Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 30 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 12 năm 2023 | 13:32

Nguồn nhân lực cho nông nghiệp 4.0 (Bài 3): Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đột phá của đột phá

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực (NNL), nhất là NNL chất lượng cao (CLC) là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Tuy nhiên, hiện nay, NNL trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu về số lượng, yếu về chất lượng... Do đó, để tận dụng lợi thế quốc gia, ngành Nông nghiệp cần đặc biệt chú trọng vào các giải pháp phát triển NNL, nhất là NNLCLC, cũng như thu hút nhân lực CLC làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp; nghiên cứu và nhân rộng các mô hình thí điểm đào tạo nhân lực CLC...

>> Bài 1: Nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu và yếu

>> Bài 2: Cần thay đổi tư duy về nghề nông

Đào tạo nhân lực CLC để làm chủ nền nông nghiệp

GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, phát triển NNLCLC đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong nước và quốc tế là bước đi mang tính mở đường để xây dựng và phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng.

Bà Lan mong muốn, đổi mới chương trình, hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng đào tạo, sao cho sinh viên ra trường có thể đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, có thể làm việc được ngay là cần thiết, tránh lãng phí nguồn lực của xã hội.

“Nâng cao chất lượng NNL vừa phải đáp ứng yêu cầu phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, vừa phải coi trọng những giải pháp lâu dài để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý đầu ngành đáp ứng yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hiện đại và xây dựng nông thôn mới”, bà Lan nêu quan điểm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, chúng ta đang chuyển hướng từ nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp số, hiện đại; trong đó hướng mạnh đến giá trị gia tăng cao hơn từ chính sản phẩm đó nên tư duy về sản lượng và giá trị cần phải định hình lại cho phù hợp để hành động. Muốn vậy, việc đào tạo nhân lực làm sao để đáp ứng được nhu cầu là rất cần thiết.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bên cạnh việc đào tạo nhận lực để cung ứng cho doanh nghiệp, cần hướng mạnh vào đào tạo nhân lực để làm chủ như chủ trang trại, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh..., để họ sẵn sàng làm chủ nền nông nghiệp nước nhà.

Ông Hoan nhấn mạnh quan điểm, việc đào tạo NNLCLC không thể để cơ quan, hay cơ sở Nhà nước thực hiện mà cần xã hội hoá, phối hợp với doanh nghiệp để thực hiện. Bởi chính doanh nghiệp mới có đủ hạ tầng như xưởng sản xuất, kho, bãi, phòng thí nghiệm, giao thương thực tế…, đặc biệt là yếu tố thực tiễn để giúp người học lĩnh hội được kiến thức phục vụ ngành.

“Bắt tay” với doanh nghiệp trong đào tạo

Ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển bền vững, Công ty cổ phần Tập đoàn PAN, chỉ ra rằng, lực lượng lao động suy giảm nhanh và trình độ đào tạo thấp khiến sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông nghiệp thấp, khả năng thích ứng với biến động của thị trường và công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo cần có sự hợp tác để nâng cao chất lượng, thu hút được nguồn nhân lực trong ngành nông nghiệp.

Doanh nghiệp đồng hành trong đào tạo nhân lực nông nghiệp chất lượng cao.

Theo ông Anh, các chương trình đào tạo và thực tập thực tế nên có sự hợp tác với các doanh nghiệp nông nghiệp. Đặc biệt, các chương trình đào tạo có thể được thiết kế để kết hợp giải quyết những vấn đề thực tế của doanh nghiệp, chú trọng sử dụng công nghệ và thực hành bền vững.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo, GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ, nhờ phối hợp với doanh nghiệp nên chất lượng đào tạo tại trường đã được tăng lên.

Theo bà Lan, thông qua hợp tác với các doanh nghiệp, Học viện  đã đổi mới 43 chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn; xây dựng và phát triển 9 chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp (POHE); tăng kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn của sinh viên. Nhờ đó, tỷ lệ sinh viên có việc làm tăng lên 97%, công tác tuyển sinh cũng thuận lợi, thu hút được nhiều sinh viên khá, giỏi vào lĩnh vực nông nghiệp.

