Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024 | 11:9

Sơn La thúc đẩy các HTX nông nghiệp phát triển theo chuỗi giá trị

Những năm qua, kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La phát triển theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ cao, tăng khả năng cạnh tranh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững, hiệu quả.

Liên kết trồng cây ăn quả sạch, an toàn, theo chuỗi giá trị

Phát huy lợi thế địa phương, những năm qua, HTX Hưng Thịnh, tiểu khu 3, xã Mường Bú, huyện Mường La đã tập hợp, liên kết các hộ nông dân phát triển cây ăn quả theo hướng sạch, an toàn, theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

HTX Hưng Thịnh giới thiệu sản phẩm tại siêu thị

HTX Hưng Thịnh có 20 thành viên, sản xuất trên 70 ha cây ăn quả chất lượng cao, gồm táo đại, xoài Đài Loan, xoài Úc, xoài tím, xoài địa phương, nhãn, mít, chuối, hồng xiêm và na Thái. Ông Nguyễn Đình Hướng, Giám đốc HTX, cho biết: Trong quá trình hoạt động, HTX được tạo điều kiện vay các nguồn vốn ưu đãi; hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP cho các sản phẩm táo đại, nhãn, xoài. Vào thời điểm thu hoạch các loại quả, bình quân HTX cung cấp thị trường khoảng 2,5 tấn quả/ngày, chủ yếu cung ứng cho chợ đầu mối ở các tỉnh và các hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội. Tổng doanh thu năm 2023 của HTX đạt 8,3 tỷ đồng, bình quân thu nhập của các thành viên đạt 9 triệu đồng/người/tháng.

Với mục tiêu phát triển sản xuất bền vững, tiêu thụ, chế biến nông sản an toàn, HTX đã hướng dẫn các thành viên tuân thủ quy trình sản xuất từ khâu chọn giống ghép, chăm sóc; sử dụng hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ, phân chuồng ủ hoai mục. Mô hình sản xuất hữu cơ đã làm thay đổi tư duy của người sản xuất theo hướng tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế cao, an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng, từng bước phát triển sản xuất sạch, bền vững. Hiện nay, trong 70 ha sản xuất của HTX, có 17 ha trồng táo, nhãn, xoài được cấp chứng nhận VietGAP.

Tích cực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, HTX đã đầu tư khu sản xuất ứng dụng công nghệ cao, gồm: Hệ thống nhà màng lưới, giống, phân bón vi sinh, giám sát nhật ký canh tác, truy xuất nguồn gốc, sơ chế, chế biến. Nhờ ứng dụng công nghệ cao, HTX đã hạn chế tối đa tác động của thời tiết, duy trì sản xuất 4 mùa, tạo ra những sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp. Năm 2021, HTX đã đưa sản phẩm táo đại lên sàn thương mại điện tử; các thành viên đưa sản phẩm ra thị trường với thông tin minh bạch, giúp người mua tìm kiếm, tiếp cận sản phẩm nhanh.

Ông Lò Văn Tiến, thành viên HTX Hưng Thịnh trước đây trồng táo bản địa, năng suất thấp, nên gia đình ông đã chuyển sang trồng táo đại. Ông Tiến nói: Sau khi tham gia HTX, được hỗ trợ kỹ thuật, tôi đã ghép 5 ha táo bản địa với giống táo đại, khi thu hoạch táo đại có mẫu mã đẹp, vỏ xanh, ăn giòn, ngọt thanh, thu hoạch bình quân 15 tấn/ha/vụ, bán 50 nghìn đồng/kg, cao gấp đôi so với giống táo thường.

Trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về truy xuất nguồn gốc nông sản và thực phẩm, HTX Hưng Thịnh đang ứng dụng thử nghiệm hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh. Bà Trần Thị Dậu, thành viên của HTX, cho biết: Gia đình tôi hiện có 5 ha trồng táo đại, được hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc đã tạo uy tín của sản phẩm với người tiêu dùng.

Mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp của HTX Hưng Thịnh đã phát huy hiệu quả, HTX đang dự kiến mở rộng thêm 10 ha trồng củ quả; trong đó có 5 ha áp dụng công nghệ cao trồng trong nhà màng, nhà lưới và áp dụng điều khiển tự động, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản và thu nhập cho các thành viên.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, HTX

Thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, bản Ten Bạnh, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, trao đổi kỹ thuật chăm sóc nhãn chín sớm.

HTX cựu chiến binh Mai Sơn có 29 thành viên. Ông Đỗ Hồng Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, chia sẻ: Các thành viên đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề; liên kết sản xuất theo chuỗi để phù hợp với nhu cầu thị trường. Đến nay, HTX có trên 40 ha na hoàng hậu, 20 ha nhãn, 5 ha xoài; duy trì 650 đàn ong mật; kinh doanh cây cảnh, sản xuất vật liệu xây dựng. Doanh thu năm 2023 đạt hơn 20 tỷ đồng, trừ chi phí lãi trên 10 tỷ đồng.

Còn anh Trần Văn Lộc, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, bản Ten Bạnh, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, chia sẻ: Năm 2017, tôi đã liên kết với một số hộ gia đình trong bản thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, với 23 thành viên. Hiện nay, HTX sản xuất 43 ha nhãn chín sớm và nhãn miền thiết. Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, HTX đã đầu tư hệ thống tưới ẩm cho toàn bộ diện tích vườn cây. Đặc biệt, diện tích nhãn được chăm sóc theo quy trình VietGAP, năng suất đạt 12 tấn quả/ha, tiêu thụ trên thị trường các tỉnh và xuất khẩu sang Trung Quốc. Trừ chi phí thu nhập bình quân đạt hơn 200 triệu đồng/vụ.

Thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Thịnh, huyện Phù Yên, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả. Ảnh: Khải Hoàn

Ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Chúng tôi tăng cường các hoạt động tuyên truyền về kinh tế tập thể; vận động, hướng dẫn nông dân liên kết thành lập mới HTX, hoặc chuyển đổi hoạt động mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012. Hướng dẫn xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, cũng như cách thức tổ chức, phương thức hoạt động, kỹ năng đàm phán cho cán bộ chủ chốt của các HTX. Đồng thời, đại diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp; tư vấn, hỗ trợ, đào tạo, xúc tiến thương mại cho các thành viên, góp phần giúp các HTX khắc phục hạn chế, yếu kém để phát triển.

Từ năm 2023 đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức 5 lớp tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX, liên hiệp HTX, kết hợp tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình HTX tiêu biểu tại các tỉnh. Tổ chức 22 hội nghị tuyên truyền cho các đối tượng sáng lập viên tại các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Sông Mã, Mộc Châu và Thành phố. Tổ chức 7 cuộc, với 19 lượt HTX tham gia hội nghị xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, thẩm định và giải ngân cho 3 HTX vay  900 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, các HTX đã tập trung đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng liên kết vùng, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, sản xuất nông sản sạch, sản xuất hữu cơ, quy trình VietGAP, GlobalGAP... Có tem nhãn, bao bì, đóng gói, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý cho nông sản, thủy sản.

Nhiều HTX được cấp giấy chứng nhận đăng ký an toàn, sản xuất theo quy trình VietGAP; nhiều sản phẩm của HTX được đánh giá là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Đến tháng 2/2024, các HTX đã góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện cấp 293 mã số vùng trồng xuất khẩu; trong đó, duy trì 211 mã số vùng trồng cho 7 loại cây trồng, với tổng diện tích 3.085 ha phục vụ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Úc, Mỹ, Newzealand, EU... Lợi nhuận bình quân của các HTX đạt 150-200 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân thành viên từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết thêm: Chúng tôi tiếp tục tổ chức các hội nghị sáng lập viên thành lập HTX, nhằm thống nhất nhận thức về bản chất HTX kiểu mới và các quy định trong Luật HTX 2023. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực kết hợp tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh; kết nối với các doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tiêu thụ sản phẩm cho các HTX. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp các HTX mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức diễn đàn đối thoại chính sách phát triển HTX theo các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp để nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn, bảo vệ lợi ích, quyền lợi hợp pháp của các HTX.

