Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 22 tháng 4 năm 2024 | 19:54

Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Nhiều sản phẩm làng nghề của Hà Nội phát triển gắn với OCOP mang lại giá trị kinh tế cho người sản xuất.

Hà Nội: OCOP - Tạo sức bật cho xuất khẩu

Một trong những sản phẩm OCOP nổi tiếng là sản phẩm Chè kho Đại Đồng, huyện Thạch Thất đã được nhiều người biết đến và ngày càng nổi tiếng. Trong nỗ lực để phát triển nghề truyền thống của địa phương, ông Kiều Minh Trọng, Phụ trách kỹ thuật, Công ty TNHH Webest cho biết: Công ty đã đầu tư nhà xưởng, chú trọng bao bì, mẫu mã và xây dựng thương hiệu Chè kho Bằng An để mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Trong năm 2024, qua đánh giá của Hội đồng thẩm định xét công nhận danh hiệu "Làng nghề, Nghề truyền thống và Làng nghề truyền thống" năm 2023-2024, Hà Nội có 15 làng nghề được công nhận, trong đó có 4 làng nghề được công nhận danh hiệu " Làng nghề Hà Nội", 11 làng được công nhận danh hiệu " Làng nghề truyền thống Hà Nội" thuộc các quận, huyện gồm: Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thanh Trì, Hoàng Mai.

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết: Đợt này, huyện Phú Xuyên có 9 làng nghề được công nhận từ " Làng nghề" lên " Làng nghề truyền thống". Các làng nghề truyền thống này cũng đã thành lập được Hội làng nghề để hỗ trợ, liên kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển làng nghề truyền thống.

Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đánh giá: Cùng với việc công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống và chứng nhận sản phẩm OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đang nỗ lực hợp tác, xúc tiến thương mại tại thị trường quốc tế để đưa các sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao tiêu thụ tại các thị trường Tây Âu, Nhật Bản và các thị trường tiềm năng khác.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng luôn xác định phát triển ngành nghề nông thôn, thực hiện Chương trình OCOP là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa rất lớn. Việc phát triển ngành nghề nông thôn, sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời góp phần tiếp tục tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công, nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, đến nay, Hà Nội đã có 2.711 sản phẩm OCOP, trở thành điểm sáng và đi đầu cả nước trong thực hiện Chương trình OCOP. Đặc biệt, sản phẩm OCOP đã khẳng định vị trí tại thị trường trong nước, bước đầu vươn ra thế giới. Dù chưa có thống kê cụ thể nhưng thực tế, khá nhiều sản phẩm được đánh giá phân hạng OCOP 4-5 sao của thành phố như: Sản phẩm gốm sứ của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (huyện Gia Lâm); miến dong Minh Dương của Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương (huyện Hoài Đức); mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ), sản phẩm sữa của Công ty cổ phần Sữa nông trại Ba Vì... đã xuất khẩu đến hàng chục quốc gia.

Khẳng định sản phẩm OCOP của Việt Nam có lợi thế để cạnh tranh trên thị trường thế giới, Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí thông tin thêm: Tháng 12-2023, lần đầu tiên, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) tham gia gian hàng OCOP tại thành phố Milan (Italia). Sau sự kiện này, đối tác nước ngoài đã tìm đến Hà Nội để kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lụa Vạn Phúc.

Tuy đạt nhiều kết quả khả quan nhưng để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP của Hà Nội vẫn phải tiếp tục khắc phục hạn chế. Phó chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn nhận xét: “Qua đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, chúng tôi nhận thấy nhiều sản phẩm bao bì vẫn đơn giản; câu chuyện sản phẩm còn sơ sài, chưa gắn kết được lịch sử, văn hóa của địa phương; chủ thể OCOP chưa biết xúc tiến thương mại...”.

Tại hội nghị công bố quyết định và trao bằng công nhận danh hiệu làng nghề, chứng nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố năm 2023 do Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều chủ thể OCOP mong muốn được thành phố quan tâm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với sản phẩm OCOP để người tiêu dùng Thủ đô và cả nước biết đến. Từ đó, sản phẩm của địa phương có cơ hội tiếp tục mở rộng thị trường ra quốc tế.

Giới thiệu các sản phẩm OCOP của Hà Nội tại thành phố Milan (Italia), tháng 12-2023.

