Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.
Sống tốt với rừng
Ông Bàn Phúc Thanh, Chủ tịch UBND xã Dần Thàng chia sẻ, cả xã có 400 hộ gồm các dân tộc: Dao, Giáy, Tày... nhưng chủ yếu là đồng bào Dao, chiếm 98%. Người dân thuần nông, ngày ngày vào rừng kiếm măng, kiếm củi, trồng ngô, lúa, tỷ lệ hộ nghèo cao, năm 2023 vẫn còn đến 40%. Làm sao để nâng cao thu nhập cho bà con, thúc đẩy kinh tế phát triển được bàn bạc không biết bao nhiêu cuộc họp, cuối cùng, xã vẫn quyết tâm giữ rừng, bám rừng nên đưa vào Nghị quyết Đảng bộ.
Lợi thế của Dần Thàng là những rừng măng sặt tự nhiên phân bố trên địa bàn cả 4 thôn: Nậm Cần, Tà Mòn, Nậm Mười, Nậm Tăm. Thuộc họ tre khá lành tính lại hợp thổ nhưỡng, măng Sặt ở vùng này mập mạp, giòn và ngọt nên được bà con khai thác làm thực phẩm, chế biến các món ăn trong gia đình. Khoảng chục năm trở lại đây, măng sặt mới được khai thác để bán nhưng chưa nhiều. Tuy nhiên, cũng nhờ có thu nhập nên người dân đã biết giữ rừng, không khai thác bừa bãi. Bằng sự hỗ trợ của các dự án, nguồn vốn đầu tư cho đồng bào phát triển kinh tế, nhiều diện tích rừng sặt được trồng mới, không ngừng sinh sôi, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho Nhân dân.
Bà con chung tay xây dựng đường giao thông nông thôn.
Trồng nhiều nhất ở thôn Tà Mò phải kể đến gia đình ông Triệu Trung Kinh, với diện tích hơn 5ha. Những thân cây mảnh dẻ xanh mướt mắt cao quá đầu người đã cho thu hoạch. Từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm là mùa thu hoạch rộ nhất. Mỗi hecta thu được khoảng 2 tấn măng, bán với giá trung bình từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, cao điểm có lúc giá măng lên đến 40.000 đồng/kg, gia đình ông Triệu Trung Kinh thu được gần 40 triệu đồng.
Đến nay, rất nhiều hộ dân cả 4 thôn trong xã trồng cây măng sặt với diện tích trung bình từ 1ha-3ha, đang có thu nhập ổn định. Thay vì trồng, chăm sóc, thu hái theo kinh nghiệm truyền thống, bà con đã mạnh dạn đăng ký tham gia mô hình tổ nhóm cùng hợp tác sản xuất áp dụng khoa học kỹ thuật để có nguồn măng sặt chất lượng cao.
Măng sặt trong rừng tự nhiên thường mọc thành cụm khá dày, khi đến mùa măng bà con thường tranh thủ khai thác triệt để. Nhưng nay, hầu hết người dân thu hái chỉ đào 2/3 số măng trồi lên, còn lại để cây tiếp tục sinh trưởng cho mùa sau.
Ông Bàn Phúc Thanh nhẩm tính, năm 2023 xã có thêm 20ha diện tích măng sặt từ 3-5 năm được thu hoạch. Dự kiến năm 2024, xã phấn đấu trồng thêm 25ha, vừa phủ xanh đồi núi trọc, vừa nâng tổng diện tích măng toàn xã lên gần 260ha. Vui hơn nữa, thành công trong việc tạo sinh kế cho Nhân dân đã góp phần giữ màu xanh cho rừng, nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của người dân được nâng cao, nhất là các chủ rừng, hộ nhận khoán rừng, chung tay cùng Ban Quản lý khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn tiếp tục phủ xanh những diện tích đất trống đồi trọc.
Tự tin trên bản làng
Sau tháng Giêng, khi những địa phương khác còn đang rục rịch triển khai hoạt động sản xuất thì bà con ở Dần Thàng đã nhộn nhịp thu hái. Sản lượng măng được thu gom bán cho HTX, chế biến thành nhiều sản phẩm: măng tươi đóng gói, măng ngâm ớt, măng muối... được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng.
