Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 21 tháng 7 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 20 tháng 7 năm 2024 | 13:31

Phát huy lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Là tỉnh có 11 huyện miền núi có đông đồng bào DTTS cùng sinh sống, với tiềm năng, thế mạnh về bản sắc văn hóa, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tạo nên các sản phẩm chủ lực, mang đặc trưng riêng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) cho các địa phương.

Thanh Hoá khai thác tiềm năng thế mạnh về bản sắc, khí hậu, thổ nhưỡng khu vực miền núi để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS. 

Phát huy các sản phẩm chủ lực

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, huyện Mường Lát đã và đang tập trung phát triển các cây trồng chủ lực, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Gia đình chị Hà Thị Mến, bản Bàn, xã Quang Chiểu có gần 5 sào lúa nếp Cay Nọi. Tuy không phải là hộ có diện tích trồng lúa nếp nhiều, nhưng từ khi tham gia mô hình trồng lúa nếp Cay Nọi, điều kiện kinh tế gia đình chị Mến cũng được cải thiện đáng kể. Từ một hộ nghèo của xã, nay gia đình chị Mến đã có của ăn, của để và vươn lên thoát nghèo. Theo tính toán của người dân xã Quang Chiểu, mỗi 1 ha lúa nếp Cay Nọi cho thu hoạch khoảng 45 - 47 tạ, sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân cho lợi nhuận hơn 40 triệu đồng/ha/vụ.

Cùng với lúa nếp Cay Nọi, cây sắn cũng đang được huyện Mường Lát phát triển theo hướng tập trung quy mô lớn (2.500 ha), gắn với đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất và liên kết chế biến, bao tiêu sản phẩm. Hiện nay sắn đã được Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh cam kết bao tiêu sản phẩm.

Để phát triển vùng nguyên liệu sắn một cách bền vững, có năng suất, chất lượng cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương, huyện Mường Lát đã xây dựng kế hoạch dài hạn về cây sắn và xác định cây sắn là cây trồng chủ lực.

Cùng với đó, trên cơ sở tiềm năng sẵn có về đất đai, khí hậu, huyện Mường Lát còn tập trung phát triển các loại cây lương thực có hạt, cây công nghiệp và cây ăn quả, qua đó góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cây sắn cũng đang được huyện Mường Lát phát triển theo hướng tập trung quy mô lớn.

Ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, cho biết, để xây dựng và phát triển huyện Mường Lát nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển so với bình quân khu vực miền núi của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030 thoát khỏi huyện nghèo; đến năm 2045 kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt mức bình quân của các huyện miền núi của tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với huyện Mường Lát.

Để góp phần vào thành công chung của nghị quyết, trước mắt đòi hỏi Đảng bộ và Nhân dân trong huyện phải tranh thủ, nắm bắt tốt các cơ hội, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng, khắc phục khó khăn, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu để phát triển. Trong đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được xác định là thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, theo đó cần nghiên cứu đưa các loại cây trồng, vật nuôi và các mô hình sản xuất chủ lực vào sản xuất, phù hợp điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác của đồng bào... Qua đó, từng bước đưa nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân.

Tại huyện Lang Chánh có 35 mô hình, trong đó có 17 mô hình cây trồng, 15 mô hình vật nuôi, 3 mô hình phát triển dược liệu. Nổi bật là mô hình trồng rừng thâm canh cây vầu đắng, quy mô 46 ha, lợi nhuận 670 triệu đồng/năm; mô hình trồng hoa thiên lý, quy mô 1ha, lợi nhuận bình quân 120 triệu đồng/năm; mô hình trồng nghệ cho thu nhập bình quân 170 triệu đồng/năm…

Ông Hà Đắc Liên, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh cho biết, để thay thế cho diện tích mía, keo... hiệu quả kinh tế thấp, gia đình ông đã mạnh dạn đưa vào trồng một số loại cây dược liệu như: Mạch môn, bách bộ, đinh lăng, ngải cứu...

“Các loại cây dược liệu tương đối dễ trồng, dễ chăm bón, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu địa phương nên sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài ra, những loại cây dược liệu này đều được các đơn vị thu mua hỗ trợ thêm kinh phí sản xuất ban đầu và cam kết thu mua sản phẩm theo giá thị trường nên đầu ra của sản phẩm luôn ổn định. Riêng cây ngải cứu, sau khoảng 4 tháng trồng đã cho thu hoạch, lợi nhuận bình quân khoảng 3 triệu đồng/sào/lứa, cao hơn nhiều lần so với những cây trồng khác nên gia đình tôi đã mở rộng diện tích trồng ngải cứu để cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp nói trên…”- ông Liên chia sẻ.

Nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả

Ngày 24/11/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4079/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025”.

Đề án nhằm hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp với từng vùng, miền theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thông qua việc phát huy lợi thế miền núi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho hộ dân, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của người dân miền núi so với miền xuôi.

Cây dược liệu đang là hướng đi mới cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tại huyện Quan Sơn, nhiều năm qua, cây vầu được xem là “vàng xanh” của người dân địa phương. Đến nay, huyện Quan Sơn có hơn 3.000ha vầu, luồng được Hội đồng quản trị rừng thế giới cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.

Ông Vi Văn Piên, một trong những hộ trồng vầu lớn nhất xã Tam Lư, huyện Quan Sơn cho biết, tổng diện tích trồng vầu của gia đình ông hiện có 5ha, trong đó có hơn 3ha vầu mới trồng, sinh trưởng, phát triển tốt và gần 2ha vầu đang cho khai thác. Với diện tích vầu đã cho khai thác, gia đình ông Piên có thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/năm. Ngoài ra, với số lượng hơn 10.000 gốc vầu ươm, ông Piên thu được khoảng từ 140 - 150 triệu đồng/năm từ việc bán giống vầu cho bà con trong vùng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ông khấm khá, kinh tế ổn định…

Tại huyện Như Thanh, để nhân rộng và phát triển mô hình, Hội Nông dân huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền, định hướng cho người dân phát triển con nuôi phù hợp với điều kiện, không chạy theo phong trào, tự phát. Bên cạnh đó, hướng dẫn các hộ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đồng thời, khuyến khích người chăn nuôi theo hướng liên kết với các đơn vị để được chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm; tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi, tìm đơn vị cung ứng nguồn giống đảm bảo chất lượng.

Nhím là loài đang được người dân các huyện miền núi khai thác để phát triển kinh tế.

Chị Hàn Thị Lý, hộ chăn nuôi nhím xã Phú Nhuận cho biết, Nhím là loài động vật còn nhiều bản năng hoang dã nên có sức đề kháng cao, dễ thích nghi với môi trường sống, ít bị dịch bệnh. Bên cạnh đó, chi phí thức ăn không cao, lại dễ mua, thường là các loại rau, củ như bí đỏ, bí xanh, rau muống...

“Với hơn 200 triệu đồng, tôi đã đầu tư xây dựng 60 ô chuồng nuôi ở nơi ít gió và ánh nắng trực tiếp, cố định lồng nuôi bằng khung sắt; có rãnh thoát nước và luôn bảo đảm nền chuồng sạch sẽ, khô thoáng; mùa hè tắm cho nhím kết hợp với việc rửa sạch chuồng; định kỳ phun thuốc diệt khuẩn khu vực chuồng trại” – chị Lý chia sẻ.

Cũng theo chị Lý, nhím thường sinh sản theo mùa, mỗi lần sinh từ 1 đến 3 nhím con, sau 7 đến 8 tháng, khi nhím có trọng lượng trung bình khoảng 10kg mới có thể xuất bán nhím thương phẩm. Để ổn định đầu ra cho sản phẩm, chị đã chủ động tìm nguồn cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn tại địa phương và một số địa phương lân cận. Từ thành công bước đầu, chị Lý vẫn tiếp tục mở rộng quy mô và tăng số lượng đàn nhím lên 130 con để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.

Bên cạnh mô hình nuôi con đặc sản, huyện Như Thanh còn xây dựng được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao như: Sản xuất rau an toàn, nuôi gà thả vườn, nuôi ong mật, nuôi ốc nhồi, trồng đào cảnh, trồng thanh long ruột đỏ, trồng dong sản xuất miến...

 

Lê Thức (tổng hợp từ Báo Thanh Hoá, Báo Dân tộc và Phát triển)
Ý kiến bạn đọc
  • Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học tập và làm theo gương Bác Hồ cụ thể nhất là tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Người dân vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) và tỉnh Đắk Nông luôn tâm niệm như thế trong hành trình vươn lên, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng.

  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

Top