Ngày 17/4, tại Ninh Thuận, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị quản lý giống tôm nước lợ và ký kết quy chế phối hợp năm 2024.
Tham dự có ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận; đại diện các sở, ngành của 28 tỉnh, thành phố ven biển cùng các hiệp hội, cơ sở sản xuất giống và nuôi tôm thương phẩm.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, năm 2024, ngành tôm có thể tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sự bất ổn trên thế giới, lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng giảm, giá các loại vật tư có thể tiếp tục tăng, bên cạnh đó cũng có nhiều cơ hội cho ngành tôm phục hồi và phát triển trong bối cảnh hiện tại. Xuất khẩu tôm Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024 đạt 415 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc và Mỹ ghi nhận tăng trưởng lần lượt 143% và 26% so với cùng kỳ.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT tham dự và chủ trì Hội nghị.
Kể từ tháng 1 năm nay, giá tôm có xu hướng tăng dần mặc dù vẫn chưa phục hồi trở lại mức giá của cùng kỳ năm ngoái. Trong quý I, giá trung bình xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ, Anh, Hàn Quốc ghi nhận tăng, trong khi giá xuất khẩu sang Trung Quốc, EU, Nhật Bản ghi nhận giảm.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm đến năm 2025, với mục tiêu đạt 10 tỷ USD (tương đương mức sản xuất 1,2 triệu tấn tôm).
Theo kế hoạch năm 2024, cả nước sẽ có 737.000ha nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú, ước đạt sản lượng đạt 1.150 nghìn tấn; kim ngạch xuất khẩu ước đạt từ 4-4,3 tỷ USD.
Do đó, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con; tôm giống sản xuất và ương dưỡng khoảng 140-155 tỷ con; trong đó, tôm thẻ chân trắng từ 100-115 tỷ con; tôm sú từ 30-40 tỷ con.
Để đạt mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, Tổng cục Thủy sản, các đơn vị liên quan thuộc Bộ và các địa phương tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, tổ chức sản xuất lại theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở tôm giống nhỏ lẻ thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; ban hành hướng dẫn khung lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm nước lợ phù hợp theo đặc thù của từng khu vực, tăng cường quản lý chặt chẽ giữa vùng sản xuất tôm giống tập trung và vùng nuôi tôm trọng điểm.
Ngoài ra, các đơn vị liên quan thuộc Bộ như: các viện nghiên cứu, Cục Thú y… cần chú trọng thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ trong khâu chọn tạo giống, chuyển giao các quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại cho các cơ sở, hộ nuôi; thường xuyên kiểm soát chất lượng tôm nhập khẩu và kiểm tra điều kiện sản xuất, ương dưỡng tại các cơ sở; kiểm soát tốt dịch bệnh trên giống tôm trước khi cung cấp đến hộ nuôi… để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu theo quy định.
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), sau Hội nghị quản lý giống và ký quy chế phối hợp năm 2024, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Tổng cục Thủy sản đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương cử cán bộ tham gia thực hiện quy chế phối hợp.
Trên cơ sở đó, Tổng cục lập nhóm zalo gồm lãnh đạo và chuyên viên các địa phương để trao đổi thông tin về quản lý tôm giống nhằm phối hợp quản lý chặt chẽ giữa vùng sản xuất tôm giống tập trung và vùng nuôi tôm trọng điểm.
Tổng cục Thủy sản phối hợp với Cục Thú y công khai số lượng tôm nước lợ nhập khẩu, cơ sở nhập khẩu trên nhóm zalo. Một số tỉnh đã thông báo các lô tôm xuất tỉnh cho các địa phương mua giống trên website, qua nhóm cùng trao đổi thông tin hai chiều về chất lượng (theo ngày), số lượng (theo tuần) tôm nhập tỉnh.
Dịp này, các tỉnh, thành phố tham dự hội nghị đã cùng ký kết “Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2024”, nhằm tăng cường công tác quản lý, chia sẻ thông tin, góp phần hạn chế tôm giống không bảo đảm chất lượng lưu thông; cùng góp phần thực hiện thành công kế hoạch sản xuất tôm nước lợ năm 2024 và những năm tiếp theo, với với 6 nội dung chính: xây dựng văn bản, chính sách về quản lý; giải quyết vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước; thống kê và cung cấp thông tin, số liệu; kiểm tra về giống thuỷ sản trong quá trình thực hiện; giải quyết khiếu nại, tố cáo về giống tôm...
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.