Tỉnh Lai Châu phấn đấu đến năm 2030, diện tích trồng sâm đạt khoảng 3.000ha, sản lượng khoảng 30 tấn/năm; đến năm 2035, trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao.
Báu vật của núi rừng
Tá Bạ là xã vùng cao, biên giới được huyện Mường Tè quy hoạch là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển sâm Lai Châu. Trên cơ sở định hướng của huyện, cấp ủy, chính quyền xã Tá Bạ vận dụng linh hoạt các nguồn lực để phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, khuyến khích người dân, thu hút các nhà đầu tư trồng sâm Lai Châu và xác định đây là cây phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Chúng tôi đến bản Nhóm Pó (xã Tá Bạ) những ngày trung tuần tháng 4 để “mục sở thị” việc bảo tồn, phát triển sâm Lai Châu của người dân nơi đây. Theo lời giới thiệu của các đồng chí lãnh đạo xã, bản Nhóm Pó là địa bàn đi đầu trong việc bảo tồn phát triển cây sâm Lai Châu của xã. Qua câu chuyện với anh Lò Gió Hừ - Trưởng bản Nhóm Pó, chúng tôi biết rằng nơi đây đã một thời là “thủ phủ” của cây sâm Lai Châu nhưng nay loài dược liệu quý này đã rất khan hiếm và đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, nguyên nhân là do người dân khai thác tận diệt để bán sang bên kia biên giới với giá rẻ. Giờ bà con đã biết giá trị thật của sâm nên đang tìm cách để bảo tồn, trồng sâm Lai Châu.
Anh Hừ chia sẻ: “Những năm trước, tôi nhận thấy cây tam thất (sâm Lai Châu) được thương lái mua rất nhiều và mang bán sang Trung Quốc khiến loài cây này trở nên khan hiếm và rất khó tìm ở trong những khu rừng. Lo rằng cây này sẽ bị mất giống, tôi đã vào rừng tìm và thu mua của bà con trong bản về trồng dưới tán rừng của gia đình được giao quản lý. Năm 2020, có doanh nghiệp vào bản thực hiện liên kết với người dân tổ chức trồng và bảo tồn giống sâm Lai Châu. Thấy doanh nghiệp thu mua cây giống với giá cao và triển khai tốt việc bảo tồn giống, tôi đã bán hết gần 1.000 cây giống gốc cho họ, đồng thời tuyên truyền, vận động dân bản phối hợp với doanh nghiệp để trồng cây sâm Lai Châu”.
Người dân xã Tá Bạ tham quan vườn sâm Lai Châu của Công ty Cổ phần Sâm Mường Tè.
Xã Tá Bạ có 6 bản với khoảng 410 hộ, dân số 1.900 người, gồm 2 dân tộc: Hà Nhì, La Hủ sinh sống, tỷ lệ người dân tộc La Hủ chiếm gần 74%. Xã có tổng diện tích tự nhiên 11.375ha, với trên 13km đường biên giới giáp với nước bạn Trung Quốc. Địa hình chủ yếu là đồi núi cao, độ dốc lớn nằm trên dãy núi Pusilung tiếp giáp với các xã: Pa Ủ, Ka Lăng, Thu Lũm, Pa Vệ Sủ… được các nhà khoa học đánh giá là rất phù hợp cho cây sâm tự nhiên sinh trưởng cũng như phát triển trồng sâm. Thực hiện Đề án Phát triển sâm Lai Châu của tỉnh và huyện Mường Tè, cấp ủy, chính quyền xã Tá Bạ đã xác định trồng sâm Lai Châu sẽ là một trong những hướng đi chủ lực giúp người dân phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.
