỹ nghệ thì mộc thủ công mỹ nghệ là mặt hàng phải nhập khẩu nguyên liệu nhiều nhất do các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ đang thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu trong nước. Qua tìm hiểu tại các làng nghề mộc được biết, nguồn gỗ nhập khẩu từ các nước như Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia… thời gian qua không ổn định. Với nguồn gỗ nhập khẩu từ các quốc gia ở một số châu lục khác thì chi phí vận chuyển cao, làm cho giá thành nguyên liệu tăng, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Thôn Ngọc Động (xã Hoàng Đông, Duy Tiên) hiện có gần chục công ty, cơ sở lớn chuyên sản xuất, thu mua sản phẩm mây giang đan và khoảng 300 hộ dân đang tham gia làm nghề mây giang đan truyền thống. Do nguồn nguyên liệu không ổn định nên các cơ sở sản xuất đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, đầu tư máy móc hiện đại để tăng năng suất. Đồng thời, sử dụng đa dạng hơn các nguyên liệu thay thế để đa dạng hóa sản phẩm làng nghề, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hiện, ngoài dùng mây, tre, giang để đan lát như trước, các hộ làm nghề còn sử dụng cây song, mây nước, bèo tây… để tạo ra các loại giỏ hoa quả, khay chén, hộp đựng giấy…

Qua trao đổi với ông Nguyễn Xuân Mai, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre xuất khẩu Ngọc Động Hà Nam được biết, hiện trên 90% sản phẩm của công ty được xuất sang thị trường nước ngoài. Trong đó, có tới 70% sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Để khắc phục khó khăn về thiếu nguyên liệu đầu vào, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, công ty còn liên kết với các làng nghề mây giang đan ở Hà Tây (cũ) để đặt hàng một số thành phẩm; đồng thời sử dụng phối kết hợp những nguyên liệu khác nhau như gỗ, tre công nghiệp, bèo tây… để tạo ra sản phẩm. Điều này vừa giúp tiết kiệm nguyên liệu khan hiếm, vừa tạo ra mẫu mã mới bắt mắt hơn.

Những năm qua, các cơ sở sản xuất gốm Quyết Thành cũng tích cực đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất để tiết kiệm nguyên liệu, phổ biến nhất là việc sử dụng gạch kết hợp các tấm silic carbire chịu lửa để làm tấm kê, trụ đỡ cho sản phẩm trong lò nung. Ông Lại Văn Liên, chủ cơ sở sản xuất gốm Liên Kiểm cho hay: Trước đây, mỗi khi đốt lò, tôi phải sử dụng các vật dụng như chum, vại để kê làm giá đỡ sản phẩm. Khi đó, mỗi lò đốt phải dùng đến gần 30m3 đất. Việc sử dụng gạch chịu nhiệt và các tấm silic carbire giúp tôi tiết kiệm được 40% khối lượng đất sử dụng. Tuy nhiên, làng nghề vẫn đang rất “bí” nguyên liệu và mong muốn được huyện, tỉnh quy hoạch cho làng nghề một vùng đất ruộng tập trung để bảo đảm nguyên liệu phục vụ phát triển sản xuất ổn định, bền vững. 

Trước những khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trong tỉnh đã chủ động, linh hoạt hơn trong việc hình thành mối liên kết, tạo sức mạnh tập thể trong các khâu của chuỗi giá trị sản phẩm. Để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu đầu vào, giúp tiêu thụ thành phẩm ổn định, có chất lượng, các làng nghề thủ công mỹ nghệ mong muốn các sở, ngành, nhất là Sở Công thương tích cực phối hợp với Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương), Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và các tỉnh, thành phố có ngành nghề thủ công mỹ nghệ phát triển để tạo sự kết nối cung - cầu nguyên liệu đầu vào. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn, phát triển thị trường… cho các làng nghề.

Hưng Yên: Phát triển chăn nuôi gà Đông Tảo lai an toàn sinh học

Gà Đông Tảo lai là giống gà có nhiều ưu điểm như: dễ nuôi, sinh trưởng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon được thị trường ưa chuộng. Chính vì thế, những năm qua, bên cạnh giống gà Đông Tảo thuần chủng thì nhiều người dân trên địa bàn tỉnh dần chuyển hướng sang chăn nuôi gà Đông Tảo lai thương phẩm. Cùng với đó, nông dân đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học (ATSH).

 

img4252result_20191128112959.jpg

Mô hình chăn nuôi gà Đông Tảo lai ở xã Phan Đình Phùng (thị xã Mỹ Hào)

 

Xã Việt Hưng (Văn Lâm) là địa phương có truyền thống chăn nuôi gà. Trên địa bàn xã có 60 - 70 hộ nuôi gà số lượng lớn từ 200 đến hàng nghìn con. Hiện nay, tổng đàn gà của xã là 117.000 con. Nông dân ở đây chủ yếu nuôi gà thương phẩm với 2 giống là gà lai ba máu và gà Đông Tảo lai.

