Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 7 năm 2024 | 10:17

Điểm sáng kinh tế và dự báo tích cực

Kinh tế Việt Nam năm 2024 đã đi được một nửa chặng đường với mức tăng trưởng tích cực. Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, cần nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Những điểm sáng nổi bật

Năm 2024 đã đi được một nửa chặng đường trong bối cảnh kinh tế thế giới dần hồi phục nhưng chưa chắc chắn. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng kinh tế 6 tháng qua của Việt Nam vẫn đạt mức 6,42%. Đây được cho là mức tăng khá với những điểm sáng nổi bật, có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm và các năm tiếp theo.

GDP 6 tháng qua của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,42%.

Nhìn lại 5 năm trở lại đây, mức tăng GDP 6 tháng đạt 6,42% của năm nay là mức tăng cao thứ 2, chỉ sau mức tăng của 6 tháng đầu năm 2022.

Tổng cục Thống kê đánh giá, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong quý II/2024 và 6 tháng tích cực, đặt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng tốt dần lên. Các tổ chức quốc tế đưa ra những dự báo lạc quan hơn về kinh tế thế giới với mức tăng từ 0,1 đến 0,3 điểm phần trăm so với các dự báo đưa ra trước đó. Đặc biệt trong nước, những giải pháp làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống đã được tập trung đẩy mạnh và có cơ chế thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.

Ông Jose Vinals, Chủ tịch Tập đoàn Standard Chartered, đánh giá: “Tăng trưởng năm nay của Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu so với mức tăng trưởng kinh tế các quốc gia mới nổi nói chung và khu vực châu Á nói riêng. Chúng tôi đánh giá tăng trưởng trong trung hạn của Việt Nam tốt nhờ các chính sách tài khoá phát huy hiệu quả, hỗ trợ cho các động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư nước ngoài”.

Theo đó, GDP quý 2 ước đạt 6,93% và 6 tháng đầu năm đạt 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn mục tiêu tại Nghị quyết 01 đề ra. Các động lực tăng trưởng cả phía cung và cầu đều tăng tích cực. Về phía cầu, kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa tăng 15,7% (tăng mạnh từ mức giảm -15,2% của 6 tháng/2023 và cao hơn mức tăng 9% của 6 tháng/2019), cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 11,6 tỷ USD; tích lũy tài sản (đầu tư) tăng 6,72% (gấp 5,8 lần 6 tháng/2023, thấp hơn mức 7,15% cung kỳ 2019); tiêu dùng cuối cùng tăng 5,78% (gấp 2,2 lần 6 tháng /2023 song vẫn thấp hơn mức trước dịch (7,05% cùng kỳ năm 2019). 

Về phía cung, khu vực nông nghiệp tăng 3,4%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,51% (trong đó công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 8,7%); dịch vụ tăng 6,64%, cao hơn so với mức nền thấp của cùng kỳ 6 tháng /2023 (3 lĩnh vực tăng lần lượt 3,07%, 1,13% và 6,33%); song mức tăng của khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ vẫn thấp hơn so với trước dịch (hai lĩnh vực này tăng 8,93% và 6,69% trong 6 tháng/2019).

Dự báo kinh tế 6 tháng cuối năm và cả năm 2024

Trong bối cảnh quốc tế có xu hướng tốt lên cùng với kết quả tăng trưởng khả quan của 6 tháng đầu năm, môi trường pháp lý ngày càng được hoàn thiện, các động lực tăng trưởng (cả truyền thống và mới) được khai thác, phát huy hiệu quả cao hơn; kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố; tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm có khả năng đạt 6,3-6,8% và cả năm có thể đạt 6,3-6,5% (kịch bản cơ sở), đạt cận trên mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra, hoặc có thể khả quan hơn, khoảng 6,5-6,7% (kịch bản tích cực). Trong đó, tăng lương cơ sở có thể khiến GDP tăng thêm 0,3-0,5 điểm %, lạm phát tăng thêm 0,2-0,3 điểm phần trăm trong năm 2024 và có thể cao hơn trong năm 2025-2026.

“Căn cứ diễn biến tình hình thế giới, kết quả hoạt động kinh tế trong nước 6 tháng đầu năm và một số nhận định về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm, và nếu không có biến động lớn, Tổng cục Thống kê cho rằng, có khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6-6,5%”, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Hệ thống tài khoản quốc gia lạc quan nhận định.

