Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 12 năm 2023 | 10:0

Tận dụng cơ hội để về đích

Theo thông tin trên Cổng thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 47,84 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2022 do giá trị xuất khẩu một số mặt hàng chính còn giảm sâu (nhóm thuỷ sản mới đạt 8,2 tỷ USD, giảm 19%; lâm sản đạt 13 tỷ USD, giảm 17%,…); xuất siêu 10,55 tỷ USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Gạo, cà phê, rau quả, hạt điều,… là những mặt hàng đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu gạo, rau quả, cà phê đã thiết lập kỷ lục mới, cột mốc mới, cao nhất từ trước tới nay: với gạo 4,41 tỷ USD, rau quả 5,3 tỷ USD, hạt điều ước 3,3 tỷ USD, cà phê đạt kim ngạch trên 4 tỷ USD cho niên vụ từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023. Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2023 này, xuất khẩu gạo có thể đạt 4,5 tỷ USD, xuất khẩu rau quả có thể đạt 5,5 -5,8 tỷ USD, thậm chí có thể đạt 6 tỷ USD, về trước và vượt xa mục tiêu 5 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, sầu riêng mang về kim ngạch 2,2 tỷ USD trong 10 tháng năm 2023, dự kiến đạt 2,5 tỷ USD cho cả năm 2023.

Kim ngạch xuất khẩu gạo, rau quả, cà phê đã thiết lập kỷ lục mới, cột mốc mới, cao nhất từ trước tới nay.

Giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của chúng ta cũng tăng và ở mức cao, như: giá gạo bình quân 568 USD/tấn, tăng 17%; cà phê 2.570 USD/tấn, tăng 12%; chè 1.710 USD/tấn, tăng 6,3%... Tuy vậy, cũng có không ít nông sản chính giá giảm, như: Cao su, hạt điều, hồ tiêu, sắn và sản phẩm từ sắn...

Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất, tiếp đó là châu Âu.

Qua những con số trên, thấy dù gặp nhiều trở ngại do kinh tế các thị trường nhập khẩu chỉ số lạm phát còn cao, sức mua thấp nhưng với những nỗ lực của cả Nhà nước, người sản xuất và doanh nghiệp, xuất khẩu nông sản nói chung vẫn là mảng sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của cả nước. Trong đó, xuất xuất rau quả tạo sự bứt phá chưa chuyên gia cũng như nhà xuất khẩu nào hình dung khi bước vào năm 2023.

Tuy vậy, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Thủ tướng giao là không dễ dàng. Nói vậy vì, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (13/1/2023), ngành xây dựng mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0-3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 54 tỷ USD.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Nông nghiệp cần nắm chắc tình hình trong nước và thế giới để điều hành sản xuất linh hoạt; gắn sản xuất với thị trường, chế biến, giá trị gia tăng; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nông sản. Thủ tướng giao chỉ tiêu cho ngành Nông nghiệp năm 2023 đạt tốc độ tăng trưởng GDP là 3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vượt 55 tỷ USD.

Thời gian còn không nhiều, để hoàn thành mục tiêu Thủ tướng giao, trong khoảng thời gian còn lại là rất khó khăn (trong tháng 12 này, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản phải có kim ngạch 7,2 tỷ USD). Đúng là khó khăn, rào cản rất nhiều khi mà kinh tế thế giới chưa phục hồi lại tiếp tục phát sinh những diễn biến không thuận lợi. Tuy vậy, không phải là không có cơ hội để chúng ta “tô” thêm những gam màu sáng vào mảng kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn trong bức tranh kinh tế Việt Nam đầy triển vọng.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, tuy khó khăn lớn hơn cơ hội song nếu tận dụng triệt để những cơ hội thì chúng ta vẫn có thể đạt kết quả mong muốn. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm dịp cuối năm, mùa lễ hội đón năm mới trên toàn thế giới đều tăng dù kinh tế còn khó khăn trong khi lượng hàng tồn kho đã cạn. Thực tế là, nhiều doang nghiệp đã có đơn hàng mới. Thứ hai, chúng ta là quốc gia tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những thị trường rất lớn (CPTPP, RCEP EVFTA,…), nếu có phương thức bán hàng tốt, lượng hàng tiêu thụ sẽ không nhỏ. Thứ ba, những thị trường lớn, chủ chốt (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc,…) đồng ý cho nhiều loại nông sản của ta xuất khẩu chính ngạch. Thứ tư, nhiều loại trái cây hiện chỉ còn Việt Nam cung cấp, như sầu riêng, mít,… thứ trái cây được thị trường 1,4 tỷ dân đặc biệt ưa chuộng. Thứ năm, sản lượng trái cây của ta dịp cuối năm rất lớn, tới 4 triệu tấn các loại (chuối, thanh long, xoài, cam, quýt, bưởi...). Thứ sáu, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, có thể trong tháng 12 này chúng ta và bạn hàng lớn nhất –Trung Quốc sẽ ký nghị định thư để 4 đối tượng (dược liệu, dừa tươi, hoa quả đông lạnh và dưa hấu) được phép xuất khẩu chính ngạch. Điều này là cơ hội tốt để xuất khẩu nông sản hoàn thành nhiệm vụ và ngành hàng trái cây thiết lập kỷ lục mới cho không chỉ năm 2023 này mà cho những năm sau và khẳng định vị trí của trái cây Việt Nam.

Tuy vậy, cơ hội vẫn chỉ là cơ hội nếu chúng ta không nỗ lực, không phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các cơ quan chức năng với người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt là, người sản xuất, nhà vườn, doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng nhất, vùng sản xuất và cơ sở đóng gói có mã số, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc… và đa dạng cách tiếp cận những đối tượng khách hàng khác nhau.

Chặng nước rút mới rõ sự đồng bộ của hệ thống.

 

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top