Với kinh nghiệm 20 năm nuôi gà, gia đình ông Vũ Văn Nghề ở thôn Sầm Khúc, xã Việt Hưng hiện nuôi khoảng 1.500 con. Ông Nghề cho biết: “Gia đình tôi nuôi gà thương phẩm với 2 giống chủ yếu là gà ba máu và gà Đông Tảo lai. Từ khi áp dụng chăn nuôi theo hướng ATSH, việc sử dụng các chất liệu sinh học để lót chuồng đã phần nào bảo đảm vệ sinh chuồng trại cũng như giảm công lao động, giảm được dịch bệnh cho đàn gà”.

Theo tính toán của ông Nghề, từ ngày nhập gà Đông Tảo lai giống về nuôi đến ngày xuất chuồng từ 5 - 6 tháng, nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật nên đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 93%, trọng lượng trung bình đạt khoảng 3kg/con. Giá xuất tại chuồng dao động từ 90.000 - 100.000 đồng/kg, trừ chi phí, gà Đông Tảo lai cho lợi nhuận cao hơn từ 30.000 - 40.000 đồng/kg so với nuôi các giống gà thông thường. Lợi thế của việc chăn nuôi gà Đông Tảo lai là người chăn nuôi linh hoạt áp dụng hình thức nuôi nhốt chuồng hoặc thả vườn, kết hợp cho ăn thức ăn công nghiệp và các loại thức ăn sẵn có như: ngô, thóc, rau… vừa giảm chi phí đầu vào, vừa bảo đảm chất lượng thịt gà khi xuất bán.

 Ông Đỗ Xuân Đạo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Việt Hưng cho biết: “Chăn nuôi gà Đông Tảo lai theo hướng ATSH đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho tất cả hội viên nông dân trong xã. Nhờ hiệu quả rõ rệt nên nhiều hội viên khác trên địa bàn đã học tập và làm theo. Chúng tôi khuyến khích các hộ tiếp tục mở rộng quy mô, nâng số lượng đàn để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế”.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình nuôi gà Đông Tảo lai theo hướng ATSH tại gia đình mình, anh Trần Văn Hải ở tổ dân phố Kim Huy, phường Phan Đình Phùng (thị xã Mỹ Hào) cho biết: “Với diện tích chuồng trại trước đây dùng để nuôi lợn, từ tháng 5 vừa qua, tôi đã cải tạo và chuyển sang nuôi 200 con gà Đông Tảo lai. Nuôi gà theo hướng ATSH, tôi tuân thủ kỹ thuật như: gà được nuôi bằng cám vào giai đoạn 1 tháng đầu, thời gian sau thì cho ăn bằng các thức ăn công nghiệp hoặc tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, sao cho đảm bảo các thành phần. Một trong những điều người nuôi gà được khuyến cáo lưu ý là công tác vệ sinh phòng bệnh, trong quá trình nuôi cần bảo đảm cho gà “ăn sạch, ở sạch, uống sạch”.

Đến nay, đàn gà Đông Tảo lai của gia đình anh Hải đã đạt trọng lượng 2,7 - 3kg/con và có thể xuất bán. Với giá bán 95.000 - 100.000 đồng/kg, lứa gà này ước tính mang lại thu nhập trên 50 triệu đồng cho gia đình anh.

Theo số liệu của Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, hiện nay, tổng đàn gà toàn tỉnh ước đạt trên 9 triệu con với 90% là gà lông màu (trong đó có 30 - 35% là gà Đông Tảo và Đông Tảo lai). Đến nay, có khoảng 35% số hộ chăn nuôi gà theo hướng ATSH.

Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ nông dân nuôi gà Đông Tảo lai thương phẩm thông qua các chương trình, dự án như: mô hình nuôi gà Đông Tảo lai bán công nghiệp; chăn nuôi gà Đông Tảo lai ATSH… Từ năm 2013 đến nay đã có hàng nghìn con gà giống được hỗ trợ cho nông hộ mỗi năm. Ngoài việc hỗ trợ kinh phí mua con giống chất lượng, người chăn nuôi còn được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh, quy trình chăn nuôi ATSH…

Mô hình nuôi gà Đông Tảo giống lai theo hướng ATSH có triển vọng tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi góp phần đa dạng hóa cơ cấu giống vật nuôi vừa là bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và được nông dân ủng hộ. Từ hiệu quả đạt được, thời gian tới mô hình sẽ được nhân rộng ra các hộ chăn nuôi khác ở xã và các huyện khác.

Hà Nội: Mỗi năm sẽ sản xuất 100.000 cây giống đạt tiêu chuẩn

Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, từ nay đến năm 2020, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ xây dựng vườn cây đầu dòng, sử dụng làm vật liệu nhân giống.

 

99999999999999999999.png
Ứng dụng công nghệ cao ươm giống hoa lan xuất khẩu tại xã Đan Hoài, huyện Hoài Đức. (Ảnh: Thanh Hải)

Theo đó, hằng năm vườn cây đầu dòng sẽ sản xuất khoảng 100.000 cây giống đạt tiêu chuẩn, có truy xuất nguồn gốc. Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp... thực hiện khảo nghiệm, thử nghiệm để đưa vào cơ cấu sản xuất các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với từng vùng sinh thái. Đồng thời phối hợp với doanh nghiệp tổ chức sản xuất giống phục vụ cho sản xuất lúa gạo của thành phố và các địa phương./.

 

Thanh Tâm (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top