Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định, lực lượng khuyến nông cộng đồng ở cơ sở là lực lượng chính để tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với nhiệm vụ chính là hỗ trợ xây dựng, củng cố các HTX ở địa phương; tập huấn quy trình canh tác bền vững; tập hợp các số liệu từ HTX để thực hiện đo đếm, chi trả tín chỉ carbon…
Khuyến nông cộng đồng đóng vai trò nòng cốt
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam với sản lượng hàng năm đạt từ 24 - 25 triệu tấn, chiếm hơn 50% sản lượng lúa và 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, mang lại thu nhập cho hàng triệu hộ dân trong vùng. Tuy nhiên, ĐBSCL đang đối mặt với tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới; yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định các nước ngày càng nghiêm ngặt.
ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam với sản lượng hàng năm đạt từ 24 - 25 triệu tấn.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao (CLC) và giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Mục tiêu của Đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa CLC và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ về mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Hiện, Đề án đã được triển khai tại 12 tỉnh ĐBSCL với 2 giai đoạn. Giai đoạn (2024 - 2025) tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tai Việt Nam (VnSAT) khoảng 180.000 ha. Giai đoạn 2 (2026 - 2030) xác định rõ vùng trọng điểm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh CLC, giảm phát thải; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, đây là đề án lớn với nhiều nội dung và hoạt động mang tính liên ngành, liên vùng. Vì vậy, cần phải có sự quyết tâm nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với các bộ, ngành trung ương và sự chủ động của các tỉnh vùng ĐBSCL; cần huy động tối đa các nguồn lực, ngân sách trung ương, địa phương, sự đóng góp của doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế. Trong đó, nội lực là chiến lược, quyết định lâu dài; ngoại lực là quan trọng đột phá.
Hiện, vùng ĐBSCL có 376 tổ KNCĐ với gần 3.000 thành viên.
Để triển khai đề án, hệ thống khuyến nông đặc biệt là lực lượng khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) được xác định đóng vai trò nồng cốt trong quá trình thực hiện. KNCĐ đồng hành cùng nông dân, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp.
Ở ĐBSCL, hiện có 5 tỉnh gồm: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An đã tham gia Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình khuyến nông cộng đồng” và hiện có tổng cộng 376 tổ KNCĐ với gần 3.000 thành viên. Thời gian qua, các tổ KNCĐ đã có nhiều nỗ lực làm tốt vai trò nhiệm vụ được giao, nhất là trong thực hiện Đề án này.
Còn nhiều khó khăn, hạn chế
Tại Hội thảo “Vai trò, nhiệm của khuyến nông, KNCĐ trong Đề án một triệu ha chuyên canh lúa CLC và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh cho biết, do chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ cho hoạt động của tổ KNCĐ, kinh nghiệm các thành viên còn hạn chế, làm việc trên cơ sở tự nguyện và lồng ghép nên quá trình hoạt động của tổ KNCĐ còn khó khăn, hiệu quả còn hạn chế.
Tuy nhiên, khuyến nông cộng đồng ở đây đang gặp nhiều khó khăn.
Ở một khía cạnh khác, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu phản ánh, trong quá trình tinh giảm biên chế, lực lượng cán bộ khuyến nông có tâm huyết, chuyên môn đã thay đổi, luân chuyển, một số nghỉ việc, từ đó, công tác khuyến nông của địa phương gặp khó về lực lượng, nhân sự.
Bà Võ Thị Anh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang cho biết, khi tham gia đề án và thực hiện Quyết định số 1094 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về nâng cao hiệu quả hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng tỉnh đã thành lập được 142 tổ khuyến nông cộng đồng với 1458 thành viên. Tuy nhiên, nhân sự lực lượng này chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có tư cách pháp nhân nên hoạt động mang tính chất phối hợp là chủ yếu. Hiện, tỉnh cũng có chung thực trạng với các địa phương khác là chưa bố trí được nguồn kinh phí hoạt động cho tổ khuyến nông cộng đồng nên hiệu quả còn hạn chế.
Bà Tâm đề nghị, để tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động đi vào thực chất hơn, đề nghị là Trung tâm Khuyến nông quốc gia xem xét làm sao cho tổ khuyến nông cộng đồng có một cơ chế hoạt động và có tư cách pháp nhân. Như thế thì tổ khuyến nông cộng đồng mới có cơ hội tạo được nguồn thu, cũng như là duy trì hoạt động của tổ trong thời gian tới.
Theo yêu cầu của đề án, hệ thống khuyến nông cộng đồng là lực lượng nòng cốt thực hiện một số nội dung, giải pháp trọng tâm như: Truyền thông nâng cao nhận thức, áp dụng tiến bộ kỹ thật trong canh tác lúa giảm phát thải; Xây dựng hợp phần khuyến nông đào tạo, chuyển giao công nghệ cho phát triển sản xuất lúa phát thải thấp vùng ĐBSCL, trong đó ưu tiên nâng cao năng lực cho tổ chức khuyến nông cộng đồng; Hình thành và phát triển lực lượng cán bộ thực hiện nhiệm vụ đo đạc, báo cáo, thẩm định và cấp tín chỉ carbon…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương gỡ khó cho khuyến nông cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, đây là đề án rất lớn, để đạt được các mục tiêu đề ra, cần có sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với các Bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là sự chủ động vào cuộc của các tỉnh vùng ĐBSCL. Trong đó, hệ thống khuyến nông, đặc biệt là lực lượng khuyến nông cộng đồng đóng vai trò nòng cốt trong quá trình thực hiện, đồng hành cùng nông dân, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực và là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp.
