Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 7 năm 2024 | 8:32

Kinh tế tuần hoàn tạo ra giá trị từ chất thải nông nghiệp

Trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp bền vững để đối phó với khủng hoảng môi trường, kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã nổi lên như một mô hình lý tưởng.

Lời giải cho bài toán rác thải nông nghiệp

Theo đó, trong lĩnh vực nông nghiệp, mô hình này không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải mà còn tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, tạo ra giá trị kinh tế bền vững. 

Từ phế phẩm cây trồng như rơm, rạ, lá cây đến chất thải chăn nuôi như phân, nước thải và xác động vật... tất cả đều góp phần làm gia tăng ô nhiễm nếu không được xử lý đúng cách. Thêm vào đó, việc sử dụng bao bì nhựa, túi nilon và hóa chất nông nghiệp càng làm cho vấn đề rác thải trở nên phức tạp hơn.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hằng năm hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng 76 triệu tấn rơm rạ, 85 - 90 triệu tấn chất thải chăn nuôi, hơn 14.000 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật, phân bón các loại sau sử dụng. Tuy nhiên, khả năng thu gom và xử lý các loại rác thải này vẫn còn hạn chế. Phần lớn rác thải nông nghiệp không được xử lý đúng cách, dẫn đến tình trạng ô nhiễm đất, nước và không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và động vật.

Hằng năm, sản xuất nông nghiệp thải ra môi trường lượng lớn phế phẩm

Trong khi đó, số liệu từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho thấy, Việt Nam có tiềm năng tạo ra 85,4 triệu tấn chất hữu cơ trong đất, 3 triệu tấn phân ure, 4,8 triệu tấn photphat và 4,6 triệu tấn phân kali sunfat nếu ứng dụng KTTH hiệu quả. Lượng phân bón này hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu trong nước (khoảng 10,23 triệu tấn/năm).

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, thay vì được tái chế, tái sử dụng, phụ phẩm nông nghiệp lại trở thành nguồn phát thải khí nhà kính. Thống kê từ Viện Chiến lược chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn cho thấy, tổng lượng phụ phẩm nông nghiệp tại Việt Nam lên tới hơn 168 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom và xử lý thành sản phẩm giá trị gia tăng còn rất thấp. Rõ ràng, việc thiếu vắng mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp đang khiến bài toán rác thải trở nên nan giải, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người.

Trong bối cảnh đó, KTTH trong nông nghiệp là một giải pháp bền vững giúp tạo ra các hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ít tác động tiêu cực đến môi trường. KTTH trong nông nghiệp bao gồm các quá trình sản xuất theo chu trình khép kín, sử dụng công nghệ sinh học và hóa lý để tái chế chất thải và phụ phẩm, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn, đồng thời giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường. Nhiều quốc gia trên thế giới như Brazil, Trung Quốc, Thái Lan đã áp dụng KTTH thành công, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả.

Nuôi gà bớt mùi hôi, thêm hiệu quả nhờ sâu canxi

Qua học hỏi, ông Vương Đức Mạnh ở thôn Tân Phong, xã Phong Niên (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) đã mạnh dạn triển khai mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học, xử lý chất thải, không gây mùi hôi ra môi trường xung quanh.

Sử dụng nền đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm rất phù hợp với nông hộ có nhà ở gần chuồng trại ở vùng cao Lào Cai. Từ khi sử dụng đệm lót sinh học, mùi hôi từ chuồng trại gần như được triệt tiêu hoàn toàn. Nhờ men vi sinh, chất thải phân hủy nhanh, hạn chế được dịch bệnh trong chăn nuôi gia cầm…

Ông Vương Đức Mạnh chia sẻ, đầu tiên rải lớp mùn cưa hoặc trấu với độ dày khoảng 20 cm lên nền chuồng. Sau đó, có thể phun nước để tạo độ ẩm cho đệm lót này rồi rắc đều chế phẩm men lên toàn bộ bề mặt của đệm lót…

Chăn nuôi gà bằng đệm lót sinh học giúp hạn chế mùi hôi. Ảnh: HĐ.

Khi đệm lót hoai mục có thể sử dụng làm phân bón cho cây trồng và lúc đó thay đệm lót mới. Cách làm đệm lót sinh học nuôi gà tuy đơn giản, nhưng lại phát huy tối đa hiệu quả xử lý mùi hôi chất thải của gia cầm.

Cũng như ông Vương Đức Mạnh và một số hộ dân khác, ông Tải Quang Lài ở thôn Cốc Tủm, xã Phong Niên ngoài việc sử dụng đệm lót sinh học còn chăn nuôi gà bằng sâu canxi (ruồi lính đen). Loại thực phẩm này rất tốt khi làm thức ăn cho gà đẻ trứng.

Trước đây, chi phí về thức ăn chiếm phần lớn trong chăn nuôi. Sau thời gian nuôi gà bằng sâu canxi, vật nuôi nhanh lớn, ít bệnh, lông mượt hơn, chất lượng thịt thơm ngon. Giá bán gà cũng cao hơn so với nuôi thông thường từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Từ 10g trứng sâu ban đầu, sau 15 - 20 ngày nuôi cho thu hoạch khoảng 25 - 30kg sâu thành phẩm để làm thức ăn cho gà.

