Huyện Núi Thành sau 3 năm thực hiện Kết luận số 91 ngày 14/10/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đã có nhiều dấu ấn, nhất là phát triển nông nghiệp toàn diện, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nông nghiệp thông minh
Trên địa bàn Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã triển khai xây dựng các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu với hệ thống canh tác, sản xuất bền vững, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích cho từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi. Sản xuất nấm khép kín của HTX Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang (HTX Tam Quang) đã cho thấy hiệu quả thiết thực.
Năm 2018, anh Nguyễn Thanh Vũ thành lập HTX Tam Quang với khát vọng nâng tầm giá trị kinh tế cho sản phẩm nấm. Suốt hơn 6 năm nay, HTX Tam Quang luôn phát triển những ý tưởng sáng tạo để xây dựng sản phẩm, thương hiệu, thị trường. HTX đã liên kết 14 hộ, tạo nên hệ sinh thái đa dạng. HTX không ngừng hoàn thiện quy trình sản xuất, chế biến, phát triển bền vững, ổn định thu nhập cho các thành viên HTX và nông dân trên địa bàn với mức 6 - 8 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Thanh Vũ (bìa trái) khẳng định chất lượng của sản phẩm từ nấm. Ảnh: Q.VIỆT
Anh Vũ chia sẻ: “Mỗi năm, HTX cung ứng hàng trăm nghìn phôi trồng nấm cho các hộ liên kết, sản lượng nấm thu hoạch đạt 28 tấn. HTX đầu tư công nghệ hiện đại, ứng dụng quy trình sản xuất khép kín, từ thu mua nguyên vật liệu sản xuất giá thể, cấy phôi, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, đóng gói, bao bì, nhãn mác giúp các sản phẩm tạo được vị thế trên thị trường.
Tiêu biểu như nấm sò, nấm hương, nấm rơm, trà nấm linh chi túi lọc đóng hộp, nấm linh chi nguyên tai, nấm linh chi thái lát đóng gói hút chân không, rượu nấm linh chi, bột nấm linh chi. Sản phẩm trà linh chi được UBND tỉnh công nhận OCOP 4 sao được thị trường đón nhận”.
Ông Bùi Văn Gát - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, nhiều HTX trên địa bàn đã ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa để nâng cao năng suất, sản lượng hàng hóa.
Mô hình trồng rau thủy canh của HTX Nông nghiệp Dream Garden ứng dụng công nghệ cao kiểm soát hàm lượng dinh dưỡng của dung dịch thủy canh và nhu cầu dinh dưỡng cây trồng.
Mô hình nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm tự động của HTX Nông nghiệp Dược liệu Tam Anh Nam cũng đã tạo dấu ấn.
Trên lĩnh vực thủy sản, nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao cũng được ứng dụng tại các xã Tam Hải, Tam Hòa, Tam Giang. Huyện hỗ trợ giống cá nước ngọt cho bà con ở xã Tam Trà triển khai nuôi trong hồ chứa nước thủy lợi và các sông suối hiệu quả.
“Huyện sẽ linh hoạt sử dụng các nguồn vốn để triển khai nhân rộng mô hình này trên địa bàn huyện nhằm chuyển đổi cơ cấu canh tác, sản xuất hàng hóa cho nhân dân” - ông Gát nói.
Phát triển sâu rộng
Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, địa phương ưu tiên thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị. Huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, đất nông nghiệp không sản xuất nhiều năm sang trồng trọt, nuôi trồng thủy sản có giá trị.
Núi Thành hỗ trợ người dân sử dụng giống lúa kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng; ứng dụng công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị không người lái (drone).
Tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chế phẩm phục hồi độ phì đất, dinh dưỡng đất, chế phẩm bảo quản, chế biến, tái chế phụ phẩm trong sản xuất trồng trọt. Liên kết sản xuất giữa các HTX với các công ty, doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, Núi Thành tập trung giữ vững, ổn định diện tích rừng và độ che phủ rừng hằng năm đạt 46,6% trở lên. Huyện triển khai chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững hằng năm đạt kết quả tốt.
HTX Tam Quang cung ứng phôi để liên kết trồng nấm với người dân trên địa bàn. Ảnh: Q.VIỆT
Ông Ngô Đức An nói, công tác quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp được nhiều địa phương chú trọng để trồng rừng, tăng diện tích rừng trồng. Đó là cách để Núi Thành phát triển trồng rừng gỗ lớn phù hợp với đặc thù từng vùng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Núi Thành duy trì đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Ở các xã miền núi, người dân phát triển các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ đối với gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo nguồn sản phẩm thịt cung cấp cho thị trường huyện, các tỉnh lân cận.
Các HTX phát triển các chuỗi giá trị liên kết, ngành hàng như chuỗi doanh nghiệp - trại chăn nuôi - HTX - nông hộ để giảm chi phí, tăng giá trị gia tăng, phát triển chăn nuôi sinh thái, xanh, hữu cơ.
Ông Nguyễn Tri Ấn - Bí thư Huyện ủy Núi Thành cho biết, dấu ấn nổi bật của huyện trong thực hiện Kết luận số 91 của Tỉnh ủy là thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp. Huyện phát triển nông nghiệp tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học.
“Rất đáng mừng khi kinh tế nông thôn có bước phát triển lớn; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn được nâng lên; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh” - ông Ấn nói.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Vùng cao Văn Bàn (Lào Cai), nơi những mái nhà tạm bợ từng là vết tích của cuộc sống nghèo khó, giờ đây đang bừng lên sức sống mới. Với tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao, cả hệ thống chính trị, toàn quân dân đang chung sức, nỗ lực không ngừng nghỉ trong hành trình xóa bỏ những ngôi nhà tạm, dột nát, thay thế bằng những ngôi nhà vững chãi, kiên cố.
Sau 5 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã đạt những kết quả ban đầu rất quan trọng, tạo nên động lực mới trong trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng thành công Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Trong quá trình thực hiện, xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo để sản phẩm OCOP Quảng Ngãi vươn xa…