Nghề trồng hoa được xác định là một trong những trụ cột quan trọng của nền nông nghiệp Lâm Ðồng. Thương hiệu "Hoa Ðà Lạt" là sản phẩm kinh tế hàng hóa có giá trị ngày càng cao trên thị trường.
Trong chiến lược phát triển nghề trồng hoa đến năm 2030, tỉnh Lâm Ðồng đặt mục tiêu xây dựng Ðà Lạt trở thành trung tâm sản xuất hoa tươi hàng đầu khu vực Ðông Nam Á.
Dây chuyền phân loại, tuyển chọn hoa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại Dalat Hasfarm, thành phố Ðà Lạt.
Số hóa nghề trồng hoa tại Lâm Ðồng không chỉ giúp cải thiện hiệu quả sản xuất, quản trị mà còn tạo ra cơ hội tiếp cận thị trường mới và tăng lợi thế cạnh tranh, đồng thời góp thêm một giải pháp đưa thương hiệu "Hoa Ðà Lạt" lan xa trên thị trường quốc tế.
Nền tảng để số hóa nghề trồng hoa
Ðà Lạt-Lâm Ðồng là trung tâm sản xuất hoa tươi lớn nhất cả nước. Những năm gần đây, diện tích, sản lượng và chất lượng hoa không ngừng tăng, giá trị thương hiệu "Hoa Ðà Lạt" từng bước khẳng định vị thế trên thị trường.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Ðồng, diện tích hoa của tỉnh tăng nhanh từ 7.761 ha, sản lượng hơn 2,4 tỷ cành vào năm 2015, lên 10.136 ha, sản lượng hơn 4 tỷ cành vào năm 2023. Vùng sản xuất hoa tập trung chủ yếu tại thành phố Ðà Lạt, địa phương sản xuất hoa chủ lực của tỉnh, với gần 60% diện tích và 62,5% sản lượng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Ðồng Nguyễn Văn Châu cho biết, hằng năm, tỉnh huy động nguồn lực ưu tiên cho nghề trồng hoa, từ khâu triển khai mô hình điểm công nghệ mới, tiên tiến về giống (của các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...) đến công nghệ IoT cảm biến về nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng, ánh sáng; quy hoạch vùng ứng dụng công nghệ cao, phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Ðồng thời, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ để xây dựng, hoàn thiện quy trình canh tác, như công nghệ thông minh quản lý trang trại, tưới nước tiết kiệm gắn với châm phân tự động... Qua đó, toàn tỉnh có 3.166 ha canh tác hoa đáp ứng các tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hơn 277 ha ứng dụng IoT.
Tại Lâm Ðồng, sự ra đời của Công ty TNHH Dalat Hasfarm đã thổi làn gió mới về khoa học-công nghệ tiên tiến trong sản xuất hoa xuất khẩu. Thành lập năm 1994, hiện diện tích sản xuất hoa cao cấp của công ty gần 320 ha, mỗi năm sản xuất khoảng 200 triệu cành hoa và 250 triệu ngọn giống hoa, trong đó 70% sản lượng xuất khẩu đến các thị trường Nhật Bản, Australia, châu Âu...
Ðể sản xuất được những cành hoa cao cấp, trong mỗi nhà kính trang trại của Dalat Hasfarm đều được trang bị thiết bị cảm biến, kết nối với máy tính, điện thoại thông minh qua internet; chế độ hoạt động được lập trình sẵn, khi nhiệt độ vượt hoặc thấp hơn ngưỡng tiêu chuẩn, màng chắn sẽ tự động đóng/mở; máy tưới phun sương tự nhận biết chế độ ẩm để tưới tự động.
Hệ thống quản lý số trên dòng thời gian thực cũng được Dalat Hasfarm ứng dụng, bảo đảm từng cá nhân trong toàn công ty xác định rõ nhiệm vụ, thực hiện từng công việc đúng thời gian quy định. "Những quy trình, công nghệ và kỹ thuật trồng hoa tiên tiến nhất châu Âu đã được Dalat Hasfarm áp dụng trên các nông trại; quy trình trồng, chăm sóc hoa được tổ chức tự động hóa", Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dalat Hasfarm Nguyễn Văn Bảo cho biết.
