Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 21 tháng 4 năm 2024 | 13:21

Đầu kéo cho ngành nông nghiệp: Đẩy nhanh phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao

Tập trung phát triển nền nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững; ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp; gắn nông nghiệp với du lịch, kết nối với công nghiệp chế biến và thị trường… là đích đến của nền nông nghiệp Việt Nam vào năm 2030.

Do vậy, thời gian qua, các ngành, địa phương trên cả nước đã tích cực khuyến khích người dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển NNCNC. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, gặp không ít khó khăn, cần sớm được tháo gỡ.

Hiểu rõ về NNCNC

Việt Nam, quốc gia đang trong quá trình phát triển, vẫn dựa vào nền kinh tế nông nghiệp. Do quá trình hội nhập quốc tế, cùng với việc diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp do đô thị hóa và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nền nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng dân số cũng đặt ra áp lực tăng cường sản xuất lương thực.

Để đối phó với những vấn đề này, thành lập các dự án NNCNC là giải pháp quan trọng để nâng cao năng suất nông nghiệp. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khu vực tập trung triển khai các thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ tiên tiến này vào sản xuất nông nghiệp.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất ở Kon Tum còn ở mức độ vừa phải.

NNCNC đại diện cho mô hình nông nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa quy trình sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm. Tích hợp các công nghệ mới như: tự động hóa, cơ giới hóa sản xuất, công nghệ thông tin, vật liệu tiên tiến và các công nghệ sinh học. Nông nghiệp công nghệ cao đang tạo ra bước đột phá trong ngành nông nghiệp.

Không chỉ tập trung vào việc nâng cao hiệu suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, NNCNC nhấn mạnh vào việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và đảm bảo sự phát triển  nông nghiệp bền vững. Điều này bao gồm việc sử dụng giống cây trồng và vật nuôi mới, có năng suất và chất lượng cao, cùng với các quy trình canh tác tiên tiến và canh tác hữu cơ.

Trong tương lai gần, việc thiếu hụt nguồn nhân lực có thể trở thành một thách thức đáng kể đối với phát triển NNCNC. Sự khan hiếm này có thể ảnh hưởng đến quy mô và tốc độ phát triển của NNCNC, đồng thời tạo ra cơ hội cho việc tìm kiếm và đào tạo nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực này. Điều này cũng là cơ hội để cải thiện hệ thống giáo dục và đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của ngành nông nghiệp ngày nay.

Điều kiện thành lập khu nông nghiệp ứng dụng CNC

Điều kiện đầu tiên để thành lập khu nông nghiệp ứng dụng CNC là phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển nông nghiệp…; sở hữu diện tích phù hợp và điều kiện tự nhiên phù hợp với từng loại hình sản xuất nông nghiệp. Địa điểm có vị trí thuận lợi để kết nối với các cơ sở nghiên cứu và đào tạo có trình độ cao.

Hai là, hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ phải đáp ứng các yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, đào tạo, thử nghiệm và trình diễn ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cuối cùng là có đội ngũ nhân lực và đội ngũ quản lý chuyên nghiệp.

Như vậy, khu nông nghiệp ứng dụng CNC không chỉ là nơi tập trung các công nghệ tiên tiến mà còn là biểu tượng cho sự đổi mới và sự chuyển đổi tích cực trong ngành nông nghiệp hiện đại.

Theo Luật Công nghệ cao, Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, ban hành quy chế hoạt động của khu nông nghiệp ứng dụng CNC.

Rất nhiều khó khăn

NNCNC khi được ứng dụng vào ngành nông nghiệp ở Việt Nam bước đầu đã mang đến những dấu hiệu tích cực về hiệu quả kinh tế, tuy vậy, khi đưa vào hoạt động mới thấy những điểm hạn chế, khó khăn của mô hình này.

Khó khăn về nguồn vốn đầu tư: Một chi phí đầu tư lớn cho hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư phát triển giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo người lao động, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm,…

Khó khăn về nguồn nhân lực: Phát triển nông nghiệp chất lượng cao đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, thực tế cho thấy nguồn nhân lực ở nước ta, nhất là trong ngành nông nghiệp còn thiếu và yếu.

Khó khăn về quy hoạch: Để phát triển tốt nhất, cần có khu vực đất đai rộng lớn, vị trí thuận lợi cho sản xuất và lưu thông hàng hóa. NNCNC ở Việt Nam đang từng bước phát triển nhưng cũng có hạn chế vì vẫn còn thiếu đi sự quy hoạch và quy mô ở hộ gia đình vẫn còn nhiều.

