Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 7 tháng 7 năm 2024 | 10:59

Cựu chiến binh “thắng nghèo” nhờ vốn chính sách

Với phương châm “Ngày xưa thắng giặc, ngày nay thắng nghèo”, những năm qua, cùng với thực hiện các phong trào thi đua, các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh các hoạt động giúp hội viên giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần giải quyết hiệu quả bài toán giảm nghèo, phát triển kinh tế ở địa phương.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, giúp nhau phát triển kinh tế, phấn đấu giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống là mục tiêu xuyên suốt được các cấp Hội CCB tỉnh Lạng Sơn quán triệt đến toàn thể cán bộ, hội viên.

Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Hội hiện có 12 hội trực thuộc, 236 cơ sở hội với trên 35.600 hội viên. Để tạo động lực cho hội viên giảm nghèo, các cấp Hội đã triển khai thực hiện phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” gắn với phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, thu hút nhiều cán bộ, hội viên tham gia.

Các tập thể nhận giấy khen của Chủ tịch Hội CCB huyện vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước “CCB gương mẫu” giai đoạn 2019-2024.

Để tạo nguồn vốn cho hội viên, Hội CCB tỉnh Lạng Sơn còn nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), làm cầu nối truyền tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi, giúp hội viên CCB, hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm điều kiện để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện, Hội CCB tỉnh Lạng Sơn quản lý 368 Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ tính đến hết tháng 5/2024 là trên 798 tỷ đồng. Nguồn vốn uỷ thác đã tạo điều kiện cho khoảng 7.000 lượt hộ CCB vay, mỗi hộ vay từ 30 đến 50 triệu đồng.

Cùng đó, các cấp Hội xây dựng quỹ “Nghĩa tình đồng đội” với 100% chi hội có quỹ. Nguồn quỹ hội được trích một phần để cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay không tính lãi hoặc lãi suất thấp. Các cấp Hội cũng thường xuyên phối hợp với Hội Làm vườn, Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông… mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, chú trọng việc phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái… cho hội viên.

Từ sự hỗ trợ của Hội, nhiều hội viên đã mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển các mô hình kinh tế. Toàn Hội hiện có 1.581 mô hình kinh tế (tăng 165 mô hình so với thời điểm cuối năm 2023). Trong đó chủ yếu là mô hình về trồng cây ăn quả (na, bưởi, cam…); trồng rừng (thông, keo, bạch đàn…); chăn nuôi (trâu, bò, dê, ngựa…) và kinh doanh dịch vụ. Các mô hình duy trì hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập bình quân 100 - 500 triệu đồng/mô hình/năm, tạo việc làm cho gần 4.000 lao động là hội viên CCB và người dân địa phương. Năm 2023, Hội có 174 hội viên được công nhận danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi.

Gương CCB làm kinh tế giỏi

Thời gian qua, phong trào hội viên CCB thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo tại huyện Hữu Lũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH đã góp phần tiếp sức cho CCB vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên đất quê hương.

Cựu chiến binh thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn phát triển kinh tế với mô hình sản xuất bánh phở.

Những tấm gương CCB làm kinh tế giỏi ở Lạng Sơn ngày càng nhiều, năm sau hơn năm trước, có ở mọi địa phương trong tỉnh. Do khuôn khổ có hạn, chúng tôi chỉ nêu hai tấm gương CCB làm kinh tế nông nghiệp giỏi.

Trước đây, gia đình CCB Lê Huy Lập (thôn Vân Tảo, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng) thuộc diện khó khăn. Từ nguồn vốn vay NHCSXH, gia đình ông đã phát triển hiệu quả mô hình trồng cây ăn quả. Ông Lập cho biết, năm 2013, gia đình trồng 2ha  na dai, nhưng do thiếu vốn đầu tư chăm sóc nên  hiệu quả mang lại không cao. Năm 2018, được sự hướng dẫn của cán bộ Hội CCB xã, ông làm hồ sơ vay 30 triệu đồng của NHCSXH để mua vật tư chăm sóc cây na, nhờ đó, năng suất, chất lượng quả tăng lên. Từ năm 2018 đến nay, trừ chi phí, gia đình thu lãi 200 triệu đồng/năm.

