Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng tỉnh nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025. Đi qua hơn nửa chặng đường của nhiệm kỳ, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Hà Tĩnh luôn đặt quyết tâm cao và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Nông thôn khang trang, hiện đại, giàu bản sắc
Phó chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Điện Biên Nguyễn Thanh Bình từng chia sẻ: “Tham quan thực tế tại các địa phương, chúng tôi thực sự ấn tượng với những kết quả xây dựng NTM của Hà Tĩnh, nhất là hệ thống đường giao thông, cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt, ý thức tự giác của người dân Hà Tĩnh trong phong trào xây dựng NTM, cụm dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp... Phương pháp, cách làm trong xây dựng NTM của Hà Tĩnh sẽ là kinh nghiệm quý để tỉnh Điện Biên tham khảo và áp dụng linh hoạt vào thực tiễn trong quá trình xây dựng NTM tại địa phương”.
Các địa phương ấn tượng trước các mô hình nông thôn mới ở Hà Tĩnh.
Từ tỉnh nghèo, Hà Tĩnh trở thành điểm sáng của toàn quốc trong Chương trình xây dựng NTM. Phát huy kết quả đạt được, trong hơn 2 năm đầu nhiệm kỳ 2020-2025, thực hiện Đề án thí điểm xây dựng tỉnh NTM, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng xây dựng NTM tiếp tục là phong trào sôi nổi trên toàn tỉnh, trở thành nhu cầu, mong muốn của cộng đồng dân cư.
Các tiêu chí cấp tỉnh, huyện và xã được tập trung củng cố, nâng cao; kinh tế nông thôn có sự chuyển biến tích cực; công tác bảo vệ môi trường được tăng cường; cơ sở vật chất giáo dục, y tế, công trình nước sạch tập trung... được quan tâm đầu tư, nâng cấp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Hà Tĩnh cũng triển khai nhiều hệ thống chính sách lớn về nông nghiệp và xây dựng NTM như Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; Nghị quyết 51-NQ/HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2022 - 2025... Những cơ chế, chính sách thực sự tạo nên động lực lớn, chuyển nền sản xuất theo hướng ngày càng hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số và bền vững hơn.
Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh, sau hơn 13 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Hà Tĩnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, 9/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 1.202/1.626 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu (73,9%). Các huyện, thành phố đã triển khai xây dựng 15 mô hình khu dân cư NTM thông minh tại 15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, phấn đấu đến năm 2025 có tối thiểu 20 mô hình thôn thông minh và 4 mô hình xã NTM thông minh.
Nhất quán trong chỉ đạo, đồng lòng trong triển khai
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh, khẳng định, xuyên suốt quá trình xây dựng NTM, người dân luôn là chủ thể và là người hưởng thụ trực tiếp, do đó, Chương trình xây dựng NTM càng đi vào chiều sâu, thực chất. Mặc dù còn không ít khó khăn, song cả hệ thống chính trị đang nỗ lực, quyết tâm cao nhất để đạt được những chỉ tiêu, tiêu chí đề ra.
Để Chương trình xây dựng NTM đi vào thực chất, có chiều sâu và bền vững, mục tiêu thu nhập cho người dân đã từng bước trở thành động lực, giải pháp trong suốt quá trình thực hiện. Theo đó, Hà Tĩnh đã không ngừng đẩy mạnh phong trào tập trung, tích tụ ruộng đất theo Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, hình thành những mô hình hợp tác liên doanh, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp bền vững.
Người dân Hà Tĩnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp bền vững (Trong ảnh Mô hình trồng lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao ở xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà).
Kết quả, đến nay, diện tích đất phá bỏ bờ vùng, bờ thửa, dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất tại Hà Tĩnh đạt gần 10.700ha. Nhờ động lực từ tư liệu sản xuất, nhiều mô hình canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao đã hình thành, tạo nên làn sóng khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp như: mô hình chuyển đổi số trên sản phẩm rau, củ quả trong nhà lưới tại xã Bình An (Lộc Hà); mô hình trồng lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao ở xã Thạch Khê (Thạch Hà); mô hình, dự án phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị tại thành phố Hà Tĩnh; mô hình nuôi cua trong hộp nhựa, nuôi “chung cư ong” tại xã Cương Gián (Nghi Xuân); mô hình nuôi lươn không bùn ở các xã Xuân Hội, Xuân Lĩnh (Nghi Xuân)...
Những đổi mới trong sản xuất nông nghiệp vừa phù hợp với chủ trương xây dựng nền nông nghiệp nâng cao giá trị, nông nghiệp xanh, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa góp phần đẩy mạnh sự hồi phục các sản phẩm nông nghiệp truyền thống, làm đa dạng hơn danh sách sản phẩm OCOP địa phương. Cụ thể, để khích lệ và tạo động lực cho Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các địa phương tại Hà Tĩnh đã kịp thời ban hành, thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp góp phần khôi phục, phát triển các sản phẩm nông, lâm, thủy sản truyền thống; du nhập, nhân cấy, tạo thêm những sản phẩm mới và nhiều sản phẩm mang đặc trưng văn hóa của địa phương.
Nông thôn Hà Tĩnh ngày càng hiện đại, văn minh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Trên cơ sở các kết quả đạt được, năm 2024, Hà Tĩnh đặt ra các mục tiêu duy trì 100% số xã đạt chuẩn NTM, có thêm 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; phấn đấu 100% huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; Thạch Hà, Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM nâng cao; phấn đấu 100% phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; có tối thiểu 50 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có ít nhất 5 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao trở lên; cơ bản hoàn thành các yêu cầu về tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác xây dựng NTM năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải yêu cầu các cấp, ngành trong tỉnh cần xác định mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM của năm 2024; cần sự quyết tâm, nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy cao vai trò chủ thể, chủ động, tích cực của người dân - yếu tố quan trọng của việc huy động nguồn lực xã hội. Đồng thời, đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu NTM giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, phải bảo đảm thực chất, hiệu quả và bền vững, ngày càng đi vào chiều sâu, không chạy theo thành tích, phong trào.
Cùng với đó, trên cơ sở nhận diện được những hạn chế, vướng mắc trong thời gian qua, Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh xây dựng kế hoạch, tiếp tục hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, nâng cao chỉ số hạnh phúc và sự hài lòng của người dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.