Phát triển NNCNC ở tỉnh Kon Tum là một ví dụ. Thời gian qua, việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng CNC ở Kon Tum bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Đến nay, tỉnh có 16.878,7ha cây trồng các loại có ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; xây dựng được 7 cánh đồng lớn theo mô hình liên kết sản xuất; 102 trang trại chăn nuôi và khoảng 40 ha nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao. Bước đầu đã hình thành được một số khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, góp phần tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, mang lại hiệu quả cao hơn cho người sản xuất, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kon Tum, việc triển khai phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Bởi người dân còn bị ảnh hưởng kiểu sản xuất truyền thống, chưa có kiến thức về nông nghiệp CNC dẫn đến sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn theo quy mô nhỏ lẻ, phân tán, chưa hình thành nhiều các vùng sản xuất tập trung, mức độ đầu tư, ứng dụng CNC còn hạn chế; việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng - vật nuôi diễn ra chậm; ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa sản xuất, công nghệ sinh học, quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm còn ít. Vì vậy, năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao, sức cạnh tranh hàng hóa sản xuất ra trên thị trường còn thấp.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cơ sở vật chất ứng dụng CNC trong nông nghiệp tương đối lớn, cùng với yêu cầu cao về trình độ nguồn nhân lực là rào cản lớn trong việc triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất.

Do đó, việc thành lập và công nhận các khu, vùng, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC còn chậm do những khó khăn trong thực hiện tiêu chí về quy mô sản xuất liền vùng, liền thửa.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh mới hình thành 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông với 24 doanh nghiệp và huyện Đăk Hà với 6 doanh nghiệp tham gia. Toàn tỉnh cũng chỉ có 2 doanh nghiệp được công nhận đạt các tiêu chí doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC.

Mô hình NNCNC tiên phong

Trong bối cảnh đô thị hóa, đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn, TP.HCM xác định phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng KHCN là hướng đi tất yếu. 

Dù nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của TP.HCM, nhưng lãnh đạo thành phố đã có những chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng CNC. Phát triển NNCNC là chương trình nằm trong đề án kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Một trong những giải pháp quan trọng là ứng dụng về khoa học công nghệ, đẩy mạnh tổ chức thực hiện các nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ cho TP.HCM và các tỉnh, thành.

Khu NNCNC TP.HCM là đơn vị hình thành đầu tiên trong cả nước theo quyết định thành lập từ năm 2004, bắt đầu quá trình xây dựng, hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2010 với diện tích trên 88ha tại xã Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi) từ nguồn ngân sách thành phố. Nơi đây có 4 trung tâm trực thuộc gồm Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp NNCNC; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển NNCNC; Trung tâm Khai thác hạ tầng và Trung tâm Dạy nghề NNCNC.

Sau khi Khu NNCNC TP.HCM được hình thành, nhiều địa phương khác cũng bắt đầu triển khai xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng CNC như ở Phú Yên, Bạc Liêu, Đắk Nông, An Giang, Đồng Tháp...

Trong quá trình xây dựng, hình thành và phát triển, Khu NNCNC TP.HCM đã tạo bước đột phá, phục vụ cho nông nghiệp thành phố, là trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn của khu vực, bảo vệ môi trường và đáp ứng tốt hơn nhu cầu về rau sạch, hoa tươi, cá kiểng, sữa bò của thị trường và gắn với phát triển du lịch mang đặc trưng của thành phố.

Nơi đây đã trở thành đơn vị tiên phong trong việc thực hiện chức năng hỗ trợ, tác động, dẫn dắt nền nông nghiệp của thành phố nói riêng và cả nước nói chung phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, sinh thái ổn định và bền vững, ứng dụng CNC trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Khu NNCNC TP.HCM có 4 chức năng chính: Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho TP.HCM và các tỉnh; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho NNCNC trong giai đoạn hiện nay và thực hiện theo Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân; tác động, hỗ trợ, hình thành một chuỗi khu nông nghiệp CNC trong khu vực phía Nam cũng như cả nước; ứng dụng sản xuất NNCNC trong tình hình hiện nay, nhất là sản xuất NNCNC trong đô thị.

