Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 14 tháng 12 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 14 tháng 7 năm 2024 | 19:59

Nghệ An: Tìm giải pháp phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP

Nghệ An vươn lên đứng thứ 2 cả nước với 567 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Mặc dù đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần đưa sản phẩm OCOP dồi dào về số lượng, phong phú về thể loại; chất lượng, giá trị. Tuy nhiên, phát triển sản phẩm OCOP vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Trăn trở đổi mới mẫu mã

Nghệ An vốn dĩ đất rộng, người đông, điều kiện thổ nhưỡng khá phù hợp cho phát triển nông nghiệp. Tận dụng lợi thế trời ban, địa phương này đã xây dựng thành công nhiều vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho công tác chế biến và xuất khẩu, điển hình như vùng cao su, mía tại các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Anh Sơn; vùng trồng chè tại huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, Tương Dương; vùng cây ăn quả có múi tại các huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, Nghĩa Đàn…

Với tổng số sản phẩm OCOP hiện có nhiều nhất so với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, là lợi thế để Nam Đàn khai thác tiềm năng, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Bà Bùi Thị Hà - chủ cơ sở sản xuất tương ở xã Nam Giang (Nam Đàn) có sản phẩm đã đạt 3 sao OCOP, xung quanh vấn đề mẫu mã bao bì sản phẩm, bà Bùi Thị Hà trăn trở: Từ trước đến nay, sản phẩm tương của gia đình được đóng trong chai nhựa loại 1 lít, nhằm thuận lợi cho việc vận chuyển và giảm giá thành, nhưng nhận thấy vẫn chưa đẹp mắt. Gia đình đã nghĩ đến chuyển sang sử dụng chai thủy tinh để đóng sản phẩm, song giá thành cao hơn nhiều so với sử dụng chai nhựa. Bởi, không những chi phí mua chai thủy tinh cao hơn chai nhựa, mà còn phải đầu tư thêm hộp đựng chai để hạn chế vỡ trong quá trình vận chuyển. Tuy nhiên, về lâu dài, gia đình sẽ chuyển sang chai thủy tinh nhằm hướng đến thị hiếu của người tiêu dùng là đẹp, hiện đại hơn và đảm bảo vệ sinh hơn.

Nghệ An có số sản phẩm OCOP nhiều thứ 2 cả nước

Không những sản phẩm tương, một số sản phẩm khác của Hợp tác xã Sen Quê Bác (Kim Liên, Nam Đàn) như trà sen, trà lá sen, trà tâm sen... mặc dù HTX đã sử dụng nhiều loại bao bì khá bắt mắt, nhưng có ý kiến cho rằng vẫn còn đơn giản, chưa hấp dẫn.

Mới đây, tại buổi giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại huyện Nam Đàn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi có ý kiến cho rằng, Nam Đàn là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng tốt. Tuy nhiên, ngoài yếu tố chất lượng, thì các chủ thể của sản phẩm OCOP cần quan tâm nhiều đến mẫu mã bao bì sản phẩm, để tăng sức hấp dẫn cho khách du lịch. Bao bì không những đẹp, mà còn đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, có mã QR tra cứu sản phẩm rõ ràng.

“Nhìn ra các tỉnh khác cho thấy, ngoài không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, họ còn trăn trở thay đổi mẫu mã bao bì sản phẩm thường xuyên, tạo sự hấp dẫn đối với khách hàng mỗi khi tiếp cận. Có thể thấy như bánh đậu xanh Hải Dương; bánh cốm Hà Nội… và nhiều sản phẩm các tỉnh khác, bao bì ngày càng hấp dẫn. Nam Đàn là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch thì cần quan tâm đến mẫu mã của sản phẩm OCOP, từ đó sản phẩm sẽ tiêu thụ mạnh hơn”, ông Nguyễn Như Khôi bày tỏ.

Nhìn rộng ra toàn tỉnh, Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã phát triển mạnh mẽ. 21/21 huyện, thành phố, thị xã đều tham gia xây dựng phát triển sản phẩm OCOP. Đến nay toàn tỉnh đã có 567 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó: 37 sản phẩm đạt hạng 4 sao; 529 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao.

Để các sản phẩm OCOP của Nghệ An ngày càng được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, vấn đề cần thiết là từng bước nâng cao chất lượng, đặc biệt là quan tâm đến mẫu mã bao bì. Bởi rằng, bao bì đóng gói sản phẩm luôn được thay đổi và hấp dẫn, bắt mắt hơn, là thể hiện sự trăn trở của chủ thể sản phẩm OCOP, từ đó khách hàng sẽ tin tưởng hơn

Tại một số chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP do Liên minh hợp tác xã tỉnh tổ chức, nhiều khách hàng cho rằng, mặc dù các sản phẩm được đóng gói bao bì đã có sự đầu tư, song cần tư duy không ngừng thay đổi mẫu mã để theo kịp thị hiếu của người tiêu dùng. Chất lượng là yếu tố quyết định thành công của sản phẩm, song để làm sao nổi bật và thu hút khách hàng là phụ thuộc vào mẫu mã bao bì sản phẩm bên cạnh đó là phù hợp với từng lứa tuổi...

Còn khó khăn trong tìm kiếm, mở rộng thị trường

Ngay từ đầu, Nghệ An đã xác định “tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm OCOP” là chìa khóa thành công, đó là lý do các hoạt động xúc tiến thương mại được các cấp, ngành, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm trong 4 năm qua.

Bằng nhiều hình thức, Nghệ An đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong truyền thông, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP nhờ các sàn thương mại điện tử.

