Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 17 tháng 9 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 4 năm 2024 | 14:7

Đẩy mạnh xuất - nhập khẩu nông sản vùng trung du, miền núi phía Bắc

Hôm nay (12/4), “Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng trung du, miền núi phía Bắc” được Bộ Công Thương tổ chức tại tỉnh Lào Cai.

Hội nghị nhằm tập trung trao đổi và bàn thảo các giải pháp tăng cường các mặt mạnh, giảm thiểu các mặt yếu nội tại của vùng để góp phần đưa các hoạt động thương mại nội vùng, thương mại trong nước và xuất nhập khẩu của vùng khởi sắc mạnh mẽ hơn.

Trong 2 năm vừa qua, bức tranh xuất nhập khẩu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc khá rõ nét với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn vùng lần lượt đạt xấp xỉ 119,5 tỷ USD và trên 115,5 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Riêng kim ngạch xuất khẩu của vùng đạt xấp xỉ 67,4 tỷ USD năm 2022 và trên 64,8 tỷ USD năm 2023, tương đương 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Cơ cấu hàng xuất khẩu của vùng khá đa dạng, đóng góp vào nhiều nhóm hàng xuất khẩu tỷ đô của cả nước như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, một số mặt hàng nông sản... Lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản là thế mạnh của vùng cũng đang chuyển đổi dần theo hướng sản xuất hàng hoá, thâm canh, nâng cao năng suất và chất lượng.

Bàn các giải pháp đẩy mạnh XNK cho các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.

Tuy nhiên, Vùng Trung du và miền núi phía Bắc vẫn còn tồn tại một số hạn chế lớn, đó là quy mô kinh tế vùng tương đối nhỏ so với các vùng khác trong cả nước (xếp thứ 5/6 vùng về quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong năm 2020). Tăng trưởng kinh tế không đồng đều giữa các địa phương trong vùng dẫn đến chênh lệch phát triển nội vùng lớn. Lực lượng lao động chiếm số đông trong khu vực nông nghiệp với năng suất lao động còn thấp. Việc phát triển doanh nghiệp trong vùng gặp nhiều khó khăn, mật độ doanh nghiệp trên 1.000 dân hiện thấp nhất cả nước, chỉ bằng 1/3 mật độ doanh nghiệp bình quân cả nước khiến giảm tính năng động của nền kinh tế vùng.

Quy mô sản xuất nông, lâm, thuỷ sản của vùng còn nhỏ lẻ, khó hình thành các vùng sản xuất hàng hoá quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hoạt động hết công suất phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Lĩnh vực công nghiệp mới tập trung chủ yếu ở một số ít địa phương có thế mạnh như Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ với các ngành chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp điện tử, thông tin, cơ khí, chế biến nông sản, dệt may, da giày. Công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến nông, lâm sản tại hầu hết các địa phương trong vùng (trừ Bắc Giang, Thái Nguyên) còn tương đối khó khăn.

Tính liên kết nội vùng và liên vùng còn rất nhiều hạn chế do khoảng cách và thời gian di chuyển giữa các tỉnh trong vùng còn nhiều bất cập, khó có sự liên kết giữa các hoạt động kinh tế xã hội và chia sẻ các hạ tầng xã hội, dịch vụ công giữa các tỉnh trong vùng… Những hạn chế này đã tạo nên nhiều rào cản cho các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước và phát triển xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ của vùng ra thế giới.

Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của các tỉnh.

Theo ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu của vùng Trung du, miền núi phía Bắc cũng có nhiều cơ hội để tận dụng, các mặt hàng truyền thống và quan trọng của Việt Nam xuất sang khu vực Á - Phi tiếp tục được duy trì được tăng trưởng tốt.

Riêng quý I năm 2024, phương tiện vận tải và phụ tùng ước đạt 1,9 tỷ USD, tăng 8,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 31%; gỗ và sản phẩm từ gỗ ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 9%; hàng dệt may ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 7,9%; máy ảnh máy quay phim và linh kiện đạt 1,7 tỷ USD, tăng 90%; gạo ước đạt 01 tỷ USD, tăng 15,4%, hàng rau quả ước đạt 01 tỷ USD, tăng 36,3%; hạt điều đạt 276 triệu USD, tăng 31,3%; cà phê đạt 536 triệu USD, tăng 70,7%; hàng thủy sản ước đạt 1,2 tỷ USD, tăng 6,2%…  nhóm hàng nông thủy sản và chế biến chế tạo có sự tăng trưởng tốt (tăng trưởng lần lượt là 22,9% và 12,2%).

Trong khi  đó, Vùng Trung du và miền núi phía Bắc  nhiều mặt hàng thế mạnh có cơ hội duy trì và củng cố thị phần xuất khẩu tại khu vực châu Á - châu Phi như: Các loại cây ăn quả có nguồn gốc nhiệt đới (chuối, dứa, xoài, na…), cận nhiệt đới (cam, bưởi, hồng, nhãn, vải…) và một số loại cây ôn đới (lê, đào, mơ, mận…). Nhiều loại cây được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sang thị trường Úc, Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc như nhãn, vải, xoài, chanh leo, chuối, mận, bơ… Các mặt hàng này, thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả xuất khẩu tốt, được sự ưu chuộng của người tiêu dùng nước ngoài và hiện đang giữ thị phần lớn tại các thị trường khu vực châu Á – châu Phi.

Đặc biệt là, Bộ Công Thương đã và đang đẩy mạnh việc đàm phán và ký kết các FTA, cam kết cũng như liên kết thương mại với đối tác tiềm năng để đa dạng hóa sản phẩm lẫn thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết FTA để đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu.

Thêm vào đó, lạm phát đang dần có xu hướng hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn, hàng tồn kho có xu hướng giảm và nhu cầu nhập khẩu ở một số thị trường lớn cũng có xu hướng tăng lên. Do đó, triển vọng thị trường xuất khẩu hàng hóa năm 2024 sẽ được mở rộng; nhập khẩu được dự báo sẽ hồi phục và lấy lại đà tăng trưởng.

Hội nghị đã bàn đến nhiều giải pháp tuỳ theo thế mạnh cụ thể của các địa phương như: tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư vào KCN, CCN; triển khai các giải pháp nhằm xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, hiện đại hoá các hoạt động logistic hỗ trợ xuất khẩu, thúc đẩy giao thương biên giới; chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm gắn với đẩy mạnh công nghiệp chế biến, kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Đẩy mạnh các hoạt động XTTM, quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản, phát triển thương mại điện tử theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp giữa các cơ quan, tổ chức nhằm nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và hiệu quả của các chương trình xúc tiến thương mại, phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm; chuyển từ xuất khẩu biên mậu (xuất khảu tiểu ngạch) sang xuất khẩu theo hợp đồng (xuất khẩu chính ngạch).

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
Top