Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 5 tháng 10 năm 2023 | 14:17

Cần hỗ trợ một nguồn lực

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước của dân tộc ta, Đoàn kết và Sáng tạo được xem là nhân tố cốt lõi để chúng ta giành thắng lợi, dù trong chống giặc ngoại xâm, thiên tai hay trong hành trình thực hiện khát vọng hùng cường.

Trong bài viết ngắn này, tác giả chỉ đề cập đến Sáng tạo của nhà nông, nhà vườn trong nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu.

Chỉ tính từ năm 1986, khi Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, chỉ đạo đường lối đổi mới, bắt đầu từ nông nghiệp với khoán 100 (Chỉ thị 100 của Ban Bí thư (tháng 1-1981) về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp, đồng thời cũng là đổi mới cơ chế quản lý kinh tế ở nước ta) và khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (ngày 5/4/1988) về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp là “cú hích” mạnh mẽ cho sản xuất nông nghiệp. Theo Nghị quyết, hộ gia đình được thừa nhận là đơn vị kinh tế tự chủ, nông dân được trao quyền sử dụng đất và mức khoán lâu dài), người nông dân Việt Nam đã không ngừng Sáng tạo trong phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn nói chung, kinh tế Vườn – VAC nói riêng. Đem lại những thành tựu khó có thể tưởng tượng ở những năm đầu đổi mới (năm 1988, chúng ta còn phải nhập khẩu lương thực; thu nhập bình quân đầu người chưa đạt 100 USD). Hiện tại, Việt Nam là cường quốc xuất khẩu nông sản (TOP 15 thế giới, nhiều mặt hàng ở vị trí đứng đầu hoặc thứ hai, thứ ba). Nông sản Việt có mặt tại hầu khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ, kể cả những thị trường khắt khe về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm với kim ngạch trên 53 tỷ USD (năm 2022)… Có được kết quả ấn tượng đó là bởi “cú hích” về thể chế, với điểm khởi đầu là khoán 100, khoán 10.

Sơ chế, đóng gói chuối xuất khẩu ở Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (Phú Giáo - Bình Dương).

Nhà nông Việt đã không ngừng Sáng tạo khi tạo ra những sản phẩm trái vụ để bán được giá cao hơn (chong đèn cho thanh long ra trái vụ, xiết nước để nhãn, sầu riêng, na,… ra trái vụ). Nhiều mô hình kinh tế tổng hợp, như: VACR (vườn, ao, chuồng, rừng), VACB (vườn, ao, chuồng, biogas) hay trên mặt ao làm giàn trồng rau leo giàn, dưới giàn là chuồng nuôi vịt, gà, dưới ao nuôi cá nhiều tầng kết hợp nuôi ốc…, rồi vườn đồng, vườn rừng, vườn ụ, vườn treo,…

Không chỉ Sáng tạo mô hình sản xuất, nhà nông Việt còn Sáng tạo nhiều máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp phù hợp điều kiện Việt Nam nhưng giá thành rẻ hơn nhập khẩu nhiều lần (máy làm đất, máy cắt cỏ, máy phun thuốc trừ sâu bệnh, máy đánh luống,…). Trong hành trình đó, không chỉ lớp trẻ, nhiều lão nông cao tuổi với niềm đam mê và tinh thần nêu gương đã có những cống hiến quan trọng trong nâng cao hiệu quả sản xuất. Những tấm gương như vậy, địa phương nào cũng có, dù là đồng bằng hay miền núi, dân tộc nào cũng có, cả những dân tộc rất ít người. Những sáng kiến, Sáng tạo của nhà nông có sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy ý chí vượt khó vươn lên, tạo nên những phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên khắp mọi vùng, miền. Kết quả của các phong trào này là sự vươn lên mạnh mẽ của kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn và sự đóng góp của bà con trong xây dựng nông thôn mới theo chủ trương, định hướng, mục tiêu của Đảng, Nhà nước.

Trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng (theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 12,5 triệu người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, chiếm khoảng 12,5% dân số. Dự báo đến năm 2036, số người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên ở Việt Nam chiếm khoảng 15,46%, đến năm 2050 là 25% dân số) và tốc độ đô thị hóa cũng rất nhanh (mỗi năm, ước tính các đô thị Việt Nam có thêm từ 1 đến 1,3 triệu dân. Đến tháng 9/2022, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt khoảng 41,5%, với 888 đô thị) cùng với đó là việc lao động trẻ ở nông thôn đổ lên thành phố, khu công nghiệp kiếm việc làm khiến lực lượng lao động ở một số vùng nông thôn chủ yếu là trung niên và người cao tuổi. Đây là vấn đề cần được quan tâm để tiếp tục nâng tầm kinh tế nông nghiệp, đưa nước ta vào TOP 10 quốc gia xuất khẩu nông sản.

Theo nhiều chuyên gia, cần sớm đồng bộ thể chế để thu hút nhiều hơn những doanh nghiệp hàng đầu đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và kích thích lao động trẻ chất lượng cao về nông thôn lập nghiệp, đồng thời cần quan tâm hỗ trợ người lao động cao tuổi ở nông thôn để họ vẫn có thể sáng tạo, cống hiến kinh nghiệm, trí tuệ của mình cho phát triển. Theo đó, cùng với tổ chức lại sản xuất theo mô hình hợp tác xã, cần hỗ trợ nguồn lực để những phát minh, sáng chế của họ được đăng ký, được sản xuất với số lượng nhiều hơn thay vì “tự bơi” và hỗ trợ họ ứng dụng công nghệ số, cơ giới hóa vào sản xuất trong chuỗi liên kết từng ngành hàng theo quy hoạch.

 

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top