Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước quý 2/2024 đạt 6,93%, tính chung nửa đầu năm nay GDP cả nước tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước.
Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều tăng trưởng tốt. Ngành nông nghiệp phát triển ổn định, tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, vừa đảm bảo an ninh lương thực – thực phẩm quốc gia vừa duy trì đà tăng trưởng cao trong xuất khẩu (tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Đóng góp vào kết quả này có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD là cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ. Xuất khẩu rau quả giữ vị trí dẫn đầu trong các mặt hàng nông sản, với kim ngạch gần 3,5 tỷ USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó sầu riêng, thanh long, chuối và nhãn, đặc biệt là sầu riêng - trái cây đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả (xuất khẩu sầu riêng 6 tháng đạt 1,5 tỷ USD). Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 ước tính xuất siêu 11,85 tỷ USD, trong đó thặng dư thương mại (xuất siêu) toàn ngành nông nghiệp đạt 8,28 tỷ USD tăng 62,4%. Năm mặt hàng có thặng dư thương mại cao nhất: Gỗ và sản phẩm gỗ 6,16 tỷ USD (tăng 22,5%); cà phê 3,14 tỷ USD (tăng 36,2%); rau quả và trái cây 2,42 tỷ USD (tăng 35,3%); gạo 2,31 tỷ USD (tăng 27%); tôm 1,43 tỷ USD (tăng 13,3%)...).
Dù là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế nhưng theo nhiều chuyên gia, ngành nông nghiệp của ta nói chung hay sản xuất rau quả nói riêng vẫn còn những yếu tố chưa bền vững, như: chất lượng hàng hóa chưa đồng đều; sự minh bạch của quá trình sản xuất chưa được người sản xuất, cơ sở kinh doanh quan tâm đúng mức; sự liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp chưa chặt chẽ, tâm lý “cùng thắng” chưa lan tỏa rộng rãi; do sản xuất nhỏ vẫn là chủ đạo nên thiếu vốn để đầu tư áp dụng công nghệ và cũng vì sản xuất nhỏ nên việc tiếp cận thông tin thị trường cũng như các vấn đề về pháp lý khó khăn; trình độ nhân lực trong sản xuất, kinh doanh nông sản còn thấp, chưa đáp ứng nền nông nghiệp công nghệ cao. Số lượng nông sản có giấy thông hành vào thị trường lớn nhất - Trung Quốc chưa nhiều.
Và dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng nhìn tổng thể, cơ chế chính sách chưa rõ rệt, chưa đủ mạnh, nhất là với những nông sản thương hiệu quốc gia; thủ tục hành chính đã được cắt giảm nhưng vẫn còn rườm rà; hệ thống giao thông đã được cải thiện nhưng chi phí logictics vẫn còn cao…
Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, thị trường cạnh tranh bằng chất lượng và sự minh bạch chứ không phải bằng giá. Bởi vậy,vấn đề đầu tiên và xuyên suốt là phải nâng cao chất lượng nông sản, phải làm sao để chất lượng các lô hàng đồng nhất vì chất lượng quyết định giá bán và chất lượng sẽ làm nên thương hiệu. Cùng với chất lượng thì sự minh bạch, vệ sinh an toàn thực phẩm và sản xuất xanh cũng phải được đề cao. Để có được những điều đó thì việc xây dựng mã số vùng trồng là cơ sở đầu tiên. Để có được mã số vùng trồng thì các hộ phải liên kết trong hợp tác xã (tối thiểu 10ha mới được cấp mã số vùng trồng) và cần có sự dẫn dắt của doanh nghiệp trong vai trò đầu tàu, hướng dẫn nhà nông canh tác theo yêu cầu nhà nhập khẩu, đầu tư công nghệ, bao tiêu sản phẩm theo tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Việt Nam ta có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp vì nước ta nằm trong vùng nội chí tuyến, khí hậu nhiệt đới gió mùa, có một mùa đông lạnh ở miền Bắc, đất nước kéo dài 15 vĩ độ nên có rất nhiều khu vực tiểu khí hậu khác nhau; đất đai phù hợp nhiều chủng loại giống cây trồng. Điều này tạo nên nhiều giống cây trồng và thời vụ kéo dài bởi sự khác biệt của các vùng khác nhau. Người dân Việt Nam không chỉ cần cù mà rất năng động, nhạy bén, sáng tạo trong tận dụng cơ hội. Thêm nữa, hiện nay, chúng ta đã ký 16 FTA thế hệ mới, thị trường của chúng ta vô cùng lớn (16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu và có quan hệ với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới). Việc phát triển của khoa học nông nghiệp ứng dụng thời kỳ công nghệ 4.0, việc Chính phủ đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn cũng sẽ tạo lực cho nông nghiệp bay cao hơn, xa hơn.
Hạn chế được những điểm yếu, phát huy mạnh mẽ những lợi thế, nhất là nâng cao chất lượng, xuất khẩu nông sản nói chung, rau quả nói riêng sẽ tiếp tục nâng cao kim ngạch, tiếp tục dẫn đầu, thực sự là “bếp ăn của thế giới”.