Nguồn tiền thu về được bà con tái sản xuất vào các vụ lúa, ngô, sắn, nuôi lợn đen, gà bản... tăng gia thêm. Đây đều là những cây, con bản địa nhằm thực hiện hướng phát triển thành hàng hóa đặc sản đặc hữu.
Người dân xã Dần Thàng thu hoạch măng sặt.
Tiềm năng nhất là giống lúa Chăm pét, ở Dần Thàng người dân trồng không cần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà cho ra những hạt gạo dẻo thơm đặc biệt. Có những năm, dân nghèo bỏ giống lúa Chăm pét đi để trồng lúa lai, tuy năng suất cao hơn nhưng cũng tốn nhiều tiền đầu tư mà giá bán gạo thương phẩm cũng không cao. Để giữ gìn giống lúa quý, lãnh đạo xã đã vận động bà con duy trì, đến nay diện tích lúa Chăm pét đã có được 30/70ha trên toàn xã. Ngoài ra, Dần Thàng cũng phát triển được diện tích sắn hơn 200ha và 90ha ngô.
Năm 2023, xã đã vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch đề ra, diện tích cây lương thực có hạt 655ha, đạt 100% KH huyện giao, đạt 103,1% Nghị quyết HĐND xã. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 3.792,5 tấn đạt 114,2% KH huyện giao. Giá trị thu nhập trên hecta canh tác trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 85 triệu đồng/ha, đạt 100% kế hoạch huyện giao, bằng 106,3% so với cùng kỳ. Tổng đàn gia súc 5.418 con, đạt 100,1% so với kế hoạch và Nghị quyết HĐND, bằng 110% so với cùng kỳ; đàn gia cầm 24.050 con, đạt 100,2% so với kế hoạch và Nghị quyết HĐND xã, bằng 105% so với cùng kỳ.
Chủ tịch UBND xã Bàn Phúc Thanh trải lòng: “Đây cũng là nội lực để Dần Thàng có sức bật XD NTM khi xã mới đạt được 7 tiêu chí, còn phải phấn đấu 12 tiêu chí nữa mới về đích. Biết là chặng đường phía trước còn dài nhưng hiện xã đã tập trung xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện duy trì, nâng cao các tiêu chí đã đạt và thực hiện hoàn thành các tiêu chí chưa đạt. Ưu tiên nguồn lực ngân sách huyện, tỉnh đầu tư, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực ngân sách nhà nước với huy động các nguồn lực hợp pháp khác đầu tư các thôn trên địa bàn. BCĐ xã đã phân công cụ thể từng nội dung, nhiệm vụ cho từng cá nhân, tập thể và theo dõi tổng hợp kết quả, gắn trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ với thi đua khen thưởng. Công tác kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện được thực hiện thường xuyên, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai để hoàn thành mục tiêu đề ra”.
Hiện, nhiều tiêu chí quan trọng ở Dần Thàng đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến đạt vào cuối năm 2024 như: Tiêu chí giao thông với sự tham gia tích cực của người dân thi công các tuyến đường nông thôn, trực tiếp duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư nhằm đảm bảo thuận lợi cho lưu thông, thúc đẩy giao thương hàng hóa.
Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã mới chỉ đạt 41,17 triệu/người/năm, bằng sự vận động nhân dân phát triển các ngành nghề có thế mạnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng xuất lao động, phấn đấu đến cuối năm 2024 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 45 triệu đồng/người/năm.
Tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn xã đến cuối năm 2023 là 112 hộ/400 hộ, chiếm 28%. Lãnh đạo xã đã chỉ đạo Bí thư chi bộ, trưởng các thôn tổ chức vận động, hướng dẫn người dân điều chỉnh lại cơ cấu lao động thuộc các lĩnh vực: chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp dần sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ..., phấn đấu giảm hộ nghèo còn 11,75%.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.