Hỗ trợ các HTX đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh

Thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Mường Tấc, huyện Phù Yên, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc dưa lưới Hoàng Kim. 

Toàn tỉnh có 871 hợp tác xã và 6 liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động, chủ yếu ở các lĩnh vực: Nông lâm nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, đều có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, do thời hạn cho vay không quá 3 năm, nên các HTX khó khăn trong việc quay vòng vốn đầu tư, nhất là đối với các HTX trồng cây ăn quả, chăn nuôi, vì thông thường các dự án này phải mất tối thiểu 5 năm mới có nguồn thu và hoạt động ổn định. Bên cạnh đó, nhiều HTX hoạt động hiệu quả thấp, chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh khả thi để tiếp cận vốn.

Tháo gỡ khó khăn cho các HTX trong việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh đã xây dựng kế hoạch sử dụng và phát triển nguồn vốn theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Hằng năm, Liên minh HTX tỉnh đã tổng hợp nhu cầu cho vay theo danh mục ngành nghề ưu tiên của tỉnh. Đồng thời, cử cán bộ đồng hành, hướng dẫn các chủ dự án lập hồ sơ vay vốn đúng quy định và phù hợp với nhu cầu của HTX và thành viên.

Từ năm 2023 đến nay, Quỹ đã hướng dẫn hoàn thành thủ tục, hồ sơ và giải ngân cho 2 HTX vay 900 triệu đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 57 HTX được vay gần 17 tỷ đồng. Các HTX và thành viên HTX đã mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư giống mới có giá trị kinh tế cao, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, liên kết vùng để tăng khả năng cạnh tranh.

Liên minh HTX tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay; gia hạn thời gian trả nợ hoặc có phương án hỗ trợ cho một số HTX đang vay nhưng gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh bổ sung thêm vốn để tạo điều kiện cho các HTX có nhu cầu vay; hướng dẫn, tư vấn các HTX đủ điều kiện tiếp cận với nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Trung ương. Qua đánh giá, đa số các dự án mà quỹ đã giải ngân đều hoạt động tốt, trả lãi, gốc đúng thời hạn, phát huy hiệu quả vốn vay.

Thành viên HTX nông nghiệp Ngọc Xanh, xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả.

HTX dịch vụ nông nghiệp Mường Tấc, xã Huy Hạ, huyện Phù Yên thành lập năm 2016, đến nay có 16 thành viên, với diện tích sản xuất trên 10 ha. Ông Phạm Văn Ba, Giám đốc HTX, cho biết: Năm 2023, được Liên minh HTX tỉnh hướng dẫn vay 450 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, với lãi suất thấp. HTX đã đầu tư mở rộng, nâng cấp cửa hàng giới thiệu sản phẩm và tăng diện tích nhà lưới, trồng 2.000 m2 dưa lưới Hoàng Kim. Vụ năm 2023, thu hơn 4,5 tấn quả, với giá bán từ 70-75 nghìn đồng/kg. HTX còn liên kết với gần 50 hộ nông dân các xã Huy Tân, Suối Bau, Kim Bon và Mường Thải trồng 40 ha rau màu, sản lượng đạt trên 200 tấn/năm.

Còn HTX nông nghiệp Ngọc Xanh, xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp, được hỗ trợ vay 300 triệu đồng từ Quỹ để mở rộng diện tích cây sâm bố chính và trồng cây ăn quả. Ông Tòng Văn Đôi, Giám đốc HTX, cho biết: Sau khi được vay vốn với lãi suất 0,66%/năm, HTX đã mở rộng diện tích trồng 2 ha cây sâm bố chính và 1,5 ha xoài, năm 2023 doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm.

Nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã và đang giúp các HTX tăng cường nguồn lực đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao uy tín các mô hình kinh tế tập thể, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên và người lao động. Đồng thời, hiện thực hóa các chủ trương, chính sách hỗ trợ tín dụng của Đảng và Nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX, góp phần giảm nghèo ở địa phương.

Theo baosonla.org.vn

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top