Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.
Không chỉ vậy, tháng Tư đối với mỗi người Việt Nam là tháng của những chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, như chiến thắng Điện Biên Phủ của 70 năm trước, đánh gục Thực dân Pháp tại Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo nên “dòng thác” quật đổ chủ nghĩa Thực dân cũ trên thế giới; đại thắng mùa Xuân 1975 của 49 năm trước với thắng lợi có một không hai của Chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh thắng chủ nghĩa Thực dân mới – Đế quốc Mỹ, tạo nên sự xoay chuyển cục diện của phong trào yêu chuộng Hòa bình trên thế giới, mở ra trang sử mới cho không chỉ Việt Nam mà cho cả lịch sử nhân loại.
Lá cờ quyết chiến, quyết thắng của bộ đội Việt Minh tung bay trên nóc hầm tướng De Castries chiều 7/5/1954.
Đó là lý do mà tờ New York Times (Mỹ) số ra ngày 1-5-1975 đặt hàng tít lớn trên trang nhất với nhận định: Chiến thắng 30-4-1975 của Việt Nam là “Ngày lịch sử của thế giới”.
Việt Nam trở thành biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc với tinh thần “Dám đánh. Quyết thắng”. Đó là trang sử vàng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, biểu tượng sức mạnh của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Lá cờ cách mạng tung bay trên nóc trụ sở Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. (Ảnh: TTXVN)
Cả hai chiến thắng vĩ đại đều có chung khởi nguồn từ những ngày đầu tháng Ba, cao trào trong tháng Tư và kết thúc cuối tháng Tư, đầu tháng Năm, tạo nên Ngày Tết Chiến thắng hôm nay. Từ đây, nhiều bài học quý báu cho cách mạng Việt Nam hôm nay và mãi mai sau được phân tích, nâng tầm cho phù hợp với giai đoạn cách mạng mới.
Tháng Tư về, lần giở lại những trang sử vàng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và đấu tranh thống nhất đất nước do Đảng ta lãnh đạo, chỉ đạo, càng rõ hơn về sự sáng suốt, sáng tạo của Bác, của Đảng; tinh thần yêu nước, sức mạnh đoàn kết, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tự cường và khát vọng độc lập, hòa bình của dân tộc, cùng bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.
Điều đặc biệt là, hai đại thắng này tuy cách nhau 21 năm nhưng thời gian tương đối bằng nhau (56 và 55 ngày đêm) với hai phương án tác chiến hoàn toàn khác nhau: “Đánh chắc, tiến chắc” của chiến dịch Điên Biên Phủ và “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa” của Chiến dịch Hồ Chí Minh – chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối nhưng có những điểm rất chung. Đó là, sự chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ta. Là sức mạnh tổng hợp của chiến tranh Nhân dân với khát khao Độc lập, Tự do, Thống nhất và Hòa bình của dân tộc Việt Nam. Đó là tinh thần Đại Đoàn kết với lòng yêu nước nồng nàn. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh của yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đó là sức mạnh của Đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, thống nhất ý chí, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt giữa lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng với nguyện vọng, hành động của Nhân dân. Đó là khả năng phát huy bản lĩnh, trí tuệ sáng tạo Việt Nam của Đảng ta….
Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 và Đại thắng mùa Xuân 1975 để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cần vận dụng và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, bài học đầu tiên chính là định hướng chiến lược. Tiếp đó là xây dựng Niềm tin và khơi dậy ý chí tự lực, tự cường trong mọi người dân Việt Nam.