Còn Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Nguyễn Minh Tiến cho rằng, sản phẩm OCOP đã có chỗ đứng tại thị trường trong nước thì hoàn toàn có thể vươn tầm ra thế giới. Ông Nguyễn Minh Tiến gợi mở cho các chủ thể OCOP: "Vấn đề quan trọng là phải biết kể câu chuyện sản phẩm như thế nào, phải tạo sự khác biệt cho sản phẩm, phải hiểu được tâm lý, nhu cầu tiêu dùng của thế giới... từ đó, "sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có. Do vậy, rất cần sự tương tác giữa các làng nghề truyền thống, các chủ thể OCOP với thị trường thế giới để có ứng dụng phù hợp trong sản xuất".

Để hỗ trợ, năm 2024, Bộ Nông nghiệp và PTNT lựa chọn sản phẩm OCOP tiêu biểu để thúc đẩy xuất khẩu. Trong đó, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp phối hợp với các cơ quan, đơn vị tập huấn cho chủ thể OCOP về quản trị kinh doanh, thiết kế mẫu mã, bao bì, định vị thị trường, mở kênh bán hàng…

Giám đốc kinh doanh, phân phối Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Nguyễn Thế Anh thông tin, đơn vị đang quản lý sàn thương mại Buudien.vn (tên cũ là Postmart) - chuyên về sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Sàn giao dịch này đã đưa 7.157 sản phẩm OCOP của 63 tỉnh, thành phố lên sàn (đạt gần 70% tổng sản phẩm OCOP của cả nước). Hà Nội hiện có số lượng sản phẩm OCOP lớn nhất cả nước, nhiều sản phẩm OCOP là đặc sản, mang đậm văn hóa đặc trưng địa phương.

"Mới đây, chúng tôi đã ký hợp tác ghi nhớ với Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội về việc tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP qua sàn thương mại điện tử Buudien.vn… Chúng tôi cũng đang hợp tác, liên kết với một số sàn thương mại điện tử khác để đưa sản phẩm OCOP xuất khẩu", ông Nguyễn Thế Anh chia sẻ.

Theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí, để đưa nhiều sản phẩm OCOP của Hà Nội tiếp cận nhiều hơn thị trường quốc tế so với hiện nay, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các chủ thể OCOP hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng thiết kế mẫu mã; hỗ trợ các chủ thể nói riêng và làng nghề nói chung; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại... Từ đó, giúp sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ. Hà Nội mong muốn sản phẩm OCOP của thành phố không chỉ đại diện cho Thủ đô mà còn là sản phẩm tiên phong của Việt Nam khi “xuất ngoại”.

Thanh Hóa: Đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa đã biết phát huy lợi thế của kinh tế biển phát triển sản phẩm OCOP và đã có 2 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 1 sản phẩm 5 sao - sản phẩm 5 sao duy nhất Thanh Hóa đạt được sau 5 năm nỗ lực thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Các sản phẩm của Lê Gia trong chuỗi chu trình sản xuất khép kín nhưng lại tiếp cận rộng đến khách hàng.

Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia cho rằng: Trong Chương trình OCOP, Nhà nước đóng vai trò tạo ra “sân chơi" bằng cách ban hành các cơ chế, chính sách hợp lý để hỗ trợ phát triển còn chủ thể phải đóng vai trò chính trong sân chơi này.

Chủ thể phải tự quyết định lựa chọn và phát triển sản phẩm gì có lợi thế cạnh tranh và năng lực lõi của mình. Đồng thời phải làm sao để các sản phẩm đó có chất lượng tốt nhất theo đúng quy chuẩn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chất lượng sản phẩm chính là yếu tố quyết định sự thành công bền vững của sản phẩm và chương trình. Khi các nguồn lực chưa đủ thì cái duy nhất cần tập trung là tập trung để phát triển sản phẩm một cách tốt nhất. Có được sản phẩm tốt, phù hợp với phân khúc khách hàng là nền móng vững chắc để đi xa. Bên cạnh đó là phải thiết kế sản phẩm, dịch vụ theo tư duy thị trường. Vì thị trường là thước đo, mệnh lệnh điều khiển sản xuất. Tư duy thị trường quyết định tư duy sản xuất. Cũng cần lưu tâm, trong tư duy thị trường thì bản sắc, giá trị cốt lõi của sản phẩm là cái không thể xê dịch và chỉ có cải tiến để phù hợp.

