Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 21 tháng 6 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 6 năm 2024 | 14:26

Khuyến nông Yên Bình giúp nông dân nâng cao trình độ và hiệu quả sản xuất

30 năm qua, hệ thống khuyến nông Yên Bình (Yên Bái) đã nỗ lực giúp nông dân nâng cao trình độ sản xuất và hiệu quả kinh tế, tạo động lực thúc đẩy ngành nông, lâm, thủy sản trên địa bàn chuyển biến mạnh mẽ...

Yêu cầu cấp bách của huyện Yên Bình giai đoạn 1994 - 2004 là sản xuất để đảm bảo lương thực, thực phẩm. Công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn… được thực hiện sâu rộng, toàn diện đến nông dân. Bên cạnh cây lúa, cây ngô, nông dân địa phương đã tập trung phát triển  sắn cao sản, tre măng Bát độ, bạch đàn mô, keo lai…

Các chương trình khuyến nông như Sind hóa đàn bò, cải tạo đàn trâu… cùng với xây dựng các mô hình rơm ủ urê, ủ chua thân cây ngô đã góp phần cải tạo đàn gia súc, nâng cao chất lượng thức ăn chăn nuôi, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Nhờ đó, giai đoạn này đã cho thấy các giống lúa lai đưa vào gieo cấy chiếm tới 60% cơ cấu giống hàng năm, các giống ngô cho năng suất dần có mặt trong sản xuất vụ đông…

Nông dân xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình thu hoạch dưa hấu.

Giai đoạn từ năm 2005 - 2009, hoạt động khuyến nông tập trung thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, giống vật nuôi để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích sản xuất, thúc đẩy phong trào phấn đấu xây dựng cánh đồng thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm. Huyện đã phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa như ba ba, lợn, gia cầm… 

Trong trồng trọt, nông dân sử dụng nhiều giống lúa thuần, lúa lai dần thay thế những giống cũ đồng thời áp dụng hình thức canh tác lúa mới. Phong trào trồng cây vụ đông tiếp tục phát triển, nhân rộng, mở rộng.

Hoạt động khuyến nông giai đoạn 2010 - 2018 bám sát mục tiêu đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái. 

Nông nghiệp Yên Bình nhờ đó có những bước phát triển vững chắc, cơ cấu cây trồng chuyển dịch mạnh mẽ, tỷ trọng lúa giảm, tỷ trọng chăn nuôi - thủy sản, tỷ trọng cây rau màu tăng nhanh, giá trị trên đơn vị diện tích tăng đáng kể.

Từ năm 2019 đến nay, hoạt động khuyến nông tập trung hỗ trợ nông dân sản xuất hàng hóa, áp dụng kỹ thuật thâm canh tiên tiến, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ 4.0 vào sản xuất, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.

Trong 30 năm qua, hoạt động khuyến nông trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt đã thực hiện gần 300 mô hình trình diễn. Trong đó, nổi trội có các mô hình phát triển đang là thế mạnh của địa phương như các giống lúa, giống ngô, giống lạc cho năng suất, chất lượng; cây dược liệu, cây ăn quả như bưởi, thanh long, dưa hấu, dưa lê… hay mô hình Sind hóa đàn bò, cải tạo đàn trâu, chăn nuôi lợn, gia cầm, cá lồng theo hướng hàng hóa, sản xuất theo chuỗi giá trị… Qua đó góp phần không nhỏ đối với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và nâng cao thu nhập cho người nông dân. 

Bà Cao Thu Thủy, khuyến nông viên cơ sở xã Phúc Ninh, cho biết: “Năm 2023, người dân Phúc Ninh trồng khoảng 20 ha dưa hấu, dưa lê. Đáng mừng là sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó với giá bình quân 8.000 - 10.000 đồng/kg dưa hấu, 15.000 - 20.000 đồng/kg dưa lê. Những năm đầu khi đưa dưa hấu và dưa lê vào sản xuất, khuyến nông viên tích cực hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho nông dân thì nay bà con đã nắm vững, tự làm, học hỏi nhau, chủ động thay đổi giống mới, đáp ứng nhu cầu thị trường, người tiêu dùng”. 

Đến nay, Yên Bình đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa như: 1.200 ha cây ăn quả có múi, phát triển thủy sản hồ Thác Bà với quy mô trên 2.000 lồng nuôi cá, phát triển rừng gỗ lớn quy mô trên 2.000 ha và cấp chứng chỉ 7.000 ha rừng FSC… Huyện đã thực hiện 9 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP với 10 sản phẩm chủ lực. Năm 2023, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt 2.890 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 53,2 triệu đồng. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình Lã Tuấn Hưng khẳng định: 30 năm qua, hệ thống khuyến nông của huyện đã nỗ lực thực hiện nhiều phần việc, góp phần giúp nông dân nâng cao trình độ sản xuất và hiệu quả kinh tế, tạo động lực thúc đẩy ngành nông, lâm, thủy sản Yên Bình chuyển biến mạnh mẽ. Thành quả này đã góp phần tích cực đưa Yên Bình cán đích huyện nông thôn mới sớm hơn 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Nguyễn Thơm
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top