Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 30 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 12 năm 2023 | 9:54

Nguồn nhân lực cho nông nghiệp 4.0 (Bài 2): Cần thay đổi tư duy về nghề nông

Phát biểu trong chuyến công tác tại tỉnh Hải Dương (tháng 3/2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hải Dương phải đổi mới tư duy, chuyển đổi “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, từ “tìm kiếm thị trường” sang “nghiên cứu thị trường” để hướng tới “nông nghiệp đặt hàng”.

Yêu cầu đối với Hải Dương cũng là nhiệm vụ mà Chính phủ đặt ra với các địa phương trên cả nước và toàn ngành Nông nghiệp trong việc phải thay đổi tư duy về nghề nông.

>> Bài 1: Nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu và yếu

Nghề nông phải được đào tạo

Trong cuộc đối thoại với báo chí về vấn đề “để nền nông nghiệp “bước qua lời nguyền” là phải làm sao nâng cao kiến thức, đào tạo cho những người làm nghề nông - một nghề mà xưa nay vẫn có quan niệm là không cần qua đào tạo”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, làm sao để người nông dân thấy rằng, phải thay đổi và có ai đó xác nhận rằng, bà con đã thay đổi. Tôi nói nghề nông cũng phải đào tạo, huấn luyện.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nghề nông cũng là một nghề, chứ không phải vì không có việc gì làm nên phải đi làm ruộng. Đã là nghề thì phải được đào tạo, huấn luyện, được cấp giấy chứng nhận, để người nông dân có thể hãnh diện về nghề của mình. Chúng ta phải tự trách là chưa làm hết trách nhiệm với người nông dân, thậm chí có lúc chúng ta lại xuê xoa quá. Thành ra nền nông nghiệp mình rơi vào dễ dãi, giờ phải chuyển thành nền nông nghiệp trách nhiệm, trách nhiệm với sức khỏe người tiêu dùng, trách nhiệm với môi trường tự nhiên, trách nhiệm với thế hệ mai sau.

Nhiều năm qua, chính sách của Nhà nước được thiết kế hỗ trợ cho nông dân đa phần là hỗ trợ về vật chất. Bây giờ cần hỗ trợ bằng kiến thức, bằng kết nối thị trường, hỗ trợ bằng cách trả lời những điểm nghẽn trong suy nghĩ của bà con. Vì vậy, tôi vẫn đau đáu vấn đề thay đổi suy nghĩ của người nông dân, muốn vậy phải thường xuyên cập nhật kiến thức, thông tin cho bà con.

Liên quan tới nội dung, làm thế nào để người nông dân có thể tỏa sáng và tự hào với nghề của mình? Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trách nhiệm với người nông dân là trách nhiệm thật sự xuyên suốt. Chúng ta không bi lụy hóa người nông dân mà phải cùng đồng hành để thay đổi, để dẫn dắt sự thay đổi. Hỗ trợ con cá hay cho cần câu hay khơi gợi, hun đúc thái độ, tinh thần câu cá? Cho “cần câu” cũng chưa đủ, mà cần phải hướng dẫn cả kỹ thuật câu vì không phải ai cũng có kỹ thuật câu cá. Nhưng kỹ thuật câu cũng chưa đủ bởi vì cần cả thái độ câu nữa. Đây là một cuộc cách mạng. Nếu không thay đổi được những cái này thì tất cả mọi thứ tác động vào người nông dân đều khó có thể được tiếp nhận. Tôi sang Hàn Quốc, vào bảo tàng, thấy tâm đắc trước thông điệp làm nên thành công của phong trào “Saemaul Undong” (Làng mới): “Mọi sự hỗ trợ của chính phủ đều là vô nghĩa nếu người dân không thay đổi, không dựa vào chính sức của mình”.

Bên cạnh những hình ảnh rất thương cảm về đời sống cơ cực của nhiều nông dân, các đơn vị truyền thông nên quan tâm xây dựng chương trình giúp người nông dân thay đổi. Hỗ trợ bà con ít giống cây trồng - vật nuôi thì dễ nhưng khơi gợi, khuyến khích bà con hợp tác với nhau cùng trồng, cùng nuôi trong một hình thức kinh tế tập thể mới khó hơn nhiều. Và không có thay đổi này thì ngành Nông nghiệp không thể bước qua “lời nguyền”.

