Sáng 23/10, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Quốc hội Khóa XV đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ Sáu.
Đây vừa là kỳ họp cuối năm vừa là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên khối lượng công việc rất lớn cả về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Theo kế hoạch, Kỳ họp kéo dài trong 22 ngày, bế mạc ngày 28/11/2023, thực hiện theo hình thức tập trung. Tiếp nối kết quả từ những cải tiến, đổi mới trong cách thức tổ chức, Kỳ họp thứ Sáu chia hai đợt: đợt 1 từ 23/10 đến 10/11/2023; đợt 2 từ 20/11 đến 28/11/2023. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong 2,5 ngày. Đây là Kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét thông qua 9 dự án luật, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi), bộ luật đặc biệt quan trọng vì đất đai là nguồn lực lớn của đất nước, liên quan mật thiết đến mọi nhà, mọi người,… 2 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu 8 dự án luật; xem xét báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023; xem xét và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, phương án cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024… Đồng thời, xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công. Và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Để chuẩn bị cho kỳ họp, trên tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, ngay sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội phối hợp với Chính phủ, các cơ quan liên quan triển khai nhiều hoạt động quan trọng, như: Ngày 6/9/2023, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV nhằm đánh giá kết quả tổ chức triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ và xem xét những vấn đề khó khăn trong triển khai, nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Ngày 19/9, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cùng Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” nhằm phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, Nhân dân, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đóng góp vào các vấn đề quan trọng quốc gia, các quyết sách của Quốc hội và lắng nghe những đề xuất, gợi mở hữu ích cho việc xây dựng, hoạch định chính sách, hoàn thiện cơ chế, chính sách đủ mạnh, ứng phó kịp thời, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế trên cơ sở phù hợp với bối cảnh, tình hình mới. Mới đây nhất, ngày 18/10, Kiểm toán Nhà nước tổ chức Diễn đàn Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Những nút thắt và vai trò của Kiểm toán Nhà nước. Các ý kiến, đề xuất tại Diễn đàn là nguồn thông tin hữu ích cung cấp thêm luận cứ khoa học, thực tiễn làm căn cứ để các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp, giúp khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.
Cùng với việc các đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát cơ sở để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của cử tri, Nhân dân, các hội nghị, diễn đàn nêu trên giúp các vị đại biểu Quốc hội thêm thông tin để có cái nhìn toàn cảnh, khoa học, từ đó có những góp ý, kiến tạo quyết sách phù hợp yêu cầu trong tình hình mới.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng việc điều hành chính sách tích cực, linh hoạt, chủ động, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ với sự đồng hành của Quốc hội, nhiều rào cản, điểm nghẽn do thủ tục hành chính và khó khăn của doanh nghiệp được tháo gỡ, vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát ở mức thấp,… Kết quả đó được các tổ chức quốc tế đánh giá cao và đều chung nhận định: Việt Nam là “điểm sáng” trong “bức tranh kinh tế tối màu” của thế giới, Việt Nam sẽ khôi phục đà tăng trưởng trong thời gian gần…
Trong Diễn văn khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Khối lượng công việc của Kỳ họp thứ 6 rất lớn, nhiều vấn đề khó, phức tạp, đặt ra yêu cầu rất cao đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và từng vị đại biểu Quốc hội. Thành công tốt đẹp với nhiều quyết định rất cơ bản và quan trọng tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó, có những quyết sách sẽ được thể chế hóa kịp thời ngay tại Kỳ họp này khẳng định quyết tâm và sự chuẩn bị chắc chắn để cả nước bước vào năm 2024 - năm bứt phá, tiến tới hoàn thành các kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết đại hội XIII của Đảng”.
Qua tiếp nhận thông tin, thấy đây là kỳ họp được cử tri, Nhân dân đặc biệt quan tâm vì chúng ta đã đi qua được nửa chặng đường thực hiện nhiệm vụ 2021 - 2025, nhưng vì nhiều nguyên nhân, tăng trưởng giai đoạn đầu chưa như kỳ vọng. Bởi vậy cử tri, Nhân dân kỳ vọng, tại kỳ họp này, Quốc hội đưa ra nhưng quyết sách để nền kinh tế phục hồi nhanh hơn, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp”, làm nền tảng để “Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”.