Lấy ví dụ về kinh nghiệm xuất khẩu mắm tôm đi ra thế giới để minh chứng cho nhu cầu thị trường quyết định đến sản xuất. Không chỉ yêu cầu cụ thể về giá trị cảm quan, chỉ tiêu hóa lý, kích cỡ bao bì, mà cũng từ nguyên liệu ấy, thay đổi phương pháp sản xuất sẽ cho ra sản phẩm khác biệt, có thể được ưa chuộng với người dân quốc gia đó - không chỉ là cộng đồng người Việt. Như món mắm tép - ruốc ngâm - mắm tôm loãng cho người Hàn Quốc, Đài Loan...

Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến trải nghiệm khách hàng. Đối với Giám đốc Lê Ngọc Anh, sản phẩm có phần cứng (là các giá trị vật lý hữu hình) và phần mềm (giá trị tăng thêm, cảm xúc bao bì, thiết kế, tính thuận tiện). Mắm Lê Gia không chỉ là thành tố quan trọng gắn liền với cuộc sống của nhiều thành viên trong chuỗi sản xuất an toàn: Ngư dân, diêm dân, người lao động làm mắm. Hiện tại, công ty đã tạo việc làm cho gần 50 lao động địa phương (bao gồm cả lao động thời vụ) với chuỗi nguyên liệu hầu hết trong địa bàn tỉnh nhà mà trong quá trình hoạt động và phát triển, cá nhân và công ty luôn gắn mình với cộng đồng dân cư địa phương, từ các hoạt động truyền thông đến các hoạt động kết nối, thúc đẩy du lịch làng nghề và tôn vinh nghề truyền thống.

Trong quá trình phát triển, gắn mình với địa phương không chỉ là minh chứng cho tính cộng đồng địa phương của sản phẩm OCOP mà còn là những giá trị mềm cạnh tranh cho sản phẩm khi đi ra biển lớn. Mô hình du lịch trải nghiệm tham quan nhà thùng mắm truyền thống Lê Gia cho du khách du lịch hè biển Hải Tiến là một minh chứng cho sự thành công của công ty.

Thái Bình: Nâng tầm sản phẩm OCOP gắn với du lịch

Sản phẩm hồng xiêm Lô Giang sau khi được công nhận OCOP 3 sao được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ mở rộng hơn trước. Cấp ủy, chính quyền và các chủ vườn nơi đây đang tập trung phát triển các vườn hồng xiêm theo quy trình VietGAP gắn với phát triển du lịch nông thôn để nâng cao giá trị sản xuất của cây hồng xiêm, nâng cấp sản phẩm lên OCOP 4 sao.

Đoàn khách từ Hà Nội về thăm và chụp ảnh kỷ niệm với vườn hồng xiêm ở Lô Giang.

Từ vài cây hồng xiêm cổ trong vườn, bà Cao Thị Nhan, thôn Hoàng Nông, xã Lô Giang đã mạnh dạn chuyển đổi 8 sào ruộng cấy lúa kém hiệu quả của gia đình trồng trên 40 cây hồng xiêm nhót. Bà Nhan rất chú trọng khâu chăm sóc theo đúng hướng dẫn của HTX Hồng xiêm nhót Lô Giang để cây nào cũng sai quả, quả to, ngọt.

Bà Nhan cho biết: Thường thì thu xong quả tôi tiến hành cắt tỉa, bỏ cành khô, cành cỗi. Tháng giêng, tháng 2 có mưa xuân, mỗi gốc hồng tôi bón 2 - 3kg phân lân để bảo đảm lứa quả sau sai, to, chất lượng hơn, bán được giá hơn. Thổ nhưỡng ở đây thích hợp, vì vậy cây hồng xiêm phát triển nhanh, quả có ruột đỏ, ăn ngọt mát, vị thơm đặc trưng khác với các loại hồng khác.

