Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 4 tháng 12 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 7 năm 2024 | 14:10

Phát triển sản phẩm OCOP: Tạo sức bật mới cho nông sản

Phát triển các sản phẩm OCOP không chỉ khẳng định thương hiệu, chất lượng của sản phẩm mà còn tạo sức bật mới cho nông sản địa phương, thúc đẩy phát triển KT - XH trên địa bàn.

Thịt chua friend foods của Công ty cổ phần Đầu tư Friend Foods, xã Văn Quán (Lập Thạch) có mặt tại 60 đại lý, cửa hàng phân phối.

Vĩnh Phúc: Tạo sức bật mới cho nông sản

Thực hiện Chương trình Quốc gia "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), đến nay, xã Văn Quán (Lập Thạch) có 2 sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng, chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Điều này không chỉ khẳng định thương hiệu, chất lượng của sản phẩm mà còn tạo sức bật mới cho nông sản địa phương, thúc đẩy phát triển KT - XH trên địa bàn.

Năm 2023 là năm ghi nhiều dấu ấn của Công ty cổ phần Đầu tư Friend Foods và hộ gia đình anh Ngô Văn Phước nói riêng, xã Văn Quán nói chung bởi lần đầu tiên địa phương có 2 sản phẩm là thịt chua friend foods và A Phớt - Gà đồi Lập Thạch ủ muối được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Quán phấn khởi chia sẻ: Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Để khơi dậy tiềm năng và thúc đẩy phát triển nông sản địa phương, thời gian qua, xã Văn Quán đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được nội dung, ý nghĩa của chương trình OCOP.

Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng định hướng sản xuất, hỗ trợ đào tạo, tập huấn về kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu cho các chủ thể.

Đặc biệt, các chủ thể xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, địa phương còn hỗ trợ vay vốn không lãi suất, với mức vay tối đa 20 triệu đồng/mô hình.

Có mặt tại cơ sở sản xuất của Công ty cổ phần Đầu tư friend foods với sản phẩm thịt chua friend foods, chúng tôi nhận thấy cơ sở vật chất của công ty khá khang trang, sạch đẹp với hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại.

Đặc biệt, quy trình chế biến, sản xuất thực hiện theo nguyên tắc “một chiều” để tránh lây nhiễm chéo. Người lao động tuân thủ các quy định rất khắt khe về bảo hộ lao động và các điều kiện khác liên quan đến an toàn thực phẩm.

Nhờ đó, công ty đã xây dựng được mạng lưới phân phối và tiêu thụ gồm 60 đại lý tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trung bình mỗi tháng, công ty cung cấp ra thị trường hơn 80.000 hộp thịt chua, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động tại địa phương.

Anh Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư friend foods cho biết: Chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh giúp thịt chua friend foods của công ty lan tỏa tới nhiều khách hàng tại các vùng, miền trong và ngoài tỉnh.

Cùng với sản phẩm trên, công ty vừa ra mắt thêm 2 sản phẩm nem chua và thịt chua ống nứa. đồng thời xây dựng thêm cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, công ty không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để mở rộng thị trường tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Cũng với thịt chua friend foods, thương hiệu “A Phớt - Gà đồi Lập Thạch ủ muối” của anh Ngô Văn Phước cũng được đánh giá phân hạng, chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Nhờ đó, chỉ sau hơn 1 năm có mặt trên thị trường, sản phẩm A Phớt - Gà đồi Lập Thạch ủ muối được phân phối, tiêu thụ tại nhiều cửa hàng, chi nhánh trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.

Anh Phước chia sẻ: Kết quả trên là sự kết tinh của sự kiên trì, nỗ lực từ gia đình cùng sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các ban, ngành chức năng.

Sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, sản phẩm thịt gà ủ muối của gia đình dễ dàng cung ứng đến một số cửa hàng, nhà phân phối. Thời gian tới, cơ sở nghiên cứu, cho ra mắt một số sản phẩm mới, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản bá, giới thiệu sản phẩm “A Phớt - Gà đồi Lập Thạch ủ muối”

Góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, xã Văn Quán đang tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đối mới tư duy, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm khai thác tiềm năng, phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương thành sản phẩm OCOP.

Tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh nâng cao chất lượng, bao bì, mẫu mã sản phẩm để thăng hạng trong những năm tiếp theo....

Ninh Bình: Phát triển đa dạng các sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình OCOP đã phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các chủ thể. Xây dựng mối liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang thương hiệu lợi thế mỗi địa phương.

Sản phẩm gốm Bồ Bát, xã Yên Thành, huyện Yên Mô đã được tôn vinh là sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu quốc gia.

Toàn tỉnh hiện có 181 sản phẩm OCOP. Thực hiện chương trình đã tạo được sự lan tỏa rộng khắp, góp phần tái cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người dân. Nhiều sản phẩm đặc trưng, đã tạo thương hiệu cho từng vùng, đem lại giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng như: cá rô Tổng trường, cơm cháy Ninh Bình, Trà hoa vàng Cúc Phương, các sản phẩm từ tinh bột nghệ…

Các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thấy được lợi ích của Chương trình nên tích cực, chủ động tham gia. Nhờ đó, sản phẩm tham gia ngày càng tăng lên.

Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên. Để đạt được mục tiêu đề ra, các chủ thể cần nâng cao chất lượng và thi nâng hạng cho các sản phẩm đã được công nhận và phát triển đa dạng thêm nhiều sản phẩm mới để OCOP thực sự là một chương trình phát triển bền vững, mang lại nhiều lợi ích cho người tham gia, quảng bá rộng rãi những tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.

Hà Nội: Đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

Sau gần 6 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thành phố Hà Nội đã có 2.711 sản phẩm được công nhận; trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao và 1.220 sản phẩm 3 sao.

Trong số 6 sản phẩm OCOP của Hà Nội được Trung ương công nhận 5 sao, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) vinh dự có 4 sản phẩm. Đó là, bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ; bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen; bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng; bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen.

Bà Hà Thị Vinh bên sản phẩm gốm sứ Quang Vinh. (Ảnh: Phạm Hiếu)

Chia sẻ về sản phẩm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh Hà Thị Vinh cho biết, các sản phẩm OCOP 5 sao của Quang Vinh đều chuẩn từ nguyên liệu đầu vào, đến nghiên cứu phối liệu, quá trình chế biến nguyên liệu cho đến quá trình nung. Cụ thể, sản phẩm được sản xuất bằng nguồn nguyên liệu cao lanh từ Phú Thọ, sau khi loại bỏ tạp chất mới tiến hành tạo hình, rồi được nung đốt ở 1.350 độ C, giúp màu sắc không bị phai, bị bay, không gây độc hại cho người sử dụng.

Không chỉ có chất lượng tốt, các sản phẩm được đánh giá 5 sao của công ty còn mang đậm giá trị nghệ thuật, tính thẩm mỹ cao. Đây cũng là các sản phẩm thể hiện được “hồn cốt” của dân tộc với hình ảnh hoa sen, chim én, rồng phượng được vẽ khéo léo trên sản phẩm.

Trong hơn 30 năm hình thành và phát triển, từ một tổ hợp tác sản xuất gốm nhỏ ở Bát Tràng, đến nay, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh có 2 nhà máy sản xuất sản phẩm gốm sứ, với hơn 300 lao động. Cơ sở sản xuất tại Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) có quy mô 30.000m2; còn ở Bát Tràng (Hà Nội), công ty đã đầu tư xây dựng Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt trên mảnh đất 3.300m2 và thường được biết đến với cái tên “Bảo tàng gốm Bát Tràng”.

Đến nay, sản phẩm của công ty đã chinh phục thị trường quốc tế, kể cả những thị trường khó tính nhất, như: Nhật Bản, Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha... Được chứng nhận OCOP 5 sao là niềm tự hào, một sự bảo đảm vàng về chất lượng sản phẩm để gốm sứ Quang Vinh vươn xa hơn nữa ra thị trường thế giới./.

 

Thanh Tâm (t/h theo Hanoimoi.vn, nbtv.vn, baovinhphuc.com.vn...)
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top