Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024  
Thứ hai, ngày 22 tháng 7 năm 2024 | 20:53

Cần lực đẩy để doanh nghiệp nông nghiệp "bắt tay" khởi nghiệp xanh

Xu hướng khởi nghiệp xanh ngày càng được quan tâm, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp nông nghiệp với mong muốn nâng cao chuẩn sống cho người Việt Nam.

Nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Tăng trưởng xanh đã dần trở thành xu hướng chủ đạo, là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Cùng với xu thế đó, Việt Nam đang thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi xanh trong nông nghiệp. Để tạo động lực cho một doanh nghiệp nông nghiệp có thể mạnh dạn đầu tư cho khởi nghiệp xanh, rất cần sự hỗ trợ từ cơ quan, chính quyền cũng như những chính sách, cơ chế ưu đãi để thúc đẩy, tạo đòn bẩy phát triển. 

Phát triển nông nghiệp xanh

Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó tác động mạnh đến nông nghiệp - lĩnh vực quan trọng có tính dẫn dắt trong nền kinh tế.

Trước những ảnh hưởng tiêu cực đó, ngành nông nghiệp đã tiên phong trong việc ban hành chính sách nhằm thúc đẩy và thu hút doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư, đồng hành thực hiện kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu. Các doanh nghiệp thể hiện rất rõ vai trò của mình trong việc chủ động tìm kiếm công nghệ, thị trường phù hợp; thậm chí điều chỉnh những chương trình, kế hoạch canh tác, sản xuất kinh doanh để thích ứng một cách hiệu quả với chương trình hành động của cơ quan quản lý Nhà nước, góp phần thay đổi nông nghiệp Việt Nam, đưa sản phẩm nông sản chủ lực có bước nhảy vọt trong sản xuất, xuất khẩu.

Trong đó, kinh tế nông nghiệp xanh là một mô hình tăng trưởng mới với mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp Zero carbon. Dù tiêu chí đánh giá nông nghiệp xanh trên thế giới chưa đồng nhất, song về cơ bản cần bám vào yêu cầu của thị trường.

Đó là nền kinh tế nông nghiệp mà các quy trình sản xuất đều được minh bạch, cân bằng carbon, cân bằng sức lao động của người nông dân, cân bằng chi phí đầu vào và đầu ra trong quy trình sản xuất một tấn hàng hóa nông sản. Bên cạnh đó, nền kinh tế nông nghiệp xanh cần được bổ sung tiêu chí sự can thiệp của thị trường và công nghệ, chi phối quá trình lên kế hoạch sản xuất, thu hoạch và bảo quản.

Mấu chốt là chuyển đổi tư duy

Việt Nam đang đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng tăng trưởng và tiêu dùng xanh.

Một mô hình nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ trong trồng rau.

Nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, ổn định kinh tế và giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp..., đảm bảo nông nghiệp bền vững trên cả trụ cột kinh tế-xã hội và môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận: “Nông nghiệp xanh là một xu thế không thể đảo ngược, chúng ta phải chủ động thích ứng và thực tế là bà con đã thích ứng được”.

Chẳng hạn như ở Tứ Kỳ, Hải Dương, nông dân sản xuất lúa - rươi - cáy, ba tầng giá trị. Nông dân thu nhập bán rươi nhiều hơn bán lúa, nhưng không có lúa thì sẽ không có hai sản phẩm kia. Hay mô hình lúa – tôm, lúa – cá ở Bạc Liêu, Cà Mau…, nông dân Việt Nam đã và đang hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái.

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn ở Tây Nguyên cũng vậy. Từ nông trại cà phê, cây ăn quả, thay vì đốt phụ phẩm dẫn đến phát tán hiệu ứng khí nhà kính, người nông dân đem tái chế, băm nhỏ tạo thành phân sinh học bón cho cây trồng.

