Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực thích ứng bằng các mô hình sản xuất thông minh trong điều kiện biến đổi khí hậu với các biểu hiện xâm nhập mặn, khô hạn, nắng nóng ngày càng rõ rệt hơn trên địa bàn tỉnh.
Thay đổi để thích nghi
Tại thôn Thái Đông (xã Bình Nam, huyện Thăng Bình) có 12ha đất trồng lúa bị bỏ hoang nhiều năm qua. Không thể bỏ phí tài nguyên, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Nam (HTX Bình Nam) đã cải tạo đất để trồng lúa bằng phương thức sản xuất thông minh.
Ông Trần Văn Ninh - Giám đốc HTX Bình Nam cho biết, cái lợi của sản xuất thông minh là giảm được nước tưới, giảm được lượng lúa giống. Thông thường người dân sạ 5 - 6kg/sào thì mô hình chỉ sạ 3,5kg/sào. Năng suất lúa thu được cao hơn cách làm truyền thống: 70 tạ/ha so với 50 - 60 tạ/ha.
Theo ông Ninh, sản xuất thông minh đòi hỏi phải ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt là sạ hàng giúp dễ chăm bón hơn. Bằng cách thức này, khi đi bón phân, thuốc thì ruộng lúa có những lối đi, tránh giẫm đạp lên cây.
Hàng thưa nên bộ rễ của cây có không gian để phát triển, tăng độ bám vào đất, chống bị ngã khi gió lớn. Sạ hàng thưa cũng giúp cho lá lúa tăng độ quang hợp, hạn chế được sâu bệnh.
Thu hoạch lúa bằng các phương pháp hiện đại giúp giảm thiểu rủi ro về chất lượng lúa, gạo về sau.
“Sản xuất lúa thông thường hay bị ảnh hưởng bởi sâu cuốn lá, sâu keo, bệnh đạo ôn. Sản xuất lúa thông minh khắc phục được hạn chế trên, chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật cũng ít đi. Chúng tôi hướng dẫn nông dân sử dụng các loại phân vi sinh, phân hữu cơ để bón đúng thời điểm, ruộng lúa hấp thu vừa đủ nên tiết kiệm” - ông Ninh nói.
Diễn biến của biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp, nắng nóng kéo dài, nhiều vùng ruộng không đủ nước cho sản xuất cây lúa. Ở nhiều địa phương, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn nông dân chuyển đổi đất trồng lúa không chủ động nước tưới sang trồng các loại sen, bắp, đậu xanh, bí…
Các HTX đã hỗ trợ xã viên kéo điện ra đồng, đóng giếng, cung cấp giống chất lượng, phân bón, vật tư để sản xuất thông minh, thích ứng với BĐKH. Ở xã Bình Đào (Thăng Bình), HTX Bình Đào đã cải tạo lại đất hoang, trồng 15ha sen. HTX sau khi thu hoạch sen đã sơ chế thành hạt sen sấy khô, sản phẩm đạt OCOP 3 sao bán được 180 nghìn đồng/kg.
HTX Bình Đào cũng hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất đậu phụng thông minh thích ứng với BĐKH. Các thành viên trong HTX đã chọn giống đậu phụng có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng thích ứng tốt và tỷ lệ đậu quả cao để đưa vào sản xuất. Khi canh tác cây đậu phụng, người dân được hướng dẫn sử dụng bón phân chuồng kết hợp với men vi sinh để hạn chế bệnh thối rễ.
Cách đầu tư này cũng tiết kiệm được lượng nước tưới khi áp dụng tưới theo từng đợt, đảm bảo đủ nước theo chu kỳ sinh trưởng của cây. Trước khi gieo hạt đậu phụng, kỹ thuật làm đất được chú trọng nên hạn chế sâu bệnh phá hoại. Đậu phụng sau khi thu hoạch được HTX Bình Đào chế biến thành sản phẩm OCOP 3 sao.
Vận dụng các cơ chế sẵn có để thích nghi
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, nông nghiệp Quảng Nam đang chịu nhiều tác động cực đoan từ BĐKH. Dễ thấy nhất là nhiệt độ tăng cao dẫn đến sâu bọ, dịch bệnh phát triển, thoái hóa đất... nên ngành nông nghiệp vận động để thích ứng. Sở NN&PTNT đã phối hợp với Dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới” (WB7) triển khai nhiều hợp phần sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH.
Kết quả hợp phần 1 đã hỗ trợ nâng cao năng lực cho Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam và các đơn vị khác về quản lý, vận hành trang thiết bị; phát huy vai trò của cộng đồng trong quản lý hệ thống tưới tiêu; áp dụng công nghệ, kỹ thuật tưới tiết kiệm cho mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng BĐKH. Hợp phần 2 nâng cấp cơ sở hạ tầng thủy lợi, tưới tiêu chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Hợp phần 3 hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh…
Theo ông Nguyễn Xuân Vũ, Dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới” triển khai nhiều hợp phần đã giúp ngành nông nghiệp Quảng Nam duy trì, phát triển bền vững trong bối cảnh rủi ro BĐKH ngày càng gia tăng.
Ngoài canh tác nông nghiệp tích hợp công nghệ thông minh còn có các mô hình liên quan đến quản lý nước và tưới tiêu thông minh được áp dụng vào hệ thống sản xuất cây trồng.
Thời gian tới, Quảng Nam sẽ áp dụng các giống cây trồng có khả năng chống chịu với điều kiện hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh; phát triển hệ thống nông lâm kết hợp; áp dụng trồng xen canh trong sản xuất để điều hòa nhiệt, giữ ẩm cho đất.
“Áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm đang được nhân rộng trên địa bàn các tỉnh. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số sẽ tiếp tục được các HTX ứng dụng để đem lại hiệu quả thiết thực” - ông Vũ nói.
Theo ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH là một “cuộc cách mạng”. Bởi vậy, ngành chức năng tuyên truyền, vận động, tập huấn giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết về nông nghiệp thông minh để sẵn sàng thích ứng. Rất cần sự dám nghĩ, dám làm, thử nghiệm, áp dụng các giải pháp thông minh của nông dân để việc sản xuất thích ứng với BĐKH đem lại hiệu quả thiết thực.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…