Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 11 năm 2023 | 15:30

Nhiều đòn bẩy tạo bứt phá được đề xuất

Trong 10 ngày làm việc đầu tiên, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV dành được sự quan tâm đặc biệt của cử tri, Nhân dân và dư luận xã hội, đồng thời để lại nhiều ấn tượng về hành trình đổi mới trong hoạt động của Quốc hội cũng như khẳng định vị trí là cơ quan Nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của Nhân dân.

Nói vậy vì, trong 10 ngày làm việc đầu tiên, cùng với thực hiện quyền lập pháp (xem xét, cho ý kiến vào các dự án luật, trong dó có những dự án luật đặc biệt quan trọng, như: Luật Đất đai (sửa đổi)…, Quốc hội đã thực hiện quyền giám sát thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là phương thức giám sát, đánh giá của Quốc hội, cử tri đối với những nỗ lực, cố gắng về kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Thông qua hoạt động này, Quốc hội vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của mình, vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Phạm Trọng Nghĩa phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Cũng trong 10 ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp, Quốc hội đã thực hiện giám sát việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về ba Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030) và thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế; việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025, việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15,…

Qua các buổi thảo luận, các đại biểu khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành kịp thời của Quốc hội, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp đã giúp kinh tế - xã hội nước ta vượt qua những “cơn gió nghịch”, là điểm sáng của kinh tế thế giới, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu, cần sự nỗ lực mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn.

Qua truyền hình, phát thanh trực tiếp các phiên họp này, cử tri và Nhân dân cho rằng, các phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, có trách nhiệm, có trọng tâm, trọng điểm, tính tranh luận cao, đi vào cốt lõi của phát triển bền vững. Và, các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát cơ sở nên nắm rõ, nắm chắc thực tế, chỉ đúng những hạn chế, tồn tại, điểm nghẽn và đưa ra những đề xuất, giải pháp phù hợp cho những năm còn lại của các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như nửa nhiệm kỳ còn lại nhằm tạo bứt phá trong thực hiện mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Trong bài viết ngắn này, Kinh tế nông thôn xin phép chỉ nêu một vài ý kiến, đề xuất của một số vị đại biểu Quốc hội.

Đối với việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) đề nghị: Để tổ chức thực hiện hiệu quả, tạo sự đồng bộ, tránh chồng chéo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành trung ương nên quy định thống nhất một cơ chế quản lý, sử dụng chung, lồng ghép nguồn vốn chính sách Nhà nước để thực hiện cả 3 chương trình… Đại biểu đề nghị nghiên cứu thành lập một văn phòng điều phối chung 3 chương trình trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh để việc triển khai đảm bảo đồng bộ và có hiệu quả.

Đại biểu Sìu Hương (Gia Lai) cho rằng, cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia…

Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025; việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15,… rất nhiều điểm nghẽn được các đại biểu đề cập, phân tích mổ xẻ, tranh luận, nhiều giải pháp được nêu lên.

Quốc hội cần quan tâm đến giải pháp tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đề nghị: Quốc hội, Chính phủ rà soát kỹ 52 nhóm nhiệm vụ và giải pháp Chính phủ nêu để xác định rõ đâu là giải pháp trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá để tập trung thực hiện, đảm bảo tính khả thi cao. Theo đại biểu, cần quan tâm đến 3 giải pháp: Thứ nhất, tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa: Tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp; đại biểu đề nghị kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết 30/6/2024… Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh, đổi mới, sáng tạo… Thứ ba, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành luật hoặc nghị quyết về phát triển vùng, tăng cường liên kết vùng làm cơ sở pháp lý cho việc thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong 6 Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng  6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đề nghị Chính phủ  quan tâm nhiều hơn đến cải thiện, tăng năng suất lao động, bởi đó là con đường ngắn nhất đưa nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững. 

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, qua kết quả rà soát của Chính phủ và đánh giá độc lập của các cơ quan của Quốc hội thấy một số văn bản quy phạm pháp luật được rà soát có mâu thuẫn, chồng chéo nhưng không nhiều. Và do được ban hành khá lâu, điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi dẫn đến một số quy định không còn phù hợp. Chính phủ cần sớm điều chỉnh, sửa đổi để hỗ trợ phát triển.

Đại biểu Khương Thị Mai (Nam Định) nêu ý kiến: Cần các giải pháp phát triển khu vực kinh tế tư nhân vì đây là một động lực quan trọng của nền kinh tế…

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) nêu đề xuất: Cần có giải pháp đột phá phát huy vai trò của thành phần kinh tế  Nhà nước…

Còn nhiều, rất nhiều ý kiến tham luận, tranh luận của các đại biểu nhưng vì khuôn khổ có hạn nên Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc. Nhưng đánh giá chung của cử tri, Nhân dân và dư luận xã hội là, hài lòng, tin tưởng cao vào sự đồng thuận trên dưới một lòng, dọc ngang thông suốt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân.

 

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top