Chuyển đổi sang sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đang có hiệu ứng mạnh mẽ ở nhiều địa phương, chi phí thấp hơn mà hiệu quả sản xuất vẫn đảm bảo. Liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm hơn 10 năm đã giúp ông Trương Thanh Hà, xã Vĩnh Phú huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang nhàn hạ, yên tâm hơn rất nhiều. Nhưng hơn 3 năm gần đây, ông Hà cùng doanh nghiệp chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học thì việc liên kết của ông còn an nhàn hơn nữa.

Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu đang đồng hành cùng người nông dân tại Đồng bằng sông Cửu Long, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, với cam kết “Cùng nông dân phát triển bền vững”, Lộc Trời liên kết với các hợp tác xã và hơn 300.000 nông hộ. Tập đoàn xây dựng và hướng dẫn thực hiện các quy trình canh tác nhằm tối ưu hoá, cơ giới hóa từ sản xuất, thu hoạch và vận chuyển… giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tiết giảm chi phí, đảm bảo lợi nhuận ổn định cho nông dân.

Trong bối cảnh giá vật tư đầu vào tăng, những mô hình trên còn giúp nông dân giảm chi phí. Ngành nông nghiệp cũng cần lan tỏa những mô hình như vậy và đó là xu hướng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái thuận theo tự nhiên.

Hiện nay, người tiêu dùng không đơn giản chỉ mua một sản phẩm mà họ mua cả quy trình tạo ra sản phẩm đó với tổng hợp nhiều chuẩn mực như: Các yếu tố môi trường (có phát thải cao không, có sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường không, có gây bất lợi cho môi trường không), các yếu tố lao động… Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi sẽ khó khăn hơn.

Đóng vai trò hết sức quan trọng trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và cũng là nhân tố giúp nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững, tuy nhiên, trên thực tế số lượng doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này vẫn còn khá khiêm tốn. Đến cuối năm 2023, cả nước có trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, so với tổng số trên 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. 

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đặt vấn đề, “phải chăng do cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không đủ mạnh, cách huy động, kêu gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chưa thật sự tốt nên vẫn chưa có sức hấp dẫn, cuốn hút doanh nghiệp. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà nông còn chưa thật sự tốt, người nông dân vẫn bị động từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm”.

Một trong những đầu vào trong sản xuất nông nghiệp xanh là thuốc bảo vệ thực vật sinh học, trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch Hội Sản xuất Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam, Nhà nước chưa có chính sách phù hợp và đủ mạnh để khuyến khích nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Thủ tục còn cồng kềnh, rườm rà, còn thiếu quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật riêng cho các thuốc bảo vệ thực vật sinh học chuyên tính cao.

Tạo động lực cho doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư cho khởi nghiệp xanh

Khởi nghiệp với nông nghiệp xanh (nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thuận tự nhiên) đã được nhiều dự án lựa chọn nhằm cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Mô hình khởi nghiệp xanh có nhiều ưu điểm như hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng nguồn phân bón hữu cơ tự ủ từ các phụ phẩm nông nghiệp, tận dụng các ưu thế của địa phương nên đầu tư thấp hơn, tự cung tự cấp về giống nên chủ động về nguồn giống. Môi trường sản xuất vì vậy trong lành, thân thiện và đảm bảo sức khỏe tốt hơn cho người sản xuất.

Nhiều nhà vườn sử dụng phân bón hữu cơ, giảm sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước.

Theo các chuyên gia, ngoài ý thức của người dân và thành viên trong sản xuất thì vẫn chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho phát triển nông nghiệp xanh. Nếu không có hành lang pháp lý rõ ràng, việc sản xuất nông nghiệp xanh sẽ trở thành thách thức lớn cho hợp tác xã, các hợp tác xã không biết bám vào hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn hay quy chuẩn nào để thực hiện.

Khởi nghiệp nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, ổn định kinh tế và giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp… đảm bảo nông nghiệp bền vững trên cả trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh.