Trước đây, ở Lô Giang mỗi nhà chỉ trồng vài cây nhưng khoảng 10 năm gần đây và đặc biệt là từ khi sản phẩm hồng xiêm đạt OCOP 3 sao, nhiều người biết đến, nhu cầu thưởng thức hồng xiêm tăng, nắm bắt cơ hội đó nhiều hộ chọn cây đầu dòng, chiết cành, cải tạo vườn nhà và chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả để trồng. Đến nay, cây hồng xiêm đã trở thành cây làm giàu của nhiều hộ dân nơi đây.

Bà Lương Thị Chiến, thôn Phú Nông chia sẻ: Từ khi HTX Hồng xiêm nhót Lô Giang liên kết với các đơn vị tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chiết cành, chăm sóc cây, thu hoạch quả... thì năng suất, chất lượng của hồng đều tăng, giá bán cao hơn, tiêu thụ tốt hơn. Thu nhập từ hồng xiêm gấp 10 lần cấy lúa. Gia đình tôi thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Vừa qua, được tham gia lớp tập huấn phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị và phát triển du lịch nông thôn, tôi thấy có rất nhiều kiến thức bổ ích, trong đó có cách xây dựng, cung ứng sản phẩm du lịch đặc thù địa phương. Tôi sẽ nghiên cứu, học hỏi phát triển vườn hồng xiêm để thu hút các đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm nhằm tăng thu nhập cho gia đình, qua đó quảng bá sản phẩm độc đáo của địa phương tới nhiều người hơn.

Xã Lô Giang hiện có trên 30ha trồng hồng xiêm. Hồng xiêm cho thu hoạch một vụ/năm nhưng ra hoa, quả nhiều lứa nên thời gian thu kéo dài từ 6 - 7 tháng. Là loại cây trồng một lần cho thu hoạch hàng chục năm. Trung bình mỗi sào hồng xiêm thu trên 1 tấn quả/năm, thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/năm.

Ông Vũ Việt Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã, Giám đốc HTX Hồng xiêm nhót Lô Giang cho biết: HTX đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các hộ thành viên và bà con trong xã về cách chăm bón, phát triển các vườn hồng xiêm theo quy trình VietGAP gắn với du lịch nông thôn để bảo đảm chất lượng tốt nhất; đóng gói, dán tem nhãn giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ, yên tâm sử dụng sản phẩm. Tổ chức quảng bá giới thiệu sản phẩm qua nhiều kênh, như hội nghị, tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại lễ hội, hội chợ... và trên các trang mạng xã hội.

Mô hình nâng cao giá trị sản xuất cây hồng xiêm để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch ở Lô Giang là một trong những mô hình phát triển kinh tế mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đông Hưng nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Đến nay, đã có nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm, khảo nghiệm tại các vườn hồng xiêm của Lô Giang.

Ông Vũ Việt Hùng chia sẻ thêm: HTX đang đề nghị cấp trên tiếp tục cho mở rộng diện tích theo quy hoạch 10ha hồng xiêm ở 2 thôn Hoàng Nông và Phú Nông; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn hướng dẫn bà con trồng mới theo quy hoạch ở gần đường giao thông để thuận lợi cho phát triển gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

Em Nguyễn Lan Hương, lớp 6A, Trường Tiểu học và THCS Lô Giang cho biết: Vừa qua, em và các bạn được cô giáo cho đi trải nghiệm tại một số vườn hồng xiêm của thôn Phú Nông, em rất thích. Em được chủ vườn hướng dẫn cách chiết cành, trồng, chăm sóc hồng xiêm, lựa quả già để hái, đặc biệt là được thưởng thức hồng xiêm chín cây rất ngon. Đây là những kiến thức bổ ích giúp em hoàn thiện bài tập giới thiệu về đặc sản hồng xiêm quê em tới bạn bè.

Quả hồng xiêm không chỉ là thứ quả cứu đói mà đã trở thành sản phẩm đặc thù địa phương, làm giàu của nhiều hộ trồng hồng ở Lô Giang. Hộ trồng ít thu 30 - 40 triệu đồng/năm, hộ trồng nhiều thu vài trăm triệu đồng/năm. Các hộ trồng hồng đang tiếp tục gìn giữ và nâng tầm sản phẩm OCOP hồng xiêm, hướng đến trở thành vùng du lịch sinh thái độc đáo của huyện Đông Hưng./.

 

 

Thanh Tâm (t/h theo hanoimoi.vn, vhds.baothanhhoa.vn, baothaibinh...)
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top