Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 3 năm 2024 | 10:10

Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Theo đó, hộ gia đình được thừa nhận là đơn vị kinh tế tự chủ, nông dân được trao quyền sử dụng đất và mức khoán lâu dài); tiếp đó là thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008, của Hội nghị lần thứ 7, Ban  Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Mới đây nhất là triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã có sự thay đổi lớn, khá toàn diện về diện mạo, nhất là sự thay đổi về chất (tư duy kinh tế hoàn thiện dần trong phát triển nông nghiệp ở từng người dân).

Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, sự chung tay của người dân, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã xây dựng nên nhiều miền quê đáng sống (Nguồn ảnh: baohatinh.vn)

Về sản xuất nông nghiệp, từ sản xuất manh mún, lấy số lượng, sản lượng là thước đo, nông nghiệp nước ta đã và đang từng bước được tổ chức lại, sản xuất theo chuỗi giá trị với tư duy mới: “Nhiều hơn từ ít hơn” – giá trị gia tăng cao hơn do chất lượng cao và hàm lượng sản phẩm chế biến tăng; sản xuất theo phương châm “nông nghiệp thuận tự nhiên” để thích ứng với biến đổi khí hậu; tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ số, trí tuệ nhân tạo,… được áp dụng ngày càng rộng rãi, dần trở nên phổ biến; nông nghiệp hàng hóa theo tín hiệu thị trường hình thành nhanh chóng. Kinh tế hợp tác trên tinh thần hài hòa lợi ích từng bước định hình.

Về thị trường nông sản, trước 1989, chúng ta là quốc gia thiếu thốn trăm bề bởi lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây nhưng chỉ sau 1 năm thực hiện Khoán 10, năm 1989, chúng ta đã xuất khẩu 1 triệu tấn gạo. Và đến nay, xuất khẩu gạo của ta luôn trong TOP 3 thế giới với giá bán ngày càng cao, thị trường liên tục mở rộng. Cho đến nay, nông - lâm - thủy sản Việt Nam đã có mặt tại khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản Việt Nam hiện trong TOP 15 thế giới. Xuất khẩu rau quả liên tục xây kỷ lục mới. Xuất siêu nông sản chiếm tỷ lệ cao trong thặng dư thương mại.

Về nhà nông, nhà vườn - chủ thể của nông nghiệp và nông thôn, đã hình thành lớp nông dân thông thái và chuyên nghiệp, khi họ vừa biết sản xuất theo yêu cầu thị trường, vừa áp dụng khoa học, công nghệ trong canh tác, quản lý, quản trị và nhất là sản xuất “thuận theo tự nhiên – canh tác hữu cơ, theo kinh tế tuần hoàn”, vừa biết nghiên cứu thị trường để bán gì, bán lúc nào có lợi nhất, vừa biết áp dụng công nghệ thông tin vào quảng bá, bán hàng qua sàn thương mại điện tử,… Đội ngũ nhà nông giờ không chỉ là những lão nông mà thu hút nhiều thanh niên trí thức, nhà khoa học, doanh nghiệp… Thu nhập và đời sống người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm bình quân 1,8%/năm; thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị; theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tháng 12 năm 2023, thu nhập bình quân của lao động ở khu vực nông thôn là 6,3 triệu đồng/tháng (năm 2020, thu nhập bình quân của nhà nông mới là 3,6 triệu đồng/người/tháng).

Về nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) trở thành phong trào quần chúng với sức lan rộng lớn, thu hút được sự tham gia của cả cộng đồng xã hội, đáp ứng nguyện vọng người dân nông thôn. Theo đó, cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lũy kế đến đầu tháng 2/2024, cả nước có 6.370/8.167 xã đạt chuẩn NTM; bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã. Trong đó, có 1.623 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 263 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Cả nước có 272 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. Bên cạnh đó, có 20 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Nông thôn ngày nay được nhiều người coi là “nơi đáng sống”, “nơi phải trở về”…

Tuy vậy, để hoàn thành mục tiêu Đại hội XIII của Đảng “đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao” và yêu cầu tiếp tục chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển nhanh, bền vững; phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, trong đó có mục tiêu đến năm 2030, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020 thì còn rất nhiều việc phải tiếp tục hoàn thiện, nhất là việc xây dựng, hoàn thiện quy chế phối hợp sao cho việc triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, thông suốt.

Theo nhiều chuyên gia, dù đạt những thành tựu lớn nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn của ta vẫn tồn tại những điểm yếu và thách thức phía trước là rất lớn, nhất là tác động từ biến đổi khí hậu, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, những yêu cầu cao về nông nghiệp xanh, về phúc lợi xã hội, nhất là việc phải nâng cao mọi mặt đời sống người nông dân, sự phát triển nông thôn tiệm cận với đô thị…

Để hóa giải những thách thức, các chuyên gia cho rằng, cần nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong hành trình xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng xanh, tuần hoàn, giảm phát thải, gắn phát triển sản xuất với chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng; có chính sách khuyến khích hợp tác công - tư trong nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để khai thác có hiệu suất cao tiềm năng, lợi thế của các vùng miền, địa phương; có chính sách khuyến khích phát triển thế hệ nông dân mới; nhanh chóng hoàn thiện thể chế trên tinh thần thông thoáng để kêu gọi đầu tư vào kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn; mở rộng thị trường xuất khẩu trên cơ sở khai thác tối ưu những lợi thế khác biệt từ các hiệp định FTA đã ký đi đôi với phát triển thị trường trong nước…

Tất cả những điều đó phải được thực hiện trên tinh thần của đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ: “Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.

 

Hiền Anh
Ý kiến bạn đọc
Top