Kiên định với kế hoạch, lộ trình đã vạch ra rốt cuộc đã mang lại quả ngọt xứng đáng, nay Nghệ An đã có 175 sản phẩm được đưa vào các siêu thị, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream). Không chỉ có thế, các chủ thể đã được tham gia trưng bày sản phẩm tại 51 hội chợ, 20 hội nghị kết nối cung cầu, chưa kể một số chương trình chuyên ngành khác.

Ngoài ra là hàng chục điểm bán hàng OCOP tại các địa phương, mỗi chủ thể đều cho thấy sự chủ động, hăng hái, muốn góp sức mình vào thành công chung. Nằm trong chuỗi “Điểm giới thiệu và bán các sản phẩm đặc sản địa phương”, ngày 16/9 cửa hàng OCOP “Đặc sản quê Bác” tại địa chỉ số 22A, đường Lê Hồng Phong, TP Vinh chính thức trình làng, đây là mối hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông Nghệ An và Hợp tác xã Sen Quê Bác.

Cửa hàng là cầu nối để các sản phẩm sạch, chất lượng như nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, hương trầm Liên Đức, dược liệu Pù Mát, bánh đa Đô Lương, nước mắm Cửa Hội… được biết đến rộng rãi hơn nữa. Xa hơn giúp người tiêu dùng tiếp cận trực diện với các mặt hàng sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ, qua đó kích cầu, đẩy mạnh chủ trương người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Đến nay, Nghệ An đã có 567 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên.

Tuy nhiên, phát triển sản phẩm OCOP vẫn còn gặp không ít khó khăn. Nhiều sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh nhưng chưa được khai thác và đăng ký tham gia. Khá nhiều chủ thể và sản phẩm hết thời hạn công nhận OCOP không tham gia đánh giá, phân hạng lại.

Nhiều sản phẩm OCOP vẫn còn gặp khó khăn trong tìm kiếm, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Sản phẩm OCOP tham gia các chuỗi bán lẻ hiện đại, siêu thị còn ít, rất hiếm sản phẩm xuất khẩu được ra các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Bên cạnh đó, các địa phương chưa thực sự chú trọng trong việc hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc... để đảm bảo số lượng, chất lượng đáp ứng cho nhu cầu thị trường. Theo quy định, để nâng hạng sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, chủ thể cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn như xúc tiến thương mại gắn với chỉ dẫn địa lý, liên kết chuỗi, khả năng tiếp cận thị trường, nguồn gốc ý tưởng sản phẩm...

Những yêu cầu này không dễ thực hiện với các chủ thể, bởi phần lớn các sản phẩm OCOP của tỉnh có nét tương đồng, sản xuất theo quy mô nhỏ, chủ yếu là tiêu thụ tự do trên thị trường. Đối với các sản phẩm OCOP từ 4 sao muốn nâng lên chất lượng 5 sao lại càng khó khăn hơn, ngoài các tiêu chuẩn của 4 sao, còn phải có thị trường xuất khẩu thường xuyên.

Trên thực tế, hầu hết chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP của tỉnh đều có quy mô nhỏ nên việc đầu tư, nâng cấp dây chuyền, máy móc mở rộng sản xuất theo chuẩn hàng hóa cần nguồn kinh phí tương đối lớn. Các hợp tác xã hiện nay đa phần là thực hiện các dịch vụ đầu vào cho thành viên, tổ chức sản xuất theo thời vụ, chưa có nhiều hợp tác xã tổ chức các hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm chuyên ngành. Việc phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP vẫn còn là một thách thức với tỉnh Nghệ An.

Tăng cường công tác xúc tiến thương mại

Ngay từ đầu, Nghệ An đã xác định “tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm OCOP” là chìa khóa thành công, đó là lý do các hoạt động xúc tiến thương mại được các cấp, ngành, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm trong 4 năm qua.

Bằng nhiều hình thức, Nghệ An đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong truyền thông, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP nhờ các sàn thương mại điện tử.

Tuy nhiên, cần thay đổi tư duy trong việc tiếp cận thị trường, theo Ông Phạm Kim Tiến – Giám đốc Hợp tác xã Sen quê Bác cho hay, từ lâu nay, hợp tác xã có nhiều giải pháp khai thác tiềm năng và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đó là xây dựng các tour du lịch trải nghiệm, kết hợp tham quan Làng Sen với các hoạt động trải nghiệm về cánh đồng sen, chế biến sản phẩm từ sen như làm bánh, làm trà; tạo các điểm bán hàng lưu niệm tại các điểm du lịch, sân bay, nhà ga để quảng bá, giới thiệu đến với các tầng lớp khách hàng. Ngoài ra, hợp tác xã còn quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội, website và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đặc biệt, qua tham gia các chương trình xúc tiến thương mại do Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức, như các hội chợ; diễn đàn kết nối cung – cầu…, sản phẩm của hợp tác xã đã được nhiều doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận mở rộng, phát triển các kênh phân phối, hợp tác với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Trưng bày sản phẩm OCOP tại Diễn đàn "Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024" là cơ hội để mở rộng thị trường.

Để tiếp tục thực hiện tốt chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho rằng: Liên minh Hợp tác xã tỉnh cần tiếp tục chủ động, triển khai nhiều hoạt động, lồng ghép các chương trình hỗ trợ, cụ thể hóa các chính sách của Trung ương, của tỉnh để tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng được các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, cần tập trung tư vấn định hướng mô hình sản xuất, kết nối vùng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; tổ chức cho các hợp tác xã, đơn vị thành viên có sản phẩm, hàng hóa tham gia quảng bá, tìm kiếm thị trường, đối tác tại các hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tỉnh tổ chức.

Với những nỗ lực của Liên minh Hợp tác xã tỉnh và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, kỳ vọng sản phẩm OCOP Nghệ An sẽ ngày càng được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu.

 

 

Ngọc Lan (Tổng hợp từ Báo Nghệ An)
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top