Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 10 tháng 3 năm 2024 | 10:22

Để ngành hàng hồ tiêu phát triển bền vững

Hồ tiêu được trồng chủ yếu ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, chiếm hơn 93,5% diện tích hồ tiêu cả nước, trong đó vùng Tây Nguyên chiếm 64%. Tuy nhiên, thời gian qua, do giá giảm mạnh và ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh nên diện tích loại cây trồng này đang có xu hướng giảm.

Đâu là giải pháp để hồ tiêu vượt qua khó khăn, khẳng định vị thế?

Diện tích, sản lượng ngày càng giảm

Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh của nhiều loại cây trồng khác có giá trị thương phẩm cao như cà phê, sầu riêng, diện tích và sản lượng hồ tiêu trong nước ngày càng giảm, từ hơn 130.000 ha (năm 2020) giảm còn 120.000 ha (năm 2023). Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của ngành hàng này.

Theo các chuyên gia, trong thời gian hồ tiêu có giá cao, người dân ồ ạt trồng, kể cả ở những vùng đất không phù hợp như: vùng trũng, thấp, mực nước ngầm cao. Trong khi đó, người trồng hồ tiêu lại áp dụng các biện pháp canh tác không hợp lý, dẫn đến sự xuất hiện thường xuyên của nhiều loại sâu bệnh hại, nhất là một số đối tượng đặc biệt nguy hại như bệnh chết nhanh, chết chậm... Bên cạnh đó, trong những năm giá tiêu xuống thấp, người dân không chú trọng đầu tư và áp dụng quy trình quản lý bệnh trong vườn cây cũng dẫn đến hiện tượng tiêu chết hàng loạt.

Phun thuốc phòng trừ sâu gây hại hồ tiêu.

Là tỉnh có diện tích hồ tiêu chiếm khoảng 40% và sản lượng chiếm 43,3% toàn vùng Tây Nguyên, từ năm 2018 đến nay, diện tích trồng hồ tiêu ở Đắk Lắk giảm hơn 5.000 ha. Ngoài nguyên nhân do giá thấp khiến người dân chặt bỏ để trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn hoặc xen canh trong vườn tiêu, còn do dịch bệnh khiến hơn 2.000 ha hồ tiêu bị chết do bệnh chết nhanh, chết chậm.

Các chuyên gia nông nghiệp cho biết, trên cây hồ tiêu tuy không có quá nhiều sâu bệnh gây hại, nhưng lại có một số bệnh hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng hồ tiêu, thậm chí gây chết cây như bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora, bệnh chết chậm do tuyến trùng, một số nấm bệnh trong đất và rệp sáp. Đây là những đối tượng dịch hại nguy hiểm nhất, thường xuyên đe dọa, gây thiệt hại lớn cho sản xuất hồ tiêu.

Tuy nhiên, điều đáng nói là, có nhiều loại sâu bệnh khác tuy không gây hại nặng nề nhưng nông dân vẫn phun thuốc phòng trừ. Việc chỉ tập trung phòng trừ sâu bệnh đã làm tăng chủng loại, lượng thuốc bảo vệ thực vật trên cây hồ tiêu và làm tăng nguy cơ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên hồ tiêu xuất khẩu. Điều này dẫn đến việc các nước nhập khẩu tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với hồ tiêu Việt Nam khiến cho xuất khẩu gặp khó khăn, giá hồ tiêu giảm mạnh.

Vượt qua khó khăn, khẳng định vị thế

Trong hơn một thập kỷ qua, ngành hồ tiêu Việt Nam đã trải qua giai đoạn thăng trầm khi có thời điểm giá bán đạt đỉnh gần 230.000 đồng/kg, có thời điểm giảm xuống còn 34.000 đồng/kg và hiện nay ở mức gần 100.000 đồng/kg. Tuy vậy,  nước ta hiện vẫn là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới.

Thu hoạch hồ tiêu.

Cụ thể, hồ tiêu Việt Nam đã được xuất khẩu đến 115 quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân chiếm trên 40% về sản lượng và trên 60% về thị phần xuất khẩu hồ tiêu của thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, ngành hồ tiêu vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đó là sự biến đổi khó lường của khí hậu và vấn đề sâu bệnh; quy định ngày càng nghiêm ngặt của các thị trường quan trọng cũng dẫn đến các rào cản thương mại… Do đó, để các sản phẩm hồ tiêu khẳng định vị thế trên thị trường thế giới một cách bền vững, ngành hồ tiêu cần tăng khả năng hợp chuẩn theo các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về các khía cạnh như dư lượng hóa chất, các tiêu chí sản xuất bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường.

Cán bộ ngành Nông nghiệp đến tận rẫy hồ tiêu trao đổi, chia sẻ kỹ thuật trồng, chăm sóc cho nông dân.

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, cho biết, để bảo đảm giá trị ngành hàng hồ tiêu và phát triển bền vững, luôn cần sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà xuất khẩu, nhà chế biến với người sản xuất. Đồng thời, phải đặt nông dân ở vị trí trung tâm và nông dân cần nâng cao kiến thức canh tác. Ngoài ra, cần sự hợp tác của doanh nghiệp trong ngành hồ tiêu, cụ thể là cần khuyến khích doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ hoặc liên kết với hợp tác xã, nông dân.

Tại Đắk Lắk, để ngành hồ tiêu phát triển bền vững, tỉnh này đã hình thành các vùng chuyên canh về hồ tiêu. Tiến bộ kỹ thuật đang được áp dụng, như: sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, sử dụng phân bón hợp lý…, từng bước đưa sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam” được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2023 do Tổ chức Sáng kiến  Thương mại bền vững (IDH), Hiệp hội Gia vị châu Âu và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đồng thực hiện tại ba tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai) cho khoảng 10.000 nông dân đã góp phần nâng cao năng lực trong chuỗi cung ứng hồ tiêu để đáp ứng các yêu cầu của thị trường châu Âu và Hoa Kỳ.

Dự án đã góp phần cải thiện đời sống của gần 8.000 hộ nông dân trồng hồ tiêu trên diện tích 8.500ha ở Tây Nguyên. Đồng thời giúp nông dân được phổ biến kiến thức và hướng dẫn áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý sức khỏe cây trồng, quản lý thảm phủ..., góp phần giảm vật tư đầu vào, qua đó giảm 10% phát thải carbon và giảm 17% lượng nước tưới, hướng đến canh tác và phát triển bền vững ngành hồ tiêu.

 

Dương Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top