Ông Lỳ Nhù Chừ - Chủ tịch UBND xã Tá Bạ cho biết: Tá Bạ có tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 80%, đây là lợi thế để xã thực hiện thu hút các nhà đầu tư, vận động nhân dân phát triển kinh tế dưới tán rừng theo chủ trương của tỉnh và của huyện. Xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện thực hiện khảo sát, quy hoạch các điểm phù hợp với phát triển dược liệu, đặc biệt là sâm Lai Châu tại các bản: Nhóm Pó, Vạ Pù, Là Si… Hiện, trên địa bàn đã có 1 doanh nghiệp đầu tư trồng trên 3ha sâm Lai Châu, một số doanh nghiệp vào đăng ký khảo sát để trồng dược liệu, sâm Lai Châu và có hàng chục hộ dân triển khai trồng sâm dưới tán rừng của gia đình được giao quản lý.
Tuy nhiên, việc triển khai trồng sâm Lai Châu tại xã Tá Bạ và nhiều địa phương khác đang gặp phải một số khó khăn như: chính sách hỗ trợ giống và các nguồn lực khác theo các chương trình mục tiêu quốc gia chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên chưa triển khai được. Cùng với đó, việc trồng sâm đòi hỏi suất đầu tư lớn, kỹ thuật cao khiến người dân trên địa bàn rất khó triển khai thực hiện. Để cây sâm Lai Châu có thể bén rễ trên đất Tá Bạ, xã sẽ phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các doanh nghiệp tổ chức khảo sát quy hoạch vùng trồng và tập huấn, cầm tay, chỉ việc, hỗ trợ người dân làm đất, trồng sâm. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn cần thực hiện tốt việc liên kết giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân; có phương án, lộ trình chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống để người dân trong xã có thể tham gia trồng sâm Lai Châu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Định hướng phát triển sâm Lai Châu trên địa bàn xã Tá Bạ đã được các tổ chức, doanh nghiệp đồng hành hỗ trợ. Ông Nguyễn Văn Cương - Giám đốc Công ty Cổ phần Sâm Mường Tè cho biết: Nhận thấy tiềm năng, lợi thế phát triển sâm Lai Châu tại xã Tá Bạ, năm 2020, công ty thực hiện liên kết với người dân và triển khai trồng sâm tại bản Nhóm Pó. Được sự ủng hộ của các cấp chính quyền và người dân, chúng tôi đã mua trên 2.000 cây sâm được bà con thu gom từ rừng về để làm vườn giống đầu dòng. Đến nay, diện tích vườn của công ty đã phát triển được trên 3ha. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích vùng trồng. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp khác, xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm liên quan đến sâm Lai Châu. Để có nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, chúng tôi sẽ mở rộng vùng nguyên liệu vệ tinh bằng cách chuyển giao giống, kỹ thuật để người dân có thể tham gia nhân rộng diện tích vùng trồng, phát triển kinh tế.
Bám sát chủ trương của tỉnh, huyện, xã Tá Bạ xác định rõ hướng đi và nhận được sự đồng hành của các nhà đầu tư trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân trồng, liên kết trồng sâm Lai Châu. Bằng những hướng đi cụ thể, thiết thực và với giá trị kinh tế thực của cây sâm sẽ là tiền đề vững chắc để chúng ta tin rằng loại cây này sẽ trở thành cây nông nghiệp chủ lực để người dân Tá Bạ phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững.
Đưa cây sâm trở thành sản phẩm thương hiệu quốc gia
Với khí hậu vùng nhiệt đới và một số nơi có độ cao trên 1.200m so với mực nước biển, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng, Lai Châu có tiềm năng về nguồn dược liệu quý như lan kim tuyến, sâm vũ diệp, bảy lá một hoa, tam thất, thất diệp nhất chi mai, thổ hoàng liên, hoàng tinh; trong đó có sâm Lai Châu.
Sâm Lai Châu là cây đặc hữu, ưa ẩm, ưa khí hậu mát quanh năm và lạnh về mùa đông. Loại cây này phân bố hẹp trên dãy núi Pu Si Lung, các xã Pa Vệ Sử, Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ của huyện Mường Tè và dãy núi Pu Sam Cap nằm giữa huyện Sìn Hồ và Tam Đường.
