Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 1 năm 2024 | 14:1

Chào năm mới 2024! Dấu ấn vị thế mới hướng đến thịnh vượng

1. Năm 2023 đã qua đi trong niềm vui và sự tự tin.

Khẳng định vậy vì dù gặp nhiều diễn biến bất thường kèm những “cơn gió nghịch” trên toàn cầu nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, sự đồng hành kịp thời của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt với quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ, có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực với sự đồng thuận cao của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, Kinh tế - Xã hội nước ta năm 2023 tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu (tăng trưởng GDP đạt 5,05%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới). Trong đó, kinh tế nông nghiệp - xuất khẩu nông sản là điểm sáng nhất.

Hình ảnh, tầm vóc, uy tín, vị thế Việt Nam được nâng lên tầm cao mới, là điểm sáng nổi bật trong năm.  Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc, lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Ngoại giao kinh tế nâng lên tầm cao mới, trở thành mũi quan trọng trong hỗ trợ phát triển kinh tế. Đến nay, nước ta đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 05 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và nhiều nước G20. Việt Nam đã ký và tham gia 16 FTA với những hiệp định đa phương của những khu vực thị trường lớn nhất, năng động nhất và đang đàm phán 3 FTA với những đối tác quan trọng nữa.

Khu vực nông nghiệp là mảng sáng đa màu nổi bật: Giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp tăng cao, ước đạt 3,83%, mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu nông sản, nhất là các mặt hàng rau quả, gạo, cà phê lập những kỷ lục mới (Xuất khẩu rau quả đạt 5,69 tỷ USD, về trước mục tiêu kế hoạch của năm 2025 (5 tỷ USD). Xuất khẩu gần 8 triệu tấn gạo với giá cao hàng đầu thế giới, kim ngạch 4,78 tỷ USD. Xuất khẩu cà phê đạt 4,18 tỷ USD). Nông sản xuất siêu 12,07 tỷ USD, chiến trên 42,5% xuất siêu của cả nước. Thị trường nông sản liên tục được mở rộng bởi chất lượng nông sản Việt.

Gạo ST25 của Việt Nam đã vượt qua các đối thủ để lần thứ hai giành vị trí số 1 cuộc thi gạo ngon nhất thế giới. Nhiều nông sản Việt, nhất là trái cây được những thị trường rất khắt khe về chất lượng mở cửa đón chào…

Có thể nói gọn về kết quả của kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn năm 2023 trong cụm từ: KHÓ nhưng VUI.

2. Năm 2024 đã về!

Đây là năm bản lề của kế hoạch 5 năm  2020 – 2025. Theo Nghị quyết Đại hội XIII: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp”. Thời gian không còn nhiều trong khi khó khăn, thách thức là khó lường, khó dự báo chính xác.

Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được thông qua tại Kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%.

Theo phân tích của các chuyên gia, vẫn còn đó những “cơn gió nghịch mạnh” tác động mạnh đến nền kinh tế có độ mở cao  như Việt Nam trong năm 2024: Sự bất ổn có thể lan rộng và kéo dài, tăng trưởng kinh tế thế giới chưa sáng sủa, lạm phát còn cao cùng sức mua chưa tăng, nhất là ở những nền kinh tế bạn hàng mở của chúng ta. Bởi vậy, theo các chuyên gia, để thực hiện thành công mục tiêu Quốc hội giao, cần nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị trên tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” và khai thác lợi thế lớn “nông nghiệp là lợi thế quốc gia”.

Thực tế điều hành của Chính phủ đã thể hiện rất rõ tư duy kinh tế trong nông nghiệp và tư duy chuyển từ nông nghiệp đơn giá trị sang nông nghiệp đa giá trị, xanh, tuần hoàn. Chính điều này đã mang lại những kết quả rất tích cực của ngành trong năm 2023.

Nói về xu thế kinh tế nông nghiệp – kinh tế nông thôn năm 2024, nhiều chuyên gia cho rằng, có thể gói gọn trong mấy từ sau: Chất – Xanh – Số. Theo đó, Chất là chất lượng, là an toàn vệ sinh thực phẩm, là không còn tồn dư chất cấm; Xanh là sản xuất tuần hoàn đa giá trị và giảm phát thải; Số là thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng suất, tính minh bạch của nông sản Việt. Chỉ có như vậy chúng ta mới chinh phục được thị trường ngày càng khắt khe về chất lượng trên toàn cầu. 

3. Để phục vụ bạn đọc tốt hơn, trong năm 2024, Tạp chí Kinh tế nông thôn tiếp tục cơ cấu lại các đơn vị trực thuộc trên tinh thần tinh gọn về nhân lực nhưng nâng tầm về chất lượng, đảm bảo thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác, toàn diện kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm –OCOP ở các vùng, miền và địa phương.

Đồng thời, Ban biên tập Kinh tế nông thôn cũng cơ cấu lại các trang tạp chí in trên tinh thần tăng trang nội dung về kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn, kinh tế Vườn – VAC với hàm lượng cao hơn về kiến thức thị trường, quản trị và tổ chức sản xuất, phương thức sản xuất Xanh – Sạch – An toàn – thực hiện Chuyển đổi Số thông qua những mô hình sản xuất tiêu biểu, sáng tạo, độc đáo, hiệu quả cao cũng như những hướng dẫn, định hướng của các cơ quan chuyên môn, những kỹ sư giàu thực tiễn và những người sản xuất giỏi.

Để khai thác tốt hơn, hiệu quả hơn lợi thế của nông nghiệp Việt Nam, kinh tế Vườn –VAC, qua đó nâng cao hơn nữa vị thế và kim ngạch xuất khẩu nông sản, nâng cao thu nhập cho nhà nông, nhà vườn, doanh nghiệp, chúng ta – cả cơ quan quản lý Nhà nước, ngành chức năng, nhà nông, nhà vườn, doanh nghiệp và báo chí truyền thông, trong đó có Tạp chí Kinh tế nông thôn cần gắn bó với nhau chặt chẽ hơn để chúng ta cùng Thắng.

 

Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế nông thôn
Ý kiến bạn đọc
Top