Hiện, khởi nghiệp xanh đang là một xu hướng tất yếu, có rất nhiều khó khăn và thách thức, bởi nó không chỉ đòi hỏi thời gian và nỗ lực, mà còn cần sự hiểu biết về các lĩnh vực xanh và ý thức về bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp nông nghiệp khởi nghiệp xanh luôn phải tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ có lợi ích môi trường một cách rõ ràng và hấp dẫn đối với khách hàng bằng việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ xanh với mức giá cạnh tranh so với các sản phẩm và dịch vụ truyền thống đang là một thách thức. Đó là những khó khăn về nguồn vốn, chính sách, về hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo nhân lực... Cùng với đó là thiếu rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm, trưng bày để các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có cơ hội kết nối, giao lưu học hỏi lẫn nhau, tạo ra một cộng đồng xanh lớn mạnh.

Để tạo động lực cho một doanh nghiệp nông nghiệp có thể mạnh dạn đầu tư cho khởi nghiệp xanh, rất cần sự hỗ trợ từ cơ quan, chính quyền cũng như những chính sách, cơ chế ưu đãi để thúc đẩy, tạo đòn bẩy phát triển. Trong đó, có việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế rác thải, dịch vụ liên quan môi trường; giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động tại các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực liên quan môi trường thay vì chỉ ưu đãi cho các vùng, địa phương khó khăn.

Ngoài ra, doanh nghiệp khởi nghiệp xanh cần được hỗ trợ về giá thuê đất để tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất; hỗ trợ kinh phí liên quan các thủ tục đăng ký bản quyền, bằng phát minh, sáng chế, thử nghiệm sản phẩm nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên cho đất nước.

Mỗi doanh nghiệp có ý tưởng khởi nghiệp xanh cần có sự vận dụng sáng tạo và lấy nền tảng là khoa học công nghệ, công nghệ số… Sản xuất tuần hoàn không bị trói buộc bởi khuôn mẫu nào, mà tùy thuộc vào điều kiện, năng lực mỗi tổ chức, cá nhân. Muốn sản xuất tuần hoàn được điều quan trọng là tư duy thiết kế mô hình sản xuất theo điều kiện, nguồn lực của mình.

Tầm nhìn xa và hành động cụ thể

Nông nghiệp Việt Nam có vai trò rất quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, nhưng nông nghiệp lại là ngành tạo ra phát thải CO2 rất lớn. Trên diễn đàn Quốc hội diễn ra mới đây, đại biểu Nguyễn Thị Lan nhận định, nếu không có kế hoạch và các hành động cụ thể đối với việc sản xuất nông sản Việt Nam, xuất khẩu gắn với giảm phát thải khí nhà kính thì nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sẽ bị tính thêm thuế carbon của các nước, làm gia tăng giá xuất khẩu và mất lợi thế cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Tại Việt Nam, nông nghiệp xanh được xác định là chủ trương quan trọng nhằm hướng đến một mô hình nông nghiệp tăng trưởng bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu sâu sắc tác động quy định của một số quốc gia đến việc xuất khẩu nông sản, từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học, các chính sách hấp dẫn để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia thị trường carbon vừa để phát triển bền vững, vừa làm gia tăng giá trị ngành nông nghiệp trên cơ sở tham khảo bài học của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ…

Nông nghiệp là ngành vừa phát thải, vừa hấp thu, hấp thu thì có rừng, phát thải có trồng trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản. Ngành nông nghiệp đang xây dựng lại cấu trúc phát thải của tất cả các ngành liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi. Đáng chú ý, lần đầu tiên, lĩnh vực lâm nghiệp đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải, thu được hàng chục triệu USD nhờ bán tín chỉ carbon.