“Ưu điểm của mô hình là chi phí đầu tư thấp, dễ thích ứng, không mất nhiều công chăm sóc trong khi nguồn thức ăn cho gà dồi dào, cho lợi nhuận cao hơn. Trong khi đó, vừa tận dụng được chất thải, vừa đảm bảo yếu tố môi trường trong chăn nuôi”, ông Tải Quang Lài cho hay.

Việc thay đổi phương thức chăn nuôi, xử lý chất thải hữu cơ bằng đệm lót sinh học, nuôi sâu canxi đã mang lại hiệu quả rõ nét. Đặc biệt, giảm chi phí đầu vào cho chăn nuôi tới 50%, xử lý được vấn đề môi trường, từ đó mang lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi.

Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng ra 9 xã thuộc 3 huyện: Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên với 450 hộ tham gia. Các hộ nuôi sâu canxi được tập huấn kỹ thuật nuôi, quy trình nuôi, hỗ trợ con giống...

Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai cho biết, sâu canxi chính là ấu trùng của ruồi lính đen. Giai đoạn sâu trưởng thành hoặc lột xác để trở thành ruồi lính đen thì vỏ kén của sâu chứa rất nhiều canxi. Sản phẩm sâu trưởng thành dùng cho gia súc, gia cầm ăn để bổ sung nguồn dinh dưỡng, nhất là canxi nên rất tốt cho sự phát triển.

Nuôi sâu canxi cũng rất đơn giản, chỉ cần dùng hộp xốp hoặc xô, chậu, thùng nhựa làm chỗ trú ẩn cho sâu. Từ nguồn con giống, sau thời gian nuôi, ấu trùng sẽ sinh trưởng nhân đàn lên gấp nhiều lần.

Sâu canxi có khả năng tiêu thụ nguồn thức ăn thừa như các loại rau, củ, quả bị hư hỏng, thải loại và chất thải của động vật (phân lợn, phân trâu, phân gà…)…

“Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Lào Cai tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động nông dân duy trì và mở rộng mô hình nuôi sâu canxi, áp dụng các phương pháp chuyển đổi chất thải.

Có thể chuyển đổi chất thải trên đồng ruộng như rơm, rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải hữu cơ từ các hộ gia đình, kinh doanh, nhà hàng thành thức ăn nuôi sâu canxi, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, ông Tô Mạnh Tiến nói.

KTTH là giải pháp bền vững giúp giải quyết bài toán rác thải nông nghiệp

Theo các chuyên gia, dù mang lại nhiều lợi ích, việc áp dụng KTTH trong xử lý rác thải nông nghiệp vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những rào cản lớn nhất là thiếu hụt chính sách hỗ trợ cụ thể và đồng bộ từ Nhà nước. Các quy định về quản lý rác thải nông nghiệp hiện nay còn rời rạc và thiếu hiệu quả, khiến cho việc triển khai các mô hình KTTH gặp nhiều khó khăn. Các chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ vẫn chưa được chú trọng đầy đủ.

Thêm vào đó, nhận thức của nông dân và doanh nghiệp (DN) về lợi ích của KTTH còn hạn chế. Nhiều nông dân chưa thấy rõ giá trị kinh tế và môi trường từ việc áp dụng KTTH, dẫn đến sự e ngại trong việc đầu tư và thay đổi phương thức sản xuất.

Hệ thống giáo dục và đào tạo về KTTH chưa được phát triển mạnh mẽ, gây khó khăn trong việc lan tỏa kiến thức và kinh nghiệm. Nhiều khu vực nông thôn chưa có hệ thống thu gom và xử lý rác thải hiệu quả, khiến cho việc tái chế và sử dụng lại chất thải gặp nhiều trở ngại.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để thực hiện hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân. Trước tiên, Nhà nước cần ban hành các chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp áp dụng KTTH. Điều này bao gồm việc đầu tư vào nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính, và khuyến khích hợp tác giữa các bên liên quan.

Một giải pháp khác được các chuyên gia nhắc đến là ứng dụng công nghệ vào quá trình triển khai KTTH. Công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, và chuyển đổi số là những yếu tố quan trọng trong việc thực hiện KTTH. Các DN cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ, như hệ thống quản lý chất thải, hệ thống sản xuất sạch và công nghệ tái chế hiện đại.

Một trong những giải pháp không thể thiếu để thúc đấy sự KTTH chính là sự tham gia của các DN. Theo các chuyên gia, các DN cần xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên nguyên tắc KTTH, tạo ra giá trị từ chất thải và phụ phẩm nông nghiệp. Điều này bao gồm việc tái sử dụng, tái chế, và sử dụng chất thải làm nguyên liệu cho các quy trình sản xuất mới.

Rõ ràng, KTTH là giải pháp bền vững giúp giải quyết bài toán rác thải nông nghiệp, tạo ra giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường. Việc áp dụng KTTH đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng, cùng với việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ. Với các chính sách hỗ trợ phù hợp và sự chủ động tham gia của các bên liên quan, KTTH sẽ góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững và hiệu quả, mang lại lợi ích lâu dài cho xã hội.

Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn đã tồn tại lâu đời ở Việt Nam đó là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Các sản phẩm, phế phụ phẩm sẽ được sử dụng, tái chế làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí, thất thoát, hạn chế tối đa lượng chất thải, tăng hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ nongnghiep, baodantoc...)
Ý kiến bạn đọc
Top