Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 22 tháng 2 năm 2024 | 15:41

Giải pháp tiếp đà tăng tốc

Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Với lúa gạo, dù biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp nhưng với sự chủ động từ sớm, từ xa của các cơ quan quản lý, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp và nhà nông, diện tích lúa cả năm 2023 ước đạt 7,12 triệu hecta (tính gộp cả 3 vụ), tăng 10,1 nghìn hecta so với năm 2022. Năng suất lúa bình quân đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha so với năm trước. Tổng sản lượng lúa thu hoạch năm 2023 cao kỷ lục, đạt 43,5 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn so với năm trước. Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục cả khối lượng (gần 8,3 triệu tấn) và giá trị kim ngạch (4,78 tỷ USD), tăng 38,4% so với năm 2022. Giá gạo Việt đạt mức cao nhất. Giống lúa ST25 (gạo ST25) lần thứ hai được vinh danh ngon nhất thế giới.

Năng suất lúa bình quân đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha so với năm trước. 

Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại Cần Thơ: Ảnh: Thanh Liêm.

Vượt trên kỳ vọng, năm 2023, sản xuất và xuất khẩu rau quả lập kỳ tích ấn tượng nhất, với kim ngạch 5,69 tỷ USD, tăng 69,2% so với năm 2022 dù thế giới sau đại dịch COVID-19 thắt chặt chi tiêu. Trong đó, nhóm hàng trái cây (tươi và đông lạnh) đạt 4,2 tỷ USD, tăng 112%; nhóm hàng rau quả chế biến đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng 18%; nhóm rau củ đạt 279 triệu USD, tăng 4,9%. Trong 5,69 tỷ USD, sầu riêng đạt gần 2,3 tỷ USD, gấp hơn 5 lần năm 2022 và 10 lần năm 2021. Tốc độ tăng trưởng “không tưởng”! Có được điều đó là do cơ quan quản lý Nhà nước đã nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch cho 14 loại nông sản vào Trung Quốc - thị trường có nhiều lợi thế của chúng ta.

Năm 2023, sản xuất xuất và khẩu rau quả lập kỳ tích ấn tượng nhất, với kim ngạch 5,69 tỷ USD, tăng 69,2% so với năm 2022. Ảnh: internet.

Tuy vậy, nhìn một cách toàn diện thì kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản trên 53,2 tỷ USD, nhất là nông sản chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa hình, khí hậu, đất đai đa dạng đã tạo ra rất nhiều những sản vật với hương vị đặc trưng, mùa vụ kéo dài. Thêm nữa, trong số nông sản xuất khẩu của ta, nhiều loại có sản lượng thuộc TOP đầu thế giới, như: gạo, cà phê, hồ tiêu, điều, tôm, cá ba sa,… nhưng sự hiện diện của nông sản Việt với người tiêu dùng thế giới bằng thương hiệu Việt còn mờ nhạt. Thêm vào đó là sự có mặt không thường xuyên, thiếu ổn định cả về số lượng và chất lương trên các kệ hàng tại nhiều thị trường cũng là điều khiến người tiêu dùng chưa nhớ đến nông sản Việt…

Trên cơ sở tín hiệu thị trường và đà tăng ngoạn mục của năm 2023, ngành Nông nghiêp xây dựng mục tiêu cho năm 2024: xuất khẩu đạt 55 tỷ USD. Trong đó rau quả hướng tới mốc 6-7 tỷ USD, gạo phấn đấu vượt 5 tỷ USD, tôm quyết giành lại mốc 4 tỷ USD, cà phê 4,5 – 5 tỷ USD,...

Sơ chế chuối xuất khẩu. Ảnh: TTXVN.

Thực tế là, ngay trong những ngày đầu năm 2024, cả trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, xuất khẩu nông sản đã thấy rõ những thuận lợi rất cơ bản: ngoài 14 mặt hàng đã có Visa vào thị trường Trung Quốc – thị trường lớn và nhiều lợi thế, trong năm 2024, nhiều mặt hàng đã được Trung Quốc xem xét cấp Visa, như sầu riêng đông lạnh, thịt gia cầm.

Các mặt hàng hữu cơ của Việt Nam thu hút sự quan tâm tại Biofach 2024 (Hội chợ thương mại hàng đầu thế giới về thực phẩm hữu cơ tại thành phố Nurnberg, bang Bayern, miền Nam nước Đức). Các sản phẩm của Việt Nam tại Biofach 2024 khá đặc trưng với những mặt hàng lạ được khách hàng quan tâm như nước tương từ mật hoa dừa, giấm hoa dừa, ống hút cỏ, ống hút tre...

Trong 3 ngày, từ 07-09/02/2024 (ngày 28-30 tháng Chạp), 6 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất - chế biến rau quả xuất khẩu của Việt Nam đã tham gia Hội chợ Fruit Logistica 2024 tại Berlin, Đức để tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường. Đây là hội chợ lớn nhất thế giới chuyên về lĩnh vực trái cây tươi, khô và chế biến. Hội chợ năm nay thu hút 2.770 doanh nghiệp từ 94 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện nay, tại các chuỗi siêu thị lớn hàng đầu của Đức như AsRopa, Netto, Edeka, Selgros đã nhập khẩu và phân phối nhiều sản phẩm hoa quả của Việt Nam, đặc biệt là sầu riêng, bưởi da xanh. Ngoài ra còn có chanh leo tươi, mít sấy khô, chuối sấy, thanh long sấy khô... Theo Vinafruit, trong suốt thời gian diễn ra hội chợ, khu gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam thu hút sự chú ý của rất đông khách hàng.

Nhớ lại năm 2007, giáo sư - cha đẻ của marketing hiện đại Philip Kotler phát biểu tại một hội thảo ở TP.Hồ Chí Minh rằng, nếu Trung Quốc là công xưởng của thế giới, Ấn Độ là văn phòng của thế giới thì Việt Nam hãy là “bếp ăn của thế giới”, vì Việt Nam có rất nhiều món ăn ngon, rất ngon, rất đặc sắc, được chế biến bằng nguyên liệu, nông sản địa phương.

Hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với “là bếp ăn” thì sự đa dạng của nông sản, mùa vụ kéo dài, chúng ta cũng có thể nghĩ đến việc xây dựng “kho thực phẩm của thế giới”. Vấn đề là cần hoàn thiện khâu tổ chức sản xuất theo tư duy kinh tế mở ở quy mô lớn hơn trong mô hình hợp tác xã để việc đầu tư , sử dụng giống, quy trình canh tác đồng bộ, cũng như xây dựng kế hoạch canh tác, khai thác, bảo quả, chế biến để không khi nào hàng hóa ùn ứ hay không có sản phẩm, và thuận lợi trong áp dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mã số vùng trồng, thương hiệu sản phẩm, hoàn thiện hệ thống logistíc…

Bởi vậy, điều chúng ta cần làm là, giới thiệu nhiều hơn, tiếp thị nhiều hơn để cho mọi người ở mọi thị trường biết: nông sản Việt Nam rất đa dạng, an toàn, tốt cho sức khỏe, mua bao nhiêu cũng có, mua lúc nào cũng có. Cùng với đó là sự điều tiết trong sản xuất, bảo quản, chế biến để sản phẩm vượt qua yếu tố mùa vụ và xây dựng thương hiệu hàng hoá cho ngành hàng. Đồng thời, cần quan tân đến những quy định mới của các thị trường, như Quy định chống mất rừng của EU (EUDR), yêu cầu về tăng trưởng xanh, phát thải thấp và nhanh chóng tháo gỡ điểm nghẽn logistics.

 

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top