Tại Lâm Ðồng, Công ty TNHH Trang trại Langbiang (Langbiang Farm) được xem là doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số. Hiện công ty có gần 30 ha sản xuất rau, hoa; trong đó, diện tích canh tác hoa 10 ha, với các loại hoa cắt cành giống mới, như cúc tana, salem Mỹ, thủy tiên, như ý...
Giám đốc Langbiang Farm Nguyễn Quang Khánh khẳng định: "Số hóa hệ thống quản trị toàn diện là yếu tố quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm. Hệ thống tự động hóa chúng tôi đã triển khai lâu rồi, giờ số hóa là xu thế". Theo ông Khánh, tự động hóa là cơ khí, còn số hóa thì về quản lý, quản trị và khả năng kiểm soát hệ thống cơ khí cũng như hệ thống vận hành. Hiện Langbiang Farm đang sử dụng hệ thống quản trị toàn diện, gồm các nội hàm như tài chính kế toán, kinh doanh, sản xuất và nhân sự. "Tất cả đều liên thông, từ kế hoạch sản xuất, đơn hàng, công nợ, hành trình hàng đi, hàng đến, kho… đều được nhà quản lý nắm rõ. Dựa trên cơ sở dữ liệu lớn, giúp người quản trị có những quyết định, đó chính là lợi ích của số hóa", ông Khánh cho biết.
Thời gian qua, số hóa trong lĩnh vực nuôi cấy mô cây hoa được các doanh nghiệp tại Lâm Ðồng đầu tư bài bản, từ khâu giống, điều khiển tự động nhiệt độ, độ ẩm, chiếu sáng quang phổ... Toàn tỉnh có 20 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, hằng năm sản xuất 49,7 triệu cây giống gốc (chiếm 68,7% tổng số cây giống mô của tỉnh); trong đó xuất khẩu hơn 35 triệu cây, kim ngạch hơn 9 triệu USD.
Nhận thấy tiềm năng ngành invitro, cách đây hơn 10 năm, ông Hồ Anh Dũng đã mở Công ty TNHH Công nghệ sinh học F1 và đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm quy mô công nghiệp, hiện đại; quy tụ hơn 50 kỹ sư và 70 nhân lực chất lượng cao; hằng năm sản xuất 8 đến 10 triệu cây giống hoa; trong đó, hơn 90% xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ. "Ngành công nghệ sinh học, nhất là lĩnh vực invitro của Lâm Ðồng đã và đang phát triển rất mạnh, được các đối tác, khách hàng nước ngoài đánh giá là hàng đầu trong khu vực Ðông Nam Á", ông Dũng thông tin.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Ðồng Nguyễn Văn Châu, đối với nghề trồng hoa tỉnh Lâm Ðồng, chuyển đổi số là việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để tích hợp sản xuất từ vùng canh tác đến người tiêu dùng. Những công nghệ này có thể cung cấp các công cụ và thông tin để đưa ra quyết định sáng suốt hơn, cải thiện năng suất và hỗ trợ quản lý hiệu quả. Ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa là nền tảng để số hóa ngành hoa.
Nâng cao lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu
Lâm Ðồng được đánh giá là tỉnh tiên phong trong cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Quy hoạch tỉnh Lâm Ðồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định phát triển nông nghiệp tỉnh Lâm Ðồng toàn diện và hiện đại, trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế; là vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất hàng hóa có giá trị cao trên thị trường Ðông Nam Á; trong đó, ngành hoa thuộc sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao được chú trọng để nâng kim ngạch xuất khẩu.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Ðồng Nguyễn Văn Châu nhận định: "Tiếp cận và từng bước làm chủ khoa học-công nghệ, số hóa sẽ là tương lai của nghề trồng hoa xuất khẩu. Bởi vậy, hằng năm, địa phương dành kinh phí khá lớn thực hiện các nhiệm vụ khoa học lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có số hóa ngành hoa để nâng cao lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu".