Bà Bùi Thị Thúy, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại ứng dụng công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm (Kon Tum), cho biết: “HTX chuyên về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trồng các loại rau củ, trái cây xuất khẩu, sản xuất vùng nguyên liệu tập trung theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Khi mở rộng vùng trồng thì phải có đội ngũ kỹ thuật CLC. Chúng tôi đã liên hệ với một số trường đại học, cao đẳng tuyển sinh viên học chuyên ngành về nông nghiệp công nghệ cao, nhưng không tuyển ra người. Do vậy, chúng tôi phải đào tạo từ những người nông dân có kinh nghiệm, tay nghề để thực hiện việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn doanh nghiệp sẽ là những người hiến kế, có nhiều sáng kiến để giúp Bộ, Chính phủ trong lĩnh vực đào tạo NNL trong ngành Nông nghiệp. Doanh nghiệp có thể trở thành ban cố vấn của nhà trường, cùng nhà trường xây dựng, cách tân chương trình đào tạo để giảng dạy cho phù hợp với nhu cầu thực tế.

“Tư duy mở “thực học là thực nghiệm”, “lấy người học làm trung tâm” chỉ phát huy khi có doanh nghiệp đến với các trường đại học, cơ sở đào tạo và sinh viên, giáo viên chủ động bước ra khỏi cổng trường đến với doanh nghiệp, nhà máy, nông trại...”, ông Hoan nhấn mạnh.

Đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu thị trường

Theo các chuyên gia, nút thắt cần tháo gỡ hiện nay là thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò NNL trong nông nghiệp. Ngoài nâng cao chất lượng, các cơ sở đào tạo cần có sự đồng hành của doanh nghiệp trong đào tạo, tuyển sinh và kết nối cung cầu việc làm…

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội dẫn chứng, từ thực tế hợp tác với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo đã mang lại kết quả tích cực như: nhân lực qua đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; nâng cao chất lượng quản trị; tận dụng các máy móc, trang thiết bị, sở sở vật chất và các nguồn lực doanh nghiệp trong phục vụ giảng dạy, qua đó giúp nâng cao tinh thần khởi nghiệp và mở rộng cơ hội việc làm sau khi ra trường cho học sinh, sinh viên.

“Đào tạo những gì doanh nghiệp cần chứ không đào tạo những gì mà nhà trường có. Muốn như vậy, phải có doanh nghiệp cùng tham gia để nắm rõ hơn nhu cầu doanh nghiệp cần gì, tiêu chuẩn nhân lực ra sao để định hướng trong đào tạo. Phải thoát ly tư duy đào tạo những gì mà nhà trường đang có. Vì vậy, phải nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu nhân lực cho doanh nghiệp và việc làm cho sinh viên, khi đó mới thu hút thêm sinh viên theo học ở nhà trường”, ông  Ngọc nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam, đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo NNLCLC đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Nông nghiệp và PTNT đến năm 2025 và định hướng tới năm 2030 là một trong những yêu cầu cấp bách đối với các trường đại học, cơ sở đào tạo trong ngành Nông nghiệp hiện nay. Theo đó, định hướng đối với các cơ sở đào tạo trong ngành không chỉ phục vụ cho các ngành nông nghiệp truyền thống mà cho các ngành phục vụ phát triển nông nghiệp theo hướng đa giá trị.

“Để thu hút sinh viên, các trường, cơ sở đào tạo của ngành phải nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là chất lượng đội ngũ giáo viên, để cung cấp cho sinh viên những kiến thức mới. Tăng cường liên kết với  doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu về nguồn lực. Doanh nghiệp có yêu cầu gì thì chúng ta đào tạo theo hướng đó. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ở đây không phải chỉ ở các trường, viện nghiên cứu mà còn liên kết với các tổ chức, các trường đại học quốc tế để tiếp cận những kiến thức, thành tựu khoa học, qua đó cung cấp nguồn lực CLC  cho phát triển ngành”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Phải đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

 GS.TS. Lê Huy Hàm, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Nông nghiệp (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết, sinh viên của khoa được chọn lọc với đầu vào cao hơn so với mặt bằng các trường nông nghiệp. Ngay từ đầu, sinh viên đã được định hướng tới phát triển nghiên cứu và ứng dụng công nghệ phục vụ thực tiễn nông nghiệp, với phương châm “học tập tích cực”, “đổi mới sáng tạo” và “học bằng làm” để  trực tiếp tham gia đưa khoa học công nghệ đỉnh cao của Đại học Quốc gia Hà Nội vào nông nghiệp. Đây là sự khác biệt chính giữa chương trình đào tạo của Trường Đại học Công nghệ với những đơn vị đào tạo khác.

Ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp, xu thế tất yếu để phát triển ngành nông nghiệp hiện nay.

“Khoa Công nghệ Nông nghiệp không ngừng phát triển mạng lưới hợp tác nghiên cứu và đào tạo với nhiều đơn vị doanh nghiệp, viện nghiên cứu thực hiện mô hình Trường – Viện – Doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy các hoạt động thực tập, thực tế cho sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp”, GS.TS Lê Huy Hàm nhấn mạnh.

GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, cho biết, trong thời gian tới, Khoa Công nghệ Nông nghiệp cần đầu tư, tập trung phát triển khoa theo hướng nông nghiệp trở thành cường quốc, cần đưa công nghệ vào nông nghiệp. Gắn  công nghệ vào nông nghiệp; xây dựng chương trình đào tạo gắn với nền tảng công nghệ. Sinh viên tốt nghiệp là đầu mối kết nối giữa công nghệ và nông nghệ, có tình yêu vào nông nghiệp, say mê nghiên cứu. Đó là tiềm năng tạo nên những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Đồng thời, tạo cơ hội rộng mở cho sinh viên ngành công nghệ nông nghiệp trong việc tự khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.  

Khoa sẽ là một trong những mắt xích đào tạo đội ngũ nhà khoa học chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp và hướng tới một Việt Nam không chỉ sản xuất nông nghiệp mà còn là đầu mối xuất khẩu nông sản trên thế giới. Đó cũng là tiền đề, hướng đi mới của khoa để khẳng định vị thế của khoa đi đúng, trúng với vị thế mới.

Những định hướng nông nghiệp số và tự động hóa trong nông nghiệp sẽ được cụ thể bằng  dự án, hành động cụ thể với mục đích rất rõ ràng là phát triển ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp. Một số hướng nghiên cứu của khoa tập trung vào GIS (Geographic Information Systems - hệ thống công cụ tập hợp các quy trình trên máy tính dùng để thu thập, quản lý, lưu trữ dữ liệu địa lý và thực hiện lập bản đồ, phân tích sự vật hiện tượng xảy ra trên trái đất cũng như dự đoán tác động và hoạch định chiến lược) cho giám sát và cảnh báo trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; tự động hóa các quá trình sản xuất, giám sát, phân tích, dự báo và quản lý thị trường nông nghiệp và chuỗi cung ứng nông sản; từ trường, đèn LED và nano cho nông nghiệp. Trong sản xuất,  nông dân sẽ là người đánh giá cuối cùng các công nghệ tạo ra. Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh để đổi mới đào tạo, tăng số lượng, mở một số ngành như Chế biến thực phẩm, Khoa học sự sống và đảm bảo chất lượng, tăng cường gắn kết với doanh nghiệp nông nghiệp. Thời gian tới, Trường Đại học Công nghệ tin tưởng Khoa Công nghệ Nông nghiệp sẽ là đầu mối ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp.

Đại diện đối tác hợp tác với Khoa Công nghệ Nông nghiệp thời gian qua, ông Nguyễn Hồng Thu (Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông) cho biết, nhờ sự hợp tác của các thầy cô Khoa Công nghệ Nông nghiệp mà công ty đã có bước phát triển mới trong công nghệ chiếu sáng trong lĩnh vực nông nghiệp như: chiếu sáng cho cây ăn quả, sâm Ngọc Linh, trồng rau sinh khối trong nhà đảm bảo dưỡng chất và năng suất. Nhờ có sự hợp tác đó mà sản phẩm của công ty bắt đầu xuất sang nhiều thị trường như Hàn Quốc, Thái Lan,…

Ông Thu  mong muốn, thời gian tới, công ty đồng hành cùng Khoa Công nghệ Nông nghiệp nói riêng và Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác sâu trong nghiên cứu để phát huy thế mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, tăng năng suất cho cây trồng. Công ty cũng sẽ là nơi để sinh viên của Khoa có thể thực hành, thực tập thường xuyên nhằm tăng khả năng thực tiễn, đảm bảo tay nghề khi ra trường.