Muốn nông dân thay đổi tư duy, không có cách nào khác là kiên trì, nhẫn nại. Từ cấp ủy, chính quyền ngay cơ sở phải thuyết phục bà con, rồi chúng ta tìm những nhân tố tích cực để lan tỏa dần.

Theo Bộ trưởng, chúng ta phải giúp bà con  nông cụ, máy móc nông nghiệp để tối ưu hóa quy trình sản xuất, công nghệ... Đừng để người nông dân bị cô lập trong “ốc đảo”, lủi thủi trong thửa ruộng, mảnh vườn của mình, mà thiếu kênh tiếp cận tri thức, khoa học - kỹ thuật tiên tiến. Nhiều bà con cũng chưa biết sử dụng điện thoại thông minh để tối ưu hóa tiện ích trong đời sống và sản xuất của mình. Sau chương trình xây dựng nông thôn mới, chúng ta sẽ làm gì tiếp theo? Chẳng lẽ lúc nào cũng nói về điện, đường, trường, trạm. Tôi ước ao và đang làm chương trình “Làng thông minh”, ở đó có những người nông dân thông minh, cộng đồng thông minh. Người nông dân thông minh đầu tiên phải sử dụng được những tiện ích thông minh. Từ tiện ích thông minh đó, bà con có thể tự giới thiệu nông sản của mình, tự kết nối với thế giới bên ngoài.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là xu hướng tất yếu để nâng cao giá trị sản phẩm.

Đổi mới tư duy

Nền nông nghiệp và kinh tế nông thôn ở Việt Nam đang thích ứng dần với cơ chế thị trường. Năm 2022 và năm 2023, ngành Nông nghiệp tiếp tục vượt qua những khó khăn khách quan, cho thấy hiệu quả của việc thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu bén rễ vào nhận thức xã hội, vào người nông dân, vào doanh nghiệp. Không thể quay lại con đường sản xuất nông nghiệp, lấy tiêu chí sản lượng làm mục tiêu phấn đấu nữa, mà bắt đầu đã có rất nhiều nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học và nhiều hành động của các hiệp hội, ngành hàng, bắt đầu tư duy làm sao để tạo ra giá trị gia tăng theo xu thế kinh tế nông nghiệp.

Càng ngày càng thấy rõ vấn đề định vị rõ thị trường có vai trò quan trọng hơn sản xuất, bởi sản xuất mà không có thị trường thì sản xuất sẽ bị tắc nghẽn. Do đó, vai trò kiến tạo của nền nông nghiệp, kiến tạo không gian thị trường rất quan trọng và thể hiện rất rõ trong năm 2022. Giờ đây, doanh nghiệp Việt Nam đã biết hướng đến các thị trường cao cấp hơn để tạo ra được lợi nhuận cao hơn. Tư duy thị trường đã bắt đầu bén rễ - doanh nghiệp và người nông dân quan tâm đến việc phải làm ra những sản phẩm thị trường yêu cầu, từ chỗ chỉ bán cái mình có sang bán cái thị trường cần.

Theo Bộ Trưởng Lê Minh Hoan, hiện nay sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, những vùng nguyên liệu ổn định lâu dài, bền vững đã dần hình thành một cách tự nhiên. Đó là cách thoát khỏi “lời nguyền” là nông dân thì tư duy mùa vụ, còn doanh nghiệp thì tư duy thương vụ. Bây giờ không có khái niệm “mùa vụ” hay “thương vụ”, không nghĩ ngắn mà phải nghĩ dài, không nghĩ cho một bên mà phải nghĩ cho cả hai bên, tức là cho cả doanh nghiệp và người nông dân.

Trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 8/2023), nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến các giải pháp nâng cao giá trị gia tăng cho ngành Nông nghiệp. Cũng như để tạo ra được giá trị gia tăng trong sản phẩm thì việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật là yếu tố có tính quyết định.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, thực trạng nền nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Bởi vậy, chỉ có liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là nhu cầu tối cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng nông sản. Cần chuyển từ sản phẩm nông nghiệp thành thương phẩm, đảm bảo yêu cầu, chuẩn mực của thị trường. Cũng cần phân biệt sản phẩm và thương phẩm, sản phẩm là cái mà chúng ta có thể làm ra được còn thương phẩm là cái có thể tạo ra giá trị cao và đến được thị trường.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Nghị quyết số 19-NQ/TW cũng nêu chuyển từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông - lâm - thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng. Ông lấy ví dụ, phát triển du lịch không chỉ dừng lại ở sản lượng mà du lịch là tuần hoàn. Khi tuần hoàn sẽ tạo ra được nhiều sản phẩm từ phế phẩm nông nghiệp, lúc đó không còn gọi là phế phẩm nữa mà tất cả đều là nguyên liệu cho một ngành hàng mới, một sản phẩm mới.

Phát biểu trong chuyến công tác tại tỉnh Hải Dương (ngày 15/3/2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hải Dương phải đổi mới tư duy, chuyển đổi “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp,” từ “tìm kiếm thị trường” sang “nghiên cứu thị trường” để hướng tới “nông nghiệp đặt hàng”.

Tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc; phát triển mạnh sản phẩm OCOP với 5 yếu tố (xây dựng thương hiệu; quy hoạch vùng nguyên liệu; phát triển mẫu mã, bao bì; ứng dụng khoa học - công nghệ; hỗ trợ nguồn vốn). Yêu cầu đối với Hải Dương cũng là nhiệm vụ mà Chính phủ đặt ra với các địa phương khác và ngành Nông nghiệp.

Trí thức hóa nông dân là yêu cầu bắt buộc

Vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện ở chỗ họ trực tiếp tham gia phát triển kinh tế, tổ chức sản xuất, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; chủ động và sáng tạo trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn; tích cực tham gia quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới...

Để đảm đương được vai trò này thì người nông dân cần được trang bị những gì? Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, người nông dân ngày nay phải có tâm thế tự lực, tự chủ, hội đủ kiến thức, kỹ năng, năng lực, thái độ của người làm chủ - làm chủ vận mệnh của bản thân, của cộng đồng dân cư nông thôn. Nông dân và người dân nông thôn cần nhận thức rằng, cuộc đời của mình là do chính mình quyết định.

“Tri thức hoá nông dân” là điều các quốc gia phát triển đã làm để giúp người nông dân trở thành những doanh nhân, nhà khoa học, được trang bị kiến thức kinh tế thị trường, làm chủ được máy móc, công nghệ. “Làm giàu” cho nông dân là giúp người nông dân biết sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản xuất theo khả năng hiện có của mình, với cách thức sản xuất tiết kiệm nhất, để giá thành hợp lý nhất, mà vẫn bảo đảm chất lượng. “Làm giàu” cho nông dân là trang bị cho người nông dân kỹ năng sản xuất và cả tư duy kinh tế.

“Nông dân mới” phải có ý chí mạnh mẽ, suy nghĩ tích cực, thay vì trông chờ ỷ lại, an phận, thu mình trong ngôi nhà, bờ ruộng, mảnh vườn. Muốn vậy, người nông dân phải được hỗ trợ tiếp cận, đào tạo kiến thức, huấn luyện kỹ năng, cập nhật kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.

Ngành Nông nghiệp đang tiếp cận tư duy mới trong thời đại kinh tế tri thức, ứng dụng những thành tựu trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Do đó, người nông dân - chủ thể của nền nông nghiệp, cũng phải được tiếp cận tư duy, kiến thức mới, công nghệ, kỹ năng mới. Trí thức hóa nông dân là yêu cầu bắt buộc.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, cùng với kinh nghiệm “trông trời, trông đất, trông mây/trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm”, những “lão nông tri điền” ngày nay còn có thể “trông vào các thiết bị thông minh”, nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học nông nghiệp. Sự cộng hưởng giữa kinh nghiệm tích luỹ từ thửa ruộng, bờ ao với tri thức “đám mây”, kết nối “dữ liệu số” có thể giúp tạo nên những “nhà khoa học chân đất”, khởi tạo giá trị mới.