Còn gia đình CCB Hoàng Văn Trưởng (thôn Quyết Tiến, xã Thiện Tân cũng đã được tiếp sức kịp thời từ nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển mô hình chăn nuôi. Ông Trưởng cho biết, năm 2017, ông vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư nuôi 30 con dê sinh sản. Nhờ chăn nuôi đúng kỹ thuật, trung bình mỗi năm, gia đình xuất bán 100 con, thu lãi 100 triệu đồng. Từ đó, kinh tế gia đình đã khá hơn trước, có điều kiện xây dựng nhà cửa và lo cho các con học hành.

Chú trọng công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế

Bên cạnh hỗ trợ phát triển kinh tế, với mong muốn để hội viên “an cư lạc nghiệp”, việc xoá nhà tạm, nhà dột nát cũng là một mục tiêu trong thực hiện công tác giảm nghèo mà các cấp Hội CCB tỉnh Lạng Sơn đề ra. Hằng năm, các cấp Hội đều quan tâm, nắm bắt tình hình đời sống của hội viên, từ đó có biện pháp hỗ trợ kịp thời đối với những gia đình có khó khăn về nhà ở. Từ năm 2023 đến nay, các cấp Hội CCB đã vận động, ủng hộ xoá được 47 nhà tạm, nhà dột nát cho hội viên với kinh phí trên 1 tỷ đồng.

Hội viên CCB thôn Hòa Bình (xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng) sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển mô hình trồng rừng.

Từ năm 2019 đến nay, hội viên CCB huyện Hữu Lũng đã gương mẫu hiến 6.570m2 đất, đóng góp trên 2 tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa thôn, trường học, làm đường giao thông và các công trình phúc lợi khác, tham gia đóng góp 235.376 ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn… Hằng năm, 100% hội cơ sở hoàn thành nhiệm vụ; 98% hội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ và đạt danh hiệu “CCB gương mẫu”; gia đình hội viên đạt gia đình văn hoá hằng năm từ 98,5%. Hiện, Hội có 212 mô hình kinh tế có thu nhập từ 100 đến 500 triệu đồng/năm; trên địa bàn huyện không còn hội viên CCB phải ở nhà tạm, nhà dột nát.

Ông Vi Xuân Trường, Chủ tịch Hội CCB huyện Chi Lăng, cho biết: Những năm qua, chúng tôi luôn chú trọng thực hiện các phong trào về giảm nghèo, phát triển kinh tế. Toàn hội hiện có 333 mô hình kinh tế do CCB làm chủ mang lại hiệu quả kinh tế cao như: trồng na, cây có múi (cam, bưởi), kinh doanh dịch vụ, chăn nuôi ngựa bạch, trâu, bò dê… Bên cạnh động viên hội viên làm giàu, chúng tôi cũng thường xuyên huy động các nguồn lực để xoá nhà dột nát. Từ năm 2019 đến nay, Hội đã xoá được 15 nhà tạm, nhà dột nát; giảm được 167 hộ hội viên nghèo, tăng thêm 320 hộ CCB giàu. Đến nay, toàn hội có 3 cơ sở hội không còn hộ hội viên nghèo (xã Chi Lăng, thị trấn Chi Lăng và xã Mai Sao).

Với các hoạt động thiết thực trên, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên CCB ngày càng được nâng lên. Số hộ CCB nghèo giảm dần qua mỗi năm, số hộ hội viên khá và giàu tăng lên. Hết năm 2023, số hộ hội viên nghèo là 1.333 hộ (chiếm 3,9%, giảm 525 hộ so với năm 2022); số hộ hội viên cận nghèo còn 2.517 hộ (giảm 341 hộ so với năm 2022, chiếm 7,3%); tỷ lệ hộ khá và giàu chiếm 89%.

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top