Thời gian qua, báo chí nước ngoài có nhiều nhận định tích cực về tình hình phát triển kinh tế của nước ta, theo đó, dự báo tăng trưởng năm 2024 dạt 6,0% và 7% trong năm 2025.

Ngành Nông nghiệp tự tin hướng đến đích

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành Nông nghiệp triển khai Kế hoạch công tác 6 tháng đầu năm 2024 trong điều kiện có những thuận lợi, thách thức đan xen, trong đó có yếu tác động của biến động thị trường, của thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam, song toàn ngành đã nỗ lực và thu được kết quả đáng mừng.

Kết quả thực hiện đối với ngành trồng trọt, trong 6 tháng đầu năm, cả nước gieo cấy 5,03 triệu hecta lúa, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối tháng 6, cả nước đã thu hoạch 3,48 triệu hecta lúa, tăng 0,5%; năng suất bình quân 67,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng trên diện tích đã thu hoạch đạt 23,3 triệu tấn, tăng 1,6%.

Diện tích và sản lượng nhiều loại cây ăn quả chủ lực tăng, như: Sầu riêng 487,7 nghìn tấn, tăng 20,3%; Xoài 629,4 nghìn tấn, tăng 2,3%; Cam 519,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; Quýt 65,9 nghìn tấn, tăng 2,2%; Nhãn 199,6 nghìn tấn, tăng 2,9%. Một số loại trái cây sản lượng giảm như: Vải 134,3 nghìn tấn, giảm 7,3%; Nho 14,6 nghìn tấn, giảm 7,6%; Thanh long 581,1 nghìn tấn, giảm 1,9%; Chôm chôm 186 nghìn tấn, giảm 1%.

Đối với ngành chăn nuôi, trước nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm (đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi), Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 16/6/2024 về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Bộ đã tăng cường chỉ đạo các địa phương ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nhờ đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tương đối ổn định: Đàn lợn ước tăng 2,9%; sản lượng thịt hơi 2,54 triệu tấn, tăng 5,1%. Đàn gia cầm ước tăng 2,3%; sản lượng thịt hơi 1,21 triệu tấn, tăng 4,9% và trứng gần 10,1 tỷ quả, tăng 5,1%.

Thông tin về ngành lâm nghiệp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, cả nước đã chuẩn bị 593 triệu cây giống các loại phục vụ trồng rừng; diện tích rừng trồng mới tập trung 125,5 nghìn hecta, tăng 1,2%; trồng phân tán 40,8 triệu cây, tăng 0,5%. Tổng số tiền thu từ dịch vụ môi trường rừng đạt 1.513,84 tỷ đồng (bằng 47,3% kế hoạch năm); lũy kế đến nay diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) 506.934 ha (vượt 1,39% so với mục tiêu đến năm 2025).

Đối với ngành thủy sản, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho cả nuôi trồng và khai thác thủy sản. Tổng sản lượng thủy sản đạt 4,38 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Khai thác 1,95 triệu tấn, tăng 1% (khai thác biển 1,86 triệu tấn, tăng 0,9%); Nuôi trồng 2,43 triệu tấn, tăng 4,1% (cá tra 831,8 nghìn tấn, tăng 5,4%; tôm sú 122,1 nghìn tấn, tăng 2,3%; tôm thẻ 332,7 nghìn tấn, tăng 5,6%).

Năm 2024, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 55 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP 3,5%. Bước chạy đà của những tháng đầu năm 2024 là tín hiệu tích cực, cho thấy sự nỗ lực của toàn ngành trên chặng đường hiện thực hóa mục tiêu. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin tưởng: Với kết quả 29 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, chắc chắn cả năm sẽ hoàn thành mục tiêu 55 tỷ USD, thậm chí có thể đạt 56-57 tỷ USD.

Top 7 nhóm nông sản có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD

Xuất khẩu nông sản tiếp tục cho thấy là lĩnh vực thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cũng như khẳng định thương hiệu các loại nông sản của nước ta trên thị trường quốc tế.

Thông tin đáng mừng là từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế khi duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, xuất khẩu nông sản đóng góp vai trò quan trọng và cho thấy sự phát triển bền vững.

Về xuất khẩu nông - lâm - thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin, trong quý 2 năm 2024, Bộ đã tập trung triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông – lâm - thủy sản sang các thị trường trọng điểm đã được phê duyệt từ cuối năm 2023 (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU), mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi...

Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm được duy trì và mở rộng, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm nông sản chính 15,76 tỷ USD, tăng 24,4%; lâm sản chính 7,95 tỷ USD, tăng 21,2%; thuỷ sản 4,36 tỷ USD, tăng 4,9%; sản phẩm chăn nuôi 240 triệu USD, tăng 3,8%. Riêng đầu vào sản xuất 904 triệu USD, giảm 1,8% và muối 2,3 triệu USD, giảm 1,7%.

Đóng góp vào kết quả đó, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ). Trong đó, gạo và hạt điều là hai sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu: Gạo 4,68 triệu tấn (tăng 10,4%), giá trị 2,98 tỷ USD (tăng 32%); hạt điều  350 nghìn tấn (tăng 24,9%), giá trị 1,92 tỷ USD (tăng 17,4%). Riêng xuất khẩu cà phê tuy giảm về khối lượng (đạt 902 nghìn tấn, giảm 10,5%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 50,4% nên giá trị xuất khẩu đạt 3,22 tỷ USD (tăng 34,6%).

Tổng kim ngạch nhập khẩu nông - lâm - thủy sản 6 tháng đầu năm ước khoảng 20,92 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành trong nửa đầu năm đạt khoảng 8,28 tỷ USD, tăng 62,4% so với cùng kỳ năm trước.

Phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%

Về quan điểm chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, cần nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024, hướng tới hoàn thành các mục tiêu mà nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Thủ tướng cho biết tại Nghị quyết số 108/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ đã xác định phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 khoảng 7%. Để thực hiện được mục tiêu này, có 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới cần tập trung thực hiện.

Nhà máy chế biến trái cây đóng hộp lon ở Cần Thơ.

Theo đó, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, lãnh đạo chủ chốt, Quốc hội, Chính phủ.

Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm, tổ chức tốt Chương trình thi đua 500 ngày nỗ lực cố gắng hoàn thành các dự án đường bộ cao tốc.

Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) và có chính sách thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (từ thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, đô thị thông minh; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, lĩnh vực giá trị gia tăng cao như chip, bán dẫn, AI…).

Tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Hoàn thiện và ban hành Kế hoạch triển khai các quy hoạch đã phê duyệt.

Chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Khẩn trương thành lập Quỹ để chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025. Tổ chức tốt hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh liệt sĩ; đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người có công với cách mạng.

Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Triển khai chu đáo, thực chất, hiệu quả các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao; kiểm tra, đôn đốc thực hiện hiệu quả các thỏa thuận quốc tế.

Thủ tướng lưu ý làm tốt công tác truyền thông, đẩy mạnh truyền thông chính sách, phản ánh trung thực, khách quan tình hình, khí thế phát triển, đi lên của đất nước, tạo động lực, truyền cảm hứng, củng cố niềm tin trong nhân dân.

Chia sẻ tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: “sản lượng rồi sẽ chạm trần, việc tận dụng đất đai cũng sẽ chạm ngưỡng”. Như vậy, nếu không nghĩ khác đi thì ngành nông nghiệp sẽ không thể tiến xa được. Đặc biệt trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo bùng nổ như hiện nay, ngành nông nghiệp cần có kế hoạch để tiếp cận đến những công nghệ số hóa cao hơn.

“Người ta nói rằng đừng làm việc chăm chỉ, hãy làm việc thông minh, thông minh nhất là dựa vào những nền tảng đã có như ChatGPT, trí tuệ nhân tạo để phát triển. Đây là một chỉ dấu để ngành nông nghiệp hướng đến”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến sự sự kết nối và cho rằng đây là xu thế nếu ngành nông nghiệp muốn đẩy mạnh xuất khẩu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan  cho rằng, với sự trăn trở của những người làm nông nghiệp, không ngừng cải cách phương pháp làm việc, những con số phản ánh thành tựu nông nghiệp tới đây sẽ tăng trưởng lũy tiến, và nhìn thấy rõ 6 tháng tăng tốc của năm 2024 trước khi bước sang một năm 2025 bứt phá. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan  tin rằng, ngành Nông nghiệp còn nhiều việc phải làm nếu muốn phát triển bền vững.

Đinh Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top