Cùng với kinh nghiệm về thời tiết, mùa vụ do cha ông để lại, ngày nay người nông dân còn có thể sử dụng các thiết bị thông minh, nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Lan tỏa tri thức, kỹ năng có thể giúp người nông dân tiếp cận cách thức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, làm giàu bền vững. Trách nhiệm này trước hết thuộc về chính quyền, ngành chuyên môn. Đây cũng là trách nhiệm xã hội của các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân tâm huyết thúc giục nhau về làng, về với người nông dân, về với thửa ruộng, bờ ao, để cùng lắng nghe, thấu hiểu

Về vấn đề này, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn,  nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản (hiện là Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình), cho rằng, vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn chỉ được bảo đảm khi năng lực chủ thể được nâng lên tương ứng, bao gồm cả năng lực cá nhân và năng lực tổ chức thông qua các pháp nhân, các hình thức liên kết, hợp tác, tạo nên sức mạnh tập thể, sức mạnh cộng đồng mà nếu chỉ tồn tại từng hộ gia đình riêng lẻ, tách biệt thì bao giờ cũng gặp thua thiệt, khó đủ khả năng ứng phó với thách thức và tận dụng được cơ hội phát triển trong nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế.

Cần xây dựng mối quan hệ giai cấp tại nông thôn theo hướng tạo nền tảng vững chắc cho củng cố hệ thống chính trị và dẫn dắt người dân nâng cao năng lực làm chủ. Vừa chăm lo giảm nghèo bền vững, vừa đầu tư phát triển các nhân tố tiêu biểu, có năng lực làm kinh tế, có tinh thần cộng đồng, có tố chất dẫn dắt xã hội nông thôn, kể cả đào tạo, bồi dưỡng, cơ cấu làm bí thư cấp ủy cơ sở. Đó là đội ngũ những nhà nông thế hệ mới hoặc những hộ kinh doanh kinh tế nông thôn tiêu biểu.

Cần thu hút những sinh viên được đào tạo bài bản, có tâm huyết với nghề nông trở về nông thôn khởi nghiệp bằng các cơ chế ưu đãi vay vốn, tạo quỹ đất phát triển nông trại, ứng dụng khoa học - công nghệ kết hợp với phát huy giá trị tri thức địa phương, đồng thời thông qua đó tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị cơ sở.

Ưu tiên đầu tư phát triển các trường đào tạo kỹ sư thực hành trên các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, mà ở đó phải dành từ 30-40% thời gian đào tạo cho xây dựng đề án và thực hành đề án để trở thành những nhà nông chuyên nghiệp. Đề án phải xác định được quỹ đất, cơ chế có được quỹ đất, mô hình tổ chức sản xuất, đầu vào, đầu ra sản phẩm, công nghệ ứng dụng, thị trường, chuỗi cung ứng, nhân lực, lao động, địa chỉ cung cấp nguồn vốn, địa chỉ bảo lãnh... và thực nghiệm đề án đó.

Học sinh Trường cấp 3 Nông nghiệp ở Nam Định trong một tiết thực hành.

Dạy kỹ thuật nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Muốn vậy, người nông dân phải thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Người nông dân phải được tiếp cận tư duy kinh tế nông nghiệp, bồi dưỡng tri thức, kỹ năng giúp người nông dân tiếp cận cách thức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, làm giàu bền vững.

