Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 12 năm 2023 | 15:41

Liên kết vùng là đi cùng nhau để đi nhanh và xa

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (tháng 1/2021) đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Chiến lược nhấn mạnh: “Phấn đấu đến năm 2030 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Tuy không phải là đầu tiên nói về kinh tế vùng nhưng Chiến lược lần này xác định rất rõ nhiệm vụ phát triển kinh tế vùng, xây dựng liên kết nội vùng và giữa các vùng. Coi đây là không gian phát triển mới của đất nước, là động lực mới để vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh đất nước trong mọi tình huống và thực hiện chủ trương “không để vùng nào tụt lại phía sau”.

Một góc vùng chè Tân Cương (Thái Nguyên). Ảnh: Minh Đức.

Nói vậy vì, nếu mỗi địa phương là một cơ cấu sản xuất khép kín, phát triển kinh tế khép kín thì đó là không gian khép kín nhỏ hẹp, khó khai thác hết lợi thế, khó cạnh tranh. Chỉ có phát triển theo vùng kinh tế, tức là trong không gian lớn hơn, chơi trên sân chơi lớn hơn, với luật chơi chặt chẽ hơn thì người chơi, các chủ thể tham gia sân chơi phải thay đổi cách tiếp cận, thay đổi cách chơi để khai thác lợi thế tối ưu. Liên kết vùng là đi cùng nhau để đi xa. Qua đó tạo động lực mới.

Chiến lược đã nhận diện rõ những cơ hội, thuận lợi, khó khăn, thách thức và nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển kinh tế vùng: Xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ quốc gia một cách hợp lý, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng  và liên vùng để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới. Khai thác tốt hơn các thế mạnh của các vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, nguồn nhân lực trong bối cảnh và yêu cầu phát triển mới. Phát triển tổng thể, mang tính hữu cơ, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng thành một thể thống nhất.

Triển khai quan điểm của Chiến lược, trong năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng , an ninh các vùng (Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; và vùng đồng bằng sông Hồng) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một cách tổng thể, đồng bộ chiến lược phát triển cho cả 6 vùng.

Triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng do Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng làm Chủ tịch Hội đồng điều phối. Tiếp đó, Chính phủ ban hanh Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối cho từng vùng, trên nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, công khai, minh bạch, phù hợp với các quy định pháp luật; việc thực hiện phối hợp thông qua các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt,… nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ để thực hiện mục tiêu định hướng phát triển bền vững các vùng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã Phê duyệt quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phê duyệt Kế hoạch thẩm định hồ sơ Quy hoạch các vùng khác; Phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch đối với từng vùng. Hội đồng điều phối các vùng đều đã tổ chức hội nghị quán triệt nội dung xây dựng quy hoạch, kế hoạch triển khai quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: Thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và các chương trình, kế hoạch của Chính phủ,... là tiếp thêm động lực cho tăng trưởng. Thủ tướng cho rằng, để kinh tế vùng, liên vùng thực sự là không gian phát triển mới, động lực mới, công tác quy hoạch vùng, liên vùng là đặc biệt quan trọng, phải đi trước một bước, phải với tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược nhưng phải có tính ổn định, lâu dài, tích hợp, kết nối quy hoạch của các địa phương với quy hoạch vùng, liên vùng, quy hoạch quốc gia. Quy hoạch mỗi địa phương, mỗi vùng phải chỉ rõ sự khác biệt, cơ hội nổi trội, đặc điểm nổi bật với tính đặc thù cao, lợi thế cạnh tranh của địa phương, của vùng, có vậy mới có được những nhóm giải pháp phù hợp để khai thác tối ưu những lợi thế tiềm năng, tạo nên động lực phát triển.

Theo các chuyên gia, để phát huy được lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh khác biệt của từng vùng, nhằm tạo động lực phát triển kinh tế vùng, liên vùng cần sớm hoàn thiện thể chế về luật chơi, người chơi và sân chơi bởi thực tế cho thấy sự hợp tác liên kết giữa các địa phương trong vùng còn mang tính đơn lẻ, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa đa dạng, thiếu hợp tác đa phương, phạm vi liên kết chưa tương xứng với yếu cầu và bối cảnh phát triển mới; chuỗi giá trị sản phẩm liên kết vùng chưa được khai thác, phát huy trong các vùng… Hiện nay, cơ chế quản trị liên kết vùng chưa chặt chẽ, do đó, thể chế liên kết vùng cần hướng tới thúc đẩy liên kết, tăng cường đầu tư theo vùng, chú ý nhiều hơn đến các vùng còn nhiều khó khăn. Xây dựng đa dạng các mô hình thể chế quản trị, điều phối vùng trên cơ sở lợi ích, các yếu tố liên kết, từ thực tiễn. Hoàn thiện thể chế phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương trong liên kết vùng. Đồng thời, cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong xây dựng, thực hiện quy hoạch, kế hoạch.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng thì yêu cầu đẩy mạnh liên kết vùng để tăng khả năng cạnh tranh, tạo thế và lực mới cho đất nước, việc đẩy nhanh thực hiện chiến lược về phát triển vùng càng có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện mục tiêu Đại hội XIII đã đề ra.

 

Hiền Anh
Ý kiến bạn đọc
Top