Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024 | 15:35

Giải pháp để Sơn La trở thành trung tâm canh tác và chế biến nông sản xuất khẩu vùng Tây Bắc

Để thực hiện Nghị quyết về phát triển công nghiệp chế biến nông sản, phấn đấu trở thành trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp khu vực trung du và miền núi phía Bắc, Sơn La đang triển khai đồng bộ các giải pháp, tìm hướng tháo gỡ những khó khăn, bất cập.

Điều kiện thích hợp

Sơn La có khí hậu nhiệt đới gió mùa vùng núi, nóng ẩm, mưa nhiều, thích hợp với nhiều chủng loại cây trồng, tạo điều kiện phát triển nền sản xuất nông, lâm nghiệp phong phú.

Hiện, Sơn La là vựa cây ăn quả lớn thứ 2 cả nước với diện tích trên 85.000 ha. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành được vùng nguyên liệu nông sản tập  trung với khối lượng hàng hoá nông sản lớn.

Sơn La là vựa cây ăn quả lớn thứ 2 cả nước.

Đến nay, một số vùng nguyên liệu nông sản của Sơn La nằm trong số những tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng và chất. Năm 2023, sản lượng quả nhãn đạt 136.556 tấn, diện tích 19.820ha; mận đạt 95.602 tấn, diện tích 12.399ha; xoài đạt 77.512 tấn, diện tích 19.821ha; cà phê đạt 32.944 tấn, diện tích 20.137ha; sắn đạt 502.861 tấn, diện tích 42.990ha; mía đạt 652.012 tấn, diện tích 9.815ha; chè búp tươi đạt 56.177 tấn; đàn bò sữa 27.796 con với sản lượng sữa 86.072 tấn; đàn trâu 112.309 con; đàn bò thịt 393.574 con; đàn lợn thịt 449.717 con...

Nông nghiệp Sơn La có những bước phát triển mạnh trong những năm qua là tiền đề, lợi thế cho phát triển công nghiệp chế biến nông sản và kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh

Phát triển công nghiệp chế biến nông sản

Theo báo cáo của UBND tỉnh Sơn La tại Hội nghị xúc tiến thương mại và mở rộng xuất - nhập khẩu vùng Trung du và miền núi phía Bắc, hiện nay, tỉnh có trên 30 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp, trong đó 1 nhà máy đường; 2 nhà máy tinh bột sắn; 8 cơ sở chế biến cà phê nhân; trên 20 cơ sở  sản xuất chè,... Ngoài ra, còn có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ, như: sản xuất rượu ngô, mận; các loại hoa quả sấy: mận, xoài, chuối, mắc ca...; hơn 400 cơ sở sản xuất long nhãn tại Sông Mã và Mai Sơn; 7 cơ sở chế biến miến dong tại Mai Sơn, Mộc Châu, Sông Mã; trên 100 cơ sở sơ chế, chế biến cà phê tiểu thủ công nghiệp tại  Thuận Châu, Mai Sơn; một số cơ cở chế biến thủy sản tại Quỳnh Nhai, Mường La; đã hoàn thành đi vào hoạt động nhiều nhà máy chế biến rau, quả.

Nhà máy chế biến cà phê Sơn La với công suất thiết kế 50.000 tấn quả tươi/năm.

Những năm qua, một số cơ sở chế biến nông sản đã đầu tư nâng công suất một số nhà máy quy mô lớn như: Nhà máy sữa Mộc Châu đã nâng công suất chế biến sữa tươi tiệt trùng lên 200 tấn/ngày, đầu tư xưởng sản xuất sữa chua công suất 30 tấn/ngày; Nhà máy đường Mai Sơn từ 1.500 tấn mía cây/ngày lên 5.000 tấn mía cây/ngày; Nhà máy chế biến tinh bột sắn Mai Sơn nâng công suất chế biến từ 50 tấn tinh bột/ngày lên 300 tấn tinh bột/ ngày; các công ty chế biến chè nâng cấp các nhà máy chế biến chè  từ 10-20 tấn chè búp tươi/ngày lên trung bình đạt 50 - 70 tấn chè búp tươi/ngày (trong đó có 5 nhà máy có công xuất trên 200 tấn/ngày).

Đồng thời, có một số cơ sở mới, lĩnh vực sản phẩm mới trên địa bàn tỉnh đã phát triển như một số cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất phân bón, nhà máy chế biến cà phê Sơn La với công suất 50.000 tấn cà phê quả tươi/năm.

Công nghiệp chế biến tỉnh Sơn La có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Quy mô sản xuất của các cơ sở công nghiệp chế biến được mở rộng, từng bước áp dụng các công nghệ chế biến mới, tiên tiến, hiện đại; đối với các dự án đầu tư mới đã kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn công nghệ tiên tiến, máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn. Trình độ công nghệ trong các cơ sở chế biến có bước phát triển mới. Lực lượng lao động công nghiệp ngày càng được nâng cao về số lượng, trình độ kỹ thuật, tay nghề chuyên môn và ý thức tổ chức kỷ luật lao động.

Ông Nguyễn Đình Phong, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La, cho biết, năm 2024, cùng với việc tập trung xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện quy hoạch của tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt, Sơn La đang tiếp tục tháo gỡ những khó khăn trong thu hút đầu tư.

“Với Sơn La, việc bố trí một diện tích đất xây dựng cụm công nghiệp rất khó khăn, do địa hình phức tạp, chi phí san lấp cao; trong khi đó, các nhà đầu tư chủ yếu chế biến nông sản, mà chế biến nông sản có tính đặc thù, theo mùa vụ, mỗi trái quả, sản phẩm đòi hỏi công nghệ riêng, vì vậy, đây là bài toán rất khó đối với các nhà đầu tư; tiền thuê đất cao, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện. Do đó, phải có cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất trong cụm công nghiệp, đặc biệt là chế biến nông sản”, ông Phong nói.

Tăng cường liên kết vùng

Tại Hội nghị xúc tiến thương mại và mở rộng xuất - nhập khẩu vùng Trung du và miền núi phía Bắc, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đề xuất giải pháp thu hẹp khoảng cách về thu nhập và trình độ phát triển thương mại của vùng so với trung bình cả nước trong thời gian tới: Sơn La và các tỉnh trong khu vực cần đẩy mạnh tăng cường liên kết vùng; tích cực tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi phát triển hạ tầng công nghiệp, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Người dân Yên Châu  dán tem truy xuất nguồn gốc cho xoài.

Theo đó, Sơn La sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển công nghiệp nói chung, công nghiệp chế biến nông sản nói riêng; tích cực tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi phát triển hạ tầng công nghiệp, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn triển khai Nghị quyết số 50/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về Quy định nội dung và mức hỗ trợ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; khuyến khích hướng dẫn các hộ dân, các hợp tác xã tham gia ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh việc hình thành và phát triển các cụm công nghiệp, tập trung sắp xếp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp; tận dụng tối đa giá trị lợi thế, chính sách ưu đãi của Nhà nước để đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư các dự án vào các cụm công nghiệp; làm đòn bẩy phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cao của tỉnh.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiếng thương mại, quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản, phát triển thương mại điện tử theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp giữa các cơ quan, tổ chức nhằm nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và hiệu quả của các chương trình xúc tiến thương mại, phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm; chuyển từ xuất khẩu biên mậu sang xuất khẩu theo hợp đồng…

 

 

Chanh
Ý kiến bạn đọc
Top