Theo một số tài liệu nghiên cứu, Sâm Lai Châu có nguồn gene đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới. Đây là loại dược liệu quý hiếm được đưa vào Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (năm 2007) với tất cả bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Thân rễ thường được dùng làm thuốc bổ, cầm máu, tăng cường sinh lực, chống stress. Lá, nụ hoa dùng làm trà uống có tác dụng kích thích tiêu hoá, an thần.
Sâm Lai Châu có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, có tác dụng gần giống với tác dụng của nhân sâm. Trong thân rễ Sâm Lai Châu có saponin “MR2” chiếm tỷ lệ lớn, đặc trưng có trong Sâm Ngọc Linh.
Chính vì vậy, giá trị kinh tế trên thị trường của Sâm Lai Châu rất cao. Giá thu mua 01 kg sâm tươi giá trung bình 20 triệu đồng/kg, 01 kg sâm tươi 10 tuổi giá khoảng 50 triệu đồng, những lúc khan hiếm có thể lên tới 60-70 triệu đồng/kg.
Để phát triển sâm Lai Châu thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, sản phẩm chủ lực của tỉnh, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia là một trong những nội dung chính của dự thảo Nghị quyết về phát triển sâm Lai Châu giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2035.
Theo dự thảo Nghị quyết về phát triển sâm Lai Châu được thông qua tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ 19 diễn ra ngày 19/4/2024, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, diện tích trồng sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 3.000ha, tại các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên và một số vùng có khả năng thích ứng.
100% diện tích trồng sâm Lai Châu được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.
Nhờ có sự vào cuộc của một số doanh nghiệp đầu tư và bảo tồn, cây sâm Lai Châu đã cho ra quả để nhân giống trên đất Mường Tè. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN).
Sản lượng khai thác sâm Lai Châu năm 2030 đạt khoảng 30 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 100 ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP-WHO hoặc tương đương.
Đến năm 2035, phát triển sâm Lai Châu cùng với sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao, tiến tới mang thương hiệu quốc tế, tạo nguồn thu quan trọng cho tỉnh.
Việc tỉnh Lai Châu thông qua Nghị quyết về phát triển sâm là bước cụ thể hóa quyết định Phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 1/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã có đánh giá: Các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển Sâm Việt Nam gồm các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên.
Cụ thể là phát triển vùng nguyên liệu Sâm Việt Nam quy mô hàng hóa tại các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu. Như vậy, tỉnh Lai Châu trở thành địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ về phát triển Sâm.
Có thể nói, đây chính là điều kiện, cơ hội để tỉnh “ấp ủ giấc mơ” xây dựng thương hiệu quốc gia đối với Sâm Lai Châu, đưa cây Sâm Lai Châu thành một trong những cây chủ lực giá trị cao gắn vào quá trình phát triển kinh tế, xóa nghèo cho người dân, nhất là người dân vùng cao, vùng sâu tại những nơi có điều kiện phát triển Sâm dưới tán rừng.
Sáu nhiệm vụ phát triển Sâm Việt Nam được Thủ tướng nêu rõ gồm: Bảo tồn và phát triển Sâm Việt Nam; nghiên cứu, chọn, tạo, sản xuất giống Sâm Việt Nam; phát triển vùng nguyên liệu Sâm Việt Nam tập trung; thúc đẩy chế biến, kinh doanh các sản phẩm Sâm Việt Nam bền vững theo chuỗi giá trị; xây dựng phát triển thương hiệu, thị trường, xúc tiến thương mại; phát triển hạ tầng vùng trồng Sâm Việt Nam gắn với phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi.
Không để người dân phát triển tự phát, tỉnh Lai Châu chủ trương thúc đẩy liên kết “4 nhà” nhà nông - nhà quản lý-nhà khoa học-doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh “trải thảm đỏ” cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước sớm cùng người dân bản địa liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành những tổ chức kinh doanh có năng lực; chế biến thành các sản phẩm tiêu dùng, bảo vệ nhãn hiệu chứng nhận độc quyền cho Sâm Lai Châu; tăng cường quảng bá để không ngừng nâng cao vị thế, giá trị của Sâm Lai Châu.
Theo baolaichau.vn, Vietnam+
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…