Nông dân trước nay quen thuộc với luỹ tre làng, với cánh đồng, mảnh vườn. Muốn suy nghĩ lớn hơn, tầm nhìn xa hơn, khát khao mãnh liệt hơn, thì phải vượt ra không gian làng xã, kết nối với không gian liên xã, liên huyện, liên tỉnh, liên vùng. Trong không gian kết nối đó, người nông dân được tiếp xúc với các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, được cung cấp kiến thức, kỹ năng, tư vấn, liên kết,...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra một thông điệp mạnh mẽ: “Nông nghiệp là sinh mệnh. Nông thôn là tương lai”. “Không có nông dân. Không có lương thực. Không có tương lai”. Vậy chúng ta đã chuẩn bị gì cho tương lai, cho ngành Nông nghiệp, cho đội ngũ nông dân kế cận, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045? Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần thảo luận về giáo dục nông nghiệp bài bản, về “đưa các nội dung phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vào giảng dạy trong hệ thống các trường chính trị, các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân” như Kết luận số 70/KL/TW, ngày 9/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Có lẽ, mô hình Trường cấp 3 Nông nghiệp ở Nam Định - Trường học đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam dạy học sinh kỹ thuật nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến nông sản, thực phẩm theo mô hình Nhật Bản, là một gợi mở thú vị. Tại ngôi trường lý thú này, học sinh được ngửi đất, bắt sâu, làm bánh mỳ từ gạo. Từ việc đánh giá kết quả đào tạo tích cực của mô hình này, có thể xem xét khả năng nhân rộng ra các địa phương đủ điều kiện, như Trường cấp 3 thuỷ sản tại các tỉnh, thành phố ven biển, Trường cấp 3 lâm nghiệp ở các tỉnh trung du và miền núi.

Triển khai mô hình này, điều quan trọng không chỉ là kiến thức, kỹ năng, mà hơn hết là vun bồi, hun đúc cho học sinh tình cảm, khát vọng trở thành những người nông dân chuyên nghiệp, thương nhân kinh doanh nông sản, kỹ sư nông nghiệp thực hành, nhà nông học lành nghề, yêu nghề trong tương lai.

Khi ấy, người nông dân sẽ không còn mặc định qua hình tượng áo nâu, đầu vấn khăn rằn, tay cầm bó lúa. Khi ấy, người nông dân buổi sáng có thể mặc chiếc áo màu nâu của đất, buổi chiều mặc chiếc áo màu xanh của nhà máy chế biến và buổi tối có thể mặc chiếc áo màu trắng của trí thức, thương nhân, tự tin vào năng lực của mình trước sóng gió thị trường.

Tại Tọa đàm Việt Nam và Nhật Bản hợp tác hướng tới tăng trưởng xanh diễn ra ngày 12/09/2023, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá, các em vừa học cấp 3 đã được trang bị kiến thức nông nghiệp, hiểu nông nghiệp, yêu nông nghiệp, khi vào đời có thể ứng dụng ngay trên mảnh đất của quê hương mình. Mô hình thí điểm ấy thu hút được rất nhiều học sinh cấp 3. Và các em học sinh không chỉ đến từ Nam Định, có em từ tận Cà Mau ra học. Tất cả bố mẹ các em đều thấy hạnh phúc khi con học trường ấy. Trường ấy không chỉ dạy các em về kỹ năng mà chủ yếu dạy về thái độ, cách sống, một cách chỉn chu và có trách nhiệm.

Bài 3: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Đột phá của mọi đột phá

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Tây Nguyên, niềm tin và khát vọng

    Tây Nguyên, niềm tin và khát vọng

    Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước bằng những chính sách, chương trình và niềm tin, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên; 49 năm sau nước nhà thống nhất, miền đất đại ngàn hùng vĩ phía tây Tổ quốc đã đổi thay vượt bậc.

  • Ngư dân Hà Tĩnh trúng hơn 1,2 tấn cá chim vây vàng, thu về gần 300 triệu đồng

    Ngư dân Hà Tĩnh trúng hơn 1,2 tấn cá chim vây vàng, thu về gần 300 triệu đồng

    Một ngư dân ở Hà Tĩnh vừa thả lưới bắt được mẻ cá vàng dương (thường gọi là cá chim vàng), trọng lượng hơn 1,2 tấn, thu về hơn 300 triệu đồng.

  • Dứa ngọt trên vùng đất khó ở Krông Bông

    Dứa ngọt trên vùng đất khó ở Krông Bông

    Cư Drăm là xã vùng sâu vùng xa của huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở đây không thuận lợi để phát triển các loại cây công nghiệp. 5 năm trở lại đây, nhờ trồng dứa mà nhiều gia đình ở Cư Drăm đã có cơ hội để thoát khỏi đói nghèo.

Top