Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024  
Thứ tư, ngày 24 tháng 7 năm 2024 | 10:21

Khánh Hòa thúc đẩy phát triển nuôi biển công nghệ cao

Thời gian qua, phát triển nuôi biển trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thu được những kết quả nhất định. Sản lượng thủy sản nuôi hàng năm đạt trên 18.000 tấn, trong đó, sản lượng thủy sản nuôi biển chiếm khoảng 50%, góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất ngành thủy sản.

Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, Khánh Hoà là một trong những địa phương có số lượng cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản lớn tại khu vực miền Trung.

Hiệu quả vượt trội

Để triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành một số chính sách để phát triển thủy sản. Địa phương đã xây dựng và hoàn thiện Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hoà trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mới đây, Khánh Hòa đã triển khai thành công mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ bằng lồng HDPE trên vùng biển hở xã Cam Lập (thành phố Cam Ranh). Đây cũng là bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển nuôi biển công nghệ cao hướng ra xa bờ của tỉnh.

Mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển mở xã Cam Lập được UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) triển khai từ tháng 5/2023. Thực hiện mô hình này, Quỹ Thiện Tâm tài trợ cho 10 hộ dân nuôi biển trên địa bàn TP. Cam Ranh tổng cộng 16 lồng tròn HDPE (thể tích 800m3/lồng) để nuôi cá biển, 12 ô lồng vuông HDPE (thể tích 24m3/ô lồng, nuôi 2 tầng) để nuôi tôm hùm. Ngoài ra, các hộ còn được tài trợ hệ thống camera giám sát dưới nước, hệ thống định vị trên biển, giám sát từ xa 24/7 trên mọi thiết bị điện tử…

Lồng tròn chất liệu HDPE được sử dụng để nuôi cá biển.

Ông Nguyễn Văn Cư (phường Cam Lộc) cho biết: Lâu nay, người dân vẫn nuôi theo kiểu truyền thống với lồng bè gỗ nên khi chuyển sang nuôi bằng lồng bè HDPE, ứng dụng công nghệ cao có chút bỡ ngỡ, lo lắng, nhất là lần đầu tiên đến nuôi trên vùng biển hở, nhiều sóng gió. Nhưng về sau, thấy rất hiệu quả, lồng nuôi chịu được sóng gió lớn; tỷ suất lợi nhuận nuôi cá bớp bằng lồng HDPE cao hơn 72% so với nuôi bằng lồng bè truyền thống cùng quy mô của người dân không tham gia mô hình. Gia đình được hỗ trợ 2 lồng tròn chất liệu HDPE thể tích 800m3/lồng, tổng trị giá 530 triệu đồng (trong đó Quỹ Thiện Tâm tài trợ 70%, gia đình đối ứng 30%). Gia đình thả nuôi cá bớp với mật độ 2.000 con/lồng; sau 8 tháng nuôi, cá đạt kích cỡ thương phẩm, 6 - 7kg/con, tỷ lệ hao hụt dưới 10%; thu hoạch được 24 tấn, trừ chi phí, lợi nhuận gần 1 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Khánh Hòa , sau 1 năm triển khai, hỗ trợ 10 hộ thí điểm nuôi biển công nghệ cao bằng lồng HDPE, 6 hộ đã thu hoạch đều mang lại hiệu quả vượt trội so với lồng nuôi truyền thống. Trong đó, mô hình nuôi cá bớp có tỷ suất lợi nhuận bình quân đạt 172%,  nuôi tôm hùm 112%,  nuôi cá mú 131%.

Trước hiệu quả mô hình trên vùng biển hở Cam Lập, ông Lê Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh, cho biết, mong muốn của người dân là được nhân rộng. Tuy nhiên, khó khăn của người dân là vốn đầu tư lồng HDPE lớn nên cần có chính sách hỗ trợ. Cùng với đó, xác định vùng nuôi cụ thể, tiến hành giao mặt nước để họ yên tâm nuôi biển. Về vấn đề này, địa phương đang chờ quy hoạch không gian biển quốc gia, căn cứ vào đó để tiến hành giao mặt nước biển cho hộ nuôi trồng thủy sản theo quy định.

