Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 7 năm 2024 | 10:16

Để thương hiệu sen Huế vươn xa

Nhiều năm qua, sen Huế đã có thương hiệu nổi tiếng với các sản phẩm như hoa sen, hạt sen, trà sen... tại nhiều làng quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, cây sen không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn gắn liền với đời sống và nét đẹp văn hóa của vùng đất, con người.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang thực hiện “Phát huy giá trị thương hiệu sen Huế” nhằm xây dựng và bảo vệ sản phẩm thương mại tiềm năng này.

Hiệu quả kinh tế cao

Gia đình ông Trần Quốc Bảo, thôn Cư Chánh, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền là một trong những hộ dân tiên phong chuyển đổi trồng sen từ hơn 10 năm trước, với diện tích gần 3ha sen lấy hạt. Ông Bảo  cho biết, nhờ chọn được giống sen tốt, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc nên sen nhiều năm nay đạt chất lượng cao. Với giá hạt sen hiện cao hơn mọi năm từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, ước tính vụ năm nay gia đình ông Bảo sẽ có thu nhập hơn 60 triệu đồng.

Trong hai năm trở lại đây, sen được người dân ở các phường: Hương Chữ, Hương An, Hương Xuân… thị xã Hương Trà đưa vào trồng ngày càng nhiều ở những chân ruộng thấp trũng, vùng đầm, sình lầy hay trên đất lúa trũng bị nhiễm phèn chỉ sản xuất được một vụ. Trồng sen hồng lấy hạt ở phường Hương Chữ là mô hình điểm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở thị xã Hương Trà. Ban đầu, mô hình này thu hút 8 hộ dân tham gia trồng 4ha sen hồng trên đất lúa sản xuất một vụ. Sau hơn 3 tháng, mô hình cho thu hoạch gần 2 tấn hạt/ha bán được 70 triệu đồng, trừ chi phí cho thu lãi hơn một nửa, tính ra lãi cao gấp ba lần so với trồng lúa.

Cây sen không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn gắn liền với đời sống và nét đẹp văn hóa của vùng đất, con người Huế.

Nhận thấy trồng sen cho thu nhập cao, ít tốn công chăm sóc, nhiều hộ gia đình trong phường mạnh dạn đầu tư, phát triển diện tích trồng sen lên đến 13ha, góp phần không nhỏ cho công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Từ hiệu quả của mô hình này, việc trồng sen hồng lấy hạt đã và đang tiếp tục được nhân rộng ra nhiều xã, phường trên địa bàn thị xã Hương Trà, hiện đã chuyển đổi được gần 30ha đất lúa một vụ sang trồng sen lấy hạt.

Ở huyện Phong Điền đã hình thành được một số vùng chuyên canh trồng sen kết hợp nuôi cá như ở các xã Phong An, Phong Thu và thị trấn Phong Điền với khoảng gần 70ha. Người dân địa phương thường tận dụng ao, hồ, bàu, đầm... hoang hóa để trồng sen kết hợp nuôi cá rô phi, cá chép… Từ việc chuyển đổi được trên 20ha đất trống lúa kém hiệu quả sang trồng sen, Chủ tịch UBND xã Phong An Trần Công Phước cho biết, địa phương khuyến khích người dân khai phá ao, đầm hoang hóa hoặc ruộng lúa chỉ sản xuất được một vụ chuyển đổi sang trồng sen kết hợp nuôi cá. Mỗi năm, 1ha sen cho thu nhập khoảng 60-80 triệu đồng, chưa kể khoản thu nhập từ bán giống, ngó, hoa, lá sen và cá.

Hiện nay, tại nhiều vùng đất nông nghiệp trồng lúa kém hiệu quả, mặt nước hoang, đất lúa một vụ, ao, hồ, sông, hói… sẽ được chuyển mạnh sang trồng sen, quy hoạch thành vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất, tiêu thụ, tạo nên các vựa sen trọng điểm ở Phong Điền, Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền. Cùng với mở rộng diện tích, các giải pháp bảo vệ nguồn gen, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển hệ thống phân phối, xây dựng thương hiệu sen Huế... đang được các ngành chức năng đặt ra.

Tại thành phố Huế sen trắng được trồng tập trung ở các hồ: Tịnh Tâm, Mân, Tàng Thơ... Ở huyện Quảng Điền, sen trồng nhiều ở các xã vùng thấp trũng như: Quảng An, Quảng Thọ… Những ngày này dọc các tuyến đường ở thành phố Huế như: Đinh Tiên Hoàng đoạn qua hồ Tịnh Tâm, Trần Hưng Đạo, Huỳnh Thúc Kháng hay ở các chợ Đông Ba, An Cựu đều có thể mua được nhiều sản phẩm từ sen. Tính theo giá bình quân hạt sen tươi chưa bóc vỏ trên 50.000 đồng/kg; sen bóc vỏ gần 200.000 đồng/kg; sen đã bóc vỏ, phơi khô từ 400.000 đồng/kg trở lên; Hoa sen 15.000 - 20.000/bó gồm 10 cành; ngó sen 7.000 đồng/kg.

Theo kinh nghiệm của những người trồng sen, sen rất dễ trồng, ít công chăm sóc, chi phí phân bón thấp. Một thuận lợi với người trồng sen ở Thừa Thiên - Huế là đầu ra rất ổn định. Thương hiệu “sen Huế” cũng được nhiều người biết đến.

Để sen Huế vươn xa

Việc phát triển và xây dựng thương hiệu sen Huế được các địa phương và bà con nông dân hưởng ứng. Bên cạnh các giống sen cao sản để lấy hạt, hiện nay nhu cầu của thị trường cần có nhiều sản phẩm được chế biến từ cây sen phục vụ cho ẩm thực và du lịch như nón lá sen, trà hoa sen, củ sen. Sen hiện là sản phẩm được Thừa Thiên - Huế quan tâm để xây dựng thành sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Để tạo điều kiện cho người trồng có cơ hội lựa chọn giống sen đáp ứng được yêu cầu của thị trường và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai mô hình trồng các giống sen hồng cao sản cho năng suất cao, chất lượng tốt có triển vọng tại nhiều địa phương.

Sản phẩm từ sen đã trở thành đặc sản ở địa phương.

Theo ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế, các giống sen hồng cao sản cho năng suất hạt trung bình 28 tạ/ha, chất lượng tốt, giá hoa 3.500 đồng/bông, giá sen hạt 30.000 đồng/kg, thu nhập hơn 60 triệu đồng/ha, gấp 2,5 lần so với trồng lúa. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế định hướng, tiếp tục hỗ trợ nông dân trồng sen thông qua các hoạt động như: Tập huấn cho các hộ nông dân kỹ thuật thâm canh bền vững cây sen, hỗ trợ các hộ trồng, sản xuất sen theo chuỗi liên kết; đa dạng hóa sản phẩm từ cây sen đồng thời xây dựng các mô hình phòng trừ các đối tượng dịch hại đang phát sinh gây hại trên các vùng trồng sen ở các địa phương, góp phần đưa sen Huế thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.

Với Huế, sen là cây trồng truyền thống, thậm chí, đã thành một thương hiệu gắn với Sen Tịnh Tâm nổi tiếng cách đây hàng trăm năm, từ thời Nguyễn. Ngày nay, nhiều sản phẩm từ sen trở thành đặc sản địa phương, từ món chè long nhãn bọc hạt sen trứ danh trong thực đơn ẩm thực, đến cơm gói lá sen, nón lá sen và gần đây là thương hiệu bánh Cung Đình làm từ hạt sen được hình thành, thiết kế mẫu mã bao bì hiện đại, trở thành thức quà đặc trưng được du khách lựa chọn khi đến Huế. Hay tại chợ Đông Ba - trung tâm thương mại lớn của Huế-một số sản phẩm như hạt sen khô xâu chuỗi, tim sen, mứt ngó sen... cũng là những đặc sản được ưa chuộng, chủ yếu phục vụ du lịch.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế của cây sen, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có kế hoạch phát triển trồng sen trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai, trên cơ sở phát huy lợi thế giá trị của cây sen trên địa bàn. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ thực hiện việc mở rộng diện tích trồng mới cây sen, đến năm 2025 ổn định diện tích đạt 745ha, trong đó sen cao sản lấy hạt khoảng 85-90% diện tích, sen địa phương (sen Huế) từ 10-15% diện tích; năng suất bình quân 18-20 tạ/ha, sản lượng ước đạt khoảng 1.200-1.400 tấn hạt/năm. Giống sen đưa vào trồng trên địa bàn tỉnh chủ yếu là giống sen truyền thống của Huế (Sen trắng Tịnh Tâm) và Sen hồng cao sản, trồng để lấy hạt, bông.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, áp dụng tiến bộ KHCN vào trồng và chế biến các sản phẩm sen Huế nhằm nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm sen Huế; kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có năng lực đến đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm sen Huế trên địa bàn.

Đồng thời, đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ nhân rộng mô hình quản lý và khai thác tài sản trí tuệ trên toàn tỉnh, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của các tổ chức, cá nhân gắn liền với “Sen Huế”, hỗ trợ thiết kế bao bì sản phẩm mang “Sen Huế”, hỗ trợ bảo hộ “Sen Huế” ra nước ngoài… Đồng thời kiến nghị các địa phương chủ động trong quy hoạch phát triển vùng trồng cây sen, góp phần phát triển vùng sản xuất sản phẩm sen. Phát huy lợi thế cạnh tranh sản phẩm sen Huế, tăng giá trị kinh tế cho người sản xuất và kinh doanh sen tại địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh và các địa phương, hình thành một ngành sản xuất nông nghiệp phát triển theo chuỗi giá trị, hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

 

T. Thành
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top