Phú Yên là địa phương có sản lượng yến lớn, tỷ lệ yến đạt chất lượng xuất khẩu cao với tổng đàn hơn 1,2 triệu con. Ước sản lượng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc với sản lượng trên 2 tấn/năm.
Ngày 24/7, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Viện Thổ nhưỡng nông hóa thăm, làm việc với Hội Yến sào tỉnh Phú Yên về xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu tập thể Yến sào Phú Yên.
Tỉnh có hơn 1.000 nhà yến
Tại buổi làm việc, nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực yến sào được các bên chia sẻ, làm rõ, nhất là nguồn gốc các sản phẩm yến tự nhiên giả trôi nổi trên thị trường với giá cực rẻ. Đây là những sản phẩm được chế biến từ các loại yến nhập ngoại vào Việt Nam không truy xuất rõ nguồn gốc, xuất xứ, hộp chứa sản phẩm không ghi rõ vị trí địa lý và được xác định là những sản phẩm yến kém chất lượng có chứa chất bảo quản, không có form theo quy chuẩn.
Ông Phạm Duy Khiêm, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Yến sào Việt Nam - Trưởng Ban Kỹ thuật - Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên phát biểu tại buổi làm việc.
Theo ông Phạm Duy Khiêm, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Yến sào Việt Nam - Trưởng Ban Kỹ thuật - Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên, yến tự nhiên và yến nhà nuôi tại Việt Nam không để tồn kho và hái tươi, có đặc trưng là mùi tanh nhẹ, thơm, bề ngoài luôn có độ bóng khi nhận diện bằng mắt thường. Người tiêu dùng trong nước và cộng đồng người Hoa trên thế giới, cũng như một số nước châu Á rất ưa chuộng tổ yến của Việt Nam vì có hàm lượng dinh dưỡng cao, phù hợp tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là lợi thế để ngành Yến sào Việt Nam nâng cao giá trị sản phẩm và thương hiệu. Tính sơ bộ hiện nay, cả nước có trên 44 tỉnh, thành, với khoảng 24.000 nhà yến, tổng sản lượng thu hoạch khoảng 120 - 150 tấn tổ yến mỗi năm, giá trị từ 500-600 triệu USD.
Sơ chế tổ yến thô
Riêng tại Phú Yên tính đến tháng 12/2023, trên địa bàn tỉnh có trên 1.000 nhà yến, phân bố đều ở 9 huyện, thị, thành phố; tổng sản lượng tổ yến thu được trên 4 tấn (tương đương khoảng trên 80 tỉ đồng). Thời gian qua, do nạn săn bắt chim yến diễn ra ngày càng nhiều, có hiện tượng chim yến di đàn đến nơi khác…, Hội Yến sào tỉnh đã tăng cường phối hợp cùng các địa phương ngăn chặn vấn nạn này. Hội cũng đã hỗ trợ hội viên đăng ký chứng nhận an toàn thực phẩm, đăng ký sản phẩm OCOP… Kết quả, sản phẩm yến sào của 3 doanh nghiệp được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sao và 4 sao.
“Hiện nay, Hội Yến sào Phú Yên đã tham mưu Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất nhiệm vụ “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Yến sào Phú Yên dùng cho sản phẩm yến sào tỉnh Phú Yên” là nhiệm vụ thuộc chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030”, ông Khiêm cho biết thêm.
Yến sào Phú Yên đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu
Bà Trần Bảo Châu, Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Khang Châu - hội viên Hiệp hội Yến sào Việt Nam cho biết, hiện công ty có 8 nhà yến lâu năm với sản lượng thu hoạch lớn tại Phú Yên. Thời gian qua, tổ yến của công ty đã cung cấp ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước và sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Trước mắt, công ty đã đăng ký 3 nhà yến để liên kết chuỗi cung cấp nguyên liệu cho xuất khẩu, trong tổng số hơn 50 nhà yến trên 4 vùng đã đăng ký chuỗi liên kết cung cấp nguyên liệu cho xuất khẩu tổ yến chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tổng sản lượng từ đầu 2024 tới nay của Việt Nam đã xuất khẩu được khoảng 2 tấn. Trong đó, Phú Yên đã đăng ký 4 vùng nguyên liệu là TP. Tuy Hòa, TX. Đông Hòa, huyện Tuy An và huyện Phú Hòa. Tới nay đã có 2 lần lấy mẫu kiểm nghiệm công tác thú y trên địa bàn 4 vùng nguyên liệu này do Cục Thú y Vùng 4 kết hợp cùng Chi cục Thú ý tỉnh và Hội Yến sào Phú Yên thực hiện. Tất cả các mẫu đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu 100%.
Đoàn công tác Cục Sở hữu trí tuệ và Viện Thổ nhưỡng nông hóa thăm quan mô hình nuôi yến của Công ty TNHH Yến sào Khang Châu.
“Để nâng cao chất lượng tổ yến, công ty luôn cập nhật công nghệ mới và chú trọng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ vậy, hiện sản phẩm tổ yến của công ty đã đạt rất nhiều chứng nhận như: OCOP 4 sao, HACCP, ISO... Bên cạnh đó, các quy định và tiêu chuẩn cho sản phẩm tổ yến xuất khẩu cũng được thực hiện đúng và đủ theo định kỳ hằng tháng”, bà Trần Bảo Châu chia sẻ thêm.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Duy Khiêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, Trưởng Ban Kỹ thuật - Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên kiến nghị Cục Sở hữu trí tuệ và Viện Thổ nhưỡng nông hóa đẩy mạnh triển khai việc quản lý truy xuất nguồn gốc các sản phẩm từ yến sào khi nhập vào Việt Nam để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Yến ngoại giá rẻ nhập vào đội lốt yến Việt, kéo giá yến Việt Nam đi xuống quá thấp như hiện nay mà người tiêu dùng không thể nhận biết vì bán trôi nổi trên mạng mà không cần chứng nhận an toàn thực phẩm hay thương hiệu nào. Họ bán hết đợt là xóa tài khoản trên mạng xã hội thì cơ quan chức năng cũng khó mà truy vết để xử lý tình trạng yến giả, yến kém chất lượng tràn lan...
Nhà yến ở Phú Yên cho sản lượng yến lớn.
Theo ông Khiêm, cần đặc biệt quan tâm đến xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu tập thể Yến sào Phú Yên. Bởi Phú Yên là địa phương có sản lượng yến lớn, tỷ lệ yến đạt chất lượng xuất khẩu cao với tổng đàn hơn 1,2 triệu con. Ước sản lượng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc với sản lượng trên 2 tấn/năm, và có thể tăng dần trong tương lai khi các tiêu chuẩn kỹ thuật và thương hiệu chung hoàn thiện, thống nhất cho tất cả nhà yến có tổ yến đăng ký vào thương hiệu chung Yến sào Phú Yên.
Nhấn mạnh phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ, nâng cao hiệu quả”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 6 định hướng lớn thời gian tới để tín dụng chính sách xã hội tiếp tục là “điểm sáng”, “trụ cột” trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, giúp những người khó khăn phát huy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống.