Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 3 tháng 6 năm 2024 | 17:22

Để trái cây Việt tăng khả năng “thâm nhập” thị trường quốc tế

Hiện nay, nhiều nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, có khả năng cạnh tranh cao, khả năng thâm nhập các thị trường xuất khẩu đang và sắp vào mùa như vải, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, bơ…và sẽ gặp phải trở ngại nhất định về thị trường tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch ồ ạt.

Sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu chính mang lại giá trị cao.

Không ngừng nâng cao chất lượng

Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, dư địa thị trường xuất khẩu là rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên cạnh tranh về mặt hàng nông sản, trái cây cùng loại giữa các nước tham gia xuất khẩu ngày càng khốc liệt. Bởi vậy, để nông sản Việt xuất hiện rộng rãi và khẳng định giá trị trên kệ hàng hóa tại hệ thống phân phối quốc tế đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng quy định về tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, hàng hóa, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho hay: Ngay từ đầu năm, được sự hỗ trợ của các đơn vị chức năng, tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh việc trao đổi, thúc đẩy hợp tác với chính quyền, cơ quan chức năng, doanh nghiệp của các nước, vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU…

Cùng đó, thường xuyên liên hệ, trao đổi với các chợ đầu mối, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị lớn trong nước để kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều; chủ động chuẩn bị các điều kiện tốt nhất phục vụ công tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều… Đến nay, trên địa bàn tỉnh việc thu hoạch, tiêu thụ vải thiều đang bắt đầu diễn ra rất sôi động; giá bán vải thiều dao động từ 25-70 nghìn đồng/kg.

Tuy nhiên, ông Trần Quang Tấn cũng chỉ ra những điểm nghẽn cần tháo gỡ như ùn tắc cục bộ tại hai cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn và Kim Thành, tỉnh Lào Cai…; tiếp tục triển khai các bước để thực hiện chiếu xạ vải thiều xuất khẩu sang Hoa kỳ được thực hiện tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Bắc Giang kết nối, tiếp cận, đàm phán, ký kết hợp tác để xuất khẩu vải thiều của sang các thị trường quốc tế…

Do đó, ông Trần Quang Tấn đề nghị các đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của các nước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất khẩu vải thiều; giúp đỡ thúc đẩy việc quảng bá, tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Đồng thời, tiếp tục định hướng giúp tỉnh Bắc Giang trong các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều; thông tin chính sách, quy định mới về nhập khẩu, quy trình thủ tục, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm… của thị trường các nước đối với vải thiều, sản phẩm chế biến từ vải; hỗ trợ mời gọi kênh phân phối, các Tập đoàn bán lẻ của các nước đến tìm hiểu, hợp tác, thu mua tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang.

Chỉ ra những khó khăn vướng mắc trong xuất khẩu, ông Biện Tấn Tài- Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho hay: Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của thanh long Bình Thuận và cả Việt Nam nhưng cũng là quốc gia có diện tích trồng thanh long tương đương với Việt Nam.

Hiện tại, Trung Quốc đang tiếp tục phát triển mở rộng, tập trung ở các tỉnh giáp với Việt Nam như: Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam…và có mùa vụ thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 11, không chênh lệch nhiều so với thời điểm thu hoạch chính vụ của thanh long Bình Thuận từ tháng 3 đến tháng 9.

Đây cũng là thời vụ thu hoạch của cam, quýt, táo, lê, nho... nên vào thời gian này thanh long Bình Thuận phải cạnh tranh với cả thanh long và trái cây Trung Quốc nên việc tiêu thụ thường bị chậm, giá cả có xu hướng giảm, trong tương lai việc tiêu thụ sẽ còn khó khăn hơn. Ngoài ra, việc đẩy mạnh xuất khẩu thanh long vào thị trường châu Âu, khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á… vẫn còn khó khăn, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng chậm do doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu gia công hoặc bán thanh long cho doanh nghiệp khác xuất khẩu nên không thể hiện kim ngạch.

“Bắt tay” cùng doanh nghiệp

Việc phát triển thêm các thị trường mới như Trung Đông, Ấn Độ… và các quốc gia đã ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc tuy đã được triển khai nhưng xuất khẩu thanh long của tỉnh gặp khó khăn trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ do bị đứt gãy chuỗi cung ứng.

Mặt khác, doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của địa phương đa số có qui mô vừa và nhỏ, trình độ ngoại thương còn hạn chế, kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến thương mại ít nên việc tham gia xúc tiến thương mại còn hạn chế, cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước, nhất là xúc tiến thương mại tại nước ngoài thường có kinh phí lớn.

Vải thiều Việt Nam cần phải tính tới việc xuất khẩu nhiều hơn. 

Ông Đỗ Ngọc Hưng- Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ nhấn mạnh: Hiện nay, Việt Nam có 8 loại trái cây tươi được phép nhập khẩu vào Mỹ bao gồm thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi, dừa. Các loại trái cây phải được cấp mã số vùng trồng, nhà đóng gói, phải qua xử lý chiếu xạ được Bộ Nông nghiệp (APHIS – Cục Kiểm dịch động thực vật) xác nhận và kèm theo chứng thư kiểm dịch thực vật (KDTV) xác nhận đáp ứng các yêu cầu KDTV của Mỹ.

Trái cây nhập khẩu vào Hoa Kỳ chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định và đạo luật khác nhau như Đạo luật Bảo vệ thực vật, Đạo luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm,  Đạo luật Bảo vệ chất lượng thực phẩm, Chương trình Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm phải đăng ký cơ sở sản xuất và đăng ký đại diện tại Mỹ làm đầu mối liên lạc. Cứ sau 2 năm, doanh nghiệp nước ngoài đang xuất hàng thực phẩm vào Mỹ phải tiến hành đăng ký lại cơ sở sản xuất và người đại diện được cấp mã số kinh doanh hợp lệ với mặt hàng.

Vùng trồng và chế biến trái cây phải đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn như GlobalGAP, chứng chỉ môi trường, ISO, HACCP, USDA, đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không được đăng ký tại Mỹ, không nhiễm các loại vi sinh vật, vi khuẩn, nấm mốc, quá trình thu hoạch phải đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng trái cây.

Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, so với các nước xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đặc biệt là các nước khu vực châu Mỹ, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp một số khó khan bởi tính mùa vụ thời gian thu hoạch ngắn, sản phẩm tươi mau hỏng. Khoảng cách địa lý xa làm phát sinh thời gian và chi phí phí vận chuyển. Cạnh tranh từ các thị trường Nam Mỹ, châu Á có cùng sản phẩm. Công nghệ bảo quản còn hạn chế, sản phẩm qua quá trình chiếu xạ bị thay đổi nhiệt độ nên không giữ được chất lượng ban đầu, độ tươi ngon giảm nhiều sau khi hàng cập cảng. Quy mô sản xuất trong nước còn nhỏ lẻ, khó đáp ứng được số lượng và yêu cầu từ nhà nhập khẩu. Chưa đầu tư đúng mức về khâu đóng gói, bao bì, mẫu mã và quảng bá tại thị trường Hoa Kỳ.

Vì thế, ông Đỗ Ngọc Hưng kiến nghị địa phương và doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng của trái cây mùa vụ: bổ sung sản phẩm chế biến như trái cây khô, bột trái cây, sản phẩm đóng hộp có thể tiêu thụ quanh năm.Ngoài ra, ứng dụng công nghệ mới giúp kéo dài thời gian bảo quản trái cây ví dụ công nghệ đưa trái cây vào trạng thái ngủ đông, bảo quản tế bào sống, sử dụng chế phẩm sinh học, màng bọc, chất bảo quản được phép để kéo dài tuổi thọ trái cây. Xây dựng kế hoạch tổng thể để triển khai bài bản, đồng bộ, có điểm nhấn và kiên trì công tác quảng bá, xúc tiến thương mại trái cây mùa vụ, xây dựng câu chuyện gắn với trái cây, khai thác hình ảnh thực tế vùng trồng, tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các khu chợ người Việt, người châu Á.

Ông Đỗ Ngọc Hưng cũng lưu ý việc mời doanh nghiệp nhập khẩu về thăm vùng trồng, cơ sở chế biến, phát huy quan hệ kết nghĩa với các địa phương tại Hoa Kỳ để làm căn cứ lan tỏa hình ảnh thương hiệu sản phẩm Việt Nam.

Mặt khác, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; trong đó ngoài vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp lớn đã có kinh nghiệm xuất khẩu trái cây tươi, cần khuyến khích, đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát huy thế mạnh của mình tích cực tham gia xuất khẩu. Trong nhóm này, không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp nhập khẩu tại Mỹ, trước mắt là các doanh nghiệp Việt Kiều giúp tiêu thụ hàng hóa tại các chuỗi chợ, trung tâm thương mại châu Á.

Ngoài ra, ông Đỗ Ngọc Hưng cho rằng cần khuyến khích, hỗ trợ sự tham gia của các doanh nghiệp vận tải (hàng không, tàu biển) để giảm cước vận chuyển trái cây mùa vụ vào các dịp cao điểm từ Việt Nam sang Hoa Kỳ và các thị trường khác; doanh nghiệp logistics phát huy thế mạnh hệ thống hạ tầng, tối ưu hoá mô hình logistics chuyên dụng dành cho nông sản phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Bảo vệ thực vật) trao đổi. đàm phán với cơ quan chức năng Hoa Kỳ cho phép áp dụng thêm các biện pháp xử lý kiểm dịch khác như xử lý hơi nước nóng để tiết giảm chi phí và tận dụng nguồn lực và trang thiết bị hiện có.

Đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết xuất khẩu rau quả 5 tháng năm của năm nay đạt 2,59 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện cả nước đang bước vào đầu giai đoạn thu hoạch chính vụ nhiều loại cây ăn quả như vải, xoài, sầu riêng, mít, nhãn, thanh long… nên nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu rất cao.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết các mặt hàng xuất khẩu chính mang lại giá trị cao vẫn là sầu riêng, thanh long, mít, chuối…. Xuất khẩu rau quả của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào.

Nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng có xu hướng tăng, đặc biệt một số loại trái cây đã bước vào vụ thu hoạch chính như sầu riêng, thanh long, dứa, dưa hấu, xoài, nhãn, vải… Hiện các nhà vườn ở các vùng trọng điểm trồng vải như Bắc Giang, Hải Dương… đang tích cực thu hoạch vụ vải 2024.

Sơ chế dứa xuất khẩu tại Công ty cổ phần Chế biến nông sản Việt Xanh (tỉnh Ninh Bình). (Ảnh: Hồng Giang)

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thương mại, mở cửa xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào các thị trường truyền thống, thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc...; các thị trường mới, nhiều tiềm năng như thị trường các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi... Đặc biệt, Bộ đang thúc đẩy sớm ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi sang thị trường Trung Quốc...

Bộ cùng các địa phương kiểm soát, hạn chế gia tăng diện tích, sản lượng với một số trái cây đang tăng trưởng nóng, vượt quy hoạch (sầu riêng...) thông qua việc khuyến cáo các điều kiện vùng trồng, giống, quy trình canh tác, thu hoạch…; đồng thời tăng cường hoạt động thanh kiểm tra, giám sát các mã vùng trồng, đóng gói xuất khẩu theo các yêu cầu thị trường nhập khẩu.

Cơ quan chức năng không ngừng hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để chuẩn hóa các quy trình thu hoạch, sơ chế, chế biến sản phẩm theo yêu cầu thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tích cực phối hợp với Đại sứ quán, thương vụ tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá đối với các sản phẩm đã mở cửa, gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản; triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU; mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, Châu Phi... Tận dụng các FTA, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu tiêu dùng, hỗ trợ kết nối tiêu thụ thông qua hệ thống tham tán thương mại, nông nghiệp tại các thị trường, các chuỗi phân phối bán lẻ trong nước, các sàn thương mại điện tử…/.

Thanh Tâm (t/h theo bnews.vn, vietnamplus...)
Ý kiến bạn đọc
Top