Mô hình cần nhân rộng

Hiện nay, số lượng lồng nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa khá lớn, chủ lực là tôm hùm, cá biển. Người dân nuôi theo phương thức truyền thống bằng lồng bè gỗ, với công nghệ lạc hậu, đa số sử dụng thức ăn tươi, mật độ nuôi  lớn và nuôi tràn lan ngoài vùng quy định nên rủi ro về môi trường, thiên tai, dịch bệnh rất lớn. Tình trạng người dân lấn chiếm công trình hàng hải để nuôi cũng xuất hiện nhiều địa phương trong tỉnh.

Từ thực tế này, việc thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở Cam Lập là  bước đi quan trọng trong quá trình cụ thể hóa Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm từng bước thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, với định hướng “phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường”.

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đặt mục tiêu nuôi biển theo quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao ở vùng biển khơi, với diện tích 30.000ha.

Các chuyên gia cho rằng, Khánh Hòa là một trong những địa phương có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển nuôi biển công nghệ cao. Tỉnh cần từng bước nhân rộng mô hình phát triển nuôi biển công nghệ cao để đưa nuôi biển trở thành ngành mang lại giá trị gia tăng cao, thu nhập cao cho người dân.

Để mở rộng mô hình phát triển nuôi biển công nghệ cao, Khánh Hòa cần phải giải quyết  nhiều vấn đề đang đặt ra, như: Quy hoạch vùng nuôi; giao mặt nước biển, cấp phép NTTS cho người dân, doanh nghiệp; rà soát, quản lý chặt chẽ NTTS tại các địa phương ven biển trong tỉnh; chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm để người dân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi mô hình nuôi sang ứng dụng công nghệ cao; công nghệ nuôi nào là phù hợp với thực tế nuôi biển; khả năng liên kết, thành lập các hợp tác xã nuôi biển để chuyển đổi, phát triển nuôi biển công nghệ cao; định hướng phát triển thức ăn, con giống, vật tư phục vụ nuôi biển…

Tại Hội nghị chuyên đề về giải pháp mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa vừa qua, ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết, hiện nay, Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa đang được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định rõ các vị trí nuôi biển trên địa bàn tỉnh.

Để phát triển nuôi biển công nghệ cao, Khánh Hòa đã sẵn sàng về khu vực nuôi, đối tượng nuôi, quy trình nuôi… và sẵn sàng tiếp nhận các dự án phát triển nuôi biển công nghệ cao. Đối với các chính sách hỗ trợ nuôi biển công nghệ cao theo Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh sẽ xây dựng nghị quyết về hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động làm việc trên lồng bè NTTS và trên các phương tiện phục vụ cho hoạt động NTTS trên biển; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đối tượng thủy sản nuôi trên biển tại tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo công tác rà soát, đánh giá lại toàn bộ các khu vực đang nuôi biển; tăng cường công tác quản lý để giảm thiểu tình trạng nuôi tự phát tràn lan ngoài vùng quy định để có định hướng phát triển nuôi biển công nghệ cao hướng ra xa bờ và đảm bảo sinh kế cho người dân.

 

Chanh
Ý kiến bạn đọc
  • Để thương hiệu sen Huế vươn xa

    Để thương hiệu sen Huế vươn xa

    Nhiều năm qua, sen Huế đã có thương hiệu nổi tiếng với các sản phẩm như hoa sen, hạt sen, trà sen... tại nhiều làng quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, cây sen không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn gắn liền với đời sống và nét đẹp văn hóa của vùng đất, con người.

  • A Lưới thoát khỏi danh sách huyện nghèo

    A Lưới thoát khỏi danh sách huyện nghèo

    Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang thay mặt Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 702/QĐ-TTg về việc công nhận huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế thoát nghèo năm 2024.

  • Lục Ngạn gỡ khó để các xã về đích NTM đúng tiến độ

    Lục Ngạn gỡ khó để các xã về đích NTM đúng tiến độ

    Theo kế hoạch năm 2024, Lục Ngạn (Bắc Giang) có một xã đạt NTM, hai xã đạt NTM nâng cao. Với đặc thù là huyện miền núi nên khi triển khai địa phương gặp nhiều khó khăn. Song, với sự đồng thuận cao của Nhân dân, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, huyện đang quyết tâm đưa các xã về đích đúng tiến độ đề ra.

Top