Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 9 năm 2023 | 14:18

Đường đến thịnh vượng: Chuyển đổi số và Liên kết

Trong hơn 10 năm trở lại đây, thế giới bắt đầu bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cuộc cách mạng 4.0 – cuộc cách mạng chuyển đổi số).

Cả ba cuộc cách mạng công nghiệp của thế giới trước đây (cuộc cách mạng động cơ hơi nước cuối thế kỷ 18, cuộc cách mạng động cơ đốt trong và những tiến bộ về thông tin liên lạc từ khoảng nửa cuối thế kỷ 19 và cuộc cách mạng về chất bán dẫn tạo nên hạ tầng điện tử từ những năm 1950 đến cuối thế kỷ 20 - còn gọi là cuộc cách mạng kỹ thuật số) đều chung nhiệm vụ: Nâng cao năng suất lao động thông qua sự trợ giúp của công nghiệp cơ khí và tự động hóa, giảm dần lao động thủ công.

Trong 3 cuộc cách mạng công nghiệp đó, vì nhiều lý do khác nhau, Việt Nam ta chưa đồng hành từ bước khởi đầu. Đó là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế nước ta tụt lại, năng suất lao động thấp do cơ khí hóa, tự động hóa chưa phát triển, đó cũng là lý do tư duy tiểu nông, thiếu liên kết và cái nghèo, lạc hậu đeo bám.

Trong hơn 10 năm trở lại đây, thế giới bắt đầu bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cuộc cách mạng 4.0 – cuộc cách mạng chuyển đổi số). Đây là cuộc cách mạng nâng cấp cuộc cách mạng kỹ thuật số với sự trợ giúp của kết nối thông qua Internet vạn vật, truy cập dữ liệu thời gian thực qua không gian mạng… Theo đó, cuộc cách mạng 4.0 tạo nên cách tiếp cận và liên kết toàn diện hơn, nhanh hơn, chính xác hơn cho sản xuất, kinh doanh và mọi mặt của đời sống xã hội.

 Lắp đặt, sử dụng hệ thống tưới phun tự động tại vườn cây ăn quả của anh Nguyễn Văn Tiến ở xã Tân Định (Bắc Tân Uyên - Bình Dương). Ảnh: Thoại Phương.

Thực tế thấy, chuyển đổi số mang đến cơ hội bình đẳng cho mọi người về tiếp cận dịch vụ, đào tạo, nâng cao tri thức; mang lại những tiến bộ lớn về nâng cao chất lượng cuộc sống cả về văn hóa, xã hội, giải trí… thông qua phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Có nghĩa là, dù họ ở bất cứ nơi đâu, sự phục vụ của chính quyền là như nhau, không phụ thuộc vào khoảng cách, vị trí địa lý.

Nắm bắt cơ hội để tăng tốc phát triển nhằm thực hiện khát vọng thịnh vượng của dân tộc, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về chủ trương, chính sách chủ động, tích cực tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quan điểm: Đây là “cơ hội vàng” để chúng ta cùng nhịp bước với thế giới và thực hiện “đi tắt, đón đầu” trong chiến lược phát triển, hướng đến thực hiện mục tiêu “Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Trong bài viết ngắn này, tác giả chỉ đề cập đến những lợi ích cốt lõi mà chuyển đổi số mang lại cho kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn.

Theo các chuyên gia và thực tế cuộc sống thấy, ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp giúp nhà nông, nhà vườn, người sản xuất hiểu rõ, nắm chắc những vấn đề về “sức khỏe đất”, yêu cầu của cây trồng, vật nuôi đối với từng giai đoạn sinh trưởng,… từ đó, người sản xuất đưa ra những quyết định phù hợp (bón phân, tưới nước, loại thức ăn, phun thuốc, tiêm phòng, thu hoạch,…), cùng với đó là việc áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa… Qua đó, giảm nhân công, chi phí, giảm ô nhiễm nguồn nước và đất đai nhưng lại nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giá bán, điều kiện để nâng cao thu nhập cho nhà nông, người sản xuất.

Bên cạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số trong nông nghiệp còn hình thành sự liên kết chuỗi giá trị (kết nối giữa người dân, doanh nghiệp và thị trường. Kết nối giữa người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước với thị trường…). Vài năm trở lại đây, thương mại điện tử từng bước hình thành, phát triển đã giúp người sản xuất, người tiêu dùng gần nhau hơn. Nhờ đó giá trị nông sản tăng lên rõ rệt.

Không chỉ vậy, chuyển đổi số trong nông nghiệp còn giúp nhà nông, nhà vườn, doanh nghiệp thay đổi phương thức quản trị, quản lý hoạt động. Đây cũng là giải pháp giúp vừa tăng hiệu quả điều hành vừa tăng năng suất nhưng tiết giảm chi phí, giảm nhân công.

Thiết bị IoT trong nông nghiệp giúp quản lý dữ liệu thời gian thực. Ảnh: Lodota.

Thực tế cho thấy, nông sản Việt đã có những thay đổi rất rõ ràng cả về số lượng và chất lượng nhưng vẫn còn đó những điểm nghẽn, đặc biệt là vấn đề quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, sự đồng bộ trong sản xuất – tiêu thụ, liên kết lỏng lẻo, sản xuất theo phong trào,…

Nếu Liên kết tạo ra vùng sản xuất lớn, đồng bộ về chất lượng, thuận tiện trong tiêu thụ và nâng tầm cho người nông dân (không bị ép giá vật tư đầu vào cũng như giá bán sản phẩm), dễ dàng điều chỉnh thời vụ theo đơn hàng,…

Thì Chuyển đổi số vừa giúp chủ vườn, chủ trang trại, chủ mã số vùng trồng dễ dàng quản lý việc chăm sóc, bón phân, tưới nước, điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, ẩm độ,… vừa giúp cơ quan quản lý, đối tác, khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, vấn đề được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm hiện nay.

Như vậy thì chỉ khi nhà nông tổ chức sản xuất trong hợp tác xã có chung mã số vùng trồng, áp dụng công nghệ cao và thực hiện chuyển đổi số thì chúng ta mới có thu nhập cao, trở nên giàu có. Khi đó chắc chắn nước ta sẽ thịnh. Đúng như lời Bác đã dạy: “Nông dân ta giàu thì nước ta thịnh”.

Tuy nhiên, để chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong kinh tế nông nghiệp nói riêng nhanh hơn, vấn đề lớn nhất là hoàn thiện thể chế. Tiếp đó là hoàn thiện công nghệ, xây dựng hệ thống dữ liệu. Và tạo điều kiện để mọi người dân, nhất là những nhà nông của tương lai nâng cao năng lực số.

 

Hiền Trang
Ý kiến bạn đọc
Top