Lực lượng KNCĐ là cánh tay nối dài của ngành nông nghiệp đến cơ sở, vừa thực hiện chức năng đơn vị sự nghiệp nhà nước được cơ quan quản lý nhà nước giao, vừa làm dịch vụ (chuyển giao khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật…). Bộ máy tổ chức do địa phương thành lập nhưng phải bám sát hai nhiệm vụ này, Thứ trưởng Nam cho biết.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị, qua hội nghị hôm nay, đề nghị các đồng chí chỉ đạo rà soát lại lực lượng khuyến nông ở các địa bàn. Một là hợp tác xã, thứ hai là lực lượng khuyến nông cộng đồng để chúng ta đo đếm. Nếu địa bàn không có lực lượng khuyến nông thì chúng ta không đo đếm được. Rất mong các đồng chí về tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh để triển khai củng cố, kiện toàn và mở rộng lực lượng khuyến nông ở địa bàn. Còn các vấn đề cụ thể liên quan tới khuyến nông, các đồng chí có vướng gì thì trao đổi với Trung tâm Khuyến nông quốc gia để mà tháo gỡ, sẵn sàng tiếp nhận công việc.
Tham gia đề án nông dân tăng thu nhập bằng cách nào?
Liên quan vấn đề, khi tham gia vào đề án người nông dân sẽ tăng thu nhập bằng cách nào?. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, vấn đề chính của đề án là giúp nông dân chuyển đổi sản xuất và nâng cao thu nhập. Theo đó, có ba yếu tố giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân qua đề án này.
Thứ nhất, khi thực hiện quy trình canh tác bền vững, tức giảm chi phí đầu vào của quá trình sản xuất (giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống, tiết kiệm nước), giúp người nông dân tăng thu nhập.
Theo quy trình canh tác, đến năm 2025, có 70% lượng rơm được thu gom ra khỏi đồng ruộng.
Thứ hai, là bán phụ phẩm (rơm, rạ) để tăng thu nhập cho người nông dân. “Rơm vùi xuống đất sẽ tăng phát thải, nhưng rất may hiện các hợp tác xã không đủ để bán, việc này giúp tăng thu nhập từ rơm rạ”, ông Nam cho biết và thông tin, đang kêu gọi một số nhà máy quốc tế chuyên sản xuất rơm rạ thành nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp đến ĐBSCL đầu tư.
Thứ ba, theo ông Nam đó là, xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải, giúp tăng giá trị rất lớn. Hiện nay, các doanh nghiệp quốc tế muốn chứng minh là doanh nghiệp xanh/thân thiện môi trường đều phải sử dụng các sản phẩm giảm phát thải. Do đó, gạo mang thương hiệu giảm phát thải sẽ tăng được giá trị cho người nông dân.
Ngoài ra, theo ông Nam, khi thực hiện MRV (Công cụ đánh giá các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính), tức đo đạc, báo cáo thẩm định tín chỉ carbon thì nông dân sẽ được hưởng lợi nhờ bán tín chỉ carbon. Vấn đề căn bản của giảm phát thải đó là hệ thống thủy lợi điều tiết được bao nhiêu ngày giữ nước, bao nhiêu ngày rút nước để đảm bảo nó sẽ không làm tăng phát thải. Cần phải thực hiện đúng quy trình canh tác và phải có người đo đạc, nạp dữ liệu vào hệ thống để các tổ chức quốc tế chi trả tiền bán tín chỉ carbon.
Về nguyên tắc, sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) làm việc với Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thống nhất sẽ mua tất cả tín chỉ carbon trong đề án 1 triệu ha. Khi chúng tôi tính toán ban đầu, 1 tấn carbon giảm đi sẽ có được 10 đô la Mỹ, trong khi 1 ha sẽ được 10 tấn, tương đương 100 đô la Mỹ, ông Nam cho hay.
Về quy trình canh tác bền vững, tức yếu tố sẽ giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân, đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80-100 kg/ha; giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; giảm 20% lượng nước tưới so với phương thức canh tác truyền thống; 100% diện tích áp dụng ít nhất 1 quy trình canh tác bền vững như: 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ…; có 70% lượng rơm được thu gom ra khỏi đồng ruộng; giảm trên 10% lượng phát thải.
Đến 2030, lượng giống gieo sạ giảm xuống còn 70 kg/ha; giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống; 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững; 100% rơm được thu gom ra khỏi đồng ruộng; giảm trên 10% lượng phát thải.
Về giá trị, đề án đặc mục tiêu đến năm 2025, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó, tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 40%; đến năm 2030, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó, tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%.
Tổng hợp từ nguồn: Kinhtesaigon; Vov; Sggp.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động NHCSXH đã và đang dốc lòng, dồn sức cùng chung tay khắc phục hậu quả của bão lũ, chia sẻ, ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.
Lý Sơn (Quảng Ngãi) được thiên nhiêu ưu đãi, có nhiều sản vật nổi tiếng, nhất là hành, tỏi và các loại hải sản. Với sự định hướng, hỗ trợ của ngành chức năng và chính quyền địa phương, các sản vật này đã được tập trung chế biến sâu, xây dựng phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường và gia tăng giá trị sản phẩm.