Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 4 tháng 12 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 12 năm 2023 | 14:38

Xây dựng Nông nghiệp 4.0: Xử lý điểm nghẽn hạ tầng nhân lực

Chất lượng nguồn nhân lực luôn được xem là yếu tố then chốt tạo nên sự thành công của mọi quốc gia, đơn vị. Nói vậy vì chất lượng nguồn nhân lực quyết định hiệu quả sử dụng các nguồn lực; là nhân tố quyết định năng suất lao động, yếu tố thúc đẩy tăng trưởng và tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Nền kinh tế có năng suất lao động cao nghĩa là nền kinh tế đó sản xuất ra nhiều hàng hóa hoặc dịch vụ hơn với cùng một lượng nguyên liệu đầu vào. Từ đó, nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy phát triển xã hội.

Sinh viên tham gia nghiên cứu tại mô hình sản xuất khoai tây giống sạch bệnh bằng công nghệ khí canh tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng,  cùng với phát triển kết cấu hạ tầng (điện, đường, viễn thông,…), cần đặc biệt quan tâm đến hạ tầng nguồn nhân lực, vì đây là cốt lõi cho sự phát triển của bất cứ lĩnh vực nào, ngành nào, quốc gia nào.

Trong những năm qua, các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã tạo tiền đề cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nên năng suất lao động liên tục được cải thiện. Tuy vậy, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Nguyên nhân được xác định: lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản còn cao (theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2022 là 51,7 triệu người, trong đó, lực lượng lao động ở nông thôn là 32,2 triệu người. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức trong khu vực nông thôn là 61,9%; lao động thời vụ phát triển, hạn chế về đào tạo kỹ năng - lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên năm 2020 mới có 27,3%, trong đó trình độ sơ cấp 6,8%; trình độ trung cấp 4,3%; cao đẳng 3,7%; đại học trở lên 12,5%).

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phần lớn lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản là lao động phổ thông, giản đơn, lao động làm việc theo kinh nghiệm, thời vụ, thiếu lao động có tay nghề cao. Ở góc độ đào tạo nhân lực, nhiều sinh viên ngành nông nghiệp tốt nghiệp ra trường không kiếm được việc làm phù hợp với chuyên môn, chưa đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng và thị trường lao động, do đó, một bộ phận thế hệ trẻ không thích học nghề nông nghiệp, không thích làm nông nghiệp. Đây là nguyên nhân khiến kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn thiếu nhân lực trình độ cao.

Hiểu rõ vai trò của chất lượng nguồn nhân lực trong thực hiện mục tiêu: “Đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 với 5 quan điểm: Phát triển nhanh và bền vững (dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…). Về thể chế phát triển. Về nguồn lực con người. Về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Về phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia trong xây dựng, bảo về Tổ quốc. Và 3 đột phá chiến lược: Đột phá về thể chế. Đột phá về nguồn nhân lực. Đột phá về kết cấu hạ tầng.

Trong quan điểm về nguồn lực con người, Chiến lược nêu rõ: “…Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển…”. Trong Đột phá về nguồn nhân lực, Chiến lược xác định: “Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam”.

Trên cơ sở quan điểm và đột phá của Chiến lược, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cụ thể hóa bằng việc xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bền vững, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và quốc tế, gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại. Mục tiêu đặt ra là, đến năm  2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ đóng góp trên 50% vào tăng trưởng nông nghiệp.

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, Chiến lược của ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu: Đến năm 2030 đạt bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước; tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyển sinh bình quân hàng năm 200 nghiên cứu sinh; 2.500 học viên cao học; 20.000 sinh viên đại học; 8.000 sinh viên cao đẳng, 20.000 học sinh trung cấp và 40.000 học sinh sơ cấp.

Thực tế gần đây cho thấy có sự suy giảm sinh viên ở các ngành nông nghiệp truyền thống nhưng nhiều ngành mới lại đang thu hút nhiều người trẻ, như nghề điều khiển thiết bị bay không người lái phục vụ canh tác nông nghiệp…

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong tình hình mới. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn còn tồn tại rất lớn - chưa gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế, địa phương, chưa gắn với yêu cầu của thị trường lao động.

Để thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông nghiệp 4.0, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, nền kinh tế nông nghiệp cần tư duy tích hợp, nông nghiệp có thể tích hợp nhiều lĩnh vực khác như du lịch nông nghiệp, cơ khí - tự động hoá trong nông nghiệp, quản trị nông nghiệp... Ông cho biết, rất nhiều trang trại khởi nghiệp nông nghiệp, người chủ không học nông nghiệp. Họ là cử nhân quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, cơ khí... Họ đang tạo giá trị cho nền nông nghiệp Việt Nam. Theo ông, xu thế học nghề đã khác. Sự lựa chọn không còn như xưa, câu hỏi học gì để không thất nghiệp là mối quan tâm lớn cho chính người học và toàn xã hội. Bởi vậy, nhà trường cần hợp tác cùng doanh nghiệp để đào tạo theo yêu cầu thị trường, chứ không chỉ dạy cái chúng ta có.

(Mời bạn đọc xem loạt bài “Nguồn nhân lực cho nông nghiệp 4.0”).

Hiền Trang
Ý kiến bạn đọc
Top