Phát triển nhân lực CLC là khâu đột phá

Phát triển NNL nói chung và phát triển NNL trong nông nghiệp nói riêng luôn được Đảng ta coi là nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần quan trọng trong công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn tiên phong trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp, nông thôn.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Phát triển NNL, nhất là NNLCLC ; ưu tiên phát triển NNL cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045  nêu rõ: “Tạo đột phá trong phát triển nhân lực, đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, tận dụng hiệu quả cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Đổi mới toàn diện hình thức tổ chức và nội dung đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, nhất là lao động trẻ, đáp ứng nhu cầu thị trường. Mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, khoa học - công nghệ, quản trị kinh doanh đáp ứng nhu cầu lao động ở nông thôn, chuyển đổi nghề nghiệp và xuất khẩu lao động. Có chiến lược nâng cao năng suất lao động, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức tư nhân tham gia đào tạo nghề, phát triển thị trường lao động ở nông thôn”.

Để khắc phục những tồn tại trong công tác đào tạo NNL nông nghiệp, nông thôn và chuẩn bị nhân lực cho triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, Nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022, ngày 8/5/2023, Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/BCSD về "Đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2025 và định hướng tới năm 2030".

Nghị quyết đã đề ra mục tiêu, phương hướng và nhiều giải pháp đồng bộ cho công tác đào tạo và phát triển NNL của ngành.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Đào tạo, phát triển NNLCLC đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng để thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có tri thức, tay nghề cao để trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn; xây dựng đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học đủ năng lực nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao công nghệ hiện đại và thúc đẩy đổi mới sáng tạo; quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, tâm huyết, yêu nghề đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Nghị quyết nêu rõ: Tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về công tác đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp.

Sắp xếp, kiện toàn hệ thống các trường, đổi mới nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành. Triển khai thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và phối hợp thực hiện các chương trình dự án có liên quan của Bộ.

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và xây dựng Đề án thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT.

Định hướng học nghề nông nghiệp và bổ trợ kiến thức nông nghiệp, trong đó, triển khai học kỳ nông nghiệp cho các trường thuộc Bộ để trang bị kiến thức cơ bản về nông nghiệp, tình yêu đối với ngành nông nghiệp cho các ngành phục vụ nông nghiệp và các ngành phi nông nghiệp để khi ra trường các em có thể phục vụ trong ngành nông nghiệp hoặc định hướng công việc, kinh doanh các ngành liên quan đến ngành nông nghiệp,…

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Tây Nguyên, niềm tin và khát vọng

    Tây Nguyên, niềm tin và khát vọng

    Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước bằng những chính sách, chương trình và niềm tin, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên; 49 năm sau nước nhà thống nhất, miền đất đại ngàn hùng vĩ phía tây Tổ quốc đã đổi thay vượt bậc.

  • Ngư dân Hà Tĩnh trúng hơn 1,2 tấn cá chim vây vàng, thu về gần 300 triệu đồng

    Ngư dân Hà Tĩnh trúng hơn 1,2 tấn cá chim vây vàng, thu về gần 300 triệu đồng

    Một ngư dân ở Hà Tĩnh vừa thả lưới bắt được mẻ cá vàng dương (thường gọi là cá chim vàng), trọng lượng hơn 1,2 tấn, thu về hơn 300 triệu đồng.

  • Dứa ngọt trên vùng đất khó ở Krông Bông

    Dứa ngọt trên vùng đất khó ở Krông Bông

    Cư Drăm là xã vùng sâu vùng xa của huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở đây không thuận lợi để phát triển các loại cây công nghiệp. 5 năm trở lại đây, nhờ trồng dứa mà nhiều gia đình ở Cư Drăm đã có cơ hội để thoát khỏi đói nghèo.

Top