Hiện tỉnh Lâm Ðồng đã quy hoạch ba vùng sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao, với quy mô hơn 388 ha, gồm hai vùng tại thành phố Ðà Lạt và một vùng tại huyện Ðức Trọng. Tỉnh cũng đã công nhận hai vùng sản xuất hoa công nghệ cao tại Phường 12, thành phố Ðà Lạt, với quy mô 150 ha và tại Phường 5, với quy mô 158 ha. Toàn tỉnh có bốn doanh nghiệp sản xuất hoa được công nhận là "doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao", với tổng quy mô 201 ha.
Năm 2023, toàn tỉnh có hơn 277 ha ứng dụng IoT quản lý điều khiển tự động về độ ẩm, nhiệt độ, pH, ánh sáng, nước tưới, dinh dưỡng… thông qua hệ thống cảm biến kết nối với hệ thống computer, điện thoại thông minh. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác hoa ứng dụng công nghệ IoT đạt 3-5 tỷ đồng/ha/năm.
Bên cạnh khâu sản xuất, nhiều doanh nghiệp tại Lâm Ðồng đã ứng dụng công nghệ số hóa trong quản lý kinh doanh, theo dõi sản phẩm từ vườn hoa đến người tiêu dùng. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Lâm Ðồng, số hóa ngành hoa đã giúp doanh nghiệp tạo nên liên kết chặt chẽ với nông dân, nâng cao chất lượng hoa gắn với thương hiệu "Ðà Lạt-Kết tinh kỳ diệu từ đất lành".
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hoa của tỉnh đạt hơn 69,3 triệu USD, với một số thị trường chủ yếu như Nhật Bản, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Bỉ, Thái Lan, Hà Lan, Singapore, Nga… Tỷ lệ xuất khẩu chiếm 10-11% tổng sản lượng hoa hằng năm của tỉnh.
Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng cho biết, giai đoạn mới, với sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại và bền vững; là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp thông minh tầm quốc gia và quốc tế; đưa nông sản tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó, sản phẩm hoa Ðà Lạt là ngành hàng quan trọng, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Thời gian tới, tỉnh Lâm Ðồng xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa tại các vùng sản xuất chuyên canh hoa, trong đó có ít nhất hơn 30% diện tích canh tác hoa (tương đương 1.000 ha) ứng dụng công nghệ thông minh đồng bộ; số hóa nuôi cấy mô ngành hoa mang tầm khu vực, với hơn 120 triệu cây giống invitro/năm, trong đó hằng năm xuất khẩu khoảng 75 triệu cây giống. Ðến năm 2030, tỉnh xây dựng và phát triển ít nhất 30 chuỗi hoa, sản lượng tiêu thụ 2,2 tỷ cành, chiếm 50% tổng sản lượng hoa toàn tỉnh; trong đó xuất khẩu chiếm 20%, nâng tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 217 triệu USD.
Ðồng thời, tỉnh phát triển khoảng 20 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics gắn với số hóa trong quản lý kinh doanh nghề trồng hoa để nâng cao sức cạnh tranh, tính chuyên nghiệp, giảm giá phí các dịch vụ nhằm bảo đảm sức cạnh tranh trên thị trường cho ngành hoa. Ðến năm 2030, có hơn 95% sản lượng hoa được kết nối tiêu thụ thông qua các trung tâm logistics của tỉnh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để nghề trồng hoa Ðà Lạt-Lâm Ðồng phát triển bền vững, đạt giá trị cao, cần những yếu tố quan trọng, như nguồn giống bản quyền đạt tiêu chuẩn, vốn, thị trường, khoa học-công nghệ và nguồn nhân lực công nghệ cao. Theo Tiến sĩ Phạm S, Lâm Ðồng tiếp tục hợp tác và đặt hàng các trường đại học, viện nghiên cứu đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng hợp tác quốc tế; tiếp tục có cơ chế, chính sách nhằm tạo đột phá về nông nghiệp thông minh với lộ trình và nguồn lực hợp lý; thu hút doanh nghiệp FDI về lĩnh vực sản xuất hoa ứng dụng công nghệ thông minh để tiếp cận nhanh công nghệ hiện đại…
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024, Hội nghị “Liên kết, xúc tiến du lịch nông thôn và sản phẩm OCOP giữa Long An với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long” đã được tổ chức vào ngày 28/11 đến ngày 4/12, trên địa bàn tỉnh Long An.