Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 7 năm 2024 | 11:30

Để sen Tây Hồ phát triển bền vững

Sen Tây Hồ nức tiếng với nhiều sản phẩm từ sen và được công nhận là sản phẩm OCOP, nhưng nếu như không có chủ trương để bảo tồn và phát triển giống sen quý như sen Bách Diệp (sen trăm cánh), nguy cơ mất đi các giống sen quý và các sản phẩm từ sen là khó tránh khỏi.

Vì thế, rất cần có cơ chế, chính sách bảo tồn, phát triển sen và các sản phẩm từ sen, để sen Tây Hồ phát triển bền vững, trở thành một thương hiệu của Thủ đô.

Bảo tồn, phát triển vùng sen

Trong tâm thức của người dân làng Quảng An (phường Quảng An), hoa sen Tây Hồ được ví tựa “đồng đen” như trong câu ca dao: “Đấy vàng, đây cũng đồng đen/Đấy hoa thiên lý, đây sen Tây Hồ”. Điều này nói lên sự quý giá của giống sen Bách Diệp, bởi những giá trị mà không có loại sen nào có được.

Thu hoạch sen Bách Diệp.

Nhiều năm qua, do sự phát triển của đô thị, ảnh hưởng của môi trường, sen Bách Diệp bị thoái hóa, diện tích trồng sen ở Hồ Tây dần bị thu hẹp, nguy cơ mất đi giống sen quý là điều hiện hữu. Đây là nỗi trăn trở của  người dân làng Quảng An và những gia đình có truyền thống làm nghề trà ướp sen từ hàng trăm năm nay.

Trao đổi với bà Lưu Thị Hiền, chủ thể của sản phẩm “trà sen Hiền Xiêm”, đã được UBND quận Tây Hồ công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, tôi thấy được nỗi lo đau đáu của người “sống chết” với nghề truyền thống mà cha ông để lại. “Gia đình làm trà sen đã trải qua 5 đời, sản phẩm  đã được sử dụng để lãnh đạo Đảng, Nhà nước dùng đón tiếp các nguyên thủ quốc gia khi đến thăm Việt Nam. Năm 2023, sản phẩm “trà sen Hiền Xiêm” được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. “Đây là niềm vinh dự cho cơ sở chúng tôi. Chất lượng sản phẩm đã có thương hiệu từ hàng trăm năm qua”, bà Hiền nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đến thăm gian hàng cơ sở Hiền Xiêm tại Lễ Hội Sen Hà Nội.

Khi được hỏi, sản phẩm trà sen Hiền Xiêm đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4, song làm sao để sen và các sản phẩm từ sen Tây Hồ trở thành một thương hiệu  của Thủ đô? Dường như chạm đúng vào nỗi trăn trở, bà Hiền cho biết, làm trà ướp sen là một nghề vất vả, một nắng hai sương. Phải dậy thật sớm, phải thức rất khuya và phải làm bằng cả cái Tâm của mình trong từng mẻ trà ướp sen đó. Muốn có trà sen thì không thể thiếu sen, mà không thể lấy sen ở đâu khác ngoài sen Bách Diệp trồng ở Hồ Tây.

Theo bà Hiền, muốn sen và trà sen trở thành thương hiệu của Thủ đô thì phải bảo tồn và phát triển được vùng trồng sen, giống sen trồng phải là loài sen Bách Diệp. Bởi chỉ có Tây Hồ mới có đủ điều kiện thổ nhưỡng cho sen phát triển, nhiều năm qua, khi tình trạng đô thị hóa phát triển, nhiều đầm trồng sen xung quanh Hồ Tây bị thu hẹp, diện tích trồng sen không còn nhiều, môi trường trồng sen bị ô nhiễm do nước thải không được kiểm soát. Nếu không được quan tâm từ phía chính quyền, nguy cơ mất đi diện tích trồng sen và giống sen quý là điều hiện hữu.

Bên cạnh đó, người làm nghề ướp trà sen truyền thống phải bảo tồn được nghề của cha ông để lại, phải nâng cao được chất lượng sản phẩm. Đừng vì lợi nhuận mà bán rẻ đi thương hiệu đã được cha ông gây dựng từ nhiều đời qua. “Điều những người làm trà sen truyền thống chúng tôi mong mỏi là được ổn định để sản xuất, vì chỉ có ở chính nơi mình được sinh ra, được lớn lên, được truyền nghề mới có đủ các điều kiện để sản phẩm trà sen bay xa”, bà Hiền chia sẻ.

