Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 11 năm 2023 | 10:42

Tỏa sáng hành trình giảm nghèo

1 . Trong hơn 20 năm gần đây, cộng đồng quốc tế luôn vinh danh, nêu gương Việt Nam trong hành trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, xem cách làm của Việt Nam là bài học kinh nghiệm cho các quốc gia khác.

Nói vậy vì, năm 1986, khi Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo ở mức rất cao, trên 50%. Bình quân đầu người chỉ 150 USD/năm; là nước nghèo, thu nhập thấp; hàng năm phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực.

>> Sức mạnh của cộng đồng trong giảm nghèo

Xuất khẩu gạo của Việt Nam nằm trong TOP 3 thế giới. Trong ảnh:Vận chuyển gạo xuất khẩu của Tập đoàn Lộc Trời tại Tân cảng Thốt Nốt (TP. Cần Thơ). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Với nhiều thay đổi về cơ chế quản lý của Đảng và Nhà nước, cũng sự vào cuộc đồng bộ của cả cộng đồng, kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trong TOP đầu thế giới, kể cả khi đại dịch Covid-19 bao phủ mây đen lên kinh tế thế giới. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản TOP 15 thế giới, xuất khẩu gạo trong TOP 3 thế giới, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt khoảng 4.200 USD, vào nhóm quốc gia thu nhập trung bình. Không chỉ phát triển kinh tế, vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt là xóa đói, giảm nghèo được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và người dân đặc biệt quan tâm. Bởi thế, phong trào xóa đói, giảm nghèo trở thành phong trào quần chúng rộng rãi trong cộng đồng, với hình thức đa dạng, phong phú, như: Người khá giúp người khó, Cả nước chung tay vì người nghèo,… Với sự hướng dẫn cách thức sản xuất mới, tiến bộ của lực lượng khuyến nông, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, như Hội Làm vườn Việt Nam, sự trợ giúp vốn với lãi suất thấp cho người nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, sự vào cuộc của cả cộng đồng…, xóa đói, giảm nghèo đã ghi những dấu ấn lịch sử.

Sơ chế chuối xuất khẩu tại Công ty CP cao su Thống Nhất, TP. Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

2. Theo báo cáo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 13/5/2015, trong bối cảnh nhiều nước không thể hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đúng thời hạn thì Việt Nam là một điểm sáng toàn cầu. Theo đó, Việt Nam gần như hoàn thành 8 mục tiêu đề ra. Trong đó, giảm đói nghèo, tỉ lệ học sinh được nhập học tiểu học, tỉ lệ tử vong ở bà mẹ, bình đẳng giới,... về trước mục tiêu tới 10 năm.

Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ, hiện, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 2,93%. Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33%; vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82%.

3. Dù đạt những thành tựu lớn nhưng công tác giảm nghèo còn có những tồn tại. Ngày 30/10 vừa qua, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV đã tiến hành giám sát 3 chương trinh mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030). Trong phiên họp, ngoài việc ghi nhận, đánh giá cao những kết quả, thành tựu đạt được, nhiều đại biểu Quốc hội đã phân tích, mổ xẻ những tồn tại, chỉ rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp để nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả cao nhất, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo đó, hạn chế, tồn tại được chỉ rõ: Chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý, nội dung chưa rõ ràng… Hiệu quả phối hợp liên ngành (theo chiều ngang) chưa thật sự chuyển biến rõ nét… Kết quả giảm nghèo chưa đạt được mục tiêu đa chiều, chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao… Nguồn vốn bố trí chưa tương xứng so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra… Tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương cả 3 chương trình còn chậm… Việc nắm bắt các vấn đề, hướng dẫn, hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai thực hiện các chương trình chưa kịp thời… Còn tình trạng cát cứ, manh mún, phân tán, làm cho các cơ chế lồng ghép, phân cấp, phân quyền, cơ chế đặc thù theo chủ trương của Đảng và Nhà nước không phát huy được hiệu quả… Một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ ỷ lại.

Nghề nuôi ong lấy mật đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, giúp xóa đói, giảm nghèo cho nhiều nông hộ tại tỉnh Cao Bằng. Trong ảnh: Cơ sở sản xuất Mật ong Đoàn Linh tại xã Minh Tâm (Nguyên Bình - Cao Bằng). Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

 4. Xóa đói giảm nghèo là chiến lược của Chính phủ Việt Nam ngay từ ngày đầu lập nước. Nói vậy vì, do bị Phát xít, Thực dân bóc lột, lại thêm thiên tai, khoảng 2 triệu người Việt Nam đã chết vì đói, trên 90% dân số khi đó mù chữ (năm 1945),… Bởi vậy, khi chính quyền về tay Nhân dân sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ngay trong phiên họp Chính phủ đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi diệt “giặc đói” và “giặc dốt”. Đây chính là điểm khởi đầu của hành trình xóa đói giảm nghèo, “không để ai bị bỏ lại phía sau” của Việt Nam. Từ đây, phong trào Thi đua tăng gia sản xuất để diệt “giặc đói” và phong trào Bình dân học vụ để diệt “giặc dốt” ra đời. Kết quả là, chỉ trong thời gian ngắn, với sự hưởng ứng tích cực của toàn dân, “giặc đói”, “giặc dốt” từng bước bị đẩy lùi.

 5. Phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt của Đảng ta trong chiến lược phát triển đất nước, do đó, kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Điều này đặt ra yêu cầu cơ chế chính sách giảm nghèo cần được đổi mới theo hướng hỗ trợ có điều kiện, giảm bớt cho không; tạo việc làm có thu nhập để ổn định cuộc sống, khuyến khích người nghèo chủ động thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Người lao động của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Ngoan Hậu xã Chiềng Khương, huyện Sông mã, tỉnh Sơn La đóng gói nhãn tươi để cung cấp ra thị trường. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Kinh nghiệm thực hiện xóa đói, giảm nghèo nhiều năm qua cho thấy, với sự chỉ đạo đúng đắn kịp thời của Đảng, sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết tâm cao, đồng bộ với cách tiếp cận phù hợp của Chính phủ, sự hỗ trợ đồng hành của Quốc hội, sự đồng thuận và sáng tạo của cả cộng đồng nên dù nguồn lực còn hạn chế nhưng chúng ta vẫn đạt kết quả đáp ứng mong muốn của người dân.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu: Đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, cần sớm hoàn thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng thể chế cũng như hiệu quả của bộ máy quản lý điều hành và khơi dậy ý thức muốn thoát nghèo của người dân.

Để khơi dậy ý thức thoát nghèo của người dân, cùng với tuyên truyền, các ngành chức năng và các địa phương cần sớm xây dựng vùng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, nhất là trong bảo quản, chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất trên cơ sở đề cao vai trò của hợp tác xã.

 

Hiền Trang
Ý kiến bạn đọc
Top