Việc triển khai chương trình 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu từ đó đáp ứng yêu cầu của các đối tác nhập khẩu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, để thực hiện Đề án 1 triệu hecta sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tín chỉ xanh, bên cạnh chính sách hỗ trợ hợp tác xã, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có những gói tín dụng riêng cho các doanh nghiệp và các hợp tác xã tham gia vào Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao với tiêu chí, thành viên HTX càng đông thì lãi suất có thể càng thấp. Bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ logistic, kho lưu trữ, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp.

Nhìn nhận từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều rủi ro, nhu cầu vốn lớn, cần có những doanh nghiệp đi đầu dẫn dắt đầu tư vào nông nghiệp.

Để thu hút và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào doanh nghiệp, cần có sự điều chỉnh trong chính sách về đất đai, tiếp cận và sử dụng đai cho doanh nghiệp. Luật Đất đai sửa đổi cũng đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, quy định về tích tụ đất nông nghiệp. Những điều này sẽ giúp dồn điền đổi thửa, tăng cánh đồng mẫu lớn để có thể sản xuất lớn.

“Liên kết giữa các nhà, nhà nông, nhà doanh nghiệp, ngân hàng, nhà khoa học cần luôn luôn được thúc đẩy. Khi liên kết giữa các nhà tăng lên, rủi ro mới giảm xuống và kinh doanh mới có lãi, tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Tiến Huy chia sẻ.

Nông nghiệp là ngành phát thải carbon lớn, để có thể tiếp cận được nguồn tài chính xanh, đáp ứng được hệ tiêu chí xanh đòi hỏi doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ về gene, công nghệ tưới tiêu, trồng trọt thích ứng với môi trường… Những yếu tố khoa học công nghệ sẽ giúp nông nghiệp giảm phát thải, hướng tới nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái.

Về những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, ông Nguyễn Văn Sơn đưa ra một số khuyến nghị, cần học tập các nghiên cứu công nghệ, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học từ các nước có nền sản xuất thuốc bảo vệ thực vật lớn, tiên tiến và hiện đại cùng với đó là nghiên cứu học hỏi các chính sách về quản lý, đăng ký, kinh doanh đối với thuốc bảo vệ thực vật sinh học của các nước trên thế giới.

Để tiến đến mục tiêu nâng tỉ lệ sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên 30%, phân bón hữu cơ lên 30% vào năm 2030, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ sẽ phải rà soát lại toàn bộ các cơ chế, chính sách, các hệ thống văn bản pháp luật để khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm sinh học, hữu cơ.

Cục cũng xây dựng quy trình phòng trừ thuốc sinh học, sử dụng phân hóa hữu cơ để nhân rộng ra nông dân. Nông dân được nâng cao nhận thức, áp dụng một cách đồng bộ và từng bước mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học./.

 

Thanh Tâm (t/h theo baotintuc.vn, petrotimes.vn...)
Ý kiến bạn đọc
  • Để thương hiệu sen Huế vươn xa

    Để thương hiệu sen Huế vươn xa

    Nhiều năm qua, sen Huế đã có thương hiệu nổi tiếng với các sản phẩm như hoa sen, hạt sen, trà sen... tại nhiều làng quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, cây sen không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn gắn liền với đời sống và nét đẹp văn hóa của vùng đất, con người.

  • A Lưới thoát khỏi danh sách huyện nghèo

    A Lưới thoát khỏi danh sách huyện nghèo

    Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang thay mặt Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 702/QĐ-TTg về việc công nhận huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế thoát nghèo năm 2024.

  • Lục Ngạn gỡ khó để các xã về đích NTM đúng tiến độ

    Lục Ngạn gỡ khó để các xã về đích NTM đúng tiến độ

    Theo kế hoạch năm 2024, Lục Ngạn (Bắc Giang) có một xã đạt NTM, hai xã đạt NTM nâng cao. Với đặc thù là huyện miền núi nên khi triển khai địa phương gặp nhiều khó khăn. Song, với sự đồng thuận cao của Nhân dân, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, huyện đang quyết tâm đưa các xã về đích đúng tiến độ đề ra.

Top