Nơi đây cũng thu hút và quy tụ các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư về công nghệ cao trong nông nghiệp theo hướng nền nông nghiệp đô thị. 

Các hoạt động khoa học và công nghệ được nghiên cứu triển khai tại Khu NNCNC TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển NNCNC thực hiện, đã và đang tập trung các hoạt động nghiên cứu, xây dựng, triển khai và hoàn thiện công nghệ lai tạo và thử nghiệm giống mới; trình diễn các mô hình sản xuất nông nghiệp trong các lĩnh vực rau, hoa lan, cây cảnh, cây dược liệu và giống sinh vật cảnh, giống nấm trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, từ đó góp phần hoàn thiện quy trình công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Ông Lê Văn Cửa, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu NNCNC TP.HCM, cho biết, phòng thí nghiệm thực hiện các bước trong quy trình nhân giống với phương pháp công nghệ sinh học cấy mô. Cây giống được nghiên cứu, chọn lọc và lai tạo cũng như nhân với một hệ số nhanh để đáp ứng mục đích phục vụ cho sản xuất nông nghiệp TP.HCM nói riêng và các tỉnh trong khu vực nói chung.

Theo ông Cửa, với nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất của phòng thí nghiệm này, mỗi năm có thể cung cấp 1 - 2 triệu cây giống các loại. “Chúng tôi đang có một đề án phát triển có thể đáp ứng từ 5 triệu cây trở lên”, ông Cửa chia sẻ.

Về cung cấp hạt giống, ông Cửa cho biết, cùng với các doanh nghiệp tại Khu NNCNC TP.HCM, nơi đây có thể cung cấp 6 tấn hạt giống các loại mỗi năm. Ngoài ra, còn cung cấp các chế phẩm sinh học cũng như các loại nấm ăn, nấm dược liệu và các bịch phôi (khoảng 0,6 đến 1 triệu bịch phôi), các loại giống cá cảnh, giống tôm.

Khu NNCNC TP.HCM đã nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ các giống dưa lưới và đang tiến hành khảo nghiệm giống khổ qua (mướp đắng) để được công nhận là giống quốc gia. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hướng đi tất yếu

Trước những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (4.0), quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu, cùng những yêu cầu khắt khe của thị trường…  đặt ra những khó khăn, thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Việc đẩy nhanh ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp không chỉ là giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề trên mà còn là một tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông phẩm, bảo đảm cho kinh tế nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững. 

Nhận thức rõ vấn đề này, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã không ngừng bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách phát triển khoa học công nghệ, đưa KHCN thực sự là “quốc sách hàng đầu” trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, chủ trương, chính sách đẩy nhanh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các thành tựu KHCN vào sản xuất nông nghiệp được luôn nhận được sự quan tâm. Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng đề ra những chủ trương lớn, tạo ra sự chuyển đổi mang tính cách mạng về tư duy trong nông nghiệp. 

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Nông nghiệp có bước chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng CNC, nâng cao chất lượng và hiệu quả, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế; kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển; Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành sớm hơn gần hai năm so với kế hoạch đề ra, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân, tạo nên động lực mới về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn với một thế hệ hội viên nông dân có tư duy đổi mới sáng tạo, tự lực, tự cường, khát vọng đưa đất nước trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Trong 3 đột phá chiến lược nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Đảng ta xác định: Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

Đối với kinh tế nông nghiệp, Chiến lược nêu rõ: Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khai thác và phát huy lợi thế nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao. Tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường, xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu.

 

D.Thanh
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Dưa gang muối, món ăn đặc sản của Bắc Ninh được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận

    Dưa gang muối, món ăn đặc sản của Bắc Ninh được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận

    Dưa gang muối, một trong những món ngon dân dã mang đậm hương vị truyền thống của thị xã Quế Võ vừa được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh cấp Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận, tạo thuận lợi thương mại hóa cho đặc sản địa phương.

  • Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tổng Bí thư Trần Phú - người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh và dân tộc Việt Nam đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc; để lại cho Đảng, cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân những di sản quý báu.

  • Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh phối hợp UBND TP Hà Tĩnh vừa tổ chức khai mạc “Phiên chợ quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP Hà Tĩnh năm 2024 và kỷ niệm 1 năm xây dựng phố chuyên doanh ẩm thực Nguyễn Du” tại khu vực đường Nguyễn Huy Oánh (phường Nguyễn Du).

Top