Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 15 tháng 4 năm 2024 | 16:3

Bảo đảm quy chuẩn cho sầu riêng Đắk Lắk rộng đường xuất khẩu

Năm 2023 được xem là mùa vụ mà người trồng sầu riêng ở Đắk Lắk "trúng đậm" do có mức giá bán cao từ 60 - 90 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển ổn định ngành hàng này đòi hỏi người nông dân, hợp tác xã... phải phát triển một cách bài bản, đáp ứng yêu cầu từ các nước nhập khẩu.

Diện tích trồng sầu riêng ở tỉnh Đắk Lắk đang có xu hướng gia tăng mạnh. Ảnh: Đăng Quang

Diện tích trồng sầu riêng tăng hơn 10.000 hecta

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 32.785 hecta sầu riêng, chiếm 50,27% diện tích cây ăn quả, tăng 10.326,4 hecta so với năm 2022.

Sản lượng sầu riêng ước đạt 281.350 tấn, tăng 93.364 tấn so với năm 2022. Với sự tăng trưởng trên, Đắk Lắk hiện có sản lượng sầu riêng đứng thứ 2 cả nước, chỉ xếp sau tỉnh Tiền Giang.

Những năm qua, giá sầu riêng tăng cao, mang lại nguồn lợi nhuận rất lớn cho người trồng. Trong đó, năm 2023 giá thu mua sầu riêng dao động từ 60.000 - 90.000 đồng/kg (cao nhất từ trước đến nay).

Theo tính toán của ngành chức năng, năm 2023, 1 hecta sầu riêng thu về tổng giá trị từ 1 - 1,2 tỉ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí thì lợi nhuận người trồng sầu riêng thu về khoảng 700 triệu đồng. Cũng nhờ cây sầu riêng nên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xuất hiện những “tỉ phú chân đất”.

Khi giá trị sầu riêng gia tăng, câu chuyện thu mua loại trái cây này đã xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp. Trong đó, tình trạng mạo danh, đánh cắp mã số vùng trồng; tranh mua, tranh bán, chốt giá bán sớm; các bên tham gia liên kết sẵn sàng bẻ cọc hợp đồng... Những sự việc này sẽ làm cho ngành hàng sầu riêng khó phát triển bền vững.

Cần sản xuất sầu riêng bảo đảm quy chuẩn xuất khẩu

Mới đây, Trung Quốc phát đi cảnh báo 30 lô hàng sầu riêng của Việt Nam bị nhiễm chất cadimi vượt ngưỡng cho phép. Liên quan đến sự việc này, ông Võ Thanh Toàn, đại diện Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sầu riêng Krông Năng (Đắk Lắk) cho hay, khi nghe tin này, Hợp tác xã đã chủ động liên hệ với các đơn vị thu mua để tìm hiểu nguyên nhân.

Được biết, Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát về kiểm định thực vật cũng như dư lượng kim loại nặng trong công hàng xuất khẩu. Do đó, Hợp tác xã đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ kiểm soát tốt nguy cơ dẫn đến các vi phạm về an toàn thực phẩm; nguồn nước, đất đai tại các vùng trồng; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của người dân xem có bị tồn dư vượt quá ngưỡng quy định không…

Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, đây là vấn đề rất đáng quan tâm. Hiện nay, phía nhập khẩu yêu cầu ngày càng cao hơn về chất lượng và tuân thủ quy định sản xuất, xuất khẩu sầu riêng.

Theo ông Dương, có những vấn đề không phải do lỗi cố ý, gian lận mà quá trình sản xuất, có thể phát sinh tăng hàm lượng một số chất mà nhà nhập khẩu cấm hoặc hạn chế.

Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật... sẽ phải nghiên cứu kỹ để đưa ra các khuyến cáo về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các chế phẩm khác cho người nông dân, hợp tác xã áp dụng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn, để phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng, cần tập trung sản xuất đạt tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt. Trong đó, người dân, hợp tác xã... tích cực xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát tốt đối tượng kiểm dịch thực vật.

Bên cạnh đó, người dân, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực bảo quản, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại bảo đảm đáp ứng quy định của nước nhập khẩu.

 

Theo laodong.vn
Ý kiến bạn đọc
Top