Cây sen trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, sen Bách Diệp  là giống quý, nhưng dần thoái hóa. Hiện nay, diện tích trồng sen ở Tây Hồ  dần bị thu hẹp. Từ năm 2017, các nhà khoa học của Trung tâm Tài nguyên Thực vật, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu và đưa ra một số đặc điểm hình thái đặc trưng để nhận biết giống sen Hồ Tây. Gần đây, các nhà khoa học đã sử dụng biện pháp nuôi cấy mô tế bào để tạo ra nguồn giống sen giữ nguyên được các đặc tính của sen Bách Diệp, cây giống không bị sâu bệnh. Kết quả nghiên cứu invitro đã thành công khi hơn 500 mẫu giống vừa được đưa ra vườn ươm để đánh giá kết quả.

Để khôi phục và bảo tồn giống sen Bách Diệp, năm 2024, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã hợp tác với UBND quận Tây Hồ triển khai đề án trồng sen tại một số hồ nhỏ trên địa bàn. Cụ thể, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ quận Tây Hồ 7.000 cây giống sen Bách Diệp và vật tư trồng sen. Các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương đã tổ chức các buổi tập huấn, phổ biến kiến thức trồng và chăm sóc sen cho người dân. Dự án trồng sen tại các hồ nhỏ ở quận Tây Hồ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch sinh thái. Dự án khôi phục và phát triển trồng sen nhằm duy trì và cung cấp nguyên liệu cho sản xuất trà sen, đồng thời giữ vững và phát triển thương hiệu trà sen ở đây.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với quận Tây Hồ để nghiên cứu và đưa thêm nhiều giống sen mới về trồng thí điểm, giúp gia tăng giá trị kinh tế cho người dân và phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch sinh thái.

Theo ông Trần Gia Hùng, Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ, xác định sen và các sản phẩm từ sen Hồ Tây là một thế mạnh trong phát triển kinh tế, du lịch trên địa bàn của quận Tây Hồ, được sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND TP. Hà Nội, quận Tây Hồ đã triển khai đề án bảo tồn và phát triển sen Bách Diệp tại Hồ Tây. Hiện nay, quận đang triển khai dự án cho 2 chủ đầm có diện tích trồng sen khoảng 7ha để bảo tồn giống sen quý, sau khi thành công, UBND quận sẽ tiếp tục nhân rộng trồng sen ở các hồ, đầm còn lại trên địa bàn. Đồng thời, sẽ hoàn thiện hồ sơ để công nhận sản phẩm OCOP cho các chủ thể sản xuất trà sen còn lại như Trà sen Bà Dần, Trà sen Hương Thủy…

Hà Nội đang tập trung phát triển cây sen như một phần trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp đô thị và du lịch. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi để phù hợp với tiến trình đô thị hóa và xây dựng đô thị sinh thái bền vững.

Tăng cường liên kết, gia tăng giá trị của sen 

Tại Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Lễ hội Sen Hà Nội không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của hoa sen, tôn vinh những giá trị văn hóa tinh thần của hoa sen trong đời sống người Việt, mà còn là cơ hội để tăng cường liên kết, thúc đẩy phát triển đa giá trị từ cây sen.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đằng sau mỗi sản phẩm OCOP có sự chung tay của rất nhiều con người, góp phần kích hoạt khu vực kinh tế nông thôn, chuyển dịch theo hướng tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Mỗi sản phẩm OCOP hướng tới “kích hoạt” sự năng động, “sức sống” của cộng đồng nông thôn, thông qua đó đào tạo một thế hệ doanh nhân mới là những người trẻ khởi nghiệp với sản phẩm OCOP.

PGS-TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đưa ra một số gợi ý: “Hà Nội đang tập trung phát triển công nghiệp văn hóa và đây là hoạt động đóng góp tích cực, tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo của Thủ đô, của Tây Hồ, làm gia tăng giá trị của sen trong đời sống. Chính vì thế, Ban Tổ chức cần quảng bá để lan tỏa sự kiện rộng rãi hoạt động đến người dân và du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, đồng thời liên kết với các địa phương, tổ chức quốc tế để hướng lễ hội trở thành sự kiện vươn tầm quốc tế”, ông Sơn nói.

Hà Nội đã có 18 sản phẩm OCOP từ sen, đặc biệt sản phẩm “Khăn lụa tơ sen” của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức là sản phẩm tiềm năng 5 sao,  được Văn phòng Chính phủ sử dụng làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia.

Với diện tích trồng sen hơn 600ha, trong đó sen Tây Hồ đóng vai trò then chốt, đây là nguồn lực dồi dào để Hà Nội khai thác và phát triển các sản phẩm từ sen, thu hút du khách và thúc đẩy kinh tế - văn hóa phát triển. Nếu được phát triển thành thương hiệu của Hà Nội, của quốc gia, sen Tây Hồ sẽ tạo đòn bẩy mạnh mẽ cho du lịch Thủ đô.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top